Truyện kể về những tên làng, tên đất, tên sông vùng cuối sông Thu Bồn đất Quảng. Chợ đầu mối Bàn Thạch, bến sông Bàn Thạch là nơi giao thương hàng hóa vùng đồng bằng, biển và rừng. Lại cũng là đầu mối nguồn hàng từ ghe bầu tận Bình Thuận ra. Rồi những bạn ghe bầu giỏi hát bội. Những đoàn cải lương, thời trước chiến tranh vào đoạn ác liệt…Bà Hợi- vốn là cô gái nhan sắc vùng đất này, bỏ nhà theo một kép hát cải lương, có bầu rồi sinh con trong nỗi ê chề, đơn độc, suýt sản hậu, sinh tật nói lịu. làm nghề gánh bán muối dạo mưu sinh. Nhân vật của hơn nửa thế kỷ trước, qua chiến tranh, ly loạn, qua bao vật đổi sao dời, vừa thực vừa lẩn khuất vào dân gian, những nhớ quên, hồi ức, những chuyện kể, câu hát, ca dao… Bà Hợi bán muối dạo nói lịu và những người cùng thời. Họ hiện lên đứt nối qua hồi ức, qua kiểu điền dã sưu tầm dấu xưa một vùng đất. Người xưa đâu? Người của cái chợ quê, với kiểu hàng hóa thời giao thương, sản xuất, đơn giản năm, bảy chục năm trước ấy đâu rồi? Một câu hỏi như thâm trầm vọng trong tâm thức nhà văn và bạn đọc. Không phải tiếc nuối, việc hồi cố về cảnh sống, sinh hoạt, về hình bóng người “muôn năm cũ” như một lưu giữ cần thiết của ký ức, nó như cái mạch ngầm nuôi dưỡng hồn người. Truyện ngắn “Truyền thuyết về người đàn bà bán muối dạo” của nhà văn Lê Trâm nhẹ nhàng, thú vị khơi gợi trong chúng ta một dấu xưa, một bóng hình đã qua, đã xa trong hoài niệm; một không gian khác, đời sống khác không bao giờ mất đi trong mỗi con người.