Khi nói đến sự tổn thương, chúng ta nói đến sự đã rồi, một vết thương đã có sẵn ở đó và đang sưng tấy. Và tổn thương là nỗi đau khi chúng ta mất đi điều gì đó thuộc về mình, điều mà mình tin rằng mình có (cái tôi).
Nhưng tính dễ tổn thương nói đến một hoàn cảnh, tình huống dễ dẫn bạn đến với sự tổn thương. Một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát, bấp bênh mà bạn không chắc nó có theo ý mình hay không. Ví dụ như: xin tăng lương, đề xuất một bản kế hoạch... mà không chắc được sếp duyệt. Nói ra nỗi lòng của mình với người mình yêu (cha mẹ chúng ta chẳng hạn) mà không chắc là người ấy có thể thấu hiểu, chấp nhận...nhỡ người ấy sẽ phản ứng và gạt nó đi thì sao?
Trong cuốn sách "Sự Liều Lĩnh Vĩ Đại" của Brené Brown. Bà nói rằng, sự tổn thương là điều cần thiết để xây dựng những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa. Nhưng chấp nhận tính dễ tổn thương không phải bạn chia sẻ hết nỗi lòng mình lên Facebook rồi ngóng chờ từng chiếc like, lôi chuyện gia đình lên để tìm kiếm sự công nhận.
Tính dễ tổn thương là chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của bạn với những người xứng đáng được lắng nghe. Tổn thương và mở lòng là mối quan hệ hai chiều.
Trong tiến trình gắn bó và xây dựng mối quan hệ với người khác. Luôn cần thiết sự chân thành và mở lòng của cả hai , sự cởi mở ấy như bạn lột dần từng lớp hành của mình và cho đối phương nhìn thấy. Giống như quá trình bóc củ hành, mỗi lần lột là một lần cay mắt, tính dễ tổn thương ở đó. Nhưng tiến trình ấy diễn ra hết sức từ tốn, chúng ta cần đi qua từng lớp hành một, để đối phương và bạn có thể đủ thời gian mà cảm nhận và thấu hiểu nó.