Share Cuộc đời là phần thưởng
Share to email
Share to Facebook
Share to X
By Trong Suốt
The podcast currently has 67 episodes available.
CHÚ Ý KHI TẬP “AI ĐANG LÀM?”
Con muốn ra được đại quyết định “Ai đang làm” thì cách duy nhất là phá, không phải là xây. Con muốn ra được đại quyết định “Ai đang làm" thì cách duy nhất là phá cái tôi, phá đến khi nào thấy chắc chắn là không thể nào là tôi làm được, chứ không phải là mình xây suy nghĩ “Biết đang làm”. Xây suy nghĩ “Biết đang làm” để hy vọng đè được suy nghĩ “tôi đang làm” thì không đè nổi đâu, đè thế nào được khi suy nghĩ “tôi đang làm” xuất hiện từng giây, từng phút một. Khi con ngồi không thế này, một cách vô thức suy nghĩ vẫn bảo “Tôi đang làm” thì làm sao mà đè được suy nghĩ “Biết đang làm”?
Cách duy nhất là mình phát triển loại trí tuệ thấy rõ là không hề có tôi nào thì mới ra đại quyết định đấy được. Nên không thể hy vọng là cứ nhắc “Biết đang làm” thì sẽ ra được đại quyết định. Không! Đấy không phải con đường để ra được đại quyết định “Ai đang làm”. Con đường để ra được đại quyết định “Ai đang làm” đến từ việc mình phá được ảo giác rằng tôi là cái thân thể này đang làm, thấy rõ được rằng trên đời không hề có một cái tôi nào hết. Khi mình nhận thức được như vậy thì mình mới dẫn đến đại quyết định đấy được.
Khi mình thấy không có tôi rồi thì mình thấy ngay là Biết đang biểu diễn mọi thứ một cách tự nhiên. Chứ mình không thể dùng suy nghĩ “Biết đang làm” để đè vào suy nghĩ “Tôi đang làm” được. Khi hỏi “Ai đang làm” mà mình nghĩ trong đầu là “Ồ, Biết đang làm chứ ai” thì sẽ không tiến bộ chút nào thậm chí sau này sẽ còn thụt lùi. Con nhớ là khi hỏi “Ai đang làm” không phải là để đè suy nghĩ “Biết đang làm” vào mà hỏi “Ai đang làm” để nhớ ra rằng sự thật không hề có tôi nào hết! Vậy mọi hành động này ở đây, không thể nào do một người đang làm được. Không thể do một người, không thể do những người khác đang làm được, khi đó thì chỉ còn cái Biết và mọi thứ đang biểu diễn bên trong thôi - thì đấy mới là đại quyết định là “Ai đang làm”.
“Bắn thẳng ra từ Biết
Không từ một cái tôi”
Trong câu này thì vế quan trọng nhất là “không từ một cái tôi” - đấy mới là gốc. Hỏi “Ai đang làm” không phải để trả lời “Biết đang làm” xong rồi thôi, đấy là hoàn toàn sai. Hỏi “Ai đang làm” để tiêu diệt người hành động chứ không phải khẳng định có cái Biết đang làm rồi đè suy nghĩ “Biết đang làm” thay vào. Khi có đại quyết định rồi thì hỏi “Ai đang làm” bản chất là để nhớ ra thôi. Mục tiêu của khi hỏi “Ai đang làm” là để nhớ ra, khi con đã có đại quyết định rồi thì con dùng cái đấy để nhớ ra.
- Trong Suốt -
Trích buổi giảng "2023.07.28 Tôi là ai chỉ là một cấu trúc suy nghĩ (Sau xem phim Thanh tra sát nhân, HN)"
Giọng. đọc: MInh Phương
RỜI NGỌN TRỞ VỀ GỐC - CÁCH TRỊ BỆNH XƯA NAY
Nếu con không bao giờ nhận ra mình là ai thì con cứ là người này, người này thì khổ không thoát được, khổ của sinh-lão-bệnh-tử và tất cả các loại khổ sở có thể đổ lên thân tâm này bất kỳ lúc nào. Muốn chữa bệnh khổ của chính mình thì chỉ có cách rời ngọn trở về gốc. Thiền chính là rời ngọn, ngọn là người này, gốc là cái Biết - là cái toả chiếu ra thân tâm này. Nên thực hành chính của các con là rời ngọn trở về gốc.
Nhân vật tuy đau đớn
Màn hình vẫn chẳng sao
Có một thứ bất hoại
Ngay giữa mọi khổ đau
Cảnh chiếu thường hay bệnh
Nguồn chiếu bệnh chẳng hay
Rời ngọn trở về gốc
Cách chữa bệnh xưa nay
Thiền chính là cách chữa bệnh xưa nay. Nhận ra là mình không phải là người này, người này chỉ là cái ngọn thôi, thân tâm này chỉ là cái ngọn thôi thì quay về gốc là cái Biết. Nên con cần có vài câu hỏi để rời ngọn trở về gốc. Khi mình buồn, mình khổ thì có thể hỏi: “Khổ này xảy ra với ai?” hoặc “Cái khổ này đến từ đâu?”. Khi mình đang lo thì hỏi: “Cái lo này xảy ra với ai? hoặc “Nguồn gốc cơn lo này đến từ đâu?”, “Cái gì chiếu ra cái lo này?” hoặc “Cái gì đang Biết?, là những câu hỏi mang tính rời ngọn trở về gốc - cách chữa bệnh xưa nay.
Con đau khổ vì nghĩ chuyện gì đó thì con cần tìm nguồn gốc của đau khổ, nguồn chiếu cái khổ đấy ra - là cái Biết này - đấy là rời ngọn trở về gốc.
Con tức một ai đó - đấy là ngọn, còn nguồn của cái tức đấy là cái Biết. Đó chính là rời ngọn trở về gốc, cách chữa bệnh xưa nay.
Nên các con tăng thiền lên, nếu con không muốn chết một cách hối tiếc, hối tiếc đã đến bữa tiệc của nhà vua rất ngon lành nhưng chẳng mang được gì về hết. Còn khi con ăn một cái gì đó, chính là tận hưởng bữa tiệc. Thiền chính là cách con tận hưởng bữa tiệc.
Con đã được giới thiệu vào Biết là gì - là tình yêu vô điều kiện, là cái chiến thắng mọi khổ đau… rồi mà con lại không hòa nhập được vào Biết thì đúng là đến bữa tiệc của nhả vua mà không ăn được gì. Ngược lại nếu con thiền, dần dần con sẽ hòa nhập được vào cái Biết, vì thế con phải tranh thủ trong cuộc sống. Các khoảng thiền ngắn khoảng ba phút rất nhiều, con nên tìm cách thực hành trong khoảng trống như thế.
Trích buổi giảng “Cái gì có thể làm lý trí hòa hợp với cảm xúc” (Sau xem phim Xứ sở các nguyên tố, HN 30.06.2023)
Giọng đọc: MInh Phương.
Tự tin vào tự giải phóng
Một bạn hỏi Thầy Trong Suốt: Con của con đang yên đang lành tự nhiên bỏ nhà đi. Làm thế nào để đối diện được với chuyện đấy?
Thầy Trong Suốt trả lời: Con hãy cảm nhận cái Biết luôn luôn ở đây. Con thấy rõ các ấn tượng giác quan và đặc biệt là các suy nghĩ hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết. Tại sao con lại kinh nghiệm được cái Biết? Vì nó vốn như thế sẵn rồi, trong kinh nghiệm của con, con thấy rõ một không gian của Biết nơi mọi thứ hiện ra rồi tan biến.
Khi nghe câu chuyện con bỏ nhà đi, con thấy một đống các suy nghĩ và cảm xúc buồn bã lo lắng hiện ra. Cái suy nghĩ sẽ nói: “Thôi chết rồi. Kinh khủng quá. Ghê gớm quá. Khủng khiếp quá. Ôi tương lai biết thế nào? Biết tìm con ở đâu”. Hại hay không không phải là do cái đống suy nghĩ đấy hiện ra mà do con có tin vào đống suy nghĩ đấy không. Nếu con thấy chuyện đó có thật thì con sẽ chạy theo suy nghĩ đấy và con sẽ có một thực tại lo lắng buồn bã thất vọng…
Nhưng nếu con thấy chính cái đống suy nghĩ đấy hiện ra rồi tan biến vào trong Biết, để lại một cái Biết chẳng sao hết thì những cái lo lắng sợ hãi đấy vẫn hiện ra nhưng nó không thể làm gì được con nữa. Nó hiện ra giống như một cơn bão ở trong bầu trời mà thôi. Xong rồi cơn bão sẽ biến mất. Một lúc sau một cơn bão mới hiện ra nhưng bầu trời không suy suyển gì hết. Con bắt đầu thấy rằng nó vô hại.
Khi con cảm nhận Biết luôn ở đây bằng kinh nghiệm thì con sẽ có một sự tĩnh lặng bình an rất lớn vì con thấy rõ rằng những cái bi kịch hay biến cố nó chỉ là đống suy nghĩ bùng lên rồi tan mất trong Biết. Thậm chí cũng không cần nó phải tan vì khi con kinh nghiệm đủ số lần, con hiểu rằng bão chẳng có nghĩa gì vì bầu trời chẳng bị sao hết. Con thấy rằng chẳng có vấn đề gì đâu và sẵn sàng cho suy nghĩ cảm xúc lo lắng sợ hãi xảy ra vì bản chất của nó là vô hại.
Để chuẩn bị và đối diện được, con cần qua hai giai đoạn. Một là con cần thấy không gian của Biết luôn ở đây và nó không thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cái gì trên đời cả. Hai là tự giải phóng, con thấy tất cả mọi thứ nó tự giải phóng ở trong cái không gian đấy. Tự giải phóng nghĩa là gì? Là nó biến mất không để lại dấu vết gì, hoặc là nó ở đấy nhưng hoàn toàn vô hại. Con kinh nghiệm được cái tự giải phóng này thì dù chuyện có xảy ra như thế nào đi chăng nữa thì nó cũng chỉ là nội dung của Biết thôi, nó không thực sự có thật và gây hại cho cuộc đời của con được.
- Trích bài “2023.06.03 Giới thiệu vào Biết tháng 6.2023 (HN)”
Giọng đọc: MInh Phương
THỰC RA LÀ GÌ?
Một cách thực hành trong cuộc sống là con có thể hỏi câu hỏi: “Thực ra là gì?”. Câu đấy rất có sức mạnh vì “cái có vẻ là” đang lừa con, nhưng câu hỏi “thực ra là gì” sẽ tước đi sức mạnh của cái “có vẻ là”.
Ví dụ như hôm nay, con xem phim mà hồi hộp, căng thẳng thì nhớ hỏi “Thực ra là gì?”. Khi thấy chỉ là phim thôi thì có phải tước đi sức mạnh của bộ phim không? Bộ phim vẫn hiện ra nhưng không còn sức mạnh. Cuộc sống này cũng thế thôi, khi hỏi: “Thực ra là gì?” mà con nhớ ra “thực ra là gì”, nhớ và cảm giác được tất cả chỉ là Biết và trong đấy tỏa chiếu ra các ấn tượng giác quan và suy nghĩ thì nó tước đi sức mạnh của cái “có vẻ là”.
“Cái thực ra là” thì đơn giản và không có vấn đề gì hết nhưng trong thế giới của suy nghĩ thì có rất nhiều chuyện kinh khủng. Khi mình thấy rõ tính “thực ra là gì” thì cái “có vẻ là” mất đi các tự tính: tính kinh khủng, tính nguy hiểm… tính gì đấy mất hết, chỉ còn mỗi “thực ra là” thôi.
Con hỏi “Cái gì đang Biết?” cũng rất tốt, nhắc mình về không gian của Biết. Tiến lên một bước nữa con hỏi “Thực ra là gì?” thì bao gồm cả cái Biết đang ở đấy, đồng thời bao gồm cả sự biểu diễn vô hại này, đúng không? Biểu diễn rất vô hại trong khi suy nghĩ thì nghĩ rất nhiều chuyện tệ hại.
Nếu ai bị trầm cảm thì môn này rất hợp. Trầm cảm vì sống trong suy nghĩ, sống trong cái “có vẻ là” quá mạnh. Khi nhớ “thực ra là” thì sẽ bật ra khỏi các loại cơn. Cái Thầy nói không chỉ dành cho người trầm cảm mà cho tất cả các cơn ấy, bất kỳ cơn gì: cơn trầm cảm, cơn lo lắng, cơn giận dữ… Chỉ cần nhớ “thực ra là gì” thôi là bật ra.
Nhưng vì con không biết “thực ra là gì” hoặc là quên mất “thực ra là gì”, con chìm vào những cơn như thế - gọi là dòng thác của suy nghĩ và bị nó dẫn đi rất xa.
Khi không biết “thực ra là gì”, con bị chìm vào cái “có vẻ là gì” thì rất khổ. Nên sau khi đã làm quen với không gian của Biết rồi, con hỏi “Thực ra là gì?”, con thấy là đúng rồi, chỉ trong Biết và các ấn tượng giác quan và suy nghĩ hiện ra. Chuyện mình bảo là đang có thật này, tôi và thế giới này, chỉ có trong nội dung của suy nghĩ thôi. Lúc đấy con hiểu bản chất của thế giới, con nhìn thẳng vào “cái thực ra là” thì sẽ tước đi toàn bộ sức mạnh của cái “có vẻ là”, tước đi toàn bộ tự tính của “cái có vẻ là.”
- Trong Suốt
Trích bài 2023.05.05 Thực hành trong cuộc sống bằng câu hỏi Thực ra là gì (Sau xem phim Lật mặt 6, HN)
Giọng đọc: Minh Phương
ĐỪNG LO LẮNG, TẤT CẢ CHỈ LÀ SỰ HOÀN HẢO ĐANG DẦN HÉ LỘ
Những cảnh kinh khủng nhất thực ra là chỉ sự hoàn hảo đang dần hé lộ. Nhiều khi hoàn hảo hé lộ với con không phải theo cách thông thường hiện ra cảnh đẹp đẽ đâu mà có thể là những điều rất kinh khủng xảy đến với đời con, đấy là cách mà sự hoàn hảo hé lộ. Các con có đủ kinh nghiệm sống sẽ thấy điều đấy.
Lão Tử có câu nói: “Những khởi đầu tốt đẹp thường được ngụy trang dưới một kết cục bi thảm”. Nhiều khi sự hoàn hảo đến với đời con có khởi đầu trông rất tệ, đấy là điểm sự hoàn hảo đang bắt đầu hé lộ. Con cứ sống đi, con sẽ thấy là sự hoàn hảo hé lộ theo kiểu đấy, nó không hé lộ kiểu bình thường mà nó cho con một khởi đầu trông rất kinh khủng nhưng cuối cùng về sau con nhận ra là sự hoàn hảo hé lộ ra. Ví dụ như thỉnh thoảng con đọc trong sách có những người trầm cảm cực độ rồi giác ngộ đấy!
Đời con kiểu gì cũng có lúc đấy, khi nghĩ lại con thấy hóa ra chẳng bi thảm gì hết, nó là một khởi đầu may mắn tốt đẹp nhưng lúc ở trong đấy thì rất kinh khủng.
Còn ở góc độ của Biết thì không thể không hoàn hảo được. Biết biểu diễn mà, chất liệu của nó là Biết. Giống mặt gương thì không thể không hoàn hảo được. Nên cuộc đời con chuyện gì cũng hoàn hảo hết, chuyện gì cũng là hoàn hảo đang dần hé lộ. Không phải là chuyện có happy ending thì mới là hoàn hảo mà bất kỳ chuyện gì cũng hoàn hảo bởi vì bản chất của nó là Biết, Biết biểu diễn thì vô cùng sáng tạo, lấp lánh. Hiểu điều đấy con sẽ thấy đúng là hoàn hảo đang dần hé lộ thật. Nghĩa là câu này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nên đây là một câu con nên thuộc lòng: “Đừng lo lắng, tất cả chỉ là sự hoàn hảo đang dần hé lộ.” Khi gặp chuyện gì đó con nhắc câu này ngay. Nhắc thành thói quen rồi thì khi những chuyện kinh khủng đến con sẽ nhận ra ngay từ lúc nó mới đến. Khi con nhớ được điều này, dù con không biết nó là cái gì nhưng chắc chắn đấy là sự hoàn hảo đang hé lộ, đấy là tiến trình hé lộ dần của sự hoàn hảo.
-Trong Suốt -
Trích buổi giảng 2023.06.30 Cái gì có thể làm lý trí hòa hợp với cảm xúc (Sau xem phim Xứ sở các nguyên tố, HN)
Giọng đọc: Minh Phương
TÌM HẠNH PHÚC NHƯ THẾ NÀO?
Một bạn hỏi:
Thưa Thầy con nhận thấy trong một thời gian rất dài là con buồn, buồn lâu ơi là lâu và rất mong được hạnh phúc vui vẻ trở lại. Cũng có nhiều lúc con tự bảo mình là “Ừ, buồn thì cứ buồn, chẳng sao cả.”. Nhưng điều lạ là con thấy thế giới này đủ đẹp rồi mà tại sao mình lại không cảm thấy hạnh phúc? Con không biết tìm hạnh phúc như thế nào.
Thầy Trong Suốt:
Chính việc ham muốn hạnh phúc làm con mất hạnh phúc, chính việc tìm kiếm hạnh phúc làm con xa rời hạnh phúc. Tại vì sao? Vì con đang tìm một nội dung của Biết.
Hạnh phúc có điều kiện là gì? Là những suy nghĩ tốt đẹp thì hạnh phúc, những suy nghĩ khổ sở thì bất hạnh. Mình hiểu là mình rất mong được hạnh phúc, vui vẻ nhưng đồng thời mình thấy dù có được thì nó cũng sẽ mất. Như con có thể cười vui vẻ từ giờ tới sáng mai nhưng một lúc sau lại buồn như cũ. Mình thích hạnh phúc đấy không sao nhưng muốn nắm chặt lấy nó chắc chắn là khổ. Mình không thể tìm hạnh phúc dài lâu trong nội dung của Biết được. Hãy để cái hạnh phúc đấy đến thì đến, đi thì đi, ở lại bao lâu cũng được, mà trở nên tồi tệ cũng được bởi vì nó không phải do mình quyết định, nó chỉ là nội dung của Biết thôi.
Hạnh phúc vô điều kiện là gì? Chính là cái Biết này. Tại sao Biết lại là hạnh phúc vô điều kiện? Tại vì không có gì ảnh hưởng được nó hết, từ đấy nó sẽ sinh ra các loại hạnh phúc khác nhau của đời người. Hãy cảm nhận nguồn hạnh phúc chân thật đó. Nếu con cảm nhận được cái Biết thì con bắt đầu hướng về nguồn hạnh phúc, mình không tìm cái ngọn mà mình tìm cái gốc. Ngọn của hạnh phúc chính là những cái con đang nói như cảm giác vui vẻ, thoải mái nhưng nguồn hạnh phúc chính là cái Biết này.
Vì sao hạnh phúc vô điều kiện xảy ra được? Vì khi con cảm nhận được cái Biết, con bắt đầu thấy có một sự bình an vô điều kiện, con cho phép mọi loại suy nghĩ đến rồi đi dù là tích cực hay tiêu cực. Lúc đó con không cần các loại suy nghĩ tích cực để hạnh phúc nữa. Con cho phép cả tích cực lẫn tiêu cực xảy ra và vẫn có sự an lạc vô điều kiện đấy. Khi khổ đau hay hạnh phúc, hãy cảm nhận không gian nơi khổ đau và hạnh phúc xảy ra để thấy rằng không gian đấy vẫn an lạc vô điều kiện. Đấy là cách để tìm đến hạnh phúc chân thật!
- Trích bài “2023.06.03 Giới thiệu vào Biết tháng 6.2023 (HN)”
Giọng đọc: Minh Phương
BIẾT SUY NGHĨ LÀ CÓ KHOẢNG CÁCH VỚI SUY NGHĨ
Thầy Trong Suốt: Khi con biết suy nghĩ thì con sẽ có khoảng cách với suy nghĩ. Nếu con chìm vào suy nghĩ, làm sao con biết nổi suy nghĩ? Như vậy, biết suy nghĩ chính là cách để con có khoảng cách với suy nghĩ. Khi có khoảng cách thì con có quyền lựa chọn chạy theo suy nghĩ hoặc không. Còn đã không biết thì đương nhiên là con chạy theo suy nghĩ rồi. Con chẳng có lựa chọn gì, con cứ thế mà bị suy nghĩ cuốn đi!
Giống như trước mặt con là một chiếc thuyền đang trôi về thác, con mặc định nhảy lên. Nếu con nhảy lên là chết, nhưng nếu có người vỗ vai bảo con hãy nhìn kỹ xem thuyền này đi về đâu thì con mới có khoảng cách với thuyền để nhìn và thấy rằng mình còn may vì chưa bước chân lên.
Trầm cảm cũng vậy, khi trầm cảm con có rất nhiều cảm xúc. Cảm xúc giống như là những chiếc thuyền đang trôi. Biết cảm xúc có nghĩa là giữa con và cảm xúc có khoảng cách. Nếu con không biết thì theo thói quen con nhảy ngay lên thuyền, xong con lao xuống vực và chết. Còn nếu con biết nó chứng tỏ con đang có khoảng cách với nó, con có quyền chọn lên hay không lên thuyền.
Cả đời con cứ nhắm mắt đưa chân theo bản năng thôi thúc, con chẳng biết nên hay không nên mà vẫn cứ làm, đúng không? Nên là có khoảng cách với suy nghĩ là bước đầu tiên của sáng suốt. Khoảng cách chưa chắc dẫn đến sáng suốt nhưng chắc chắn không có khoảng cách thì không thể sáng suốt được. Biết là có khoảng cách, khi con nhìn thấy suy nghĩ lao vèo vèo, con có khoảng cách với nó thì con bắt đầu có lựa chọn chạy theo hay không, còn lựa chọn gì thì còn do trí tuệ quyết định.
- Trong Suốt -
(Trích buổi nói chuyện lớp Trầm cảm ngày 11.09.2019)
Giọng đọc: Xuân Hoà
Hỏi: Làm thế nào để khi cuồng phong của sợ hãi nổ ra mà mình lại không làm theo nó ạ?
Thầy Trong Suốt: Mình phải thấy được một thứ là không gian chứa nỗi sợ đấy, nó không bị ảnh hưởng gì hết dù cơn sợ có phần phật chạy. Dù gió bão của sợ hãi quay vòng thì không gian nơi sợ hãi xảy ra ấy không sao cả. Nếu mình nương tựa vào đấy, mình giữ chặt lấy cái đấy thì mình sẽ vượt qua được cơn cuồng phong của sợ hãi.
Trầm cảm cũng thế thôi, trầm cảm cũng chỉ là cơn thôi. Không ai trầm cảm từ sáng đến đêm được! Nhưng khi nó đến, nó là một loại cơn rất kinh khủng. Mình thừa nhận nó xảy ra nhưng mình không làm theo nó. Sau nhiều lần như vậy mình mới thấy rằng thực ra nó vô hại. Ồ, hóa ra cơn sợ hãi hay cơn trầm cảm là hoàn toàn vô hại, nó chỉ là thứ hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết, được Biết biểu diễn ra chứ không phải do mình biểu diễn ra.
Không phải mình biểu diễn ra, không phải mình làm ra cơn trầm cảm hay cơn sợ mà Biết tạo ra cơn sợ, và Biết cũng làm cơn sợ biến mất! Đấy là cách mà mình vượt ra khỏi nỗi sợ. Khi đấy, cơn sợ hãi càng ngày càng không còn sức mạnh nữa, mình không còn sợ cả nỗi sợ luôn.
Trích bài: 2023.05.26 Cho phép nỗi sợ xảy ra (Sau xem phim Fast & Furious X, HN)
Giọng đọc: Xuân Hoà
TRONG BIỂN SUY NGHĨ, SÓNG CHỐNG LẠI MỚI GÂY ĐAU KHỔ
Con có một biển suy nghĩ nhưng không phải suy nghĩ nào cũng gây cho con khổ, mà suy nghĩ chống lại thì mới là suy nghĩ dẫn đến khổ. Đang ngồi thế này mà lại muốn phải về nhà, thế là mình đang chống lại rồi. Con không nhìn thấy suy nghĩ chống lại việc đang ngồi đây, khổ ngay vì có được về đâu, đúng chưa? Nên các con khổ, trong dòng suy nghĩ, biển suy nghĩ thì không phải sóng nào cũng gây khổ mà sóng phải chống lại cái gì đó thì gây khổ cho con.
Thế thì chánh kiến về nhân quả làm con thấy rằng không thể chống lại thực tại, thực tại cứ diễn ra theo kiểu của nó. Vì thế khổ biến mất khi con có loại chánh kiến này. Chánh kiến đấy dẫn đến một trạng thái gọi là vô ngã, trong trạng thái đấy, con không có vai trò gì cả, con không làm được gì hết, nhân quả làm tất, con biến mất khỏi câu chuyện một cách trọn vẹn. Con biến mất hoàn toàn khỏi bức tranh, bức tranh này không có con. Bức tranh này nhân quả làm hết từ chuyện này sang chuyện khác, con không có vai trò gì ở đây cả.
Nếu con đau thì cũng không phải do con, không có con chịu cái đau đấy mà nhân quả làm cái đau hiện ra. Nếu con buồn thì cũng không phải có con chịu cái buồn đấy, mà nhân quả làm cái buồn đấy hiện ra. Nếu một suy nghĩ hiện ra thì cũng không phải do con nghĩ ra mà là nhân quả làm suy nghĩ hiện ra.
Nên chánh kiến về nhân quả là đủ để các con đào sâu vào và thoát khỏi đau khổ. Vì dần dần nó dẫn đến trạng thái không chống lại thực tại nữa. Nhân quả quyết định tất, vì thế các con chỉ cần tập thật sâu sắc về nhân quả thôi.
Trong đống khổ của con thì chỉ có suy nghĩ chống lại thực tại mới gây khổ. Nhớ là khổ do chống lại thứ gì đấy, chứ không phải khổ là do việc đấy. Lạnh không gây khổ, lạnh chỉ gây lạnh thôi. Nhưng mà trời ơi, lạnh quá chịu không nổi rồi, mình phải chống lại nó thì gây khổ.
(Trong Suốt)
- Trích buổi nói chuyện: [Buổi 7] 2020.12.21 Vòng xoáy trầm cảm và cách tập biết (HN)
Giọng đọc: MInh Phương
CÓ BIẾT RÕ NÓ HAY KHÔNG?
Khi phiền não xảy ra thì các con hay có thói quen sử dụng phương pháp nào đó để diệt trừ phiền não. Tuy nhiên, cách này có nhược điểm ở chỗ là củng cố hai niềm tin rằng bản thân phiền não là có thật, và có cái tôi đang bị ảnh hưởng. Vì thế, mong muốn tập các phương pháp khi có cảm xúc tiêu cực không hẳn giúp con phát sinh trí tuệ mà ẩn dưới đó là khao khát cái tôi được sướng vì cái tôi đang quá khổ sở bởi phiền não. Ngoài ra, con có thể mắc bẫy cái tôi tâm linh khi cho rằng con có rất nhiều phương pháp để tiêu diệt phiền não và đạt được kết quả là tâm an lạc do thực hành giỏi.
Vì vậy, Thầy sẽ dạy con một bước đệm trước khi con tập các phương pháp khác – đó là cho phép phiền não xảy ra trong không gian của Biết – tức là khi cơn giận xảy ra thì con không tiêu diệt nó ngay mà con cho phép nó xảy ra và con nhận diện cơn giận một cách rõ ràng. Khi nhìn rõ cơn giận thì con sẽ có khoảng cách với nó thay vì bị cuốn vào trong nó, và một cách tự nhiên con sẽ bình tĩnh sáng suốt trở lại. Khi đó, con có thể tập tiếp phương pháp nào cũng được để hiểu về sự thật chứ không phải để tiêu diệt thực tại hay tiêu diệt cái tôi tâm linh.
Bản thân việc nhận diện cơn giận một cách rõ ràng và thấy chúng tự sinh diệt trong không gian của Biết cũng là một loại trí tuệ rồi. Pháp này gọi là pháp bổ trợ hoặc bước đệm trước khi kết hợp với các phương pháp thực hành khác. Khi tập đủ lâu thì con sẽ thoát khỏi trầm cảm, hưng cảm, và các loại bệnh tâm thần khác ở trên đời vì con có sự bình an và sáng suốt.
- Trong Suốt -
Trích buổi nói chuyện “Có biết rõ nó hay không?” ngày 30/1/2020
Giọng đọc: Minh Phương.
The podcast currently has 67 episodes available.