Như một câu hỏi muôn thuở của các triết gia “tại sao chúng ta tồn tại?”, hay câu hỏi của các nhà khoa học “chúng ta đến từ đâu?”, những nhà thơ, nhà văn không ngừng đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “tình yêu là gì?”. Xuân Diệu đã từng nói yêu là chết trong lòng một ít, để rồi cũng phải lắc đầu “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!".
Thế mà, Trần Dần, trong bài thơ “Tình yêu”, lại định nghĩa được tình yêu, và định nghĩa theo một cách rất lạ, rất trần trụi và gai góc, rất điên dại chứ không phải màu hồng. Để hiểu bài thơ này, có lẽ cũng phải hiểu cuộc đời của Trần Dần. Ông sinh năm 1926, mất năm 1997 tại Nam Định. Trần Dần tham gia kháng chiến chống Pháp từ sớm, vào Đảng Cộng Sản năm 49, rồi cùng các bạn hữu lập ra nhóm văn nghệ quân đội đầu tiên - Nhóm Sông Đà. Ngay từ trẻ, trong thơ và cả con người ông đã luôn tôn vinh việc cách tân. Ông làm và viết những gì người khác không dám làm, không dám viết. Ở cuốn Sổ bụi 1988, ông có viết: “Tôi thích viết cái chưa biết, mặc các ông viết cái đã biết. 90 có hoàn thành không? có thành công không để mà đốt đi? Tôi đã đốt tôi đi không phải chỉ đôi lần… cái chưa biết - cái khó - thậm chí cái bất khả thu hút và đắm đuối tôi”. Khi chiến tranh với Pháp thắng lợi, Trần Dần xin ra khỏi Đảng, ông tham gia Phong trào Nhân văn - Giai phẩm, lên tiếng đòi tự do, thường xuyên xuất bản các tác phẩm mang tính cách tân, phê phán, thậm chí đã từng bị bắt giam vì phản đối cải cách ruộng đất. Nhưng ông không ngừng viết, cũng không phàn nàn. Cuộc đời ông là một chuyến hành trình rực rỡ của việc truy cầu cái mới, và dù bao chông gai, dù những hậu quả dai dẳng theo ông đến cuối đời, Trần Dần không lúc nào mất niềm tin vào công cuộc của bản thân, vào những tác phẩm đáng tự hào của mình.Trần Dần được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, 10 năm sau ngày ông mất, và những tác phẩm của ông lần nữa được xuất bản trên mảnh đất ông từng chiến đấu trong thời thanh xuân để giành lấy độc lập tự do.