Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng.
... moreShare Tạp chí đặc biệt
Share to email
Share to Facebook
Share to X
Một khảo sát năm 2023 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 51% cử tri người Mỹ gốc Việt đã đăng ký có xu hướng nghiêng về đảng Cộng Hòa, trong khi 42% nghiêng về đảng Dân Chủ. Người Mỹ gốc Việt là nhóm cử tri duy nhất của Người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương (AAPI) nghiêng về đảng Cộng Hòa. Họ cũng tích cực tham gia chính trị: 91% cử tri người Mỹ gốc Việt dự kiến đi bỏ phiếu trong năm nay, theo Khảo sát cử tri AAPI năm 2024.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày mai, 05/11/2024, cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói chung cũng vẫn thiên về đảng Cộng Hòa hơn là Dân Chủ, cho nên số người ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đông đảo hơn số người sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris. Tuy nhiên, thế hệ trẻ, những người sinh trưởng ở Mỹ thì đa số ủng hộ Dân Chủ.
Để biết thêm về lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay, xin mời quý vị nghe tường trình của thông tín viên Hoàng Trọng Thụy từ Orange County, bang California.
RFI: Xin chào anh Hoàng Trọng Thụy. Trước hết xin anh cho biết là trước cuộc bầu cử năm nay, tranh cãi giữa phe chống và phe ủng hộ Trump có gay gắt như cách đây 4 năm khi ông Trump thất cử?
Hoàng Trọng Thụy: Thực ra chuyện tranh cãi giữa phe chống và ủng hộ Trump đã khởi sự từ 2016 kể từ thời điểm ông Trump chính thức được đại hội đảng Cộng Hòa đề cử để giành Tòa Bạch Ốc với bà Hillary Clinton, lúc đó là ngoại trưởng Hoa Kỳ. Đến khi ông Biden chính thức ra tranh cử và được đại hội đảng Dân Chủ đề bạt năm 2020, thì cuộc tranh luận giữa hai phe tiếp tục diễn ra, bao gồm dư luận cử tri Mỹ gốc Việt, mặc dù không gay gắt như thời kỳ 2016.
Riêng trong năm nay, cử tri Mỹ tiếp tục bị phân hóa. Khi tôi dùng chữ cử tri Mỹ thì cũng bao gồm luôn cử tri Mỹ gốc Việt. Đã có biểu tình giữa hai phe ủng hộ Dân Chủ và Cộng Hòa trên đường Bolsa, ngay trong lòng cộng đồng người Việt tại Quận Cam, mặc dù họ biểu tình để ủng hộ ứng viên Mỹ gốc Việt và một ứng viên Mỹ gốc Hàn, nhưng cũng đồng thời là hai phe đại diện cho thành phần ủng hộ và chống ông Trump.
Có một điểm nổi bật trong cuộc bầu cử năm nay là Kamala Harris lên thay thế ông Biden. Bà là người phụ nữ gốc da màu. Riêng trong cộng đồng người Việt, văn hóa trọng nam khinh nữ còn tồn đọng, thể hiện rõ nét qua những tuyên bố của những người ủng hộ đảng Cộng Hòa nói chung và phe ủng hộ ông Trump nói riêng. Tôi có nói chuyện với những người nhận họ là cử tri ghi danh đảng Cộng Hòa, họ nói họ không phải là người của MAGA ( Make America Great Again - khẩu hiệu của ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump ), không bỏ phiếu cho ông Trump, nhưng họ không chấp nhận tổng thống là phụ nữ và người gốc da màu, nói thẳng với những chữ kỳ thị như gốc da đen. Họ nhắc lại việc bỏ phiếu cho bà Harris cũng không khác gì lá phiếu bỏ cho ông Obama.
RFI: Nhìn chung thì số người ủng hộ Trump trong cộng đồng người Việt vẫn đông đảo hay không ? Vì sao những người đó vẫn theo Trump, tuy rằng ông đã có nhiều tai tiếng, thậm chí cách đây gần 4 năm đã kích động những người ủng hộ ông tấn công vào Đồi Capitol, tức là vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ?
Hoàng Trọng Thụy: Điều này dễ hiểu, một khi đã mê ai rồi thì khó mà giảm bớt sự mê mệt, nhất là nhiều người tôn thờ ông Trump, chưa kể là những người Việt ủng hộ ông Trump vẫn còn cay cú sau sự thất cử của ông năm 2020. Một số người không chấp nhận kết quả bầu cử năm 2020, giờ đây họ càng ủng hộ ông Trump hơn để lấy lại vị thế từng bị mất.
Có thể nói, chưa khi nào cộng đồng người Việt lại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho một ứng viên Đảng Cộng Hòa như vậy, không chỉ ở quận Cam, California, mà tại hầu hết các tiểu bang có đông cộng đồng người Việt cư ngụ. Tôi đi nhiều tiểu bang, hầu hết đều gặp những cử tri ghi danh theo Đảng Cộng Hòa, và đa số đều bỏ phiếu cho ông Trump. Họ cho biết tin tưởng ông Trump là người chống Trung Cộng thực sự, là người thực sự đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại và là người thực sự chống chủ nghĩa xã hội và là người chống di dân bất hợp pháp. Còn phía Dân Chủ thì bị xem chỉ là thành phần ủng hộ xã hội chủ nghĩa, ủng hộ phá thai, ủng hộ di dân bất hợp pháp… v.v... Sự ủng hộ Trump được thể hiện ngay cả trong thành phần người Việt hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách xã hội mà Đảng Dân Chủ đã thông qua, từ bảo hiểm Obama cho đến các phúc lợi xã hội.
RFI: Cuộc bầu cử năm nay không chỉ bầu tân tổng thống mà nhiều nơi cử tri còn bỏ phiếu bầu dân biểu Hạ Viện và Thượng Viện. Cuộc bầu cử Quốc Hội này cũng quan trọng không kém bầu cử tổng thống. Hiện nay, ngày càng nhiều người Việt tham gia tranh cử, tham gia các hoạt động chính trị và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ Mỹ. Cộng đồng người Việt năm nay có một số người ra tranh cử vào Quốc Hội liên bang. Trong cuộc đua này, phe Dân Chủ và phe Cộng Hòa lôi kéo cử tri người Việt như thế nào ?
Hoàng Trọng Thụy: Lá phiếu của người Việt sống tại các tiểu bang thực sự không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống, lý do là họ đều sống ở những tiểu bang một là đa số theo Dân Chủ, thí dụ như California, hoặc đa số theo Cộng Hòa, như Texas, hoặc Virginia hoặc Florida. Tại California năm nay có cuộc đua ghế dân biểu liên bang được xem là quan trọng nhất xưa nay trong địa hạt số 45, lại là nơi tập trung người Việt đông đảo nhất, giữa hai ứng viên Derek Trần, đại diện đảng Dân Chủ và đương kim dân biểu liên bang, bà Michelle Steel, đảng Cộng Hòa.
Riêng ông Derek Trần đã mời được cựu tổng thống Bill Clinton ghé thăm cộng đồng và kêu gọi cộng đồng người Việt bỏ phiếu cho ông. Bà Michelle Steel lại không thấy có nhân vật nổi tiếng nào của đảng Cộng Hòa ghé thăm ủng hộ. Bà đang gặp phải khó khăn liên quan đến một vụ biển thủ công quỹ và hối lộ của cựu giám sát viên Andrew Đỗ, người của đảng Cộng Hòa. Bà là người bạn và cũng là người từng giữ ghế giám sát viên quận Cam chung với ông Andrew Đỗ. Cử tri Việt Nam theo đảng Cộng Hòa hiện đang đứng ở ngã ba đường, vì không biết có nên bỏ phiếu cho người Việt Derek Trần, bỏ qua yếu tố đảng phái, hay vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho bà Michelle Steel, nhưng lại có mối liên hệ trong quá khứ với người của đảng Cộng Hòa đang hầu tòa về tội hối lộ.
Còn tại tiểu bang Virginia, cũng có một ứng viên gốc Việt là ông Hùng Cao, đại diện Đảng Cộng Hòa để giành ghế thượng nghị sĩ tiểu bang. Nếu thắng cử, ông sẽ trở thành nhân vật gốc Việt cao cấp nhất tại Quốc Hội Hoa Kỳ trong lịch sử. Đích thân ông Trump đã ghé thăm cộng đồng người Việt ở Virginia để kêu gọi ủng hộ ông Hùng Cao. Cộng đồng người Việt tại đây đa số cũng đang ủng hộ ông.
RFI: Hoa Kỳ là nơi có cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo nhất. Thế hệ ban đầu là những người sang Mỹ tị nạn sau năm 1975. Tiếp đến là những đợt định cư khác. Tính từ thời điểm 1975 thì đến nay đã gần 50 năm rồi. Ngoài những thế hệ đầu tiên, còn có thế trẻ sinh trưởng bên Mỹ. Có sự khác biệt nào giữa lá phiếu của thế hệ trẻ đó và thế hệ bố mẹ di tản từ Việt Nam ?
Hoàng Trọng Thụy: Có một điểm chung trong cộng đồng người Việt tại Mỹ khi nói đến vấn đề bầu cử: người Việt tị nạn Cộng Sản từ năm 1975 và theo sau là các cuộc di dân theo diện HO ( Humanitarian Operation - chương trình định cư dành cho các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng bị đi học tập cải tạo ) hay những người từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đa số ủng hộ đảng Cộng Hòa, vì thế các vị trí dân cử theo đảng Cộng Hòa, từ California cho đến Texas, Virginia, khi ra tranh cử đối đầu với người của đảng Dân Chủ thì họ đều thắng, đa số với số phiếu bầu áp đảo từ cộng đồng Người Việt.
Riêng cuộc bầu cử năm nay tại địa hạt 45 mà tôi có nhắc đến khi nãy sẽ là một thử thách lớn cho ứng viên Dân Chủ Derek Trần. Ông năm nay 43 tuổi và là con của một gia đình người Việt tị nạn. Tương tự như nhiều người trẻ sinh trưởng ở Mỹ, Derek Trần có đầu óc phóng khoáng và tự do hơn và vì thế theo lập trường của đảng Dân Chủ. Đây cũng là khuynh hướng đã hiện hữu từ thập niên qua, nhất là từ lúc kỹ nghệ Internet phát triển và ngày càng làm thay đổi quan điểm và lá phiếu của những người trẻ.
Gần đây nhất có thể nói đến là thế hệ Swifty, đến từ số khán giả trẻ tuổi ái mộ nữ danh ca Taylor Swift. Cô luôn ủng hộ các ứng viên tổng thống Dân Chủ. Tôi có hỏi một số thành phần trẻ gốc Việt, họ nói tiếng Việt không sành, nhưng đa số đều ủng hộ đảng Dân Chủ, một số cũng không đồng quan điểm của bố mẹ họ, những người di tản từ Việt Nam theo diện tị nạn hay HO
Khẩu hiệu vận động tranh cử « Make America Great Again » - « Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại », đã đồng hành cùng Donald Trump từ 8 năm qua. Nếu như khẩu hiệu này đã trở thành một phần không thể tách rời hoạt động chính trị của nhà tỷ phú Mỹ, thì chính Ronald Reagan là người sử dụng câu « thần chú » này lần đầu tiên vào năm 1980. Dấu hiệu này cho thấy, nỗi tiếc nuối một thời huy hoàng của nước Mỹ đã có từ 40 năm trước.
Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1980, Ronald Reagan đã dùng đến một khẩu hiệu tương tự « Let’s make America Great again ». Động từ « Make » ở đây nên diễn giải theo nghĩa nào : « Chúng ta hãy làm » hay là « Hãy trả lại » cho nước Mỹ sự vĩ đại, vẫn còn là điều tranh cãi, theo chuyên gia về nước Mỹ, nhà báo Alexandre Mendel trên tạp chí Conflit.
Ba mươi năm huy hoàngMột điều chắc chắn là, ngay từ thời điểm đó, nước Mỹ đã tiếc nuối một thời hoàng kim. Nhưng thời nào mới được ? Hoa Kỳ đã trải qua nhiều giai đoạn huy hoàng trong lịch sử kể từ đầu kỷ nguyên công nghiệp nhưng không một thời kỳ nào để lại dấu ấn có thể sánh bằng thời kỳ hậu chiến tranh thế giới.
Nỗi hoài niệm này phảng phất trong nhiều ca khúc Mỹ nổi tiếng. Bruce Springsteen trong album bán chạy nhất « Born in the USA » phát hành năm 1984, đã quay trở về với Những ngày huy hoàng « Glory Days » thời thơ ấu. Đối với The Boss, biệt danh của Bruce Springsteen, sinh năm 1949, không lâu sau khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, đó cũng là « Những ngày hạnh phúc – Happy Days » (1974 -1984) như tựa đề một bộ phim truyền hình nhiều tập cùng thời kỳ, nhớ về Ba mươi năm huy hoàng của nước Mỹ.
Đây là quãng thời gian kinh tế Mỹ sau chiến tranh đã đạt đến đỉnh cao nhờ động lực của nền công nghiệp quân sự, cũng như là thế mạnh thương mại và khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp Mỹ. Hàng hóa sản xuất tại Mỹ như quần jean, kẹo cao su, nước uống Coca-cola, bắt đầu chinh phục thế giới.
Trả lời trang Conflit (ngày 08/02/2020), nhà báo song tịch Pháp – Mỹ, Gérald Olivier, từng khẳng định khẩu hiệu « Make America Great Again » của Donald Trump chẳng khác gì một nỗi hoài niệm sâu sắc về một nước Mỹ thịnh vượng và hùng cường đã qua.
« Donald Trump sinh năm 1946, bước sang tuổi 20 vào năm 1966 và do vậy, đã trải qua tuổi thanh xuân trong một thời kỳ mà nước Mỹ rất thịnh vượng. Đó là thời đại của Elvis Presley, thời kỳ dòng nhạc rock’n’roll, đánh dấu sự giải phóng của tuổi trẻ sôi nổi, tràn đầy năng lượng, những người mong muốn và có thể tận hưởng cuộc sống.
Vào thời kỳ đó, bạn vào đại học năm 18 tuổi, ra trường lúc 22 tuổi, rồi một công ty thuê bạn mà không cần gởi sơ yếu lý lịch, bạn có được một mức lương cho phép mua được một căn nhà sau 6 tháng. Chẳng phải lo lắng cho tương lai bởi vì tiền bạc không phải là một vấn đề. Vào cuối những năm 1960, chúng ta bước vào giai đoạn dư thừa sản xuất và khủng hoảng văn hóa.
Donald Trump đã chứng kiến tầm ảnh hưởng và sự phong phú của nước Mỹ, và Hoa Kỳ từng là một quốc gia có khả năng áp đặt luật lệ của mình. Hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, ở đó, các cường quốc thuộc địa cũ là Pháp và Anh đã có ý định chiếm giữ kênh đào Suez. Nhưng tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã chấm dứt điều đó. »
« The day the music died »Bài hát Old Time Of Rock’n’Roll của Bob Seger năm 1978 có lẽ đã phảng phất chút nuối tiếc về một thời kỳ huy hoàng đó, chí ít là trong âm nhạc. Trong ca từ, Bob Seger cho rằng âm nhạc thời đó đã đánh mất linh hồn so với nền âm nhạc của những người tiên phong trong những năm 1950, 1960.
Tuy nhiên, biểu tượng thật sự cho sự thay đổi thời đại là bi kịch tai nạn máy bay, cướp đi sinh mạng của ca sĩ Buddy Holly tháng 2/1959 sau một buổi trình diễn tại Clear Lake, bang Iowa. Đối với Don McLean, cái chết của một trong số những thần tượng âm nhạc của ông lúc thuở niên thiếu chẳng khác gì « The day the music died », tạm dịch là « Ngày mà âm nhạc đã chết ».
« The day the music died », câu hát nổi tiếng này nằm trong ca khúc American Pie, một kiệt tác âm nhạc của Don McLean năm 1971 có thể được xem như là một bức tranh âm nhạc về một nước Mỹ não nùng, một hồi ký về một giấc mơ tan vỡ.
Theo Julien Grosset, đồng tác giả tập sách « Rock'n'road trip : Les Etats-Unis en 1000 chansons de l'Alabama au Wyoming », Don McLean tóm tắt thành công trong vòng 8 phút những sự kiện quan trọng ở đất nước, từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, từ sự lạc quan thoải mái của thời kỳ hậu chiến cho đến những phong trào xã hội vào cuối những năm 1960.
Trong chương trình « Chiến dịch bầu cử Mỹ 2024 qua âm nhạc », đài RFI, Julien Grosset giải thích :
« Đối với người thanh niên Don McLean, đó là một thế giới đang sụp đổ. Hồi kết cho một thời đại: Thời đại Glory Days của Bruce Springsteen, thời đại Happy Days của Richie và Fonzie, thời đại Old Time Of Rock’n’Roll của Bob Seger. Với cái chết của Buddy Holly, biểu tượng cho chiếc cầu nối giữa rock’n’roll và nhạc pop sắp đến, một nước Mỹ nào đó, da trắng và truyền thống, đã khép lại một cách biểu tượng một thập niên mà ở đó nước Mỹ đã từng là "vĩ đại", trước khi chuyển qua thời kỳ phản văn hóa, các cuộc ám sát chính trị, các cuộc bạo động sắc tộc và sự trở lại của chiến tranh mà ở đây là Việt Nam trong những năm 1960 ».
Tháng 9/2024, phim tiểu sử « Reagan » đã ra mắt khán giả Mỹ. Bất chấp nhiều chỉ trích từ giới phê bình, bộ phim tiểu sử của đạo diễn Sean McNamara ngay từ week-end đầu tiên đã thu về 10 triệu đô la. Theo nhà nghiên cứu về Mỹ, Alexandre Mendel, thành công ngoài sự mong đợi của bộ phim, một lần nữa, minh chứng nỗi hoài niệm về một nước Mỹ đã biến mất. Niềm nhung nhớ về sự vĩ đại của nước Mỹ mạnh mẽ đến nỗi đảng Cộng Hòa cũng tổ chức các buổi chiếu phim cho các thành viên của mình. Cứ như là chính bản thân đảng cũng đang hoài niệm !
Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông ; Nam Phi được lợi gì với BRICS mở rộng ? Indonesia đang bước vào thời kỳ quyền lực cứng rắn và chính trị gia tộc ? Trung Quốc “thanh lọc” mạng internet ; Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov cho các nhà đối lập Venezuela ; Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump kiện Công Đảng Anh vì can thiệp. Trên đây là một số chủ đề trong Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung ĐôngThượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) trở thành diễn đàn kêu gọi hòa bình và mở đàm phán ở Ukraina và Cận Đông. Mọi đề xuất đều được tổng thống Vladimir Putin của Nga, nước gây chiến ở Ukraina, đón nhận “một cách tích cực”, nhưng với một điều kiện được ông nêu trong buổi họp báo ngày 24/10/2024, “đàm phán dựa trên thực tế” chiến trường, nơi Nga chiếm 20% lãnh thổ Ukraina.
Nước gây chiến ở Ukraina còn cố trở thành trung gian giải quyết xung đột Trung Đông. Moussa Abou Marzouk, cố vấn và nhà đàm phán của Hamas đóng tại Qatar, đến Matxcơva ngày 23/10 để thảo luận với quan chức Nga về “chấm dứt các cuộc xâm lược và chiến tranh ở Gaza và trong vùng” cũng như nỗ lực của Matxcơva để thống nhất “các phe phái Palestine”. Còn tổng thống Mahmoud Abbas, trong bài phát biểu tại cuộc họp BRICS mở rộng, đã mạnh mẽ lên án Israel.
Đặc phái viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Kazan :
“Những lời kêu gọi hòa bình không ngừng được đưa ra tại diễn đàn thượng đỉnh Kazan. Tuyên bố chung nhắc đến rất nhiều cuộc xung đột nhưng các nước thành viên BRICS lại dành những lời kêu gọi cấp bách nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhân danh chính quyền Palestine, ứng viên gia nhập nhóm BRICS từ ngày 27/08, ông Mahmoud Abbas đã đưa ra lời kêu gọi, theo lời dịch của Nga như sau :
“Thời điểm đã tới, chúng ta phải chấm dứt bạo lực, bất công và sự bành trướng hoạt động xâm lược của Israel. Israel phải chấm dứt hiện diện bất hợp pháp trên các vùng lãnh thổ Palestine và Đông Jerusalem. Nếu không thực hiện như vậy, chúng ta phải sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại họ. Chúng ta cũng phải làm việc và hợp tác với Liên Hiệp Quốc, với các bên quan tâm đến hội nghị quốc tế vì hòa bình. Vì vậy, chúng tôi cũng trông đợi vào sự ủng hộ của BRICS. Nhóm này có ảnh hưởng thực sự trên trường quốc tế và có thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh”.
Về phần tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres vẫn giữ vững lập trường của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động thù nghịch ở dải Gaza và một nền hòa bình công bằng ở Ukraina”.
Nam Phi được lợi gì với BRICS ?BRICS trở thành câu lạc bộ hấp dẫn cho các nước phương Nam. Là nước đầu tiên được 4 thành viên sáng lập (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga) kết nạp, Nam Phi được hưởng lợi như nào từ năm 2010 ? Thông tín viên Claire Bargelès tại Pretoria giải thích :
“Theo quan điểm của chính phủ Nam Phi, diễn đàn BRICS tạo thêm một nền tảng lựa chọn để yêu cầu một trật tự thế giới mới, công bằng hơn. Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng muốn thấy trao đổi thương mại được hưởng lợi nhiều hơn từ việc là thành viên của nhóm này.
Ông phát biểu : “Chúng tôi có một lĩnh vực tài chính hiện đại, cơ sở hạ tầng hạng nhất và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các nước thành viên khác của BRICS tham gia vào sự phát triển tăng trưởng ở Nam Phi cũng như ở phần còn lại của Châu Phi”.
Tuy nhiên, cho đến nay, chủ yếu là trao đổi thương mại song phương với Trung Quốc tăng lên đáng kể, như nhận định của nhà nghiên cứu Arina Muresan tại Viện Đối thoại Toàn cầu (IGD) : “Thương mại với Nga và Brazil ít nhiều bị đình trệ và với Ấn Độ thì tăng nhẹ nhưng rất ít so với trao đổi thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, xét về những đóng góp hữu hình, về những gì BRICS mang lại cho Nam Phi, chúng ta mới chỉ thu được những lợi ích nhỏ. Nhưng xét về những đóng góp mang tính biểu tượng hơn, đất nước đã được chú ý trên trường quốc tế. Có thể coi chủ yếu nhờ vào việc Nam Phi tham gia BRICS.
Pretoria cũng có thể hưởng lợi từ các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Mới (NBD) của BRICS kể từ khi thành lập vào năm 2014”.
Indonesia đang bước vào thời kỳ quyền lực cứng rắn và chính trị gia tộc ?Ngày 20/10, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, 73 tuổi, đã chính thức nhậm chức tổng thống Indonesia, quốc gia có 280 triệu dân với đa số là người Hồi Giáo. Thắng lợi bầu cử với số phiếu 58,6% của ông Prabowo xác lập tính gia tộc, “truyền ngôi” trong chính trị Indonesia.
Thông tín viên Nguyễn Giang tường trình từ Đài Bắc :
“Để lập được một liên minh có sức nặng ra tranh cử, ông Prabowo đã có cú lựa chọn ngoạn mục là nhận ông Gibran Raka, con trai của tổng thống từ nhiệm Joko Widodo (tức Jokowi) làm ứng viên phó tổng thống.
Tòa Hiến Pháp Indonesia năm ngoái đã hạ tuổi cần thiết để một chính trị gia có thể ra tranh cử phó tổng thống từ 40 xuống 36, giúp cho Gibran đạt tiêu chuẩn. Chánh án phiên tòa, ông Anwar Usman là em rể của tổng thống Jokowi. Bản thân ông Prabowo là con rể của cố tổng thống, nhà độc tài Suharto trước 1989 và nữ chủ tịch Quốc Hội, Puan Maharani, là con gái nữ cựu tổng thống Megawati và là cháu ngoại cố tổng thống Sukarno.
Điều gây ra lo ngại về di sản “dân chủ thụt lùi” sau 10 năm ông Jokowi cầm quyền còn là xu thế để cho quân đội quay trở lại nắm các chức vụ dân sự và việc nhà nước kiểm soát báo chí mạnh hơn.
Chính phủ Indonesia đã phục hồi một số luật cũ từ năm 1945 và thời kỳ “Kỷ cương Mới” (New Order) dưới quyền ông Suharto, để cho phép chừng 400 tướng tá được biệt phái sang nắm các chức vụ dân sự gồm cả ngành tòa án. Mới nhất đây, chức tân bộ trưởng ngoại giao được trao cho ông Sugiono, một cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Kopassus khét tiếng.
Một luật khác có hiệu lực từ 2026 hạn chế quyền của bất cứ ai chỉ trích Nhà nước và một luật về truyền thông đang được thảo luận dự kiến sẽ cấm nhà báo mở các phóng sự điều tra.
Trước khi nhậm chức, ông Prabowo đã sang Matxcơva thăm ông Putin và chọn Nga như một chân của kiềng ba chân, bên cạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Hoa Kỳ. Những năm tới Jakarta sẽ ưu tiên quan hệ với các nước lớn, có sức mạnh tài chính hoặc quân sự, chứ không còn giữ vị thế đàn anh trong ASEAN để nâng đỡ các nước nhỏ và yếu như Indonesia đã làm trong Phong trào Không liên kết sau Thế Chiến II”.
Trung Quốc “thanh lọc” mạng internetTrung Quốc muốn làm trong sáng ngôn ngữ trên mạng xã hội, kể cả những ẩn ý, từ mượn để lách kiểm duyệt. Gần đây, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), hợp tác với bộ Giáo Dục, thông báo triển khai một chiến dịch đặc biệt mang tên “Làm rõ và quản lý việc sử dụng ngôn ngữ trực tuyến”.
Thông tín viên Cléa Broadhust tường trình từ Bắc Kinh :
“Chiến dịch khuyến khích việc sử dụng tiếng Quan Thoại chính xác và hạn chế sự phổ biến các phương ngữ và tiếng lóng trên internet, bị coi là có hại cho các chuẩn mực ngôn ngữ. Chiến dịch nhằm mục đích giảm sử dụng cách chơi chữ và những cụm từ mới thường được sử dụng để tránh kiểm duyệt.
Ví dụ : chế độ độc tài, dù ở bất kỳ nơi nào, cũng trở thành “chủ nghĩa tập trung dân chủ”, việc cắt giảm tài trợ là “kinh tế và hiệu quả”, thất nghiệp trở thành “việc làm linh hoạt” và khủng hoảng chính trị là “những bước ngoặt thăm dò”.
Quy chế này chủ yếu là nhằm tìm cách ngăn chặn việc phổ biến các thuật ngữ nhạy cảm về chính trị, liên quan đến những chỉ trích chính phủ, chủ nghĩa xét lại lịch sử hoặc các chủ đề nhạy cảm như Đài Loan, Hồng Kông và nhân quyền.
Chiến dịch này cũng nhắm đến thanh niên, có nhiều khả năng sử dụng tiếng lóng trực tuyến hơn, điều mà chính phủ coi là mối đe dọa đối với bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống của Trung Quốc. Mục tiêu là tạo ra một môi trường trực tuyến “tích cực” và “lành mạnh” hơn.
Các nền tảng như WeChat, Weibo và Douyin phải giám sát và lọc nội dung để đảm bảo tuân thủ các quy tắc ngôn ngữ này… Và các cơ quan chức năng được khuyến khích tập trung vào việc làm sạch thông tin ngôn ngữ bị coi là bất thường và thiếu văn minh, đồng thời thực thi nghiêm ngặt nhiệm vụ cải chính”.
Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov cho các nhà đối lập VenezuelaHàng năm, Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov nhằm vinh danh những cá nhân, các tổ chức và nhóm đã có những đóng góp đặc biệt trong việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng. Giải thưởng được thông báo ngày 25/10/2024 đã dành vinh danh hai nhà đối lập Venezuela Maria Corina Machado và Edmundo Gonzalez Urrutia vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Đặc phái viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Strasbourg :
“Khi chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Roberta Metsola thông báo chính thức tên của những người đoạt giải, tất cả nghị sĩ trong hội trường đứng dậy vỗ tay. Maria Corina Machado là thủ lĩnh của các lực lượng dân chủ Venezuela và Edmundo Gonzalez Urrutia, ứng viên đối lập với Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 06 vừa qua. Ông được Liên Hiệp Châu Âu coi là giành chiến thắng, cho nên ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.
Bà Roberta Metsola phát biểu giải thưởng này ghi công “Một cuộc đấu tranh dũng cảm nhằm tái lập tự do và dân chủ ở Venezuela”. Đây cũng là giây phút hân hoan đối với nghị sĩ châu Âu người Bồ Đào Nha Sebastiao Bugalho, thuộc đảng Nhân dân Châu Âu và là một trong những người cổ vũ cho việc hai nhà đối lập Venezuela ra tranh cử tổng thống.
Ông phát biểu : “Một ứng viên đã thắng trong cuộc bầu cử này, đó là Edmundo Gonzalez. Ở đây (Nghị Viện Châu Âu), người ta đã nói như vậy vào tháng trước khi bỏ phiếu một nghị quyết. Ông ấy đã phải rời bỏ đất nước vì bị chế độ độc tài truy đuổi. Vì vậy chúng ta nợ Edmundo Gonzalez giải thưởng này và hơn hết chúng ta nợ giải thưởng này với tất cả những người dân Venezuela đã dũng cảm ra khỏi nhà và đi bỏ phiếu”.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào thứ Tư 18/12 trong khuôn khổ phiên họp toàn thể ở Strasbourg”.
Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump kiện Công Đảng Anh vì can thiệpCông Đảng Anh bị kéo vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sau khi bị nhóm hỗ trợ tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang là thế lực “can thiệp nước ngoài trắng trợn”. Đảng cầm quyền ở Anh bị cáo buộc đang cố gắng hỗ trợ bất hợp pháp cho ứng viên đảng Dân Chủ Mỹ. Ngày 23/10, chính phủ Anh bác bỏ cáo buộc này.
Thông tín viên RFI Emeline Vin tại Luân Đôn giải thích :
“Ban đầu là thông báo (đã bị xóa) trên mạng xã hội LinkedIn từ người đứng đầu hoạt động của Công Đảng : “Có khoảng một trăm nhân viên Công Đảng sẽ đến Hoa Kỳ, vẫn còn 10 chỗ để vận động ở Bắc Carolina. Chúng tôi lo chỗ ở, hãy liên hệ : Công Đảng vì Kamala”. Trong đơn khiếu nại của mình, Donald Trump cũng đề cập đến “mối liên hệ chặt chẽ” giữa Công Đảng và chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris, đối thủ cạnh tranh chính của ông.
Những lời cáo buộc được đưa ra khi thủ tướng Keir Starmer đang công du tới quần đảo Samoa... Bộ trưởng Môi Trường Steve Reed là người đã phải giảm thiểu vấn đề trong các chương trình sáng thứ Tư (23/10).
Ông cho biết : “Các công dân, cá nhân được tự do làm những gì họ muốn với thời gian và tiền bạc của họ. Không có gì lạ khi thấy các nhà hoạt động của một đảng ở nước này đi vận động cho một đảng “anh em” ở nước khác. Điều đó nói lên rằng, không có hoạt động nào trong đó được chính Công Đảng tổ chức hoặc tài trợ : đó là những sáng kiến cá nhân, như vẫn được phép làm thế”.
Thủ tướng Anh đã gặp ông Donald Trump vào tháng 9, hai người được cho là đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Luân Đôn bảo đảm rằng “mối quan hệ đặc biệt” gắn kết Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục, bất kể là ai kế nhiệm Joe Biden”.
Trong bối cảnh châu Âu muốn siết chặt chính sách nhập cư, nhiều người Maroc, vẫn tìm cách vượt biên trái phép vào khối 27 nước. Tại Cisjordanie, lực lượng chiếm đóng Israel chặt phá cây oliu của người Palestine bất chấp mùa thu hoạch. Vài tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ, quan hệ giữa Donald Trump và Vladimir Putin được hé lộ trong một cuốn sách. Giải Nobel Văn Học của nữ nhà văn Han Kang thúc đẩy doanh số bán sách. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Tại Hoa Kỳ, chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, một cuốn sách của nhà báo điều tra Bob Woodward, ra mắt công chúng hôm 15/10 vừa qua đã thu hút sự chú ý của công luận.
Từng là tác giả tiết lộ vụ bê bối chính trị Watergate, khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức, nhà báo Bob Woodward lần này hé lộ những mối quan hệ của tổng thống Donald Trump và Joe Biden với các lãnh đạo nước ngoài, trong cuốn sách với tựa đề « War » - « Chiến tranh ». Đáng chú ý nhất là mối quan hệ giữa ông Trump và nguyên thủ Nga, Vladimir Putin.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :
« Vào năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp hành tinh. Các nhân viên y tế bỏ mạng trong bệnh viện. Lúc đó vẫn chưa có vac-xin và có rất ít xét nghiệm để phát hiện bệnh, ngay cả tại Mỹ.
Là chủ nhân Nhà Trắng thời điểm đó, Donald Trump đã gửi các thiết bị xét nghiệm Covid trực tiếp cho đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin. Trong cuốn sách, nhà báo Bob Woodward cũng trích dẫn một cộng sự của Donald Trump để xác nhận rằng ông Trump có liên hệ trực tiếp với Vladmir Putin sau khi rời Nhà Trắng. Theo nguồn tin này, có ít nhất 7 cuộc điện đàm giữa hai bên từ năm 2021. Kể từ khi thông tin này được tung ra, Donald Trump và đội ngũ của ông đã lên án, coi đó là bịa đặt và gây nghi ngờ danh tiếng của Bob Woodward.
Ban vận động tranh cử của bà Harris, đối thủ của Donald Trump, thì coi những thông tin này có thể khiến ứng viên đảng Cộng Hòa không đủ tư cách để làm tổng thống. Phe Dân Chủ cũng bị những tiết lộ của nhà báo Bob Woodward, ảnh hưởng đến danh tiếng, đặc biệt là liên quan đến việc giải quyết khủng hoảng Gaza của Joe Biden và mối quan hệ phức tạp với Benjamin Netanyahu. Cuốn sách xác nhận những thông tin bị rò rỉ trên báo chí cách nay nhiều tháng về việc tổng thống Hoa Kỳ lăng nhục thủ tướng Israel. Nhà Trắng không chính thức bác bỏ thông tin này nhưng nói về một mối quan hệ trung thực và thẳng thắn trước đây».
Tại Cisjordanie, cây oliu bị chặt phá ngay trước vụ thu hoạchTrong tuần vừa qua, cuộc chiến tại Trung Đông vẫn là chủ đề khiến công luận quốc tế quan tâm. Israel tiếp tục thực hiện các cuộc oanh kích thường nhật vào nhiều khu vực tại Gaza, từ bắc chí nam, và vừa tuyên bố đã triệt hạ được thủ lĩnh của Hamas Yahya Sinouar vào hôm qua, 17/10/2024. Đồng thời Israel cũng bị cáo buộc áp dụng chiến lược « bỏ đói », để « giảm dân số Gaza » khi ngăn chặn hàng viện trợ đến dải dất với hơn 2 triệu người Palestine.
Tại vùng Cisjordanie (Bờ Tây) vùng lãnh thổ của người Palestine bị Israel chiếm đóng, vụ thu hoạch quả oliu đã bắt đầu từ khoảng đầu, giữa tháng 10. Đây là thời điểm quan trọng đối với người Palestine, bởi đây là kế sinh nhai của 80 000 đến 100 000 hộ gia đình. Thế nhưng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel, Nhà nước Do Thái đã thắt chặt các biện pháp an ninh đối với người Palestine tại khu vực này. Từ thành phố Qusra, thông tín viên Nicolas Feldmann cho biết thêm thông tin :
« Ẩn sau các tán cây oliu, ông Ali đập mạnh vào các cành cây để quả oliu rụng xuống một tấm bạt lớn được dải trên đất. Ông cho biết : « Đây là những cây oliu của chúng tôi, là biểu tượng của Palestine, năm nào chúng tôi cũng đến đây. Mùa vụ năm nay khá ổn vì chúng tôi được làm việc trên đất của chúng tôi ».
Tuy nhiên, có một khu vực mà những người Palestine không thể tiếp cận được nữa. Một người Palestine khác, ông Abdel Azim Wadi chỉ cho chúng tôi về phía một trong những mảnh đất của ông ấy, gần với nơi chiếm đóng Mighdalim do Israel dựng lên. Ông Addel không thể đến đó nữa, vì theo ông ‘những kẻ chiếm đóng sẽ đến và đánh đập ông’. Các cây oliu đã bị chặt phá cách nay vài ngày.
Ông nói : « Hãy nhìn xem, trong video này, họ đã cắt các cây oliu của chúng tôi. Tổng cộng là 107 cây oliu của tôi và của hàng xóm. Những người định cư Do Thái muốn chiếm đất của chúng tôi. Trước ngày 07/10, chúng tôi đến đây khi chúng tôi buồn, chúng tôi cảm thấy được yên lòng ở đây, nhưng hiện giờ chúng tôi đến cùng với nỗi sợ hãi.
Tại khu vực này, Israel cũng áp đặt các hạn chế di chuyển. Theo văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, kể từ ngày 07/10/2023, một nửa số nông dân Palestine không thể thu hoạch oliu.
Một nông dân cho biết : « Chúng tôi lo lắng trước hết là vì không biết khi nào có thể kết thúc vụ thu hoạch, chúng tôi cũng không biết liệu có bán được quả oliu hay không. Họ đã ngừng cấp giấy phép lao động đến Israel, các nhân viên của chính quyền Palestine không có lương. Tôi không thể tính trước được tương lai sẽ ra sao, cuộc sống của chúng tôi hiện rất khổ sở ».
Theo Abdel Azim, không còn hy vọng gì đối với việc giáo dục con cái hay thấy chúng lập gia đình, mà chỉ mong các con ông có thể sống sót.
Nhiều người Maroc vẫn tìm cách vượt biên trái phép vào châu ÂuVề thời sự châu Âu, các lãnh đạo châu Âu đã họp tại Bruxelles trong hai ngày, 17-18/10/2024, với trọng tâm là vấn đề nhập cư. Sau cuộc họp hôm thứ Năm, Hội Đồng Châu Âu đã kêu gọi ‘có hành động cụ thể để tạo điều kiện, gia tăng và đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp’ ra khỏi Liên Âu, đồng thời kêu gọi Ủy Ban Châu Âu nhanh chóng đưa ra luật mới để thắt chặt chính sách nhập cư vào khối.
Đối với công dân tại nhiều nước, đặc biệt là từ các nước châu Phi như Maroc, việc xin visa hợp lệ vào Schengen vốn đã khó, nay càng khó hơn. Từ Casablanca, thông tín viên François Hume-Ferkatadji cho biết thêm thông tin :
« Ahmed năm nay 14 tuổi. Sau khi tan học tại một ngôi trường ở Tanger, cậu thường đến một trung tâm văn hóa ở khu phố và tham gia diễn kịch. Từ nhiều năm qua, cậu đã chuẩn bị cho hành trình đến Tây Ban Nha hoặc Pháp.
Cậu nói : « Tôi thực sự muốn rời đi, vì muốn phát triển, muốn cải thiện bản thân, muốn học… mà muốn làm những điều này ở Maroc thực sự là phức tạp vì trình độ không tốt. Tôi sẽ học tốt hơn ở đó, có nhiều cơ hội việc làm hơn. »
Có hàng ngàn người trẻ muốn làm điều tương tự như Ahmed ở Maroc. Nhưng không phải ai cũng xin được visa để du học, hay làm việc hoặc du lịch ở châu Âu. Maroc là nước thứ hai trên thế giới có nhiều hồ sơ xin visa đến Pháp bị từ chối nhiều nhất. Do vậy, một số đã tìm cách đến Pháp bằng con đường bất hợp pháp.
Một cư dân ở Fnideq, thành phố miền bắc đất nước, cho biết đã chứng kiến vào tháng trước cảnh người dân cố gắng vượt biên từ Maroc đến vùng Ceuta của Tây Ban Nha. Hơn 3000 thanh niên Maroc đã cố gắng đến vùng lãnh thổ này của châu Âu. Ông nói : ‘Tôi hiểu là những người trẻ này thấy cuộc sống ở đây quá khó khó khăn cho họ, không có khả năng để học tập tốt hay kiếm sống một cách đúng nghĩa. Ở đây, họ gặp rất nhiều khó khăn. Con trai tôi cũng đã vượt biên bất hợp pháp và hiện đang ở Madrid, Tây Ban Nha’.
Vào năm 2021, Pháp đã quyết định giảm một nửa số visa cấp cho người Maroc, và điều này đã dấy lên căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, Paris đã quyết định bãi bỏ quyết định này một năm sau đó. »
Giải Nobel văn học của Han Kang thúc đẩy doanh số bán sách tại Hàn QuốcNhìn sang châu Á, giải Nobel Văn Học được trao cho Han Kang, nhà văn người Hàn Quốc Han Kang vào tuần trước. Một tuần sau, hiệu ứng « Han Kang » vẫn lan rộng tại thủ đô Hàn Quốc, các khách hàng chen chúc nhau trong các hiệu sách, tìm đọc Han Kang. Doanh số của một số chuỗi hiệu sách đã tăng mạnh.
Từ Seoul, thông tín viên Célio Fioretti cho biết tình hình cụ thể :
« Tại một hiệu sách lớn ở trung tâm thủ đô Seoul, các khách hàng tập trung trước những tấm áp phích in hình nhà văn Han Kang. Một ngày sau khi giải Nobel Văn Học được thông báo, chuỗi hiệu sách lớn của Hàn Quốc đã bán ra hơn 100 000 ấn phẩm, gồm nhiều tác phẩm khác nhau của nhà văn Kang. Đối với những khách hàng mua sách, đây là dịp để khám phá những câu văn đầu tiên của bà. Một người phụ nữ cho biết : « Em trai tôi đã đọc sách của bà và nói rằng rất thú vị. Tôi cũng biết nhiều hơn nhờ theo dõi tin tức, do đó, tôi rất tò mò và đã đến đây để mua sách của bà ».
Một nữ khách hàng khác thì giải thích : « Tôi nghe tin bà nhận được giải Nobel Văn Học. Tôi không biết nhiều về bà nhưng tôi thích cách mà bà ấy diễn giải và suy nghĩ, có vẻ rất hay, do đó tôi thấy quan tâm và đến đây ».
Không chỉ trong các hiệu sách, người ta cũng có thể cảm nhận được thành công của Han Kang ngay cả ở bên . Mỗi ngày, những người qua đường dừng lại và chụp ảnh ngôi nhà hay hiệu sách nhỏ của bà, giống như trường hợp của người hướng dẫn viên du lịch này cho các du khách Úc.
« Trước đó, tôi không biết đây là hiệu sách của nhà văn Han Kang, tôi phát hiện ra khi xem tin tức trên truyền hình, khi thấy bà nhận được giải Nobel. Tôi đi ngang qua và dừng lại chụp ảnh ». Một người đàn ông khác thì nói : « Vậy là Han Kang đã thắng giải Nobel Văn Học và cũng quản lý hiệu sách này, bà làm việc ở đây, trong hiệu sách nhỏ này ».
Thành công của Han Kang đã tạo một đòn bẩy cho lĩnh vực sách đang gặp khó khăn tại Hàn Quốc. Theo một khảo sát gần đây, cứ 10 người Hàn Quốc thì 6 người không đọc một cuốn sách nào trong năm ».
Sáng tạo nghệ thuật về sơn mài để gắn kết với di sản truyền thốngTrong tuần này, Hội chợ Nghệ thuật châu Á Asia Fair Now, diễn ra tại Paris, thủ đô Pháp trong tuần này, từ ngày 17-20/10, với sự hiện diện của nhiều phòng trưng bày nghệ thuật Á Đông, giới thiệu với công chúng tại Paris tác phẩm của các nghệ sĩ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, hay Việt Nam.
Được mở ra từ năm 2015, sự kiện này được xem là chiếc cầu nối nghệ thuật Đông – Tây. Nghệ sĩ Phi Phi Oanh, người Mỹ gốc Việt, được biết đến với những sáng tạo về sơn mài, cũng có mặt tại đây. Các tác phẩm của cô không chỉ được trưng bày tại hội chợ mà một tác phẩm tên gọi « áo giáp » trong số này, đã được đưa về trưng bày tại không gian triển lãm bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi.
Dấn thân vào con đường nghệ thuật từ năm 14 tuổi, Phi Phi Oanh bắt đầu với tranh sơn dầu, nhưng dần quan tâm đến sơn mài sau khi theo học tại một trường ở Paris. Vào năm 2004, cô đã nhận được một học bổng từ Fulbright Grant, tài trợ cho các nghiên cứu về tranh sơn mài tại Hà Nội. Kể từ đó, kỹ nghệ truyền thống này trở thành nguồn sáng tạo nghệ thuật của mình. Trả lời RFI Tiếng Việt, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt giải thích :
« Tôi thấy trong sơn mài có nhiều con đường để đi, chưa khám phá ra, vì mình hay suy nghĩ một chiều về lịch sử sơn mài. Tôi nghĩ rằng có một lý thuyết về sơn mài chưa được viết ra, do đó tôi muốn làm tác phẩm, có thể mở ra con đường đó. Thật ra, tôi làm theo bản năng. Tác phẩm của mình ở trong không gian đương đại đầy thử thách và mở rộng không bị gò bó trong ý tưởng truyền thống. Mình có thể thử thách truyền thống đó, hoặc đặt câu hỏi ngược lại.
Khi bắt đầu làm một tác phẩm, tôi không nghĩ về chủ đề, và thường bắt đầu một câu hỏi, tùy môi trường mà tôi đang làm việc, hoặc tùy triển lãm mà tôi sẽ có cách làm riêng khác nhau, ví dụ như trong triển lãm này, khi giám tuyển mời tôi làm một tác phẩm liên quan đến triển lãm về 3 họa sĩ Việt, sống và làm việc tại Paris. Khi tôi xem tranh, tôi thấy các họa sĩ vẽ nhiều về phụ nữ Việt Nam, nên tôi tranh thủ làm một tác phẩm về phụ nữ.
Về Hà Nội lần đầu tiên, làm việc với vật liệu sơn mài thì tôi thấy nó có sức thu hút rất riêng. Nó giống như một cái « practice » của tương lai, trong tương lai sẽ càng ngày có nhiều người, nhiều văn hóa khác nhau, các kỹ nghệ truyền thống có thể giữ quan hệ với một nơi nào đấy, nó nối mình với một địa điểm nào đấy, hay một cột mốc thời gian, địa lý, kéo mình về nơi đó.»
Theo nữ nghệ sĩ, làm việc với những vật liệu truyền thống và kỹ nghệ xa xưa, giúp kết nối với di sản, với cội nguồn của cô và điều thú vị trong nghệ thuật là có thể cho phép « thể hiện tính cá nhân, cho phép thử nghiệm và sáng tạo ». « Tôi không chỉ học mà còn tham gia vào truyền thống đó », cô khẳng định.
Cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN với trọng tâm là Biển Đông, dấy lên câu hỏi có nên thống nhất cách gọi tên cho vùng biển tranh chấp ; Thế bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Liban ; Cuộc cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu, trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Trong tuần vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 và 45 cũng như các thượng đỉnh ASEAN với các đối tác đã diễn ra tại Vientiane, Lào, quy tụ nhiều lãnh đạo trong khu vực và các đối tác quốc tế với trọng tâm về khủng hoảng ở Miến Điện và đặc biệt là căng thẳng tại Biển Đông.
Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra gần đây giữa tàu cá Trung Quốc với tàu cá của Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển chiến lược, gây tranh chấp với nhiều nước thuộc ASEAN, như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia.
Một điểm đáng nói là vùng biển giàu tài nguyên này, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, phản ánh mối liên hệ, đa dạng về lịch sử, văn hóa và địa chính trị của khu vực, theo nhận định của The Diplomat.
Biển Đông, Biển Tây, hay Nam Hải...Việt Nam gọi là Biển Đông, nhấn mạnh đến những di sản về hàng hải, coi vùng biển này là một tuyến đường huyết mạnh cho trao đổi thương mại và văn hóa. Cách gọi của Việt Nam cũng gợi lên những thách thức yêu sách của Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Việt Nam có từ nhiều thế kỷ trước, bao gồm cả giai đoạn Bắc thuộc. Trong nhiều thế kỷ, vùng biển này được gọi là biển Champa, như một cách để công nhận sử kiểm soát của đế chế Champa ở miền trung Việt Nam và các khu vực quan trọng của miền đông Cam Bốt và Lào từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 15.
Nếu như Trung Quốc gọi vùng biển này là Nam Hải, để nhấn mạnh đến vị trí địa lý, nằm ở phía nam Trung Quốc, thì trong tiếng Anh, biển Đông được đặt tên là “South China Sea”. Đối với phương tây, “South China Sea” – “biển phía Nam Trung Quốc” phản ánh quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm, bắt nguồn từ thời thực dân, thể hiện mối quan tâm với việc mở rộng giao thương với Trung Quốc, được coi là một đối tác thương mại lớn.
Philippines thì gọi là “biển Tây” được khởi nguồn từ động lực chính trị vào năm 2012, trước sự xâm nhập ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Sử dụng tên này cho thấy nỗ lực của Philippines trước những thách thức chủ quyền, và khẳng định lợi ích của mình trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Với cùng lý do, vào năm 2017, chính phủ Indonesia cũng đã công bố một bản đồ chính thức mới đổi tên một phần biển Đông nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình thành "Laut Natuna Utara" hay Biển Bắc Natuna. Sáng kiến này xuất hiện sau nhiều lần tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập. Việc đổi tên này làm nổi bật mối quan tâm của Indonesia về quyền và chủ quyền của mình đối với EEZ xung quanh quần đảo Natuna.
Giáo sư Edmund Lin, giảng viên tại Viện nghiên cứu giáo dục quốc gia, thuộc Nanyang Technological University (Singapore), cho rằng “trước các tranh chấp hiện nay tại vùng biển tranh chấp mang nhiều tên gọi, chúng ta nên cân nhắc tìm ra một cái tên thay thế, thống nhất, để hợp tác và hiểu rõ hơn về khu vực này”. Nhà nghiên cứu đề xuất đặt ra một tên mới là “Biển Đông Nam Á”, một cái tên được công nhận vị trí địa lý và lợi ích chung, nhấn mạnh đến sự hợp tác hơn là cạnh tranh, làm nổi bật sự kết nối giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau.
“Một cái tên thể hiện tính bao hàm hơn” có thể thúc đẩy đối thoại và giảm căng thẳng, và có thể làm nền tảng cho các sáng kiến hợp tác giải quyết các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, quyền đánh bắt và khai thác, cũng như an toàn và an ninh hàng hải.
Sự bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình tại LibanVề thời sự tại Trung Đông, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban vẫn rất căng thẳng, hai binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Liban (FINUL) đã bị thương do cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái nhắm vào trụ sở tại Naqoura, miền nam Liban. Vụ việc đã khiến nhiều lãnh đạo phương Tây phẫn nộ.
Kể từ ngày 30/09, khi Israel mở chiến dịch tấn công lvào Liban, lực lượng Mũ Nồi Xanh, với nhiệm vụ giám sát việc chấm dứt chiến sự, bảo đảm quyền tiếp cận nhân đạo cho thường dân, đã ngừng các hoạt động tuần tra. Họ chỉ có thể quan sát tình hình chiến sự giữa Hezbollah và Israel từ căn cứ quân sự.
Được thành lập vào năm 1978, có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ nghị quyết 1701 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tạo một vùng đệm giữa Israel và Liban. Lực lượng này hiện gồm 10 000 quân nhân, đến từ 50 quốc gia, cũng giúp hỗ trợ Nhà nước Liban khôi phục quyền lực ở miền nam nước này, chủ yếu do Hezbollah kiểm soát.
Tuy nhiên nhiệm vụ này hoàn toàn không khả thi. Thứ nhất là không bên nào tôn trọng nghị quyết 1701. Thứ hai, theo giáo viên lịch sử Guillaume Lasconjarias, tại đại học Paris Sorbonne của Pháp, trả lời Nouvel Obs, “lực lượng này chỉ có quyền tự vệ. Nếu không phải là mục tiêu tấn công trực tiếp, thì họ buộc phải chờ đợi tại căn cứ và quan sát”.
Nhà nghiên cứu về quân sự nói thêm “có một hình thức không phải là thiếu kiên quyết, mà đúng hơn là đạo đức giả từ phía các cường quốc... Họ muốn lực lượng này hiện diện tại một khu vực nhiều căng thẳng. Nếu lực lượng này không được triển khai thì tình hình có thể xấu đi, nhưng họ ở đó mà không được cấp phương tiện. Họ hiện diện ở đó, quan sát các hoạt động khác nhau, nhưng lại bị ngăn cản bởi cả Israel và Hezbollah và không có khả năng hành động. Đây là một loại « bất lực » trong quyền lực ».
Bầu cử Hoa Kỳ tác động đến cuộc chiến ở UkrainaNhững diễn biến chính trị của Hoa Kỳ ảnh hưởng trực tiếp tới các viện trợ cho Ukraina. Trong tuần vừa qua, vắng mặt tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc họp Ramstein, quy tụ khoảng 50 lãnh đạo ủng hộ Kiev, dự trù được tổ chức tại Đức trong tuần này đã bị hoãn lại vô thời hạn. Không tiếp cận được với Hoa Kỳ, tổng thống Ukraina đành phải tiếp tục chuyến công du châu Âu để tìm kiếm viện trợ từ các đồng minh Anh, Pháp, Đức.
Vào tháng 9, trong chuyến công du tới Hoa Kỳ, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã trình bày kế hoạch chiến thắng Nga trước Quốc Hội Mỹ. Thế nhưng chuyến thăm này đã bị Donald Trump và phe Cộng Hòa mạnh mẽ chỉ trích, chính quyền Biden cũng không đánh giá cao kế hoạch của ông Zelensky, theo nhận định của The Economist. Hiện, “không ai trong chính phủ của Biden tin rằng Ukraina có thể chiếm lại bằng biện pháp quân sự những vùng lãnh thổ đã đánh mất”.
Sắp tới, cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ vào tháng 11 sẽ tạo ra những bước ngoặt nào cho cuộc chiến chống Nga ở Ukraina ? Theo The Economist, viễn cảnh tiến đến hòa bình cho Ukraina khá xa vời vì cả hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump, đều không có chiến lược rõ ràng đối với hòa bình cho Ukraina. Ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris khẳng định ủng hộ Kiev và tiếp tục tìm kiếm viện trợ quân sự, nhưng chưa chắc đã kiểm soát được Quốc Hội. Ông Trump thì rỏ ra thiếu nhất quán, mơ hồ, hứa hẹn chấm dứt chiến tranh, thúc giục Nga và Ukraina ngồi vào bàn đám phán.
The Economist đưa ra các kịch bản khác nhau. Nếu đảng Dân Chủ giành lại đa số tại Hạ Viện, hiện do phe Cộng Hòa nắm giữ, cũng như giữ được chức tổng thống thì viện trợ cho Ukraina sẽ vẫn tiếp tục được duy trì. Còn nếu ông Trump đắc cử, thì có điều không chắc là liệu ông sẽ trao quyền cho những người theo “chủ nghĩa quốc tế”, hay “chủ nghĩa bảo hộ”. Lời hứa của ông Trump về việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh là “không thể tin được”.
Valerii Chalyi, cựu đại sứ Ukraina tại Mỹ trả lời trang RBC Ukraina giải thích : “Tương quan chính trị tại Quốc Hội Hoa Kỳ trên thực tế quan trọng hơn tên của tân tổng thống. Ví dụ, giữa việc Donald Trump nắm quyền kiểm soát cả Thượng và Hạ viện, và việc ông Trump chỉ kiểm soát Thượng Viện là hai chuyện khác nhau. Tương tự, nếu Kamala Harris không kiểm soát được Hạ Viện thì sẽ thiếu đòn bẩy về tài chính. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 05/11, đó là một ngày rất quan trọng với chúng tôi. Có vẻ như mọi người đều tin rằng, giải pháp chấm dứt chiến tranh với Nga sẽ được đưa ra sau đó, vào năm sau, và có thể thành hiện thực… Trên thực tế, Ukraina sẽ phải làm việc với bất kỳ ai được người dân Mỹ bầu ra, và chúng tôi cần có sự chuẩn bị… Tôi không nghĩ rằng nếu ứng viên của đảng Dân Chủ thắng thì sẽ dễ dàng hơn, bởi những người trong đội ngũ của Kamala Harris không hề dễ làm việc cùng. Tôi đã làm việc với họ, và hầu hết không muốn hỗ trợ Ukraina các loại vũ khí sát thương.”
Thăm dò được The Economist trích dẫn, cho thấy hơn một nửa người dân Ukraina chấp nhận mất Donbass và bán đảo Crimée để đổi lấy chủ quyền đối với các khu vực bị chiếm đóng là Zaporijjia và Kherson. Khoảng 38% người Ukraina cho biết sẵn sàng chấp nhận ranh giới lãnh thổ hiện tại, nếu được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu và nhận được tài trợ để tái thiết. Con số này tăng lên 47% nếu Ukraina được chào đón vào NATO - đây có lẽ là câu hỏi nhạy cảm nhất đối với vị tổng thống tiếp theo.
Cuộc so găng thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu
Kể từ thứ Sáu này, các nhà xuất xuất khẩu rượu Cognac ở châu Âu sẽ phải nộp một khoản « đặt cọc » trị giá khoảng 35 % giá trị các chai rượu xuất khẩu sang Trung Quốc cho hải quan Trung Quốc. Theo Bắc Kinh, quyết định này là để chống tình trạng bán phá giá, được xem như biện pháp trả đũa về việc Bruxelles tăng thuế đối với các xe điện do Trung Quốc sản xuất được nhập vào khối.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm thông tin :
« Khoản đặt cọc tại hải quan Trung Quốc là để bù vào các khoản phụ phí có thể tăng trong tương lai. Đối với châu Âu, điều này làm phức tạp việc xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi vì các nhà xuất khẩu rượu cognac có nguy cơ phải tăng giá, và có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và giá trên thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên theo ông Yuan, làm việc cho doanh nghiệp Tai De, nhập khẩu rượu mạnh, quyết định này tác động không đáng kể đến hoạt động của mình. Ông nói : « Thật may là chúng tôi không bị ảnh hưởng. Chúng tôi xử lý rượu mạnh với số lượng lớn, hơn 200 lít, và chúng tôi nhập khẩu theo lô. Từ năm ngoái, thị trường đã không suôn sẻ, nhưng hiện đã cải thiện hơn. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn là các nhà nhập khẩu các loại rượu thương hiệu lớn.
Một nhà kinh doanh khác thì giải thích rằng hiện nay hàng hóa trong kho đủ để bán cho người tiêu dùng Trung Quốc trong 3 năm tới, do vậy quy định mới này không tạo thành vấn đề trong ngắn hạn.
Một cuộc chiến tranh thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không phải là không tránh được.
Các căng thẳng về thuế liên quan đến xe điện và các sản phẩm như Cognac chỉ ra rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, hai bên đều có các lợi ích kinh tế chung, nếu cuộc xung đột kéo dài thì sẽ gây hại cho cả hai. »
Nếu thực sự lao vào một cuộc đọ sức trực tiếp với Israel và phía sau lưng Nhà nước Do Thái là Hoa Kỳ, thì Iran có thể trông cậy vào ai ? Câu trả lời hiển nhiên nhất là Nga và Trung Quốc.
Ngọn lửa chiến tranh lan rộng tại Trung Đông khi hai đối thủ chính trọng khu vực là Israel và Iran trực tiếp lao vào cuộc đọ sức. Trên chiến trường Ukraina, Kiev rút quân khỏi Vouhledar, liên tục lùi bước trước sức mạnh của quân Nga. Tại lễ khai mạc thượng đỉnh Khối Pháp Ngữ lần thứ 19 tại Villers-Cotterêts, vùng Hauts de France, trong số các nguyên thủ quốc gia tham dự có chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tô Lâm. Tân thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trước Quốc Hội về chương trình hành động trước khi nội các cánh hữu này bị 192 dân biểu cánh tả kiến nghị « bất tín nhiệm ».
Thưa quý thính giả, thời sự trong tuần nổi bật với những sự kiện vừa nêu. Tuy nhiên, tạp chí hôm nay xin tập trung vào hai điểm nóng trên thế giới : Trung Đông và Ukraina.
*****
Trong một chục ngày, quân đội Israel phối hợp với bên tình báo tiêu giệt thủ lĩnh và các chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah, lực lượng vũ trang Hồi Giáo theo hệ phái Shia được Iran yểm trợ. Tại Liban và vùng Cisjordanie, Israel dồn dập oanh kích những khu vực bị coi là sào huyệt khủng bố của Hezbollah và của phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas, cũng được Teheran bảo trợ.
Liên tiếp lãnh đòn, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran bắt buộc phải trả đũa để bảo toàn ảnh hưởng trong khu vực. Trong đêm 01/10/2024; Teheran bắn 200 tên lửa về phía Israel. Cho dù không gây nhiều thiệt hại cho đối phương, nhưng đây là lần thứ nhì trong vòng nửa năm, Iran trực tiếp thách thức an ninh của Nhà nước Do Thái, một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Ở Tel Aviv, uy tín của thủ tướng Benjamin Netanyahu với công luận trong nước lên như diều gặp gió. Không còn thấy bất kỳ một cuộc xuống đường nào đòi ông từ chức vì đã một năm nay vẫn chưa đưa được 101 con tin Israel, còn bị Hamas bắt giữ tại Gaza từ sau loạt khủng bố ngày 07/10/2023, về lại với gia đình.
Tại Washington, một tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, chính quyền Biden vừa khẳng định « Israel có quyền tự vệ », vừa tuyên bố « không cho phép Israel vượt lằn ranh đỏ, tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran ».
Tehran - Matxcơva : Đổi tên lửa đạn đạo lấy bí quyết chế tạo vũ khí nguyên tửTrước tình hình dầu sôi lửa bỏng này Trung Quốc và Nga khá kín tiếng. Matxcơva kêu gọi các bên « kềm chế ». Bắc Kinh tỏ thái độ « có trách nhiệm » với chủ trương các bên cần « xuống thang ». Trên đài RFI hôm 02/10/2024, chuyên gia về địa chính trị Dominique Moïsi thuộc Viện nghiên cứu Montaigne, Paris nhấn mạnh : xung đột ở Trung Đông hoàn toàn có lợi cho Nga.
« Về phía Nga, đâu đó, Matxcơva là bên hưởng lợi hơn cả từ sau loạt khủng bố hôm 07/10/2023. Có thể nói là Nga đã thắng lớn từ khi nổ ra chiến tranh ở Gaza và cuộc xung đột này giờ đây đã lan rộng tới Liban, mà có thể là còn đang lan tiếp tới toàn khu vực ở Trung Đông. Chiến sự tại đây chi phối cộng đồng quốc tế. Phương Tây giảm chú ý và viện trợ cho Ukraina. Tóm lại, chiến tranh Gaza hoàn toàn có lợi cho nước Nga ».
Drone do Iran chế tạo đã được phát hiện tại Ukraina ngay từ 2022 khi Nga bắt đầu « chiến dịch quân sự đặc biệt » đánh chiếm nước láng giềng sát cạnh. Điều phương Tây lo ngại hơn cả là hợp tác giữa Matxcơva với Teheran trong lĩnh vực hạt nhân. Trong những báo cáo gần đây, Âu Mỹ khẳng định « Iran đã cấp hơn 200 tên lửa đạn đạo Fath-360 » cho Nga. Washington và Luân Đôn thậm chí còn cho rằng để đổi lấy tên lửa có tầm bắn tối đa 120 km và có khả năng mang theo đầu đạn 150 kg này, Matxcơva « dường như đã chia sẻ bí quyết hạt nhân với Iran ».
Teheran chuẩn bị triển hạn thỏa thuận « đối tác chiến lược toàn diện » với Nga nhân thượng đỉnh khối BRICS được tổ chức tại Kazan trong tháng này. Đây là bước kế tiếp vào lúc « đối tác song phương không ngừng được mở rộng đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự », như nhiều nhà quan sát ghi nhận (Báo Le Figaro ngày 03/10/2024).
Bắc Kinh : Iran, « một yếu tố trong cuộc đọ sức với Mỹ »Nhìn từ phía Trung Quốc, chảo lửa ở Trung Đông trước hết là một hiểm họa đối với kinh tế toàn cầu, như chuyên gia về địa chính trị Viện Montaigne, Dominique Moïsi phân tích :
« Bắc Kinh không có lợi ích gì và cũng hoàn toàn không có ý định can thiệp vào tình hình rất phức tạp tại Trung Đông. Trung Quốc tuy nhiên không muốn tình trạng tại khu vực này bị xấu đi hay xung đột gia tăng cường độ, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, và trực tiếp tác động đến tăng trưởng của Trung Quốc vốn đã không mấy khả quan. Kịch bản tốt nhất đối với Trung Quốc là tình hình ở Trung Đông được hạ nhiệt, nhưng Bắc Kinh không lên tuyến đầu trên hồ sơ này và đây không phải là thời điểm, mà thực ra thì Trung Quốc cũng không sẵn sàng để can thiệp vào xung đột ở Trung Đông ».
Bất chấp lệnh cấm vận, từ năm 2020 đến 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa của Iran sang Trung Quốc đã được nhân lên gấp ba. Theo các số liệu của Hạ Viện Mỹ, « 80 % xuất khẩu dầu hỏa của Iran là để cung cấp cho thị trường Trung Quốc » và Bắc Kinh chấp nhận rủi ro, bởi « dầu của Iran vừa rẻ, vừa có chất lượng cao ».
Nghiên cứu của hãng tin Anh Reuters hồi tháng 10/2023 cho thấy « nhờ dầu hỏa của Iran, Trung Quốc tiết kiệm được 10 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2023 ». Cơ quan tư vấn chuyên về năng lượng Kpler, được Reuters trích dẫn, thẩm định : Iran bán dầu hỏa cho Trung Quốc với giá thấp hơn từ 5 đến 13 đô la một thùng dầu, và « trên bàn cờ địa chính trị, Iran là một yếu tố trong mắt Bắc Kinh để đối phó với Hoa Kỳ ». Hỗ trợ kinh tế Iran, Trung Quốc tạo sức mạnh cho một quốc gia đang trở thành một mối thách thức quân sự và địa chiến lược đối với Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng với Israel hiện tại ».
Israel « tuyên chiến » với tổng thư ký Liên Hiệp QuốcLần đầu tiên trong lịch sử Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký định chế đa quốc gia này bị một thành viên « Cấm cửa ». Ngoại trưởng Israel hôm 02/10/2024 tuyên bố Antonio Guterres là một « nhân vật không được hoan nghênh » do ông đã không trực tiếp lên án Iran tấn công Israel đêm hôm trước. Đây là dấu hiệu mới cho thấy quan hệ rất căng thẳng giữa Nhà nước Do Thái với Liên Hiệp Quốc từ sau loạt tấn công đẫm máu trên lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023, và cũng thể hiện người đứng đầu Liên Hiệp Quốc bị lép vế so với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trên đài RFI, chuyên gia về Liên Hiệp Quốc Romual Scriora phân tích :
« Israel nhắm vào Liên Hiệp Quốc bởi đây là một mục tiêu dễ tấn công. Dễ chỉ trích tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và tuyên bố Israel không hoan nghênh đón tiếp ông Antonio Guterres dễ làm hơn là chĩa mũi dùi vào tổng thống Hoa Kỳ chẳng hạn. Do vậy, tấn công vào tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tức là thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhắm vào cộng đồng quốc tế. Hơn thế nữa, điều này cho phép ông chứng minh với công luận trong nước về tính chính đáng của các cuộc xung đột. Netanyahu đặt Israel trong thế là nạn nhân của cộng đồng quốc tế, của nạn bài Do Thái mà theo ông là khá phổ biến ».
Vouhledar, một khúc quanh trong cuộc chiến Ukraina có lợi cho PutinVề cuộc xung đột kéo dài trên lãnh thổ Châu Âu : Ukraina chính thức thông báo rút quân khỏi thành phố Vouhledar, vùng Donbass ở miền Đông. Hôm 02/10/2024, quân đội Ukraina đã để mất thành phố có vị trí chiến lược, nằm giữa Mariupol và Donestk : thêm một dấu hiệu về những khó khăn ngày càng tăng mà lực lượng của Kiev đang phải đối mặt.
Đối với Nga, đây là một « cột mốc quan trọng » trong cuộc chiến Matxcơva đã khai mào từ tháng 2/2022. Chuyên gia về quân sự Ulrich Bounat, giải thích với nhà báo Julien Chavanne của RFI :
« Sự mất mát này trước hết là cả một biểu tượng, bởi vì từ hơn hai năm rưỡi nay, Ukraina đã trường kỳ kháng chiến, và tương tự như ở một số nơi, sau một thời gian cố thủ, rốt cuộc đã phải lùi bước trước đà tiến và sức mạnh của quân Nga. Từng bước, khả năng của Nga chiếm đóng một vài khu vực mang tính chiến lược rồi họ cứ tiến thêm, chiếm thêm đất của Ukraina. Một trong những điểm được ghi nhận tới nay, và chúng ta có thể kiểm chứng trong trường hợp của thành phố Vouhledar, là tại nhiều nơi Ukraina đã không xây dựng được một đường chiến tuyến vững chắc chung quanh những thành trì quan trọng này. Điều đó cho phép quân Nga dễ dàng chiếm được những địa danh này như điều đã từng xảy ra ở Aviivka nơi họ đã tiến được từ 10 đến 15 km trong vỏn vẹn vài tuần lễ, bởi vì phía Ukraina thiếu một sự chuẩn bị ».
Gaza, Ukrain : Tâm điểm giải thưởng Bayeux giành cho phóng viên chiến trườngTình hình ở Gaza sau một năm xung đột và chiến tranh Ukraina là tâm điểm chương trình triển lãm, hội thảo và giới thiệu phim và sách dành cho các phóng viên chiến trường tổ chức tại thành phố Bayeux, vùng Normandie tây bắc nước Pháp. Sự kiện mở ra từ ngày đến ngày 13/10/2024. 350 phóng viên chiến trường được mời tham dự sự kiện. Trong năm vừa qua, 58 nhà báo đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Trong số các nạn nhân tại Gaza, một nhà báo của hãng tin Anh Reuters thiệt mạng hôm 13/10/2023 và cùng ngày, 6 phóng viên quốc tế bị thương. Văn phòng đại diện của hãng tin Pháp AFP tại Gaza bị hư hại nặng nề hôm 02/11/2023.
Canada cam kết ngừng « hút nhân viên y tế của châu Phi »Xin khép lại tạp chí hôm nay bằng một tin mang tính xã hội : tỉnh Québec của Canada trong tuần đã chính thức thông báo ngừng tuyển dụng y tá tại một số quốc gia châu Phi, như trường hợp của Maroc. Người lao động ở các nước chậm phát triển ước mong sang Âu - Mỹ hành nghề để được trả lương cao, nhưng lại tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế ngay trên nước họ, nơi mà hệ thống y tế vốn đã rất tệ.
Như nhiều nước phát triển phương Tây, Canada thiếu y tá, hộ lý phục vụ trong bệnh viện. Quốc gia Bắc Mỹ này đã tạm thời tìm ra giải pháp tuyển dụng nhân viên y tế nước ngoài, qua đó làm suy yếu thêm mạng lưới y tế và bệnh viện tại các nước chậm phát triển. Từ Quebec thông tín viên Pascale Guéricolas giải thích :
« 'Đây là một quyết định đã được suy nghĩ chín chắn, được cân nhắc và công bằng'. Đại sứ Macoc tại Canada Souriya Otmani đã hoan nghênh quyết định của vùng Québec ngừng tuyển dụng thêm y tế của Maroc đến làm việc tại các bệnh viện ở Québec. Cách nay vài tháng, nhà ngoại giao này từng công khai nói đến hiện tượng Maroc bị thất thoát nguồn nhân lực do các y tá sang làm việc tại Québec.
Trong hai năm, hơn một ngàn y tá bỏ đi khỏi châu Phi, nhất là những người từ Cameroune, hay Côte d’Ivoire. Tại châu Phi, 37 quốc gia có số lượng nhân viên y tế thấp hơn so với mức trung bình trên thế giới, theo như báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Rõ ràng là chính quyền của vùng Québec đã hưởng ứng kêu gọi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trước hiện tượng hệ thống y tế tại một số quốc gia đang yếu kém.
Thiếu y tá là một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ về sức khỏe cộng đồng. Theo đài phát thanh Radio Canada, hệ thống bệnh viện tại nước này tiếp tục tuyển dụng nhân viên ở các nước trong vùng Vịnh và từ Tunisia ».
Tổng thống Ukraina đến Mỹ tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và để thuyết phục đồng minh Hoa Kỳ về một ‘‘kế hoạch giành chiến thắng’’. Chuyến đi diễn ra sau hàng loạt cuộc tấn công của Ukraina nhắm vào nhiều kho vũ khí lớn nằm sâu trong lãnh thổ Nga, trong đó có vụ hủy diệt hoàn toàn kho vũ khí lớn bậc bậc nhất của Nga Toropets.
Trung Quốc cử một chỉ huy cấp quân khu đi Mỹ lần đầu tiên kể từ hai năm nay. Đại Hội Đồng khai mạc vào lúc xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah Liban có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh toàn diện, Hội Đồng Bảo An càng lúc càng thể hiện rõ sự bất lực. Việc cải tổ Hội Đồng Bảo An ngày càng trở thành điều nhãn tiền.
Tại Pháp, tân chính phủ liên hiệp cánh hữu với phe tổng thống, ra mắt hai tháng rưỡi sau cuộc bầu cử Quốc Hội, ngay lập tức gây thất vọng lớn trong xã hội. Một nửa cử tri của phe tổng thống Macron không ủng hộ tân chính phủ. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Bốn điểm chính của ‘‘Kế hoạch giành chiến thắng’’‘‘Kế hoạch giành chiến thắng’’ của tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky, đưa ra từ một tháng nay sau cuộc phản công chiếm hơn 1.000 km² tỉnh biên giới Kursk của Nga hồi đầu tháng 8/2024, vừa được thông báo chính thức với giới lãnh đạo Mỹ. Theo báo Anh Times, ngày 22/09, ‘‘kế hoạch của tổng thống Zelenskyy có 4 điểm chính. Thứ nhất là yêu cầu đảm bảo an ninh của phương Tây cho Ukraina tương tự như với thành viên NATO trong Hiệp ước phòng thủ chung, thứ hai là tiếp tục cuộc chiến tại khu vực tỉnh Kursk của Nga để có lá bài mặc cả về lãnh thổ, thứ ba là yêu cầu thêm các vũ khí tối tân, và thứ tư là tăng cường viện trợ tài chính quốc tế cho nền kinh tế đang bị tàn phá của Ukraina.’’
Báo chí Mỹ cho hay, vấn đề cho phép sử dụng các tên lửa của Mỹ (như ATACMS) hay tên lửa của Pháp-Anh Storm Shadow/Scalps có thiết bị của Mỹ, tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga có thể là một nội dung căn bản trong ‘‘Kế hoạch’’ nói trên. Về mặt chính thức, cho phép dùng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công vào đất Nga vẫn được điện Kremlin coi là một ‘‘lằn ranh đỏ’’ : việc Mỹ và phương Tây cho phép đồng nghĩa với việc phương Tây trở thành một bên tham chiến. Ngay sau khi Putin nhắc lại cảnh báo, tổng thống Mỹ và thủ tướng Anh, ngày 13/09, đã tạm hoãn quyết định.
Mỹ tạm hoãn cho phép, kho vũ khí lớn bậc nhất của Nga nổ tungĐiểm đáng chú ý là sau thông báo tạm hoãn, ngay trước thềm chuyến công du Mỹ của tổng thống Zelensky, quân đội Ukraina đã liên tục tấn công nhiều kho vũ khí lớn nằm sâu trong lãnh thổ Nga, trong đó có kho vũ khí Toropets, tỉnh miền tây Tver, cách biên giới Ukraina khoảng 500 km (hai kho khác gồm một kho cùng tỉnh Tver, cách Toropets khoảng 16km về phía nam, và một kho ở Tikhoretsk thuộc tỉnh miền nam Krasnodar). Kho có thể chứa nhiều tên lửa tầm xa, bom lượn, bom điều khiển từ xa.
Ngày 18/09, thông tin của NASA cho thấy toàn bộ kho vũ khí Toropets, rộng 5km², chu vi từ 12km đến 14km, đã nổ tung. Một trận động đất nhỏ được ghi nhận với 2,7 độ richter. Theo cơ quan tình báo Estonia, khoảng 30.000 tấn đạn dược phát nổ, tương đương với 750.000 trái đạn, đủ dùng cho cuộc chiến xâm lăng Ukraina trong nhiều tháng (thẩm định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ - ISW). Kho Toropets, được trực tiếp sử dụng cho cuộc chiến tranh chống Ukraina, là một trong những kho vũ khí lớn nhất của Nga, theo bộ Quốc Phòng Anh.
Kho có thể kháng cự ‘‘bom hạt nhân’’ bị tiêu hủy chỉ do drone ?Nguồn tin từ Kiev cho biết khoảng 100 drone Ukraina đã tham gia cuộc tấn công. Phía Nga giảm nhẹ tầm mức cuộc oanh kích, đồng thời cho biết đã bắn hạ nhiều drone Ukraina. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, hiện tại khó có thể giải thích được vì sao một kho vũ khí kiên cố - mà Nga quảng bá là có thể chống được một cuộc tấn công bằng ‘‘vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ’’ (theo cựu thứ trưởng Quốc Phòng Nga Dmitry Bulgakov, trang Euronews ngày 18/09/2024 trích dẫn) - lại có thể bị phá hủy hoàn toàn chỉ bởi một số drone, mà mỗi chiếc chỉ có thể mang theo vài chục kilogram thuốc nổ.
Không loại trừ khả năng Ukraina đã dùng vũ khí tầm xa của phương Tây, cụ thể là tên lửa Storm Shadow Anh viện trợ. Vẫn theo báo Times, có thể Anh và Mỹ đã ngầm cho phép Ukraina trong chuyến công du của hai ngoại trưởng Mỹ Anh đến Kiev giữa tháng 9/2024. Đài Mỹ CNN nhắc lại diễn biến cách nay gần một năm, các tên lửa do Mỹ và Anh cung cấp đã được dùng để tấn công mục tiêu của Nga tại các vùng chiếm đóng ở Ukraina trước khi được chính thức thông báo. Vào thời điểm đó đối với Matxcơva, đấy cũng từng là một lằn ranh đỏ.
Dù là do vũ khí tự chế hay do phương Tây cung cấp, với cuộc tấn công chiếm một phần tỉnh Kursk của Nga và các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các căn cứ sâu trong lãnh thổ Nga, quân đội Ukraina đã vượt qua ‘‘nhiều lằn ranh đỏ’’. Phá bung ‘‘các lằn ranh đỏ’’ hù dọa của Putin cùng lúc với các nỗ lực ngoại giao để chứng minh với quốc tế tính phi pháp và phi đạo lý của cuộc chiến xâm lược phải chăng chính là một phần căn bản trong ‘‘kế hoạch giành chiến thắng’’ của tổng thống Zelensky?
Chỉ huy quân sự Trung Quốc phụ trách Biển Đông đi MỹBộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm thứ Hai, 23/09, xác nhận tướng Ngô Á Nam (Wu Yanan), đứng đầu Chiến khu Nam Bộ của Quân đội Trung Quốc đã có cuộc họp với chỉ huy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Samuel Paparo, tại hội nghị các chỉ huy Quân đội vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hawaii, Mỹ, vào tuần trước. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ra một thông cáo cho biết trong cuộc họp tuần trước, ‘‘cả hai bên đã có cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề cùng quan tâm, tập trung vào việc thực hiện đồng thuận mà nguyên thủ quốc gia hai bên đã đạt được’’. Bắc Kinh đã dừng các kênh liên lạc quân sự quan trọng, bao gồm cả ở cấp chỉ huy tác chiến, sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8/2022.
Về phần mình, đô đốc Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương cho biết đã ‘‘nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh liên lạc liên tục giữa Quân đội Mỹ và Quân đội Trung Quốc để giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm’’. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, trong cuộc đối thoại với chỉ huy Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc, phía Mỹ đã nêu lên những lo ngại về ‘‘hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và tác động của sự hỗ trợ đó đối với an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương’’, cũng như ‘‘hành vi quấy rối hung hăng liên tục của Trung Quốc đối với các tàu Philippines hoạt động hợp pháp ở Biển Đông’’.
Tướng Ngô Á Nam dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đến Hawaii tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 26 các chỉ huy quân đội vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 19 đến 21/09. Tham gia Hội nghị lần này có hơn 28 nước và tổ chức (trong đó có NATO). Việt Nam cũng tham dự diễn đàn này. Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, trong dịp này, ngoài Mỹ, đại diện quân đội Trung Quốc đã có các cuộc hội đàm song phương với Thái Lan, Singapore, Philippines, Anh và Pháp.
Hội đồng Bảo An lộ rõ bất lực: Cải tổ ngày càng là việc cấp báchNgày 23/09/2024 tại New York, bên lề hội nghị thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Joseph Borell một lần nữa nhắc lại là cần thực thi nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an thông qua hồi 2006 nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah, nhằm tái lập hòa bình ở Liban.
Theo nghị quyết 1701, lực lượng Hezbollah phải rút khỏi khu vực biên giới, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và quân đội Liban sẽ được bố trí tại vùng đệm dọc theo biên giới. Phía Israel có nghĩa vụ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Liban. Tất cả những nội dung này gần 20 năm sau vẫn chưa được áp dụng, trong lúc xung đột giữa Israel và Hezbollah đang ngày càng dữ dội.
Đây là một trong các dấu hiệu cho thấy việc cải cách Hội đồng Bảo an là điều không thể tránh khỏi. Đây là một nội dung trọng tâm được thảo luận tại Đại Hội Đồng lần này. Tường trình của thông tín viên Carrie Nooten gửi về từ New York ngày 24/04:
‘‘Các quy định trừng phạt bị phá hoại, nhiều xung đột mang tính khu vực đã nổ ra, như chiến tranh ở Ukraina hay Gaza, viện trợ nhân đạo tại Syria hay Gaza vẫn liên tục bị ngăn chặn… Những hồ sơ nói trên là triệu chứng cho thấy sự tê liệt của Hội đồng Bảo an trong những năm gần đây năm. Những điều này làm xói mòn uy tín của Hội đồng Bảo an, và thúc đẩy các quốc gia thành viên lên tiếng nhiều hơn nữa trong việc đòi hỏi cải cách định chế này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói : ‘‘Khi tôi bắt đầu làm tổng thư ký, việc nói về cải cách Hội đồng Bảo an là điều cấm kỵ, định chế là hoàn toàn không thể chạm tới. Tình hình đã thay đổi hoàn toàn: giờ đây mọi người đều nhận ra rằng cải cách là cần thiết, và tất cả các thành viên của Hội đồng, bao gồm cả 5 thành viên thường trực, đều nhận thấy cần thiết phải có đại diện châu Phi ở cấp thành viên thường trực, cũng như cần gia tăng số lượng các thành viên không phải là thành viên thường trực.’’
Việc cải cách Hội đồng Bảo an là một kêu gọi trong ‘‘Hiệp ước Tương lai’’, và tổng thống Joe Biden sẽ phải ủng hộ điều này một lần nữa trong bài phát biểu sáng nay. Tuy nhiên, nếu cho rằng việc mở cửa Hội đồng cho các thành viên mới là việc khả thi, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc tỏ ra bi quan về khả năng bãi bỏ quyền phủ quyết, mà 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an hiện đang kiên quyết bảo vệ’’.
Tân chính phủ Pháp: Một nửa cử tri phe tổng thống bất bìnhPhải hai tháng sau cuộc bầu cử, tổng thống Pháp mới chọn được tân thủ tướng, và phải hơn hai tuần sau khi có thủ tướng, ngày 21/09 vừa qua, nước Pháp mới biết được thành phần chính phủ mới. Thời gian được coi là kỷ lục đối với việc lập chính phủ của nền đệ ngũ cộng hòa Pháp. Tuy nhiên, thành phần chính phủ sau khi được công bố đã ngay lập tức gây hoài nghi trong xã hội Pháp.
Theo một khảo sát do viện thăm dò dư luận Anh YouGov, thực hiện theo đặt hàng của báo HuffPost, 70% dân Pháp cho rằng thành phần của tân chính phủ Barnier ‘‘không phản ánh được nguyện vọng của cử tri’’ qua cuộc bầu cử Quốc Hội vòng hai đầu tháng 7/2024, được đánh dấu với chiến thắng sít sao của Mặt trận Bình dân Mới, liên minh bốn đảng phái cánh tả và cực tả về đầu với 193 ghế. Ứng cử viên thủ tướng của liên đảng cánh tả đã không được tổng thống lựa chọn. Ngược lại, người được chọn là một chính trị gia cánh hữu, đảng LR, đứng thứ 5 trong số các đảng phái tại Hạ Viện về số dân biểu.
Thành phần chính phủ mới bao gồm chủ yếu là các bộ trưởng xuất thân từ phe của tổng thống và cánh hữu, và chỉ có một bộ trưởng xuất thân từ cánh tả. Thành phần tân chính phủ không chỉ gây bất bình trong cử tri cánh tả, mà có đến 51% cử tri vốn ủng hộ phe tổng thống cũng coi là không phù hợp với kết quả bầu cử. Mục tiêu làm tình hình trở nên ‘‘sáng tỏ hơn’’ của tổng thống Pháp, được đưa ra để biện minh cho quyết định bất ngờ giải tán Quốc Hội để bầu cử trước thời hạn, dường như bất thành.
Liên tiếp trong hai ngày 17 và 18/09/2024, tại Liban, hai loạt vụ nổ hàng ngàn máy nhắn tin và máy bộ đàm đã giết chết tổng cộng 30 người của Hezbollah và làm bị thương hơn 3000 người, không chỉ gây xáo trộn hàng ngũ Hezbollah mà còn gây hoảng loạn trong dân chúng Liban.
Từ Beyruth, thông tín viên Sophie Guignon gửi về bài phóng sự :
« Đây quả là một cơn ác mộng, một câu chuyện gián điệp khủng khiếp. Khi tin đồn về loạt vụ nổ thứ hai lan khắp Liban, mối lo ngại và nỗi ngờ vực đã xâm chiếm bà Hoda, một người sống ở Beyruth và là một bà mẹ có 2 đứa con. Bà Hoda nói : « Tôi rất sợ, thật khó có thể trấn an con cái khi bản thân mình cũng sợ hãi. Chúng tôi sợ nhưng không biết sợ cái gì, chúng tôi sợ tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ xung quanh chúng tôi đều đáng sợ. Chúng tôi về nhà và thấy sợ hãi, chúng tôi đi ra ngoài và cũng thấy sợ. Không ở đâu an toàn cả ».
Bà Mona là người quản lý một quán cà phê gần một trong những bệnh viện của thủ đô Beyruth, nơi tiếp nhận những người bị thương trong các vụ nổ máy nhắn tin và máy bộ đàm. Bà căng thẳng, vừa hút shisha vừa nhìn vào điện thoại với vẻ bối rối. Bà Mona chia sẻ : « Tôi không còn dám cầm điện thoại trên tay, trước đây khi ngủ tôi vẫn đặt điện thoại bên cạnh mình, nhưng bây giờ thì tôi không còn dám làm thế nữa. Tôi cũng đã mua vé máy bay. Tôi muốn rời khỏi đây. Tôi sẽ không ở đây nữa đâu. Bây giờ tôi sợ đủ mọi thứ ». Nếu như các chuyến bay không bị hủy, bà Mona sẽ bay sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước nguy cơ căng thẳng leo thang, bộ Ngoại Giao Pháp đã yêu cầu công dân Pháp không đến Liban ».
Thông điệp của Israel ?Dù chính phủ của thủ tướng Netanyahu không thừa nhận trách nhiệm của Tel Aviv, mọi nghi ngờ ở cả Liban và trên trường quốc tế dường như đều hướng đến Israel, họ cho rằng chỉ có Tel Aviv mới có đủ khả năng gián điệp và trình độ công nghệ thực hiện một vụ kích nổ chưa từng có và quy mô lớn đến như vậy.
Ngay tại Israel, theo ghi nhận của thông tín viên Fanny Crouzet ngày 19/09, nhiều người dân Jerusalem cũng tin chắc rằng chính lực lượng của Israel đã làm điều này. Theo nghiên cứu gia Yohoshua Kalisky của INSS, Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel, vụ kích nổ rõ ràng mang dấu ấn của Israel và là một thông điệp rõ rệt mà Tel Aviv gửi đến lực lượng Hezbollah Liban.
Trả lời thông tín viên RFI tại Jerusalem, Sami Boukhelifa, nhà nghiên cứu Yohoshua Kalisky giải thích :
« Điều gây ấn tượng ở đây là việc sử dụng công nghệ để tiếp cận kẻ thù của chúng tôi một cách khác lạ. Và thông điệp được gửi đi là : Chúng tôi biết các người là ai. Chúng tôi biết các người đang ở đâu. Chúng tôi sẽ tiếp cận và tiêu diệt các người, dù các người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này. Cho dù các người đang ở vùng ngoại ô phía nam của Beyruth, hay các người đang ở Bekka tại Liban hay là ở Syria, hay là ở bất cứ nơi đâu tại Trung Đông hoặc là nơi nào khác trên thế giới đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng sẽ truy lùng và tiêu diệt các người. Đơn giản là như vậy thôi.
Chúng tôi sẽ hủy diệt các người, bởi vì chính các người muốn hủy diệt Nhà nước duy nhất của người Do Thái ».
Theo báo Le Figaro ngày 18/09, nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là 1 lời nhắn nhủ của Israel gửi đến Teheran, vốn lâu nay bị xem như « kẻ thù không đội trời chung » của Tel Aviv. Israel đã cho Iran thấy chế độ Teheran cũng sẽ không có khả năng bảo vệ toàn bệ hệ thống của mình. Frédérique Schillo, chuyên gia về Israel và quan hệ quốc tế, thì cho rằng có thể vụ tấn công này cũng là thông điệp gửi đến chính người dân Israel : « Cơ quan tình báo Mossad đã trở lại sau thất bại ngày 07/10 » năm ngoái, ý nói đến vụ tấn công khủng bố đẫm máu của Hamas.
Ủy Ban Châu Âu kích hoạt thủ tục đặc biệt để thu hồi tiền phạt HungaryNgày 18/09, Ủy Ban Châu Âu thông báo 200 triệu euro trong khoản tiền quỹ của Liên Âu dành cho Hungary sẽ bị Bruxelles giữ lại do Budapest không chịu nộp phạt đúng hạn. Hồi tháng 06, Hungary đã bị Tòa án Công lý Châu Âu phạt 200 triệu euro, hạn chót là ngày 17/09, do vi phạm quy định về đối xử với người xin tị nạn. Nếu quá hạn, ngoài số tiền nói trên, Budapest còn phải trả cho Liên Âu thêm 1 triệu euro/mỗi ngày.
Di dân là một trong những hồ sơ lớn gây bất đồng giữa Liên Âu và Hungary. Thủ tướng Victor Orban xem phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu là một vụ « tai tiếng và không thể chấp nhận được », biện minh rằng chính Hungary đã « bảo vệ biên giới của Liên Âu » trước làn sóng di dân quốc tế.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet ngày 19/09 gửi về bài tường trình :
« Các cơ quan tài chính và pháp lý của Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Hai (16/09) đã bắt đầu sàng lọc tất cả các khoản thanh toán mà Hungary phải trả cho Bruxelles. Hungary vẫn nhận được phần lớn tiền từ các quỹ và trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu cho dù bị phong tỏa gần 20 tỉ eurou euro vì không tuân trọng Nhà nước pháp quyền. Các khoản thanh toán tới đây của Liên Âu cho Budapest sẽ được xem xét kỹ lưỡng, Ủy Ban Châu Âu sẽ trực tiếp giữ lại 200 triệu euro và Hungary sẽ chỉ có thể nhận được phần tiền còn lại.
Thủ tục thu hồi các khoản tiền Hungary nộp phạt muộn cho Bruxelles sẽ được áp dụng, mỗi ngày chậm nộp phạt Hungary phải chi thêm 1 triệu euro. Hungary đã bị xử phạt như trên hồi tháng 06 do không tuân thủ quyết định của tòa án.
Hungary đã đóng cửa các trại trung chuyển dành cho người di cư (ở Röszke và Tompa, ở biên giới với Serbia), không những vậy, Hungary còn « cố tình » tránh áp dụng luật của Liên Âu về người nhập cư. Budapest cản trở di dân nộp hồ sơ xin tị nạn, ngăn cản người xin tị nạn lưu lại tại Hungary trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng của nhà chức trách về đơn xin tị nạn của họ. Budapest còn « đẩy ngược » những di dân từ nước thứ ba (ngoài Liên Âu) cư trú bất hợp pháp về đất nước nguyên quán của họ theo cách không tôn trọng quyền của người nhập cư ».
Khởi động thủ tục truất phế tổng thống, uy tín của Macron có bị ảnh hưởng ?Về thời sự nước Pháp, nổi bật nhất tuần này là sự kiện Văn Phòng Quốc Hội Pháp hôm 17/09 bật đèn xanh khởi động thủ tục truất phế tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo điều 68 của Hiến Pháp, thời hạn muộn nhất để Ủy ban Pháp Luật của Hạ Viện bỏ phiếu thông qua văn bản là 15 ngày sau khi nhận được văn bản từ Văn Phòng Quốc Hội. Nhưng theo dự báo, sẽ ít có khả năng thủ tục này, xuất phát từ đề xuất của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, được thông qua ở Ủy ban Pháp Luật của Hạ Viện, bởi phe cánh tả chỉ chiếm thiểu số.
Mặt khác, theo nhận định của Guillaume Tusseau, giáo sư luật công tại trường Sciences Po, chuyên về gia về luật bảo hiến và các định chế chính trị, với RFI ban Pháp ngữ, cho dù về mặt chính trị, có nhiều dân biểu không tán thành quyết định giải thể Quốc Hội của tổng thống hồi tháng 06, không tán thành việc ông Macron bổ nhiệm chính trị gia cánh hữu Michel Barnier làm thủ tướng, hay không tán thành việc tổng thống chờ đợi quá lâu mới bổ nhiệm thủ tướng, nhưng không chắc là các dân biểu sẽ thống nhất xem là tổng thống Macron đã phạm lỗi không thực thi nhiệm vụ để có thể truất phế ông.
Cũng theo chuyên gia Guillaume Tusseau, vì tính toán chính trị, các đảng phái sẽ không dễ dàng ủng hộ đề xuất của đảng LFI. Chẳng hạn, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) dẫu có hài lòng về việc đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) gây bất ổn cho tổng thống và các định chế, nhưng đây cũng là cơ hội để đảng cực hữu cho thấy họ có thái độ ôn hòa hơn đối thủ cực tả. Nói tóm lại, thủ tục phế truất tổng thống dẫu có được khởi động cũng khó có cơ hội có được lá phiếu ủng hộ của 2/3 tổng số dân biểu Hạ Viện để được chuyển sang xem xét tiếp ở Thượng Viện.
Đây là lần đầu tiên dưới nền Đệ ngũ Cộng hòa (từ năm 1958), thủ tục truất phế tổng thống được Quốc Hội khởi động, nhưng theo chuyên gia Tusseau, không vì thế mà uy tín của tổng thống sút giảm, trái lại tổng thống Macron cũng không thể củng cố danh tiếng bằng cách nói rằng ông ấy đã bị các đảng đối lập như LFI đối xử tệ như thế nào.
Brazil: cháy rừng hoành hành do hạn hán và cố ý phóng hỏaThế giới những ngày qua đã trải qua nhiều tổn thất nhân mạng và thiệt hại vật chất vì thiên tai. Siêu bão Yagi càn quét Đông Nam Á, kéo theo đó là lũ lụt, sạt lở đất, đã làm hơn 500 người chết, nhất là ở Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện (theo các số liệu chính thức).
Châu Âu ghi nhận ít nhất 23 người chết ở Trung - Đông Âu, nhất là Ba Lan, CH Séc, Rumani và Áo, do bão Boris. Trong khi đó, tại Nam Âu, Bồ Đào Nha đã phải vất vả đối phó với cháy rừng. Hơn 50 vụ cháy rừng ở miền bắc và trung đất nước đã cướp đi mạng sống của 7 người, trong đó có 3 lính cứu hỏa, làm bị thương ít nhất 59 người và tàn phá gần 100.000 ha cây trồng. Theo AFP, 4.500 lính cứu hỏa trên toàn quốc đã được huy động tham gia chữa cháy cùng với hơn 1000 xe cứu hỏa, 30 máy bay và trực thăng dập lửa. Tầm mức cháy rừng ở Bồ Đào Nha nghiêm trọng đến mức chính quyền đã phải đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tiếp viện.
Nhìn sang châu Mỹ, Brazil cũng đang bị mồi lửa tấn công do đang là mùa hạn hán. Bên cạnh đó, Brazil còn phải đối phó với tội phạm cố ý đốt rừng. Từ Sao Paolo, thông tín viên Bernard Martin ngày 17/09 gửi về bài tường trình :
« Đã gần 6 tháng nay Brasilia không có nổi một giọt nước mưa nào. Tại công viên quốc gia ở thủ đô đã xảy ra đám cháy, khói bốc lên làm ô nhiễm một phần lớn thủ đô. Kịch bản tương tự cũng đã lặp lại ở Sao Paulo trong những ngày qua. Ở đó, hồi tuần trước đã có những đồn điền trồng mía và cây cà phê bị hỏa hoạn.
Các đám cháy đã phá hủy một phần lớn Pantanal, vốn là một khu sinh thái vô cùng quan trọng. Ngọn lửa cũng đã tàn phá thảo nguyên Cerrado, và tất nhiên là cả vùng Amazon. Nơi đây, hạn hán đã khiến mực nước giảm mạnh. Hậu quả là tàu thuyền không còn có thể đi lại trên sông, người dân địa phương như vậy là bị cô lập.
Các chuyên gia báo động rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo. Chính phủ đổ lỗi cho hành động cố ý châm lửa đốt rừng. Các nhà bảo vệ môi trường cáo buộc các chủ đồn điền lớn và những người ủng hộ cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã « đổ thêm dầu vào lửa », để đẩy nhanh nạn phá rừng ».
Hai tuần lễ trước kỳ họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 12/09/2024, Mỹ chính thức thông báo ủng hộ châu Phi có hai ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An (HĐBA). Mỹ lần đầu tiên cáo buộc Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina để đổi lấy công nghệ vũ khí tối tân.
Chính quyền Nga tỏ ra thờ ơ với cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ. Kỳ Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paris 2024 khép lại với lễ bế mạc để lại nhiều ấn tượng ngay sau khi Pháp có thủ tướng mới gần hai tháng sau bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
***
Từ hàng chục năm nay cải tổ Hội Đồng Bảo An luôn được coi là húy kỵ, bất chấp việc định chế đầy quyền lực có sứ mạng duy trì hòa bình, được lập ra sau Thế chiến Hai, ngày càng bị chỉ trích là không còn đủ năng lực thực thi sứ mạng này. Những tháng gần đây, vấn đề cải tổ lại được đặt ra khẩn thiết. Theo giới quan sát, hơn một nửa quyết định của Hội Đồng Bảo An liên quan đến các vấn đề an ninh của châu Phi, và hơn một phần ba cuộc họp của Hội Đồng, trong năm 2023, liên quan đến lục địa một tỷ rưỡi dân, nhưng mới chỉ có ba ghế không thường trực.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết cụ thể:
‘‘Hiện tại, các nước châu Phi có ba ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an, được phân bổ luân phiên, với nhiệm kỳ 2 năm.Tuy nhiên, theo đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield, số ghế này là không đủ. Đại sứ Mỹ giải thích: “Vấn đề là những ghế được bầu này không cho phép các nước châu Phi được hưởng lợi đầy đủ từ những hiểu biết và tiếng nói của họ trong hoạt động của Hội đồng. Đây là lý do tại sao mà ngoài việc trao quyền thành viên không thường trực cho các nước châu Phi, Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc lập ra hai ghế thường trực cho châu Phi trong Hội đồng Bảo An. Đây là điều mà các đối tác châu Phi đang tìm kiếm và chúng tôi tin làm như thế là đúng.’’
Tuy nhiên, trong hiện tại mong muốn hàn gắn quan hệ với châu Phi của Washington khó thành hiện thực. Trước hết bởi vì bản thân các nước châu Phi vẫn chưa quyết định xem nước nào có thể làm thành viên thường trực. Đứng đầu trong số các ứng cử viên là Niger và Nam Phi, nhưng cũng có bốn nước khác sẵn sàng.
Tiếp theo đó là câu hỏi nhạy cảm về quyền phủ quyết. Theo kế hoạch của Mỹ, chỉ có 5 thành viên thường trực “lịch sử” (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh) mới giữ được quyền này. Và cuối cùng, để được thông qua, dự thảo nghị quyết trước tiên phải được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn, và sau đó phải được 4 thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an chấp thuận và được hai phần ba Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ủng hộ.’’
Thủ đoạn ''đánh bóng hình ảnh'' của Mỹ ?Thông báo của Mỹ có thể mang lại một số hy vọng nhưng giới quan sát tỏ ra hoài nghi. Trả lời RFI, chuyên gia về Liên Hiệp Quốc Romuald Sciora, giám đốc Trung tâm quan sát Chính trị và Địa chiến lược Mỹ, nhận định tuyên bố của Washington thiên về ‘‘đánh bóng hình ảnh’’ của Mỹ với châu Phi, và đây là một động thái mới trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc tại châu Phi. Afrika.new, trang mạng Pháp ngữ hàng đầu về chính trị châu Phi, cũng dẫn lời ông Sciora, nhấn mạnh đề xuất này là công cụ tranh đấu địa – chính trị ‘‘hơn là quyết tâm thay đổi thực sự cơ chế của Liên Hiệp Quốc’’.
Tuyên truyền đả kích phương Tây ‘‘thống trị thế giới’’ của Nga…Không chỉ Mỹ mà Nga cũng chủ trương để Ấn Độ, Brazil, đại diện của khối Ả Rập và châu Phi có tư cách ‘‘thành viên thường trực đầy đủ’’ tại Hội Đồng Bảo An, theo tư tưởng gia Nga Serguei Karaganov, lãnh đạo Hội đồng về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, thường được coi là kiến trúc sư hàng đầu của chính sách đối ngoại Nga. Về việc để châu Phi có ghế thành viên thường trực, Trung Quốc tỏ ra kín tiếng. Riêng về châu Á, Bắc Kinh không muốn có thêm thành viên thường trực nào ngoài Trung Quốc.
Theo điện Kremlin, Hội đồng Bảo an là điển hình cho sự thống trị của phương Tây, với việc ba trong số năm thành viên thường trực là nước phương Tây. Cuộc đấu giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga với các nước châu Phi nói riêng và ‘‘các nước phương Nam’’ nói chung đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina (‘‘các nước phương Nam / South Global’’ là tên gọi để chỉ các nước nằm ngoài khối phương Tây và các đồng minh của phương Tây).
Trên thực tế, cho dù đa số các nước phương Nam không tham gia các trừng phạt của phương Tây chống điện Kremlin, đa số các nước phương Nam đã bỏ phiếu lên án Nga xâm lược Ukraina trong tất cả các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Trái ngược với luận điệu tuyên truyền của Matxcơva, Pháp – nước phương Tây thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An – đang nỗ lực vận động không chỉ cho việc mở rộng ghế thành viên thường trực cho các nước ngoài phương Tây, mà còn chủ trương giới hạn chặt quyền phủ quyết của các thành viên thường trực để sao cho các nghị quyết của Hội Đồng ngăn ngừa các cuộc chiến tranh, thảm sát, không bị lá phiếu của một nước duy nhất chặn đứng.
Sáng kiến do Pháp và Mêhicô đồng chủ trì hiện nhận được sự ủng hộ của hơn 100 thành viên Liên Hiệp Quốc. Theo chính quyền Pháp, sáng kiến cải tổ này cần phải được cấp tốc thực thi ngay trong dịp Đại Hội Đồng tháng 9/2024, để Hội Đồng Bảo An thực hiện được ‘‘trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế’’, theo đúng Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Mỹ lần đầu tiên tố cáo Trung Quốc hỗ trợ Nga vũ khí chống UkrainaHôm 10/09 vừa qua, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Kurt Campbell khẳng định Bắc Kinh đang cung cấp cho Matxcơva ‘‘các hỗ trợ rất lớn’’’ để tăng cường cỗ máy chiến tranh, và đổi lại Nga chuyển giao cho Trung Quốc nhiều công nghệ quân sự về tàu ngầm và tên lửa, vốn được kiểm soát chặt chẽ. Theo trang mạng Politico.com, với tuyên bố nói trên, Washington đã nâng mức độ chỉ trích nhắm vào Trung Quốc.
Trước phát biểu của thứ trưởng Kurt Campbell, Hoa Kỳ thường chỉ tập trung lên án việc Bắc Kinh cung cấp cho Matxcơva ‘’các mặt hàng lưỡng dụng’’, có thể được dùng cho quân sự. Phát biểu được thứ trưởng Kurt Campbell đưa ra với báo giới sau cuộc họp với các đối tác Liên Hiệp Châu Âu và NATO tại Bruxelles. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh vấn đề này hoàn toàn không liên quan đến các mặt hàng lưỡng dụng, và cho biết thêm : ‘‘Chúng tôi đang chứng kiến những nỗ lực ở cấp cao nhất của chính phủ hai nước nhằm cố gắng che giấu hợp tác đáng lo ngại này…’’.
Theo ông Campbell, các công nghệ mới mà Bắc Kinh đang tiếp nhận sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho Mỹ, mà còn cho Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Báo Anh The Financial Times dẫn lại nguồn tin của giới nghiên cứu Hải Quân Mỹ, theo đó tàu ngầm Type 096 đời mới trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc đang được phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ Nga, đặc biệt khiến động cơ ít gây tiếng ồn hơn, một công nghệ tiên tiến mà Nga không muốn chia sẻ với Trung Quốc.
Tiết lộ mới của thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ được đưa ra chỉ hai tuần sau khi cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan có chuyến đi đầu tiên tới Bắc Kinh kể từ năm 2020, nhằm tìm cách nối lại đối thoại về hàng loạt hồ sơ bất đồng, đặc biệt về cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ tranh luận, điện Kremlin tỏ vẻ thờ ơNgày 10/09 vừa qua, hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ có cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất trên truyền hình. Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina là một chủ đề trọng tâm. Điện Kremlin phản ứng ra sao. Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa el-Jabri cho biết ẩn đằng sau thái độ thờ ơ của nhà cầm quyền Nga, Matxcơva dường như vẫn nghiêng hẳn với về phía cựu tổng thống Trump:
‘‘Bình luận đầu tiên thể hiện sự thờ ơ được đưa ra vào sáng thứ Tư 11/09. Trên đài Sputnik, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói: “Hãy tưởng tượng một trận đấu giữa hai võ sĩ trên tàu Titanic. Sau trận đấu, mọi người tranh luận về việc ai thắng, ai thua, nhưng chuyện này có tạo ra khác biệt gì đâu. Chỉ 15 phút sau, con tàu Titanic sẽ đâm vào tảng băng trôi mà thôi’’.
Bất chấp việc thái độ thờ ơ đã được thể hiện rõ bởi một quan chức cao cấp, đến giữa trưa phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov tiếp tục nhấn mạnh: “Thật không may, chúng tôi không thể theo dõi cuộc tranh luận vì diễn ra vào lúc nửa đêm theo giờ Matxcơva. Nhưng sáng nay chúng tôi đã xem và đọc các báo cáo. Rõ ràng, chúng tôi nhận thấy cả hai ứng cử viên đều đề cập đến tổng thống và đất nước của chúng tôi. Và rõ ràng là nước Mỹ nói chung, bất kể ứng cử viên nào, vẫn duy trì thái độ thù địch và tiêu cực đối với đất nước chúng tôi.’’
Trên thực tế, đằng sau các lời lẽ khẳng định hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là như nhau, quan điểm thực sự của điện Kremlin có thể được thể hiện qua phát biểu của một nhà bình luận chính trị, được phát đi vào khung giờ vàng của truyền hình.
Điện Kremlin dường như nghiêng hẳn về phía ứng cử viên đảng Cộng Hòa: “Lập trường của Donald Trump có vẻ mang tính xây dựng hơn. Ông ấy hiểu rằng chiến dịch quân sự đặc biệt không phải tự nhiên mà được tiến hành. Ông Trump cho biết Nga có lý do riêng để bắt buộc phải áp dụng các biện pháp cực đoan này. Hãy xem xem mọi chuyện sẽ như thế nào nếu Trump trở thành tổng thống’’.
Bế mạc Paralympic: Vũ trường Stade de France và thông điệp Tình yêuTrong tuần qua, sự kiện không thể bỏ qua là Lễ bế mạc Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật khép lại tại sân vận động Stade de France, Paris. Đây cũng là sự kiện cuối cùng khép lại hai kỳ Thế Vận Hội mà nước Pháp lần đầu tiên đăng cai.
Sau khi ngọn lửa Thế Vận được thổi tắt, Stade de France biến thành một vũ trường khổng lồ. 5.000 vận động viên khuyết tật có mặt cùng 65 nghìn khán giả tiếp tục sống trong không khí ‘‘Paris est une fête’’, Paris là một ngày hội (như tên tác phẩm tự thuật của văn hào Mỹ Hemingway), với các tiết mục âm nhạc điện tử do cây đại thụ Jean-Michel Jarre, 76 tuổi, người mở đường cho nhạc electro Pháp, chủ trì.
Tất cả hòa cùng một nhịp với những những giai điệu đã trở thành kinh điển của dòng nhạc điện tử « Paris Stadium », « Industrial Revolution P2 Stadium » et « Time Machine Stadium »… Việc khép lại hai kỳ Thế Vận hội, nơi âm nhạc và thể thao, công chúng và vận động viên hòa quyện mang lại một thông điệp rõ ràng, bởi đây là ‘‘hai yếu tố biểu tượng cho sự mở rộng vòng tay đoàn kết, cho tình huynh đệ - lòng bác ái’’, như tâm sự của ông hoàng của âm nhạc điện tử Pháp Jean-Michel Jarre.
Những người hâm mộ cũng khó lòng quên được ca khúc, đối với nhiều người đã trở thành huyền thoại Vivre pour le meilleur (tạm dịch là Hãy sống cho điều cao đẹp nhất), của Johnny Hallyday. Tác phẩm ra đời 25 năm trước được nữ ca sĩ Pháp Santa làm sống lại trong màn trình diễn đầy biểu cảm.
‘‘… Des gens qui cherchent la lumière
En pleine nuit
Des gens qui courent après l'amour
Et qui le fuient
Des bras qui se lèvent pour un dieu
Qu'ils ne voient pas
Moi, j'ai ta chair contre ma chair
En ça je crois
Vivre pour le meilleur
Se vouloir pour tout se donner
Plus riche de ne rien garder
Que l'amour ... ’’ (*)
Metro thuận tiện cho người khuyết tật…, những thách thức với tân chính phủ…
Ca khúc Vivre pour le meilleur nói đến sức mạnh vô song của tình yêu. Khép lại kỳ Paralympic, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc tế cho người khuyết tật, Andrew Parsons, nhắc nhở cam kết của chính quyền vùng Ille-de-France và thủ đô Paris về việc tạo điều kiện để toàn bộ 13 tuyến xe điện ngầm của thủ đô có thể trở nên thuận tiện cho người khuyết tật, một thách thức rất lớn.
Hai ngày trước khi Paralympic bế mạc, tổng thống Pháp chính thức bổ nhiệm thủ tướng hai tháng sau cuộc bầu cử. Thách thức để chính phủ mới có thể trụ lại được, có thể đưa ra được các chính sách đúng hướng, hợp lòng dân là ghê gớm. Nhiều người tin tưởng lực đẩy tinh thần Thế Vận Hội Olympic và Paralymic, vừa được khơi lên tại Pháp, sẽ giúp cho xã hội Pháp có thêm sức mạnh vượt qua.
Pháp cuối cùng cũng có thủ tướng sau hơn 50 ngày chờ đợi ; Trung Quốc điều chỉnh lợi ích ở châu Phi khi thông báo đầu tư hơn 50 tỉ đô la trong vòng 3 năm ; Bất chấp chỉ trích, Mông Cổ đón tổng thống Nga để cân bằng chính sách láng giềng ; Giáo hoàng Phanxicô và chuyến tông du “đối thoại liên tôn giáo” ở Indonesia. Trên đây là một số chủ đề thời sự trong tuần của Tạp chí Thế giới Đó đây.
Pháp : Tổng thống Macron chọn nhà chính trị lão thành làm thủ tướngMãi 51 ngày sau cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, nước Pháp thở phào vì có thủ tướng mới. Michel Barnier, 73 tuổi, nguyên ủy viên châu Âu phụ trách đàm phán Brexit cho phía Liên Hiệp Châu Âu năm 2016. Chức vụ thủ tướng như một cách tưởng thưởng đối với chính trị gia đã tham gia chính trường từ 50 năm, kinh qua nhiều vị trí, chức vụ, như bộ trưởng Ngoại Giao, Nông Nghiệp, dân biểu, thượng nghị sĩ, ủy viên châu Âu, nhà đàm phán… nhưng chưa bao giờ làm thủ tướng.
Ông Michel Barnier là giải pháp cuối cùng của tổng thống Macron sau khi đã phải gạt bỏ ba ứng viên tiềm năng chỉ trong ba ngày đầu tuần (Bernard Cazeneuve, Xavier Bertrand, Thierry Beaudet) vì nguy cơ chính phủ sẽ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ông Barnier cũng đáp ứng được những tiêu chí chính của tổng thống : không có tham vọng ra tranh cử tổng thống, như vậy sẽ bớt đe dọa cho tham vọng của phe tổng thống. Ông Barnier là người ủng hộ châu Âu, bảo thủ, nên có lẽ không thiên về cánh tả trong phe tổng thống, cũng không ngả về đảng Những Người Cộng Hòa (LR) hoặc đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN).
Trong lễ chuyển giao quyền lực ngày 05/09 với người tiền nhiệm Gabriel Attal, tân thủ tướng Michel Barnier hứa “nhiều thay đổi và đoạn tuyệt”, tỏ quyết tâm “hành động nhiều hơn nói” và “nói thật” về “khoản nợ tài chính và môi trường”. Ông cũng cam kết với người tiền nhiệm tiếp tục đặt “trường học” làm ưu tiên, cũng như những chủ đề khác : an ninh, di dân, việc làm và sức mua... Thách thức đầu tiên của tân thủ tướng là thành lập nội các, tiếp theo là đưa ngân sách 2025 ra thông qua ở Quốc Hội.
Cánh hữu và cực hữu Pháp chúc mừng tân thủ tướng. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) tiếp tục bày tỏ phẫn nộ vì họ nhận được nhiều số phiếu nhất trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Tuy nhiên, Lucie Castets, ứng viên được NFP đề cử đã bị tổng thống Macron gạt vì hai đảng LR và RN khẳng định sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Jean-Claude Juncker : Barnier là người thích hợp nhất cho vai trò thủ tướngTrả lời phỏng vấn AFP, cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker xúc động sau khi được biết ông Michel Barnier trở thành thủ tướng Pháp. Ông ca ngợi “người bạn”, cũng từng là đối thủ, “có khả năng lắng nghe hơn hẳn những người khác và ông biết cách nói với người khác để thuyết phục họ. Phải nói rằng đó là người được chuẩn bị “tối ưu” cho vai trò thủ tướng”.
Cựu thủ tướng Luxembourg khẳng định Michel Barnier là “một người trung hữu”, chứ “không phải là thuần cánh hữu và cứng rắn” như một số bình luận. Ông cũng ca ngợi Michel Barnier “biết mọi vấn đề, mọi ẩn khuất, biết tất cả các nhân vật chủ chốt, những tác nhân quan trọng ở châu Âu”. Trước những thách thức đang chờ tân thủ tướng trong thời gian tới, có lẽ tân thủ tướng Pháp sẽ cần tới lời khuyên “giữ bình tĩnh !” của cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Trung Quốc điều chỉnh lợi ích ở châu PhiCuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày 05-06/09 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) là cơ hội để Bắc Kinh nối lại quan hệ với châu Phi, phần nào bị sao nhãng trong lúc Trung Quốc đóng cửa chống dịch Covid-19. Để gây ấn tượng với các đối tác, chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Bắc Kinh sẽ đầu tư 50,7 tỉ đô la trong ba năm tới.
Trả lời chương trình Afrique Midi đài RFI ngày 05/09, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan tại viện Asia Centre Paris, phân tích chi tiết số tiền này :
“Tôi cho rằng Trung Quốc muốn cho thấy là họ vẫn cam kết ở châu Phi. Và khoản tiền 50 tỉ đô la, nằm ở giữa số tiền 40 tỉ đô la được hứa tại diễn đàn ở Dakar năm 2021 và 60 tỉ ở diễn đàn được tổ chức tại Trung Quốc cách đây 6 năm. Bây giờ phải nhìn một chút vào chi tiết ngân sách đó, bởi vì phần lớn số tiền đó, 30 tỉ trên 50 tỉ đô la được cấp dưới dạng vay. Đó vẫn là cách chủ yếu để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi : chủ yếu cấp vốn cho các dự án công trình cơ sở hạ tầng. Phần còn lại - 10 tỉ đô la đầu tư cho các doanh nghiệp Trung Quốc và 10 tỉ hỗ trợ cho phát triển - có phần tăng so với những năm trước. Nhưng phải rải cho ba năm, tương đương với hơn ba tỉ đô la mỗi năm, vẫn thấp hơn con số mà các nhà viện trợ lớn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OCDE, Hoa Kỳ, Pháp hoặc Đức, cung cấp cho các nước phương Nam”.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến ưu tiên những dự án đầu tư bền vững hơn, “xanh” hơn, có lợi cho cộng đồng địa phương. Sena von Kujovi, nhà phân tích chính trị Châu Phi-Trung Quốc cho văn phòng tư vấn về phát triển quốc tế Developments Reimagined, nhận định với RFI rằng không nên chỉ coi là mỗi Trung Quốc có lợi :
“Tôi nghĩ rằng không có bữa ăn nào là miễn phí cả, không có đối tác phát triển nào cam kết với châu lục mà lại không có lợi ích riêng. Kể cả Nhật Bản hoặc thượng đỉnh Hoa Kỳ-Châu Phi hoặc thượng đỉnh gần đây với Hàn Quốc luôn có lợi cho tất cả các bên và châu Phi cũng có lợi khi cam kết với Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là lợi ích và những ưu tiên của châu Phi phải nằm trong trọng tâm các cuộc thảo luận này và theo phân tích của chúng tôi về FOCAC so với những thượng đỉnh châu Phi+1 (cùng với một đối tác) khác, chúng tôi thấy rằng FOCAC đúng là một trong những thượng đỉnh tham vấn tốt nhất, nơi mà những đề xuất của châu Phi thực sự được lắng nghe. Và bản thân FOCAC không được thành lập theo yêu cầu từ Trung Quốc, mà theo yêu cầu của các chính phủ châu Phi muốn có lập trường phối hợp hơn đối với Trung Quốc”.
Bất chấp chỉ trích, Mông Cổ đón tổng thống Nga để cân bằng chính sách láng giềngTổng thống Nga Vladimir Putin chỉ nán lại Mông Cổ một ngày 03/09 nhưng chuyến công du của ông khiến báo chí, công luận tốn nhiều giấy mực. Mông Cổ là nước tham gia Công ước Roma thành lập Tòa Hình Sự Quốc Tế - CPI. Ông Putin bị tòa án này truy nã vì bị cáo buộc bắt trẻ em Ukraina sang lãnh thổ Nga hoặc khu vực do Nga kiểm soát sau khi sáp nhập từ Ukraina.
Dù được yêu cầu, bị chỉ trích, Mông Cổ không thực thi lệnh bắt giữ “vị thượng khách”. Lý do được người phát ngôn chính phủ Mông Cổ giải thích với trang Politico ngày 03/09 là chính quyền Ulan Bator “luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao”. Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Antoine Maire, chuyên về Mông Cổ và là chủ tịch cơ quan Seldon Conseil, giải thích :
“Từ khi quá độ sang nền dân chủ vào thập niên 1990, chính quyền Mông Cổ phát triển một chính sách đa diện, thường được gọi là chính sách láng giềng thứ 3. Vì vậy, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ vẫn là phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Nga, với Trung Quốc. Vì vậy, chuyến thăm Mông Cổ của tổng thống Nga nằm trong khuôn khổ cách tiếp cận trấn an này. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ sẽ có thể tìm thêm không gian hành động và có thể thiết lập các mối quan hệ đối tác đặc quyền với các nước khác, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản nhằm cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại và có thêm phạm vi hành động trên trường quốc tế”.
Trước chuyến công du của tổng thống Nga, người phát ngôn điện Kremlin khẳng định “không lo” về lệnh bắt giữ. Còn Mông Cổ, ngoài những lời chỉ trích ảnh hưởng đến uy tín, cũng không quá lo lắng vì không thực thi nghĩa vụ với Tòa CPI, theo giải thích của luật sư Johann Soufi, chuyên về luật hình sự quốc tế :
“Về lý thuyết, Mông Cổ có nguy cơ bị trừng phạt từ các quốc gia tham gia Quy chế Roma, có nghĩa là toàn bộ các nước thành viên của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế - CPI. Vấn đề ở chỗ là trong lịch sử của Tòa, dù đã có nhiều vụ vi phạm, ví dụ trường hợp Nam Phi và Jordanie với tổng thống Sudan lúc đó là Al-Bachir bị CPI truy nã, nhưng cuối cùng đã không có trừng phạt nào nhắm vào những nước đó.
Về thực tiễn thì sẽ không có chuyện gì lớn từ phía các nước thành viên của Tòa CPI. Có thể có một vài nước riêng lẻ trừng phạt Mông Cổ về chính trị vì đã trao cơ hội như vậy cho tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Giáo hoàng và chuyến tông du “đối thoại liên tôn giáo” ở IndonesiaĐông Nam Á-Thái Bình Dương là vòng tông du thứ 45 của giáo hoàng 87 tuổi. Tại Indonesia, chặng dừng chân thứ nhất, giáo hoàng Phanxicô đề cao đối thoại giữa các tôn giáo, đặc biệt là đối thoại Hồi Giáo-Công Giáo. Sự kiện đặc biệt là “Tuyên bố chung Istiqlal” được giáo hoàng Phanxicô và đại giáo sĩ Nasaruddin Umar ký ngày 05/09 tại Jakarta để kêu gọi chống việc “lợi dụng tôn giáo” kích động xung đột và kiên quyết bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Trả lời RFI ngày 04/09, nhà nghiên cứu François Mabille, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp - CNRS và Trường Cao đẳng thực hành - EPHE, kiêm giám đốc Viện quan sát Địa chính trị các tôn giáo tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược - IRIS, nhận định :
“Giáo hoàng đã đến rất nhiều nước Hồi Giáo, trên mọi châu lục, từ Maroc đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Irak hay Albani. Đó là những nước có phần lớn dân cư theo đạo Hồi, chủ yếu theo hệ phái Sunni, nhưng cũng có cả hệ phái Shia. Người đứng đầu Tòa Thánh đã khởi xướng một cuộc đối thoại đặc biệt với các nhà chức trách chính trị và tôn giáo. Năm 2019, giáo hoàng Phanxicô đã ký văn kiện về tình huynh đệ nhân loại, do đó đối với ngài, đối thoại với Hồi giáo là một vấn đề vô cùng quan trọng, với mục tiêu là các tác nhân tôn giáo phải bao dung nhau.
Tại sao là Indonesia ? Bởi vì đa số dân cư ở quốc gia này theo đạo Hồi, đây là quốc gia Hồi Giáo lớn nhất thế giới và theo chủ nghĩa ôn hòa. Tuy nhiên vẫn có những căng thẳng tôn giáo ở một số khu vực tại Indonesia, đất nước vốn không đồng nhất về mặt văn hóa và tôn giáo. Điều này giải thích cho mong muốn bằng cách nào đó tăng cường lòng khoan dung giữa Hồi Giáo chiếm đại đa số dân cư và cộng đồng thiểu số Công Giáo”.
The podcast currently has 198 episodes available.
37 Listeners
4 Listeners
6 Listeners
218 Listeners
15 Listeners
2 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
21 Listeners
8 Listeners
0 Listeners
8 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners