Góc vườn âm nhạc của RFI
... moreShare Tạp chí âm nhạc
Share to email
Share to Facebook
Share to X
« Plus Haut » (Cao hơn) là tựa đề tuyển tập các ca khúc chọn lọc của France Gall được phát hành mùa thu năm nay. Sáu năm sau ngày qua đời, France Gall đã để lại một khoảng trống đáng kể, vì sau cô ít có nghệ sĩ nào có thể diễn đạt thật có hồn các sáng tác của Michel Berger. Tuyển tập này được phát hành vào dịp kỷ niệm ngày hai nghệ sĩ này gặp nhau năm 1974, tức cách đây vừa đúng 50 năm.
Được trình làng vào trung tuần tháng 11/2024, tuyển tập chọn lọc gồm hai ấn phẩm. Phiên bản phổ thông gồm 18 bản nhạc ghi âm trong giai đoạn từ năm 1974 đến 1996. Phiên bản cao cấp (deluxe) là một bộ đĩa gồm tổng cộng 57 bài hát, ngoài những bản nhạc kinh điển, còn có vài bài song ca trên sân khấu với các nghệ sĩ như Johnny Hallyday, Michel Berger hay Daniel Balavoine, thời nam ca sĩ ghi âm nhạc phẩm « S.o.s d'un terien en détresse » (Lời kêu cứu của kẻ tuyệt vọng khốn cùng) cho vở nhạc kịch Starmania.
Giới hâm mộ có thể vui mừng, vì trên tuyển tập (best of) lần này, có một bài hát chưa từng được phát hành trên băng đĩa. Đó là nhạc phẩm « La Prisonnière » (Tù nhân) được ghi âm lần đầu tiên vào năm 1974, trong khuôn khổ dự án thực hiện một vở nhạc kịch mang tựa đề Angelina Dumas do Michel Berger sáng tác. Dự án này rốt cuộc sẽ không bao giờ được hoàn thành. Một số tác phẩm ghi âm vào thời ấy, mãi đến bây giờ mới được tiết lộ cho công chúng, chẳng hạn như các nhạc phẩm « Mais aime-la, À votre avis hay La Prisonnière » …..
Năm 1974 là cột mốc quan trọng cho hai nghệ sĩ France Gall và Michel Berger. Hai người thành hôn một năm sau ngày gặp nhau, mở ra một quan hệ hợp tác bền vững, dài lâu trong gần hai thập niên liền. Không phải ngẫu nhiên mà bài hát đầu tiên Michel Berger viết cho vợ mang tựa đề là « La Déclaration » (Lời tỏ tình). Còn album đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa cặp vợ chồng nghệ sĩ này bao gồm nhiều bài hát ăn khách, trong đó có các nhạc phẩm như « Calypso » hay « Samba Mambo ». Nhưng tuyển tập vừa được phát hành lại không có những bài hát do France Gall ghi âm trong giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Có thể nói năm 1974 mở ra giai đoạn sự nghiệp thứ nhì của nữ danh ca với hàng loạt thành công vang dội và nhiều kỷ lục mới. Thật vậy, sự nghiệp của France Gall bắt đầu rất sớm, vào năm 1964, tức từ một thập niên trước đó. Khá nhiều tác giả trong đó có Serge Gainsbourg đã soạn nhạc cho cô, giai đoạn huy hoàng là vào năm 1965, khi France Gall đoạt giải nhất cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision với nhạc phẩm « Poupée de cire, poupée de son » (tựa đề bản phóng tác tiếng Việt là Búp bê không tình yêu).
Đầu thập niên 1960 dánh đấu sự trỗi dậy của làn sóng mới bossa nova, nhưng do France Gall đang theo phong trào nhạc trẻ (yéyé), cho nên những bản ghi âm của cô không hề có một chút ảnh hưởng nào của dòng nhạc La Tinh hoặc âm nhạc Brazil. Bản nhạc « Samba Mambo » phần nào gợi hứng từ nhạc phẩm « Le Jazz et là Java » của Claude Nougaro, ít ra trong lối dùng ca từ. Trong bài hát của Claude Nougaro, điệu java nhường chỗ lại cho nhạc jazz. Còn nơi Michel Berger, nhịp mambo lại thay thế cho điệu samba.
Tuy không được chọn làm ca khúc chủ đạo để quảng bá cho album, bài hát Samba Mambo chỉ được phát hành trên mặt B của đĩa nhựa 45 vòng, nhưng rốt cuộc nhạc phẩm này lại được khai thác nhiều trên các làn sóng phát thanh và được công chúng Pháp hưởng ứng nhiệt tình, nhiều hơn cả mặt A là bản nhạc « Comment lui dire ».
Sau khi thành công, vũ khúc tình nồng Samba Mamno sẽ có thêm lời tiếng Anh, tiếng Hung và Phần Lan. Còn trong tiếng Việt, bài này có khá nhiều lời khác nhau, ca từ hay tựa đề đôi khi có khác biệt đôi chút Vũ khúc Samba hay Tình nồng Mambo, nhưng vẫn giữ nguyên hai từ khóa quan trọng như trong bản nguyên tác. Có rất nhiều nghệ sĩ ghi âm lại bài này như Thanh Lan, Ngọc Lan, Julie Quang, Don Hồ và gần đây hơn nữa là lời Việt của Ngọc Phú.
Album đầu tiên hợp tác với Michel Berger trước khi hai nghệ sĩ này thành hôn với nhau lại là album phòng thu thứ 8 của France Gall. Tác giả Michel Berger đã giúp France Gall thay đổi hoàn toàn hình ảnh và phong cách, trở thành một nghệ sĩ thực thụ, với một thế giới âm nhạc riêng không thể nhầm lẫn với ai khác. Giống như cách dùng phản ngữ : câu chữ thể hiện những điều khác hẳn với suy nghĩ, bản ghi âm của France Gall không phải là mambo mà cũng chẳng là samba, cho dù không nói thẳng ra nhưng rốt cuộc lại có nét quyến rũ kỳ lạ nhờ nhịp điệu cha cha.
Trong số những tình khúc nổi tiếng, có từ thập niên 1980, nhạc phẩm « Boulevard » có lẽ thuộc vào hàng giai điệu khó quên nhất. Ngược lại, đa số người hâm mộ thường hay hát lại bài này nhưng ít khi nào biết tác giả là ai. Bản nhạc « Boulevard » từng được phóng tác nhiều lần sang tiếng Việt, phiên bản quen thuộc nhất là của nữ danh ca Ngọc Lan với tựa đề « Con đường tình ».
Làng nhạc chuyên nghiệp dùng thuật ngữ « one-hit wonder » (chỉ một lần nổi tiếng) để chỉ những nghệ sĩ có tên tuổi gắn liền với một bài hát ăn khách duy nhất. Đôi khi, người nghệ sĩ lập được thành tích chỉ có một lần tại một nước cụ thể, nhưng lại khá thành công ở nhiều quốc gia khác. Ca sĩ kiêm tác giả Dan Byrd thuộc vào diện này, tên tuổi của anh luôn đi đôi với nhạc phẩm « Boulevard », rất thịnh hành ở châu Á, nhưng tên tuổi của anh vẫn còn xa lạ đối với công chúng Âu – Mỹ.
Thật khó mà tìm thấy các thông tin trên mạng về Dan Byrd, cho dù ca sĩ kiêm tác giả này đã ra đi quá sớm vì bạo bệnh. Anh qua đời vào năm 2005, chỉ mới 52 tuổi. Sinh ngày 25/05/1953 tại Anvers, miền bắc nước Bỉ, Dan Byrd tên thật là Daniel Fogel. Thời sinh viên anh là ca sĩ chính của nhóm nhạc nghiệp dư « Hassidic Blues Orchestra ».
Theo lời kể của ông William Lip, một trong những thành viên của nhóm, thì ban nhạc chuyên đi biểu diễn trong các quán bar hay các liên hoan địa phương tại Bỉ vào những ngày cuối tuần. Hầu hết các thành viên ban nhạc thời bấy giờ đều là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp họ hành nghề kỹ sư, nha sĩ hay doanh nhân. Bản thân ông William Lip trở thành bác sĩ nhi khoa tại Bỉ (Anvers và Bruxelles) và tiếp tục soạn nhạc ghi âm, đăng trên Youtube những bài hát chủ yếu để giải trí. Riêng nam ca sĩ Dan Byrd mới chọn con đường sáng tác biểu diễn chuyên nghiệp, để rồi trở nên nổi tiếng vùng Viễn Đông, nhất là tại các nước châu Á.
Trong hệ ngôn ngữ Đức, Fogel có nghĩa là cánh chim và có nhiều cách viết khác nhau đôi chút là Vogel hay De Vogel tùy theo các vùng miền sử dụng tiếng Đức hay tiếng Hà Lan. Chuyển sang tiếng Pháp, chữ Fogel/Vogel có tên họ tương đương là Loiseau, còn trong tiếng Anh, danh hiệu này trở thành Bird hoặc Byrd, đó là lý do vì sao khi vào nghề Daniel Fogel đã chọn nghệ danh là Dan Byrd.
Một cách chính thức, sự nghiệp ca hát của Dan Byrd kéo dài trong 5 năm, từ năm 1982 đến 1987, thời anh có ký hợp đồng ghi âm với các hãng đĩa chuyên nghiệp. Album phòng thu đầu tiên của anh (phát hành vào năm 1982) với tựa đề « Stay » được hãng đĩa Polydor phân phối ngoài châu Âu tại Singapore, Malaysia, Hồng Kông và sau đó là tại Nhật Bản.
Sau đó, anh cho ra mắt thêm hai album nữa là « From heart to heart » năm 1985 và « Jennifer » vào năm 1987 với hãng đĩa Ace Records. Trong 5 năm sự nghiệp, Dan Byrd đã khá thành công tại châu Á với các sáng tác của mình như « Summer Nights, Stay, BeBop, Sayonara », nhưng nhạc phẩm « Boulevard » mới thực sự là bài hát được nghe nhiều nhất và được hầu như mọi người hâm mộ luôn nhắc tên. Sau khi Daniel Fogel/ Dan Byrd qua đời vào năm 2005, những bài hát này và đặc biệt là « Boulevard » lại càng thành công ở châu Á, hàng loạt phiên bản cover trên YouTube giúp cho giai điệu gây thêm nhiều tiếng vang trên thế giới.
« Boulevard » nổi lên như một bản ballad nhẹ nhàng sâu lắng, chiếm trọn trái tim người nghe với giai điệu u sầu. Nội dung bài hát nói về sự mất mát trong tình yêu và những đau thương trong cuộc đời. Sức hấp dẫn của giai điệu tạo thêm chiều sâu trong cảm xúc, chủ đề phổ quát khiến người nghe dù ở thời nào cũng dễ bắt gặp mình. Bài hát có lối phối khí đơn giản nhưng lôi cuốn, cùng phần diễn đạt mộc mạc chân thành của Dan Byrd giúp cho bản « Boulevard » chinh phục thêm nhiều thính giả.
Được khá nhiều nghệ sĩ cover lại trong nhiều năm qua, bài hát đã trở thành một tác phẩm kinh điển theo đúng nghĩa của từ. Nổi tiếng là bản nhạc duy nhất này làm nên tên tuổi của Dan Byrd, « Boulevard » tiếp tục gây thêm tiếng vang thời nay, khi thế hệ trẻ bây giờ mới khám phá nhạc phẩm. Cho dù không có nhiều thông tin về sự nghiệp của Dan Byrd từ năm 1987 cho tới ngày anh qua đời, « Boulevard » trở thành một trong những giai điệu đáng ghi nhớ nhất của thập niên 1980.
Khi được phóng tác sang tiếng Việt, giai điệu « Boulevard » có nhiều lời khác nhau. Lời đầu tiên với tựa đề là « Con đường tình » do nữ danh ca Ngọc Lan tự đặt lời và ghi âm. Lời thứ nhì là nhạc phẩm « Con tim buồn » của tác giả Nhật Ngân, do Tuấn Ngọc trình bày. Lời thứ ba dựa theo hình tượng của Boulevard là « Đại lộ tình yêu », do Khúc Lan chuyển ngữ và Don Hồ ghi âm. Bản phóng tác thứ tư « Con đường ta chia tay » là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô.
Tuy không có duyên với ánh đèn sân khấu quê nhà lúc sinh thời, nhưng nam ca sĩ kiêm tác giả Dan Byrd vẫn để lại cho đời một khúc nhạc u sầu tuyệt diệu, một thoáng tâm hồn lắng sâu trong giai điệu !
Thành danh tại Pháp trong gần bốn thập niên qua trong cả ba lãnh vực ca nhac, thời trang và điện ảnh, Vanessa Paradis là một gương mặt quen thuộc với công chúng, do cô vào nghề từ khi còn nhỏ. Mọi chuyện thực sự bắt đầu vào mùa hè năm 1987, Vanessa lúc ấy mới 14 tuổi, lập kỷ lục đầu tiên nhờ nhạc phẩm « Joe le taxi » với hơn ba triệu bản được bán trên toàn cầu.
Sau khi giành lấy hạng đầu thị trường châu Âu và Canada, hạng ba tại vương quốc Anh, nhạc phẩm « Joe le taxi » còn giành lấy ngôi vị quán quân bảng xếp hạng thị trường Pháp trong vòng 11 tuần lễ liên tục. Giai điệu « Joe le taxi » sau đó được ghi âm trong 8 thứ tiếng kể cả tiếng Hoa. Còn trong tiếng Việt, bài này có hai lời khác nhau. Lời đầu tiên do tác giả Nhật Ngân phóng tác thành nhạc phẩm « Hãy đến với nhau » và được nhiều nghệ sĩ ghi âm lại, trong đó có Ngọc Lan, Ngọc Huệ, Vy Oanh hay Thùy Dung. Lời Việt thứ nhì do nữ danh ca Thanh Lan tự đặt lời và ghi âm.
Thành công khá bất ngờ này vượt ngoài mong đợi của nhóm sản xuất. Cho dù gấp rút triệu mời vào phòng ghi âm hai nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp lúc bấy giờ là nhà soạn nhạc Franck Langolff (chuyên sáng tác nhạc cho nam danh ca Renaud) và tác giả Étiennne Roda-Gil (nổi tiếng nhờ viết lời cho Claude François và Julien Clerc), nhưng quá trình thực hiện album đầu tay cho Vanessa Paradis bị chậm trễ, buộc phải lùi lại vài tháng.
Mãi đến gần một năm sau ngày thành công của bài « Joe le taxi », album đầu tiên của Vanessa Paradis mang tựa đề « M&J » mới được tung ra thị trường Pháp và sau đó là trên khắp châu Âu vào mùa hè năm 1988. Thời điểm phát hành không có gì là ngẫu nhiên, vì khi được trình làng trong kỳ nghỉ hè, Vanessa lúc bấy giờ (mới 15 tuổi) còn đi học, có thể tham gia các show truyền hình, đảm bảo các đợt biểu diễn ở khắp nơi để quảng bá tốt hơn cho album này.
Tựa đề « M&J » là chữ viết tắt của Marilyn Monroe và John F. Kennedy, nói lên mối tình lãng mạn đầy sóng gió giữa ngôi sao điện ảnh quốc tế và cố tổng thống Hoa Kỳ. Đây cũng là tựa đề bài hát ăn khách thứ nhì của Vanessa, nhóm sản xuất đã lấy tên ca khúc chủ đạo này để đặt tựa cho album. Chuyện tình « Marilyn & John » trở thành giai điệu ăn khách thứ nhì của Vanessa Paradis, thành công tại Pháp, Canada, Israel cũng như Nhật Bản, giúp cho album đầu tay của cô đạt mức đĩa bạch kim trên toàn châu Âu.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Vanesssa cho biết cô đã từng được nghe giai điệu (do Franck Langolff soạn nhạc) nhiều tháng trước khi bài hát này được đặt lời. Vì biết rằng, từ thời còn bé, Vanessa cực kỳ ngưỡng mộ ngôi sao màn bạc Marilyn Monroe, cho nên tác giả Étienne Roda-Gil đã chọn mối tình của « Marilyn và John » làm chủ đề bài hát.
Trong mắt Vanessa, đó thực sự là một món quà tình cảm, và có lẽ cũng vì cảm thấy gần gũi với mình, cho nên Vanessa thích bài hát này hơn nhiều so với nhạc phẩm « Joe le taxi ». Trên tuyển tập chọn lọc phát hành vào năm 2009, Vanessa đã ghi âm lại một phiên bản acoustic của nhạc phẩm « Marilyn & John » với lối hòa âm rất mộc (theo phong cách của nghệ sĩ Albin de la Simone). Phiên bản này được phát hành dưới dạng đĩa đơn vào mùa xuân năm 2010, và ăn khách một lần nữa sau lần phát hành đầu tiên vào năm 1988, giúp cho bài hát này đạt đến mức hơn một triệu bản trên thị trường châu Âu.
Sau khi thành công tại Pháp, « Marilyn & John » có thêm nhiều phiên bản trong nhiều ngôn ngữ khác. Ngoài tiếng Anh, Ba Lan hay tiếng Nga, còn có phiên bản cover tiếng Bồ Đào Nha với tựa đề « Passageiro do Meu Amor » của ca sĩ người Brazil, Angelica. Ca sĩ người Đài Loan, Diana Yang, cũng đã ghi âm lại bài này trong tiếng Hoa trên album « Love with Roses » (Tình muôn hoa hồng) của mình, phát hành vào năm 1993. Còn trong tiếng Việt, bài này từng được tác giả Lữ Liên phóng tác thành Chuyện tình « Marilyn & John » do ca sĩ Khánh Hà ghi âm.
Trong giới yêu nhạc Pháp, những người tinh ý nhất nhận thấy rằng thời kỳ vàng son của nền điện ảnh Hollywood chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt album đầu tiên của Vanessa Paradis. Ngoài tình sử Marilyn và John, còn có bản nhạc « Maxou » nói về thần tượng người Mỹ James Dean trong bộ phim « East of Eden ». Còn nhạc phẩm « Joe le Taxi » có nhắc tới Yma Sumac, ca sĩ kiêm diễn viên người Peru và Xavier Cugat, nhạc sĩ nguời Tây Ban Nha. Điểm chung là cả hai nghệ sĩ này đều đã ghi âm nhiều bản nhạc phim, giúp phổ biến dòng văn hoá La Tinh ở kinh đô điện ảnh Hollywood
Thành công ngoạn mục của album đầu tay gồm nhạc phẩm « Joe le Taxi » và sau đó nữa là Chuyện tình « Marilyn &John » ... mở đường cho Vanessa hợp tác với Serge Gainsbourg trong làng nhạc, thành công trên màn ảnh lớn nhờ đóng phim « Noce Blanche », hợp tác với nhà tạo mốt Karl Lagerfeld để trở thành biểu tượng thời trang Chanel, dường như trong những thập niên sau đó không gì có thể cản chân Vanessa Paradis bước lên bục vinh quang, danh vọng toả sáng thành « cánh chim địa đàng ».
Vào đầu những năm 1980, sự nghiệp của Julio Iglesias bước vào thời kỳ huy hoàng, trên vòm trời ca nhạc quốc tế, ngôi sao Tây Ban Nha luôn toả sáng. Sau khi giành lấy hạng đầu thị trường Pháp vào năm1979 với album chủ đề "Vous les femmes", (còn có tên là "Pauvres Diables" phóng tác từ nhạc phẩm Pobre Diablo), Julio Iglesias nuôi tham vọng chinh phục thị trường Hoa Kỳ.
Để đạt mục tiêu này, nhà sản xuất người Mỹ Richard Perry đã hội tụ một đội ngũ hùng hậu xung quanh nhóm sáng tác Albert Hammond. Thành danh vào những năm 1970 nhờ ghi âm các sáng tác của mình, Albert Hammond sau đó chuyển sang viết nhạc cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác, trong đó có Tina Turner, Diana Ross, Bonnie Tyler hay Céline Dion ..... Mot trong những đỉnh thành công của tác gia người Anh này là vào năm 1988, khi nhạc phẩm "One moment in Time" (do ông đồng sáng tác với John Bettis) lập kỷ lục số bán nhờ bản ghi âm để đời của Whitney Houston.
Khi làm việc trên album tiếng Anh đầu tiên của Julio Iglesias, Albert Hammond đã tìm cách hoà quyện giọng ca crooner của Julio với nhiều tiếng hát khác, trong đó có Diana Ross, nhóm Beach Boys và đáng ngạc nhiên hơn nữa là Willie Nelson. Julio Iglesias cùng ghi âm với Willie Nelson bản song ca "To all the girls I've loved before" vào năm1984. Việc kết hợp một danh ca La Tinh trữ tình với một ca sĩ chuyên hát nhạc đồng quê (country) là do ngẫu nhiên tình cờ.
Có lẽ cũng vì hai giọng hát này khác hẳn nhau, cho nên thoạt nghe, ý tưởng này có vẻ không ổn cho lắm, nếu không muốn nói là hơi kỳ quặc. Trên thực tế, bản song ca đã ra đời, theo đề nghi của Willie Nelson. Trả lời phỏng vấn nhà báo Tom Roland, tác giả quyển sách "The Billboard book of Number one Country hits" nói về các bản nhạc đồng quê số 1 bảng xếp hạng, Willie Nelson cho biết ông đã được nghe giọng ca của Julio Iglesias trên đài phát thanh nhân một chuyến viếng thăm bạn bè ở Luân Dôn. Vợ ông (bà Connie) thích chất giọng của Julio nên ngay lập tức đề nghị ông nên thu thanh với nghệ sĩ này.
Thông qua nhà quản lý của hãng đĩa, Willie Nelson đã liên lạc được với Julio Iglesias. Lúc bấy giờ, Willie không nghĩ đến chuyện tiền bạc vì Julio vẫn chưa nổi tiếng ở Bắc Mỹ. Sau này, Willie mới biết rằng, vào cuối những năm 1970, Julio là một trong nghệ sĩ quốc tế rất ăn khách, bán được nhiều đĩa nhạc hơn bất kỳ ai trên thế giới vào thời bấy giờ, trước khi có hai hiện tuong nhạc pop là Madonna và Michael Jackson.
Khi thực hiện album tiếng Anh "1100 Bel Air Place" cho Julio Iglesias, nhạc sĩ Albert Hammond đã chọn một số bài hát ông từng sáng tác trước đó. Mặc dù "To all the girls I've loved before" (Cho những người tôi yêu) thành công nhờ bản song ca của Julio Iglesias và Willie Nelson, nhưng giai điệu này (của hai tác giả Albert Hammond và Hal David) ban đầu lại được viết cho giọng ca vàng Frank Sinatra vào giữa những năm 1970. Thế nhưng, Frank Sinatra chê bài hát không hợp với mình, nên từ chối vào phòng thu. Rốt cuộc, Albert Hammond lại trở thành người đầu tiên ghi âm giai điệu này cho album thứ tư của mình mang tựa đề "99 miles from L.A", phát hành vào năm 1975.
Theo lời kể của chính tác giả, bài này đã được ghi âm vài lần nhưng chưa bao giờ thành công, kể cả phiên bản của Bobby Vinton. Khi đến phiên Julio Iglesias và Willie Nelson, hai nghệ sĩ này đã làm việc với nhau tại phòng thu ở Austin Texas, và Julio Iglesias đã mang cuộn băng demo về lại Los Angeles, nơi ông tiếp tục trao dồi cách phát âm tiếng Anh, để hoàn chỉnh các bản thu thanh cuối cùng.
Được phát hành vào mùa hè năm 1984, "To all the girls I loved before" (Cho những người tôi yêu) là ca khúc chính trích từ album tiếng Anh đầu tiên của Julio Iglesias. Nhờ album này, Julio thục hiện được giấc mơ chinh phục thị trường các nước Anh ngữ, sau khi giành lấy hạng đầu khối các nước nói tiếng Pháp, Bồ Đào Nha cũng như Tây Ban Nha.
Sau khi giành lấy hạng 5 thị trường Hoa Kỳ, về hạng nhất trên bảng xếp hạng country, bản song ca được Hiệp hội Âm nhạc Đồng quê bình chọn làm đĩa nhạc hay nhất năm 1984. Bài này cũng được nhiều nghệ sĩ khác ghi âm lại như Shirley Bassey, Tom Jones hay Engelbert Humperdinck. Năm 2010, Alanis Morissette thu âm một phiên bản có tựa đề "To all the boys I've loved before" với sự góp mặt của Willie Nelson trong phần đệm đàn ghi ta.
Trong tiếng Pháp, bài hát được biến tấu thành nhạc phẩm ''À toutes les filles'', do Didier Barbelivien và Félix Gray trình bày. Bài hát lập kỷ lục số bán với gần 1 triệu rưỡi bản, hạng nhất thi trường Pháp trong nhiều tuần liên tục, trở thành tình khúc mùa hè năm 1990. Còn trong tiếng Việt, bản song ca của Julio và Willie được phóng tác thành nhạc phẩm "Cho những người tôi yêu" do hai nam danh ca Tuấn Ngọc và Duy Quang cùng ghi âm.
Giai điệu "To all the boys I've loved before" là chiếc chìa khoá mở ra giai đoạn thành công thứ nhì cho Julio Iglesias, sau khi chinh phục được hầu hết những thị trường quan trọng. Với hơn 200 triệu đĩa hát, 70 album ghi âm trong 14 thứ tiếng, Julio đương nhiên trở thành nghệ sĩ Tây Ban Nha ăn khách nhất mọi thời đại : Bài ca tặng những người tình, mùi hương lưu luyến bóng hình, ngày đăng quang lên tột đỉnh của ông hoàng dòng nhac La Tinh.
Trong làng nhạc pop quốc tế đầu những năm 1970, chỉ có vài giọng ca nam hát hay nhờ giọng gió mà không sợ bị đuối hơi. Ngoài Brian Wilson của nhóm Beach Boys, Smokey Robinson của nhóm The Miracles, còn phải kể đến Barry Gibb của nhóm Bee Gees. Nhưng gần một thập niên trước đó, từng có trường hợp của ca sĩ Frankie Valli. Nhạc phẩm"Can't take my eyes off You" là giai điệu ăn khách nhất trong giai đoạn hát solo của thành viên sáng lập nhóm The Four Seasons.
Khác với giọng ngực, giọng gió thường có làn hơi mỏng hơn, giúp người hát có thể lên cao hơn nhưng âm thanh vẫn bay bổng, mượt mà trong từng câu chữ. Nhưng do thanh đới bị thu hẹp lại, giọng ca có thể bị mất tự nhiên trong những nốt cao vút, ngân dài. Điều này lại không xẩy ra với Frankie Valli. Trong bộ phim ca nhạc ''Jersey Boys'' của đạo điễn Mỹ Clint Eastwood, kể lại cuộc đời và sự nghiệp của nhóm The Four Seasons, từ thời còn nhỏ, Frankie Valli ngoài chất giọng thiên phú, còn có một làn hơi tuyệt vời. Nhờ vậy, khi hát những nốt cao nhất, giọng ca của Frankie Valli chẳng những không mỏng mà còn trở nên dũng mãnh.
Giai điệu "Can't take my eyes off You" (tạm dịch Ánh mắt chưa lìa) được phát hành vào năm 1967, do hai nhạc sĩ Bob Crewe và Bob Gaudio đồng sáng tác, đương nhiên trở thành một trong những bản ghi âm thành công nhất của Frankie Valli, trong cả hai giai đoạn, thời anh đi hát một mình (My Eyes Adored You, 1975) hay đi hát chung với nhóm The Fours Seasons (Oh what a night, 1976), nhạc phẩm quen thuộc này từng được Claude François phóng tác sang tiếng Pháp thành nhạc phẩm ''Cette année là'' (Ngày này năm ấy) mà sau đó nhiều nghệ sĩ Pháp kể cả M.Pokora đều có ghi âm lại.
Sự kiện một ca sĩ chính kiêm thành viên sáng lập ban nhạc có thể đi hát solo, song song với sự nghiệp biểu diễn của cả nhóm (mà vẫn không tạo ra nhiều mâu thuẫn nội bộ) là chuyện hiếm thấy trong làng nhạc quốc tế thời bấy giờ. Thay vì đối đầu, sự thành công riêng của Frankie Valli lại hỗ trợ cho ban nhạc, giúp cho nhóm này gặt hái thêm nhiều đĩa vàng, mở ra một thời kỳ huy hoàng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, nhạc sĩ Bob Gaudio và cũng là thành viên của nhóm The Four Seasons, cho biết đây là một trong những giai điệu khó nhất mà ông từng viết. Nhạc phẩm được sáng tác theo kiểu đo ni đóng giày, tận dụng quãng giọng đặc biệt và làn hơi khỏe khoắn của Frankie Valli, đi từ những nốt trầm lên những nốt cao nhất ở đoạn cuối cao trào. Về hình thức Bob Gaudio tìm cách dung hòa nhiều thể loại trong cùng một bài, do vậy sau này, giai điệu có thể được phóng tác dễ dàng sang bất cứ thể loại nào (pop, rock, disco, soul, blues, jazz ….) và khi nghe, ta vẫn có cảm tưởng bài hát đã được viết riêng cho thể loại nấy.
Trong giới sáng tác nhạc, giai điệu "Can't Take My Eyes Off You" là một trường hợp điển hình về lối xây dựng cường độ, tạo thêm sức lôi cuốn hấp dẫn. Việc chuyển từ những câu hát mở đầu dịu dàng tha thiết sang điệp khúc nóng bỏng cuồng nhiệt. Nhà soạn nhạc đã dùng tiếng kèn đồng trong đoạn chuyển tiếp, giúp thu hẹp khoảng cách âm thanh cao độ, mà không bị chệch hướng, làm chậm đi nhịp điệu.
Sau khi chinh phục thị trường quốc tế, "Can't take my eyes off you" trở thành một trong những bài hát được cover nhiều nhất mọi thời đại, trong 14 thứ tiếng khác nhau. Trong số các phiên bản phóng tác nổi tiếng có các nghệ sĩ hàng đầu như Diana Ross, The Temptations, Engelbert Humperdinck, Julio Iglesias hay Lauryn Hill (từng được đề cử giải Grammy nhờ phiên bản xuất sắc ghi âm vào năm 1998). Về phần mình, nam danh ca Andy Williams đã ghi âm bài này hai lần, hạng 5 thị trường Mỹ vào năm 1968, hạng 23 vào năm 2002. Trong số các bản phóng tác ăn khách khác, có phiên bản disco của nhóm Boystown Gang (hạng 4 năm 1982) và phiên bản pop điện tử của nhóm The Pet Shop Boys trong liên khúc với " Where the streets have no name " (hạng 4 năm 1991).
Còn trong tiếng Việt, "Can't take my eyes off you" có hai lời khác nhau. Khác với phần ghi âm của nam ca sĩ Hồ Trung Dũng, phiên bản phóng tác đầu tiên giữ nguyên tựa đề và điệp khúc tiếng Anh, chỉ có lời mở đầu là bằng tiếng Việt, bài này do Nguyễn Thắng và Lương Tùng Quang trình bày. Lời thứ nhì là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô, phóng tác thành nhạc phẩm ''Không thể rời xa nhau'' do các nghệ sĩ Quỳnh Dao, Hà Thanh cũng như Mạnh Tuấn đều có ghi âm.
Hàng trăm phiên bản phóng tác vẫn chưa làm phai mờ lối diễn đạt của Frankie Valli. Nhờ giọng gió, giai điệu bài hát trở nên tươi sáng hơn. Nhiều nghệ sĩ trẻ những thế hệ sau này nối bước Frankie Valli trong cách dùng giọng gió mà vẫn không lệch nhịp, không bị đuối hơi ở những nốt cao vút. Giọng gió hay nhờ cách nhả chữ nhẹ nhàng du dương rõ ràng mà vấn vương. Lối hát pha trộn một chút soul giúp cho Frankie Valli truyền đạt được nhiều cung bậc cảm xúc trong cùng một bài hát : Giây phút đầu gặp nhau , cứ ngỡ là chiêm bao. Mộng hóa thân người tình, như mơ đẹp quá đỗi. Nên cứ mỗi lần nhìn, mắt không rời được nổi.
Thành danh vào đầu những năm 1970, Don McLean là một trong những tác giả hàng đầu trong làng nhạc quốc tế. Với hơn 300 bản nhạc và khoảng 20 album ghi âm trong vòng nửa thế kỷ, tài nghệ sáng tác của ông từng được tôn vinh vào năm 2004 nhân lễ trao giải tại Đại sảnh danh vọng Songwriters Hall of Fame.
Trong số hàng trăm sáng tác của Don McLean, có 4 bản nhạc thuộc vào hàng kinh điển, do đã được phát hàng chục triệu lần trên làn sóng các đài phát thanh Mỹ. Theo thứ tự, đó là các nhạc phẩm ''American Pie'' (từng được Madonna ghi âm lại), ''Vincent'' (nói về danh họa Van Gogh), ''Castles in the air'' (hiểu theo nghĩa xa vời khát vọng qua hình tượng lâu đài trên không) và ''And I love you so'' từng được phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm ''Bài hát tình yêu''.
Trong mắt giới phê bình, ''American Pie'' được đánh giá cao do phản ánh những biến chuyển trong xã hội Mỹ theo góc nhìn của Don McLean. Bản ghi âm dài gần 9 phút lại đạt vị trí quán quân trên thị trường Mỹ, Anh, Úc và Canada. Nhờ lập kỷ lục số bán cộng thêm rất nhiều lời khen ngợi của giới báo chí truyền thông và cũng từ đó ''American Pie'' được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử nhạc folk Hoa Kỳ.
So với nhạc phẩm ''American Pie'', giai điệu ''And I love you so'' không thành công nhiều về mặt số bán, thế nhưng tác giả Don McLean lại rất tự hào về bài hát này. Trả lời tạp chí Americana Highways, tác giả Don McLean cho biết ông ghi âm bài này cho album đầu tay của mình là ''Tapestry'' (tựa đề này có lẽ đã ảnh hưởng sau đó tới album cùng tên của Carole King). Chỉ có điều là dự án thực hiện album đầu tiên của Don McLean đã bị các hãng đĩa thời bấy giờ từ chối đến 73 lần. Mãi đến mùa thu năm 1970, album này mới được phát hành nhưng lại gặp thất bại.
Một cách thật bất ngờ, nhạc phẩm ''And I love you so'' lại thành công trên thị trường đĩa nhạc 3 năm sau đó qua phiên bản cover của Perry Como. Rồi vào mùa xuân năm 1975, đến phiên ông hoàng nhạc rock Elvis Presley ghi âm bài hát này. Phiên bản của Elvis chẳng những phá kỷ lục số bán mà còn được đưa vào trong tour biểu diễn của ông hoàng nhạc rock. Nhờ vậy mà giai điệu ''And I love you so'' mới được khám phá lại.
Theo lời tác giả Don MacLean, số người hát lại nhạc của Elvis rất nhiều, nhưng số tác giả được Elvis chọn để hát, lại chẳng có bao nhiêu. Tuy được mệnh danh là ông hoàng nhạc rock, nhưng Elvis lại có thêm sở trường hát các bản ballad. Tài nghệ diễn xuất của Elvis thường nâng các giai điệu, kể cả "And I Love You So", lên một tầm cao mới. Sự kiện Elvis một trong những thần tượng âm nhạc của tác giả, ghi âm rồi biểu diễn thường xuyên bản nhạc này trên sân khấu, được Don McLean xem là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Tuy bài hát thành công muộn màng, nhưng có lẽ cũng vì thế mà vầng hào quang lại càng tỏa sáng.
Một khi ăn khách trên thị trường quốc tế, nhạc phẩm ''And I love you so'' được ghi âm trong 9 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có phiên bản tiếng Tây Ban Nha "Te quiero así" của Julio Iglesias Trong tiếng Pháp. Bản nhạc này có đến hai lời : ''C'est parce que je t'aime'' của nữ ca sĩ Claude Valade đến từ vùng Québec (Canada) và nổi tiếng nhất là ''Et je t'aime tellement'' do nam danh ca người Pháp Claude François tự đặt lời và ghi âm. Còn trong tiếng Việt, giai điệu ''And I love you so'' có hai lời khác nhau. Lời đầu tiên ''Như ta đã yêu nhau'', không ghi rõ tên tác giả, do Bảo Hân ghi âm với Henry Chúc. Lời thứ nhì được tác giả Đức Huy chuyển thành ''Bài hát tình yêu'', từng ăn khách qua phần trình bày của nữ ca sĩ Ngọc Lan.
Với thời gian, ''And I love you so'' trở thành một trong những nhạc phẩm kinh điển có sức sống lâu bền nhất của thập niên 1970. Bài hát nhẹ nhàng tiết tấu dễ thương, càng nghe nhịp chậm càng dễ vấn vương. Lối đặt ca từ ngắn gọn trong sáng, lời lẽ hết sức đơn giản nhưng vẫn có đầy nét duyên dáng, lãng mạn. Nội dung bản nhạc có thể được tóm tắt trong vài câu :
Trót yêu ai quá đỗi, đành yêu không kể xiết. Mai này nếu có hỏi : cớ chi lại yêu người ? Chỉ xin câu trả lời, đơn giản một lần thôi. Thực tình ta chẳng biết, làm sao mà hiểu nổi.
Laufey, ngôi sao nhạc jazz của băng đảo Iceland nổi tiếng nhanh chóng nhờ Tiktok. Bản hit From the start (Điểm khởi đầu) lôi cuốn giới trẻ nhờ chất liệu jazz-pop hiện đại. Năm 2024, Laufey đoạt giải Grammy Album pop truyền thống xuất sắc nhất cho album Bewitched (Phép thuật).
Từ hòn đảo Iceland vươn ra thế giớp pop toàn cầuSinh ra và lớn lên tại Iceland, hòn đảo có khí hậu khắc nghiệt nhất châu Âu, Laufey thu hút lượng lớn fan khắp toàn cầu nhờ mạng xã hội. Ca sỹ sinh năm 2000 có tới 2,8 triệu lượt theo dõi trên Tiktok và 1,4 triệu người theo dõi trên Instagram. Laufey chia sẻ : “Tôi lớn lên tại Iceland, một hòn đảo xa xôi. Tôi đến trường Berklee, Mỹ để được đào tạo bài bản về nhạc. Mặc dù Tiktok không phải là cách lãng mạn nhất để khuyếch trương âm nhạc, nhưng không có cách trực tiếp nào kết nối tôi vớinền công nghiệp âm nhạc. Mạng xã hội giúp cho tôi có cơ hội được cả thế giới biết đến. Tôi biết ơn điều đó”.
Laufey xuất thân từ gia đình giàu truyền thống âm nhạc, mẹ cô là nhạc công violin cổ điển gốc Trung Quốc và ông bà ngoại cô đều là nhạc công. Do vậy, nhạc cổ điển là nền tảng âm nhạc chính của gia đình và thú vị hơn, jazz là thể loại ưa thích của cha cô, người gốc Iceland. Môi trường âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng cô từ rất sớm. Khi 2 tuổi, cô được tặng cây violon, học piano năm 4 tuổi và học chơi cello từ rất sớm.
Cha mẹ cô rất khuyến khích Laufey theo đuổi con đường âm nhạc vì họ dịch chuyển thường xuyên giữa Washington (Mỹ) và London (Anh Quốc). Họ luôn tin tưởng con gái mình trở thành ca sỹ nổi tiếng. Đặc biệt, mẹ cô truyền cảm hứng cho Laufey theo đuổi giấc mơ âm nhạc. Năm 2014, cô tham gia chương trình phát hiện tài năng Ísland got talent và lọt vào bán kết. Năm 15 tuổi, cô đã chơi solo cello cho dàn nhạc giao hưởng Iceland. Cô theo học trường nhạc danh tiếng Berklee College of Music và tốt nghiệp năm 2021. Trước đó, năm 2020, cô tung ra đĩa đơn đầu tay Street by street và album ngắn (EP) - Typical of me (Điển hình của tôi) nhận được lời khen ngợi của giới phê bình như tạp chí âm nhạc uy tín Rolling Stone.
Định hình con đường âm nhạcKhi còn là cô bé 14 tuổi, giọng hát Laufey được đánh giá già giặn, màu hơi tối như các giọng ca kinh điển thế hệ trước. Cô thấy mình khác biệt với bạn bè cùng trang lứa do pha trộn hai dòng máu Iceland và Trung Quốc. Với nền tảng nhạc cổ điển sẵn có, Laufey luôn đắn đo theo đuổi dòng nhạc pha trộn giữa pop và jazz. Trường nhạc Berklee đã giúp cô thay đổi tư duy, quên đi lối mòn cũ và chuyển hướng theo sở thích cá nhân. Nữ ca sỹ đã khám phá ra tiềm năng, mức độ phù hợp với jazz-pop.
Cô có bước đột phá trong sự nghiệp với album đầu tay năm 2022 - Everything I know about love (Tất cả những điều em biết về tình yêu). Album đầu tay là bệ phóng giúp cô có lượng fan hâm mộ đông đảo nhờ ca từ pop hiện đại kết hợp giọng jazz cổ điển gợi nhớ tượng đài như Ella Fitzgerald và Chet Baker. Laufey học tập hình mẫu ca sỹ - nhạc sỹ toàn năng, Taylor Swift hay Carole King là nguồn cảm hứng cho sự nghiệp. “Họ là những nữ nghệ sỹ có thể kể chuyện rất tốt bằng âm nhạc.”
Thay vì chờ đợi tìm cảm hứng đánh thức giác quan sáng tác, Laufey rèn luyện sống kỷ luật để sáng tác nhạc thường xuyên. Cô cho rằng nhạc sỹ có thể tự rèn luyện để thấy cảm hứng liên tục, đó là công cụ vĩ đại nhất trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp. Sau thế hệ Bjork thập niên 1980-1990, Laufey được coi niềm tự hào của băng đảo nhờ sức lan tỏa mãnh liệt. Ở góc độ khác, cô luôn tự hào dòng máu châu Á và kết nối với cộng đồng châu Á : “Tôi có rất nhiều fan châu Á và rõ ràng, trong văn hóa pop đại chúng có khoảng trống rất lớn cho những đứa trẻ châu Á như tôi. Tôi luôn nói rằng trở thành ca sỹ-nhạc sỹ là điều tôi muốn và cần phải như vậy”.
Album vàng năm 2024 -Phép thuật (Bewitched)Nhờ đòn bẩy của album đầu tay, album phòng thu thứ hai của Laufey làm nên chuyện lớn tại giải Grammy 2024. Thế giới tình yêu mộng mơ, hy vọng bất tận trong album Bewitched đoạt giải album Pop truyền thống xuất sắc nhất. Điều này chứng tỏ nỗ lực phi thường của cô gái trẻ tài năng 24 tuổi xứ băng đảo. Âm nhạc trong album là sự pha trộn hoàn hảo giữa jazz, pop và nhạc cổ điển. Nội dung album đề cập tâm trạng đang yêu, phải lòng ai đó của cô gái mang dòng máu lai.
Ca khúc mở đầu Dreamer (Kẻ mộng mơ) là bản nhạc có giai điệu tươi sáng “Không chàng trai nào đủ thông minh/ Để thử và làm tan vỡ trái tim bằng sứ của tôi.” Tiếp sau đó, cô chiêu đãi một loạt ca khúc ở nhiều trạng trái khi yêu khác nhau từ Must be love, Serendipity. Đặc biệt trong bài Lovesick (Tương tư), Laufey ko ngần ngại thổ lộ mặt tối của trải nghiệm đang yêu. Trái tim tan vỡ được thể hiện theo cách mới mẻ trong nhịp điệu piano, guitar rất cổ điển. Thông qua chất liệu pop, cô tô vẽ mãnh liệt tâm trạng đang yêu và nhớ nhung.
Đối với Laufey, âm nhạc không bao giờ từ bỏ mọi giác quan khám phá bất kể tình huống đau khổ mức nào. Kỹ thuật thanh nhạc lẫn kiểm soát làn hơi gợi nhớ nữ minh tinh màn bạc Judy Garland (trong phim A star is born - Một ngôi sao ra đời). Ca khúc Letter to My 13 Year Old Self (Lá thư gửi tôi 13 tuổi) là bản nhạc đầy hồi ức thanh xuân mà Laufey ưa thích nhất trong album.
From the start (Từ điểm xuất phát) là bản hit màu sắc tươi sáng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội nhờ giai điệu bắt tai, lịch lãm. While you were sleeping (Khi anh đang ngủ) quay về pop ballad ngọt ngào như bộ phim lãng mạn tình cảm cùng tên. Chất giọng nhẹ nhàng của Laufey phù hợp với nhiều thể loại. Kết hợp với kỹ năng sáng tác, cô chiêu đãi khán giả nhiều món ăn tinh thần tinh tế. “Sáng tác nhạc như ghi chép lại nhật ký cuộc đời tôi. Tất cả những ca khúc đều là trải nghiệm cá nhân, có đôi chút phóng đại. Nếu tôi cảm thấy buồn bã, sáng tác một ca khúc như miếng băng bó vết thương, hỗ trợ tinh thần.”
Đáng chú ý, ca khúc chủ đề - Bewitched - có thể coi là thỏi nam châm xuất sắc nhất album. Bài hát cô đọng nhất gu âm nhạc của Laufey, nhạc cổ điển và jazz, giọng hát mượt như nhung tán tỉnh giác quan của khán giả. Rõ ràng Laufey chịu ảnh hưởng khá lớn của Taylor Swift khi muốn thoát khỏi một khuôn mẫu, không phải jazz, ko phải nhạc cổ điển.
Ở một góc độ khác, Laufey lại đưa người nghe trở về thập niên 1930-1940 với bản nhạc jazz hơi hướng cổ điển như Ella Fitzgerald hay Billie Holiday trong It happended to me (Điều xảy ra với em). Tương tự, Misty (Mịt mù) cũng là bản nhạc kinh điển do nghệ sỹ piano Errol Garner sáng tác nhạc, lời do Johny Burke viết. Không phải lần đầu Laufey hát lại ca khúc này theo chuẩn mực jazz cổ điển, ngân nga và phiêu linh điển hình. Nữ ca sỹ rất tâm đắc với bản nhạc nên đã ghi âm như bản gốc với piano, bass và trống.
Album Bewitched (Phép thuật) giúp Laufey thực hiện ước mơ trở thành người kể chuyện thông minh qua âm nhạc. Quan trọng hơn, cô giúp thế hệ trẻ, Gen Z tiệm cận gần với phong cách jazz hiện đại pha lẫn nhạc cổ điển và pop.
(Theo Rolling stone, Pitchfork, Elle, Havard Crimson)
Trong làng nhạc Anh-Mỹ, Carole King người đã từng gợi hứng cho nhac pham "Oh Carol", là một trong những tác giả lẫy lừng nhất thế kỷ XX, với gần 120 ca khúc ăn khách trên thị trường quốc tế. Trong số những tác phẩm đầu đời, có giai điệu "Will You Love Me Tomorrow", đôi khi còn có tựa là "Will You Still Love Me Tomorrow", do Carole King đồng sáng tác cùng với chồng là tác giả Gerry Goffin.
Bản nhạc "Will You Still Love Me Tomorrow" được nhóm The Shirelles gồm 4 thành viên ghi âm và phát hành vào năm 1960. Đây là lần đầu tiên, một bài hát của một ban nhạc nữ da đen giành lấy vị trí quán quân trên bảng xếp hạng thị trường Hoa Kỳ, hạng tư tại vương quốc Anh, hạng 3 tại New Zealand. Phiên bản của nhóm The Shirelles từng được tạp chí Rolling Stone xếp vào hạng 126 trong số 500 bài hát hay nhất mọi thời đại, còn tạp chí Billboard xếp bài hát này ở hạng 3 trong số các ban nhạc nữ xuất sắc nhất.
được được được Kể từ đó, nó đã được thu âm bởi nhiều nghệ sĩ trong nhiều năm, bao gồm cả phiên bản năm 1971 của đồng tác gia Carole King.
Vào năm 1971, đồng tác giả bản nhạc Carole King cũng đã ghi âm một phiên bản "Will you still love me tomorrow" cho album phòng thu thứ hai của mình mang tựa đề ''Tapestry'', với phần hát bè của hai nghệ sĩ trứ danh là Joni Mitchell và James Taylor. Phiên bản của Carole King được thực hiện với nhịp điệu chậm hơn, mang âm hưởng của dòng nhạc folk rock, giúp cho album thứ nhì của Carole King thành công trên thị trường quốc tế. Trong vở nhạc kịch sáng tác cho Broadway vào năm 2013 mang tựa đề "Beautiful : The Carole King Musical", bài hát này được trình bày nhiều lần trên sân khấu, tựa như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Không có bài hát nào khác được biểu diễn thường xuyên như vậy trong vở nhạc kịch này.
Sau khi thành công trên thị trường quốc tế đầu những năm 1960, giai điệu "Will You Still Love Me Tomorrow" tiếp tục được ghi âm trong 11 ngôn ngữ khác nhau. Trong tiếng Pháp bài này có đến 4 lời : ''Reviendras-tu encore'' của ca sĩ Jocelyne, ''Longtemps, très longtemps'' của Martine Valdary, ''Demain tu peux changer'' của Dusty Spingfield và bản phóng tác gần sát nhất với bài hát gốc là ''M'aimeras tu demain?'' của Céline Lomez.
Còn trong tiếng Việt, "Will you still love me tomorrow" cũng có nhiều lời khác nhau : phiên bản đầu tiên được nhiều nguồn ghi chép là của tác giả Khúc Lan với tựa đề "Hãy nói mãi yêu''. Phiên bản lời Việt thứ nhì là của tác giả Nguyễn Thảo, do nghệ sĩ Lê Vũ ghi âm thành nhạc phẩm ''Mai này còn yêu nhau ?''. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn nguyên tác của Carole King với một bài hát khác có cùng tựa đề "Will you still love me tomorrow". Đây là một bản nhạc tiếng Hoa từng được tác giả Minh Tâm phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm ''Tình yêu ngày mai''.
Về phía làng nhạc Anh-Mỹ, có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi từng ghi âm lại bản nhạc này. Trong số này, phải kể đến Frankie Valli và The Four Seasons (1968), Linda Ronstadt ghi âm một phiên bản cover trên album ''Silk Purse'' (1970), Laura Brannigan thu bài này cho album ''Self Control'' của mình (1984). Hầu như vào cùng một thời điểm (1983), nữ danh ca Dionne Warwick triệu mời nhóm The Shirelles cùng thu âm với mình một phiên bản mới của bài này cho album "How many times can we say goodbye". Phiên bản của nam danh ca Lobo cũng được ghi âm trên album ''Asian Moon'', phát hành vào năm 1994.
Về phần mình, Amy Winehouse cũng từng ghi âm vào năm 2004 một bản cover làm nhạc nền cho tập nhì của bộ phim ''Bridget Jones'' (The Edge of Reason), bài này được phát hành thành đĩa đơn chỉ vài tuần lễ sau khi Amy Winehouse qua đời vào năm 2011, ở tuổi 27. Gần đây hơn nữa, giọng ca thần tượng Taylor Swift đã hát bài này vào năm 2021 trong phần mở đầu buổi lễ vinh danh Carole King tại Đại sảnh Danh vọng ''Rock and Roll Hall of Fame''.
Trong số hàng trăm bản phóng tác, bài ghi âm thành công nhất theo đánh giá của chính tác giả Carole King vẫn là phiên bản ''Will you still love me tomorrow'' của ban nhạc huyền thoại Bee Gees. Ba thành viên trong nhóm đã ghi âm bài này cho tuyển tập tribute "Tapestry Revisited" đề cao tài nghệ sáng tác của Carole King. Sau khi thành công trong khá nhiều thể loại, từ nhạc pop, soul, funk cho đến disco, bản ghi âm này là dịp để cho
ban tam ca Bee Gees nối lại với sở trường hát nhạc folk của họ. Nhiều người chóng quên rằng trước khi chinh phục thị trường quốc tế, nhóm này chuyên hát nhạc skiffle, một thể loại nhạc folk (dân gian) của Anh thịnh hành vào những năm 1950. Có lẽ tác giả Carole King đã không sai khi cho
rằng lối hòa giọng của ba anh em nhà Gibb tạo ra một dấu ấn riêng trong cách hát không thể nhầm lẫn với ai khác. Lối hát thanh thoát nhẹ nhàng ấy tựa như lời hồi âm cho câu hỏi : Liệu mai này, chúng mình còn yêu nhau ? Không chỉ riêng ngày mai mà còn muôn đời sau, cho com tim thương hoài cho tâm hồn yêu mãi.
Mỗi lần nhắc tới giai điệu ''Can't help falling in Love'', giới yêu nhạc thường nghĩ đến lối diễn đạt tuyệt vời của ông hoàng nhạc rock Elvis Presley. Bài hát này từng được tạp chí Rolling Stone xếp vào danh sách 500 ca khúc hay nhất mọi thời đại và có lẽ cũng là một trong những giai điệu xưa nhất, do bản nhạc gốc từng được sáng tác cách đây hơn hai thế kỷ.
Được phát hành vào cuối năm 1961, nhạc phẩm ''Can't help falling in Love'' là ca khúc chủ đề của bộ phim ''Blue Hawaii'' của đạo diễn Norman Taurog, với Elvis Presley trong vai chính. Vào thời bấy giờ, nhóm sáng tác gồm ba nhạc sĩ Hugo Peretti, Luigi Creatore và George David Weiss được giao công việc thực hiện toàn bộ ca khúc và nhạc nền cho bộ phim ''Blue Hawaii''.
Ngoài những giai điệu truyền thống của đảo Hawaii, trong đó có bản dân ca "Aloha 'Oe" và bài "Hawaiian Wedding Song" trích từ một vở nhạc kịch năm 1926, nhóm sáng tác còn chuyển thể một số bản nhạc quen thuộc tại châu Âu, nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Hoa Kỳ. Đầu tiên là nhạc phẩm "No More", phóng tác từ giai điệu cổ điển "La paloma" (1863) do nhà soạn nhạc cổ điển Tây Ban Nha Sebastián Iradier (1809-1865) sáng tác vào những năm cuối đời. Bản nhạc "La paloma" từng được đặt thêm lời Việt thành "Cánh buồm xa xưa".
Còn nhạc phẩm "Can't help falling in Love" thực ra là một bản phóng tác, vay mượn khá nhiều câu mở đầu và một phần điệp khúc từ một giai điệu cổ điển có từ thế kỷ XVIII. Trong tiếng Pháp, bản nhạc gốc mang tựa đề "Plaisir d'Amour" (Niềm vui tình yêu) do nhà soạn nhạc Jean-Paul-Égide Martini sáng tác vào năm 1784, tức cách đây vừa đúng 240 năm. Lúc đầu, bài hát này được đặt tên là "Première romance" (Mối tình đầu tiên) dựa theo một bài thơ tình nổi tiếng vào giữa thế kỷ XVIII dưới ngòi bút của Jean-Pierre Claris de Florian (1755–1794). Trong quyển hồi ký viết về những năm tháng thanh xuân "Mémoires de jeunesse", thi hào Alphonse de Lamartine nhớ lại rằng ông từng được nghe bài này lần đầu tiên thời ông còn trẻ nhân một chuyến đi nghỉ mát ở Aix les Bains (1816).
Nhiều thập niên sau, chính nhạc sĩ trứ danh Hector Berlioz gương mặt tiêu biểu của trường phái lãng mạn của Pháp, đã soạn lại giai điệu này cho một dàn nhạc giao hưởng vào năm 1859 (giữa thế kỷ XIX). Trung thành với lối hòa âm phối khí nhẹ nhàng mà tha thiết, giai điệu cực kỳ thịnh hành trong thời kỳ cổ điển này, lại đặt nền tảng cho hầu hết các bản phóng tác theo phong cách nhạc pop hoặc acoustic những năm sau này.
Ngoài ông hoàng nhạc rock Elvis Presley, còn có nhiều nghệ sĩ sĩ tên tuổi khác cũng từng chuyển thể giai điệu tiếng Pháp thành nhiều bài hát với tựa đề khác nhau. Đó là trường hợp của Anita Carter với nhạc phẩm "My love loves me", ban nhạc The Who với "Real good looking boy" và nhất là nhóm Aphrodite's Child với nhạc phẩm "I want to live"… Một khi có được nhiều bản phóng tác như vậy, "Plaisir d'Amour" (Niềm vui tình yêu) của Jean-Paul-Égide Martini trở nên trường tồn sống thọ nhờ bao luồng sinh khí mới.
Sau khi thành công tột bậc với giọng ca của Elvis Prersley, nhạc phẩm ''Can't help falling in Love'' có thêm hàng loạt phiên bản trong 15 thứ tiếng khác nhau, kể cả một phiên bản rất lạ ghi âm bằng tiếng La Tinh (tựa đề Non adamare non possum) và hai phiên bản tiếng Pháp : đầu tiên là nhạc phẩm "Chante encore, mon cœur" của André Claveau năm 1962 và kế đến là "Comment ne pas être amoureux de vous" của Dave năm 1978.
Trong tiếng Việt, ''Can't help falling in Love'' cũng gợi hứng cho các tác giả đặt nhiều lời khác nhau. Lời đầu tiên ''Gửi trao trái tim'' được nhiều nơi ghi chép là của tác giả Đức Huy do danh ca Ngọc Lan ghi âm. Lời thứ nhì ''Tình say'' là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô qua phần diễn đạt của nữ ca sĩ Quỳnh Dao, lời thứ ba là của tác giả Ngu Yên qua phần ghi âm của nghệ sĩ Nguyễn Thảo. Lời thứ tư là của tác giả Nguyễn Xuân Hoàng. Lời thứ năm là của tác giả Minh Nguyệt do nam ca sĩ Triệu Vinh trình bày.
Hơn nửa thế kỷ sau ngày được phóng tác từ giai điệu tiếng Pháp, nhạc phẩm ''Can't help falling in love'' đã có đến cả ngàn bản ghi âm, nhưng dường như chưa có bản nào hay hơn bản ghi âm đầu tiên trong tiếng Anh của Elvis Presley. Phiên bản hòa âm gần đây nhất là của Mark Ronson, thực hiện cho bộ phim tiểu sử Elvis của đạo diễn Baz Luhrmann. Do nhịp điệu bài hát gốc quá chậm cho nên nhóm thu âm phải chỉnh sửa nhiều lần sao cho vừa với làn hơi thiên phú của "ông hoàng nhạc rock". Nhóm sản xuất đã mời bộ tứ The Jordanaires để phụ họa cho Elvis Presley, lối hát bè của họ càng làm nổi bật lối diễn đạt thần sầu của ông hoàng Elvis, không chỉ chuyên hát nhạc rock mà còn có sở trường hát các bản ballad tha thiết nồng thắm : giọng ca mượt trầm, tình nồng ý đậm, người nghe mê mẩn, tâm hồn say đắm.
Mỗi lần nhắc tới nhạc phẩm ''More than I can say'', hầu như mọi người yêu nhạc đều nghĩ tới phiên bản rất thành công vào năm 1980 của danh ca người Anh Leo Sayer, nay định cư tại Úc. Tuy nhiên, giai điệu này đã từng ăn khách từ hai thập niên trước đó, qua bản nhạc gốc ghi âm vào năm 1959 của hai tác giả Sonny Curtis và Jerry Allison.
Năm 1959 là năm đầy đau thương tang tóc đối với làng nhạc rock. Ba nghệ sĩ hàng đầu thời bấy giờ là Ritchie Valens, The Big Bopper và nhất là Buddy Holly qua đời vì tai nạn máy bay tại hồ Clear Lake, bang Iowa Hoa Kỳ, khiến cho công chúng cảm thấy tiếc thương vô vàn. Ca sĩ kiêm tác giả Don McLean trong nhạc phẩm ''American Pie'' (ghi âm vào năm 1971) gọi ngày này là ''The Day the Music Died'' : Ngày âm nhạc đã chết.
Giới hâm mộ sửng sốt trước sự qua đời quá đột ngột của ba tài năng còn rất trẻ. Gia đình và đồng nghiệp của họ lại càng bị choáng váng. Nhất là Buddy Holly vĩnh viễn ra đi quá sớm, ở tuổi 22 vào lúc sự nghiệp của anh vừa cất cánh. Đà thành công của nhóm The Crickets, ban nhạc của Buddy Holly cũng đột ngột bị gián đoạn. Trong cái rủi lại có cái may, nhóm The Crickets có cơ hội lưu diễn với nhóm The Everly Brothers nổi tiếng với các nhạc phẩm ''Bye Bye Love'' (Tạm biệt tình yêu) và ''All I have to do is dream'' (tựa tiếng Việt là Khi ta hai mươi)
Nhờ vậy, nhóm The Crickets mới tiếp tục giai đoạn thứ nhì trong sự nghiệp của họ. Bản nhạc ''More than I can say'' là ca khúc chủ đạo trích từ tập nhạc ''In style with the Crickets'', đây là bản ghi âm đầu tiên, đánh dấu sự thành công của nhóm này một năm sau ngày Buddy Holy qua đời. Tựa đề bản nhạc này được hiểu theo nghĩa ''Yêu em quá đỗi, biết nói sao cho vừa'' hay nói cách khác không có lời nào diễn đạt được hết tình yêu dành cho em.
Trước khi có phiên bản ghi âm lại của Leo Sayer, giới yêu nhạc trẻ Anh, Mỹ đầu những năm 1960 đã từng say đắm mê mẩn với bản nhạc gốc của Sonny Curtis và Jerry Allison sáng tác vào năm 1959, rồi ghi âm phát hành trên đĩa nhựa lần đầu tiên vào năm 1960. Bài hát này sau đó đã được nhiều nghệ sĩ ghi âm lại trong đó có phiên bản của Bobby Vee (phát hành vào năm 1961) từng thành công ở Anh, nhưng lại không ăn khách tại Mỹ. Trong số các bản ghi âm lại (cover), thành công nhất vẫn là phiên bản của Leo Sayer, hạng nhì trên bảng xếp hạng Billboard, hạng tư châu Âu và hạng nhất thị trường Úc.
Theo lời kể của nam danh ca người Anh Leo Sayer, ông đã được nghe bài này qua phiên bản cover của Bobby Vee, chứ không phải là bản nhạc gốc. Lúc bấy giờ ông đang tìm kiếm một bài hát ăn khách thời trước để cho đủ số bài ghi âm trên album phòng thu thứ 8 của mình mang tựa đề ''Living in a Fantasy'', phát hành vào năm 1980.
Ở Việt Nam, nhạc phẩm ''More Than I Can Say'' từ lâu đã là một ca khúc kinh điển, do được đưa vào các giáo trình học tiếng Anh qua âm nhạc và được nghe liên tục trên mạng trong nhiều thập niên qua. Câu hát mở đầu bản nhạc "Oh oh, yeah yeah, I love you more than I can say" có thể nói đã in đậm vào tâm trí của nhiều người yêu nhạc.
Giai điệu ''More Than I Can Say'' tiính đến nay đã được ghi âm trong hơn 10 thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Hoa hay tiếng Hàn ..... Còn trong tiếng Việt, bài này từng được đặt tựa thành ''Yêu em nhiều hơn lời nói'', có nhiều nguồn ghi chép là của tác giả Trung Hành và từng được nhiều nghệ sĩ như Lam Trường, Don Hồ, Quốc Khanh ghi âm.
Chắc cũng vì rất nhẹ nhàng trong câu chữ, ý tứ đơn giản từng lời, mà bản nhạc ''More than I can say'' dễ thấm vào lòng người, giai điệu thân quen đến đỗi giới yêu nhạc thuộc lòng từ thập niên 1960 : Yêu ai nhiều, lời vẫn chưa đủ nói. Đến hôm sau, tim càng yêu gấp bội. Từ lúc đầu cho đến giây phút cuối. Trọn một đời, vẫn yêu người mãi thôi.
The podcast currently has 254 episodes available.
219 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
124 Listeners
16 Listeners
68 Listeners
36 Listeners
8 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
54 Listeners
14 Listeners
5 Listeners
40 Listeners
32 Listeners
10 Listeners
29 Listeners
1 Listeners
2 Listeners
11 Listeners