VĂN NGHỆ CUỐI TUẦN

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

06.28.2023 - By CRIPlay

Download our free app to listen on your phone

Download on the App StoreGet it on Google Play

Thời điểm bắt đầu cho mùa xuân là ngày Lập Xuân, "Lập" có nghĩa là bắt đầu, Lập Xuân năm nay nhằm vào ngày 4 tháng 2 Dương lịch. Theo quan niệm của người Trung Quốc, sau Tết Nguyên Tiêu - Rằm Tháng Giêng mới được coi đã qua Tết Xuân. Đất đai Trung Quốc rộng lớn, khí hậu của các vùng miền chênh lệch cũng lớn. Trong khi các vùng miền Nam Trung Quốc bắt đầu nhuộm sắc xuân, thì các khu vực phía Bắc vẫn còn tương đối giá lạnh, cây cối vẫn trơ trụi. Thế nhưng không một ai có thể ngăn cản được hơi hướng của mùa xuân đang đến, tuy mùa xuân mới chỉ bắt đầu không bao lâu, một số vùng miền các nơi miền Nam những hạt mưa xuân giăng giăng không còn nhỏ li ti mà có vẻ nặng hơn đang tưới nhuần đất đai, nhiệt độ ấm dần. Mùa xuân luôn được mọi người coi là mùa của yêu thương và đoàn tụ. Mùa xuân đến, hạt giống bắt đầu nảy mầm, chồi non bỗng thức giấc, nhiều loại hoa bắt đầu nở rộ hòa quyện vào gió xuân... khiến lòng người xao xuyến. Mùa xuân còn là mùa của thơ ca, mùa của tình yêu lứa đôi.

Trong chương trình văn nghệ cuối tuần đêm nay, Ngọc Ánh xin xoay quanh nội dung thơ văn ca khúc mùa xuân, để cùng các bạn cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân đang về với đất trời.

Nói đến thơ ca Trung Quốc thì không thể không đề cập đến thơ Đường, trong thơ Đường có nhiều bài thất ngôn tuyệt cú hay ngũ ngôn tuyệt cú đều miêu tả quang cảnh mùa xuân, miêu tả tâm tình của tác giả đối với gió xuân và mưa xuân.

Trước hết xin chia sẻ với các bạn bài thơ 《春夜喜雨》"Xuân dạ hỷ vũ" nổi tiếng của nhà thơ Đỗ Phủ, Xuân Dạ Hỷ Vũ có nghĩa là Mưa vui đêm xuân, được diễn cảm bằng tiếng Phổ Thông Trung Quốc:

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

春夜喜雨

(唐) 杜甫

  好雨知时节,当春乃发生。

  随风潜入夜,润物细无声。

  野径云俱黑,江船火独明。

  晓看红湿处,花重锦官城。

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

 

Xuân dạ hỉ vũ

Đỗ Phủ (Đường)

Dịch nghĩa

Mưa lành biết được tiết trời

Đang lúc xuân về mà phát sinh ra

Theo gió hây hẩy vào đêm tối

Tưới mát muôn vật mà không nghe tiếng

Đường quê đầy mây âm u

Thuyền trên sông chỉ thấy lửa sáng

Sớm mai trong vùng ẩm ướt đỏ thắm

Hoa nở đầy cả thành Cẩm Quan

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

Xuân dạ hỉ vũ

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Mưa kia thời tiết đã hay

Xuân về liền phát ra ngay lúc nào

Đương đêm theo gió lẩn vào

Đượm nhuần cây cỏ thào thào như không

Đường đồng mờ mịt mây lồng

Ngọn đèn lấp ló chiếc bồng trên sông

Sáng trông chỗ ướt màu hồng

Cẩm Quan thành nọ khắp cùng đầy hoa

Từ lâu Bài thơ "Xuân dạ hỷ vũ"đã được đưa vào sách Ngữ văn phổ thông cơ sở của học sinh Trung Quốc, và cũng bài đọc thuộc lòng bắt buộc của các em học sinh, bài thơ này thậm chí còn được cải biên thành ca khúc, được mọi người yêu thích. Sau đây mời quý vị và các bạn thưởng thức ca khúc "Xuân dạ hỉ vũ" do các em thiếu nhi Trung Quốc trình bày.

Cứ mỗi độ xuân về, Chương trình Văn nghệ cuối tuần của CRI do Ngọc Ánh thực hiện lại giới thiệu những bài thơ, bài văn, bài ca mang đề tài nắng ấm xuân về. Ngày thường Ngọc Ánh thích đọc tản văn của các nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, mà trong rừng tản văn bạt ngàn của Trung Quốc thì tản văn của nhà văn Chu Tự Thanh chiếm vị trí hết sức quan trọng, nhiều bài tản văn của ông đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn của các bậc học từ trung tiểu học, thậm chí cả đại học Trung Quốc. Trong cuốn tản văn "Những câu chuyện đi cùng năm tháng" do Ngọc Ánh chuyển ngữ và do Nhà xuất bản Văn học Việt Nam xuất bản, Ngọc Ánh đã chọn dịch 7 bài tản văn của nhà văn Chu Tự Thanh, trong đó có bài tản văn nhan đề "Xuân". Chỉ một chữ xuân cho tên gọi của bài viết, nhưng khung cảnh mùa xuân mà tác giả miêu tả lại muôn sắc màu, tươi đẹp nên thơ. Sau đây Ngọc Ánh xin giới thiệu với các bạn tản văn nhan đề "Xuân" của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Chu Tự Thanh.

Tác giả

Chu Tự Thanh

sinh năm 1891 mất năm 1948, là người Dương Châu tỉnh Giang Tô, ông từng làm Chủ nhiệm khoa Trung văn Trường Đại học Thanh Hoa, là nhân sĩ yêu nước nổi tiếng Trung Quốc. Những bài tản văn của ông có vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc, và được nhiều độc giả yêu thích cho đến nay. Ngọc Ánh đã từng giới thiệu các bài tản văn nổi tiếng như "Tấm lưng", "Trăng sáng đầm sen", "Màu xanh" , "Mùa đông" v,v... của ông qua Chương trình Văn nghệ Cuối tuần trước đây.

Xuân

Tác giả Chu Tự Thanh -Trung Quốc

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

Mong đợi mãi, mong đợi mãi, thế là gió đông thổi tới, bước chân của mùa Xuân đang đến gần.

Tất cả đều như vừa thức giấc, nhẹ nhàng mở to đôi mắt. Núi trông như sáng và nhuần hẳn ra, mực nước lên cao, đôi má của mặt trời trở nên ửng đỏ.

Cỏ non lén lút nhô ra khỏi mặt đất, nõn nà, xanh tươi. Trong vườn, ngoài đồng ruộng, trước mắt đâu đâu cũng cỏ là cỏ. Có người ngồi, người nằm, người lộn tùng phèo hai cái, có người đá bóng, có người chạy thi hoặc chơi trò ú tim. Làn gió thổi tới nhè nhẹ, lớp cỏ thật là mềm mại.

Cây đào, cây mơ, cây lê, không ai chịu nhường ai, tranh nhau vội vàng nở rộ hoa tươi. Có bông đỏ như lửa, có bông hồng như hoàng hôn, có bông trắng như tuyết. Trong hoa mang theo hương vị ngọt ngào; nhắm mắt lại, trong làng đã đầy hoa đào, hoa mơ, hoa lê. Dưới đám hoa là hàng trăm hàng ngàn con ong kêu vo vo, những cánh bướm to nhỏ bay đi lượn lại. Ngoài đồng đâu đâu cũng là hoa: hoa mọc loạn xạ, có loại hoa có tên, có loại hoa không tên, trông chúng như những đôi mắt, như những ngôi sao lấp lánh trong lùm cỏ.

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

"Gió thổi không lạnh cành dương liễu", thật vậy, gió như bàn tay của người mẹ vuốt ve bạn. Trong gió còn có hương vị của đất vừa được cày lật lên, chộn với mùi thơm của cỏ, còn có cả hương thơm của các loài hoa, tất cả hương thơm đều hòa quyện vào bầu không khí hơi có chút ẩm ướt. Tổ chim đặt trên những đám hoa ngọn cỏ, chúng vui ríu rít, líu lo gọi bầy để khoe cái tiếng hót trong trẻo của mình, chúng hót ca những bài ca uyển chuyển, hòa nhịp với làn gió cùng nước chảy suối reo. Cây sáo trên miệng của trẻ chăn trâu, lúc này cũng véo von cả ngày.

Mưa là chuyện rất thường tình, mỗi trận mưa thường phải hai ba ngày mới tạnh. Mà đừng phiền lòng, mưa rơi trông như những sợi lông trâu, như những chiếc kim thêu, như những sợi tơ mỏng, chúng giăng giăng rất là xít sao, trên mái nhà của ai nấy đều như được phủ một màn khói mỏng. Lá non xanh đến óng ánh. Cỏ non cũng xanh đến rợp cả mắt.

Hoàng hôn buông xuống, thắp đèn, những đốm đèn màu vàng, rọi cho màn đêm càng trở nên yên tĩnh và phẳng lặng. Trên đường làng thôn quê, bên chiếc cầu đá, có người mang ô dảo bước chầm chập; nhà nông đội nón khoác chiếc áo rơm đang bận rộn ngoài đồng. Những căn nhà của họ thưa thớt, lặng lẽ đứng trong mưa.

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

Những chiếc diều trên không trung đang nhiều lên, lũ trẻ nô đùa trên mặt đất cũng trở nên đông hơn. Trong thành phố hay dưới thôn trang, nhà nào nhà nấy, già trẻ gái trai, cứ như là vội đi vội đến, ai nấy đều ra ngoài trời. Vận động cho thư giãn xương cốt, cho sảng khoái tinh thần, rồi ai nấy đều bận với công việc của mình.

"Công việc của một năm bắt đầu vào mùa Xuân", vừa mới ngẩng đầu, có thời gian, và có hy vọng.

Mùa xuân như đứa trẻ vừa chào đời, từ đầu đến chân đều mới mẻ, nó sẽ trưởng thành dần dần.

Mùa Xuân như nàng thiếu nữ, yêu kiều duyên dáng, vừa mỉm cười vừa dảo bước.

Mùa xuân như chàng trai lực lưỡng, thân đồng da sắt, dẫn dắt chúng ta đi lên phía trước.

Theo đà quan hệ hai nước Trung-Việt ngày một gắn bó, hiện nay có rất nhiều bài hát truyền thống đi cùng năm tháng của Trung Quốc được dịch và trình bày bằng tiếng Việt, thường gọi là "Nhạc Hoa lời Việt". Đặc biệt là những bài hát ca ngợi mùa xuân quen thuộc đều được nhân dân hai nước Trung-Việt yêu thích, sau đây xin tặng các bạn bài hát nhạc Hoa lời Việt "Khúc hát mừng xuân" do giọng ca Việt Nam Lương Chí Cường trình bày bằng hai thứ tiếng Trung -Việt

Giai điệu nhạc Hoa cùng với lời Việt của ca khúc "Khúc hát mừng xuân" đã hòa nhập niềm vui và tình cảm của nhân dân hai nước Trung-Việt trước mùa xuân dạt dào sức sống đang đến với đất trời.

Từ xưa, nhân dân Việt Nam đã yêu thích sáng tác thơ ca và đã xuất hiện nhiều nhà thơ nổi tiếng. Trong Hộp thư Ngọc Ánh phát vào đúng Rằm Tháng Giêng vừa qua, Ngọc Ánh đã giới thiệu bài thơ "Rằm Tháng Giêng-Nguyên Tiêu" bằng chữ Hán nổi tiếng của nhà thơ Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

Năm 2003 Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị lấy ngày rằm tháng giêng là ngày 55 năm về trước nhà thơ Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ "Nguyên tiêu" làm Ngày thơ Việt Nam. Nguyên tiêu là bài thơ tiêu biểu mang phong cách thơ Hồ Chí Minh lấp lánh ánh thép và ngời sáng chất tình; hài hòa giữa tính thi sỹ và chiến sỹ.

Vào rằm tháng Giêng năm 2003 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức long trọng. Mở đầu bằng lễ kéo lá cờ Thơ, rồi ngâm đọc bài thơ "Nguyên Tiêu" của Hồ Chí Minh. Từ đó cứ mỗi độ đến Ngày Nhà thơ Việt Nam lại xuất hiện nhiều bài thơ hay của các nhà thơ chuyên nghiệp hoặc không chuyên của Việt Nam. Sau đây, Ngọc Ánh xin giới thiệu bài thơ "Xuân này em không về" của nhà thơ Nguyễn Ngọc Chiến ở tỉnh Quảng Trị. Nhà thơ từng đoạt khá nhiều giải thưởng trong nước. Năm 2015, nhà thơ Nguyễn Ngọc Chiến lại đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị với tác phẩm "Mảnh trăng bên cửa bể", từ Bắc Kinh xa xôi, Ngọc Ánh xin chân thành chúc mừng nhà thơ Nguyễn Ngọc Chiến, mong nhà thơ sẽ còn cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm hay nữa nhé.

XUÂN NÀY EM KHÔNG VỀ

Tác giả Nguyễn Ngọc Chiến

Gió xuân gieo mưa đượm nghĩa tình

Em ơi em, xuân đã về rồi đó

Nắng hây hây phơn phớt một màu hồng

Đã tắt hẳn rồi ngọn gió rét mùa đông

Cây cối lại cựa mình đơm hoa kết trái.

Xuân đẹp quá anh ngẩn ngơ ngắm mãi

Bỗng thấy nôn nao rạo rực trong lòng

Lại nhớ em bên ấy đang mùa đông

Tết đến xuân về xa quê hương xứ sở.

Dòng sông nào chẳng bên bồi bên lở

Trăng sáng mênh mông cũng có lúc trăng mờ

Tình yêu chúng mình đẹp những giấc mơ

Dù xa cách vẫn bốn mùa chín đỏ.

Em bên ấy đang giữa mùa lá đổ

Anh bên này không còn lá vàng rơi

Ta san sẻ cho nhau sưởi ấm cuộc đời

Cho tình yêu đôi ta thêm nồng nàn lửa cháy.

Mùa xuân này em vẫn không trở lại

Cái giếng làng mình côi cút bóng hình anh

Mặt nước mùa này thăm thẳm gương xanh

Chẳng có hai mái đầu bên nhau kề cận.

Em không về đêm tưởng dài vô tận

Trăng cũng buồn trăng ngủ trong mây

Gió thôi hát trên những vòm cây

Gốc đa đầu làng khom khom đứng đợi.

Đồng lúa quê hương xuân về thay áo mới

Vẫn nhớ dáng em tát nước hôm nào

E ấp nụ cười lấp lánh dưới chòm sao

Tiếng hát bồng bềnh bay bay trong gió…

Xuân này em không về anh gửi em nỗi nhớ!

More episodes from VĂN NGHỆ CUỐI TUẦN