Share Tạp chí khoa học
Share to email
Share to Facebook
Share to X
Theo số liệu đầu năm 2024, thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu đã đạt hơn 196 tỷ đô la. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này dự đoán rằng giá trị của AI dự kiến sẽ tăng gấp 13 lần trong 7 năm tới, vượt ngưỡng 1,81 nghìn tỷ đô la vào năm 2030. Có thể nói, chưa bao giờ, thế giới chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc như vậy của ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Đứng trước sự phát triển của AI, nhiều người vẫn tỏ ra hồ nghi về khả năng của nó trong khi số khác lại lo sợ rằng một ngày nào đó, AI sẽ thông minh hơn con người và thống trị thế giới. Sự thực là hiện nay, có nhiều lĩnh vực mà AI thể hiện ưu thế vượt trội so với con người. Vậy nếu ta đặt trí tuệ nhân tạo và trí tuệ nhân loại lên bàn cân thì cán cân sẽ nghiêng về bên nào? Hậu quả ra sao? Hay liệu có cách nào khác kết hợp con người với máy móc để tạo ra một phiên bản tối tân?
Trí tuệ nhân tạo là gì?Trước khi để trí tuệ nhân tạo so găng với con người, có lẽ ta cần tìm hiểu xem rốt cuộc trí tuệ nhân tạo là gì. AI hay Artificial Intelligence là thuật ngữ trong khoa học máy tính để chỉ trí thông minh của máy móc do con người tạo ra. Cũng giống như loài người, để trở nên hiểu biết và thông thái, con người cần học hỏi, hay nói đơn giản là nạp và phân tích kiến thức. AI cũng vậy. nhờ vào sự phát triển của Big Data (hay Dữ liệu lớn), các nhà khoa học đã có thể nhập một lượng dữ liệu khổng lồ và phức tạp vào máy tính. AI sau đó sẽ phân tích những dữ liệu được nạp để học hỏi và ứng dụng để thực hiện các tác vụ được giao.
Chẳng hạn muốn AI nhận biết được quả cam, người ta sẽ cung cấp hàng ngàn hình ảnh của loại quả này từ những góc chụp khác nhau, trong những giai đoạn khác nhau. Sau đó AI sẽ phân tích các hình ảnh này và phân biệt quả cam với các loại quả khác. Nếu giờ ta đưa cho AI một bức tranh vẽ hàng trăm loại quả khác nhau, nó vẫn có thể nhanh chóng xác định được quả cam. Quá trình này được gọi là Deep learning (hay Học sâu) và chỉ là một nhánh nhỏ trong ngành khoa học trí tuệ nhân tạo. Trên thực tế khả năng nhận diện của AI phức tạp và tân tiến hơn nhiều và được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực từ chẩn đoán hình ảnh y khoa để phát hiện bệnh lý đến hệ thống lái tự động có khả năng nhận diện vật thể xung quanh như biển báo, đèn tín hiệu, hay các phương tiện và vật cản khác trên đường để từ đó đưa ra các phản ứng phù hợp như dừng xe hay giảm tốc.
Đâu là những lĩnh vực mà AI thể hiện ưu thế hơn con người?Y học
Dù chưa thể thay thế được các bác sĩ nhưng AI đã chứng tỏ là một trợ lý xuất sắc trong việc chẩn đoán các hình ảnh y khoa như X-quang, MRI hay CT để phát hiện những bất thường. Vào tháng 04/2018, FDA, cơ quan quản lý dược phẩm Hoa Kỳ lần đầu tiên cho phép lưu hành thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự đưa ra chẩn đoán về bệnh tiểu đường qua nghiên cứu hình ảnh võng mạc. Theo ông Olivier Bousquet, giám đốc trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Google ở châu Âu, AI thể hiện mình là một công cụ “đáng tin cậy như một bác sĩ giàu kinh nghiệm, nếu không muốn nói là thậm chí còn đáng tin cậy hơn cả bác sĩ, vì chúng tôi có thể đào tạo AI bằng lượng dữ liệu lớn hơn những gì mà một bác sĩ có thể thấy trong đời họ.”
Trả lời RFI Pháp ngữ, ông Jean-Emmanuel Bibault, bác sĩ tại Bệnh viện Georges Pompidou đồng thời là nhà nghiên cứu về ứng dụng AI tại Viện Nghiên cứu Y học và Sức khoẻ Quốc gia Pháp (INSERM) giải thích thêm :
“Chúng ta có thể tận dụng AI vào việc nhận diện các dấu hiệu bệnh như là phân tích hình ảnh y khoa. AI có thể làm những tác vụ này nhanh hơn nhiều so với con người. Các bác sĩ có thể tiết kiệm được khoảng 50% thời gian. Trong thử nghiệm mới đây tại một bệnh viện ở Thuỵ Điển, người ta đã chọn ngẫu nhiên 80.000 bệnh nhân và sau đó để hai đội : một đội gồm 2 bác sĩ và một đội gồm 1 bác sĩ và 1 AI cùng đọc hình ảnh y khoa. Và họ thu được kết quả là nhóm có 1 bác sĩ và 1 AI chẩn đoán nhanh hơn hẳn so với nhóm 2 bác sĩ. Ngoài ra cũng có những lĩnh vực mà AI không chỉ làm nhanh mà còn làm tốt hơn con người, ví dụ như việc dự đoán về nguy cơ ung thư hay khả năng hồi phục của bệnh nhân để từ đó đưa ra phác đồ điều trị riêng biệt cho mỗi người.”
Dịch thuật
Không ít người hiện nay tự hỏi liệu việc học ngoại ngữ có còn cần thiết hay không khi mà người ta dường như có thể dịch tất cả mọi ngôn ngữ với Google Dịch. Trung bình một người bình thường có thể sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau. Cũng có một số người có thể sử dụng tới vài chục ngôn ngữ như Ioannis Ikonomon, phiên dịch viên của Uỷ ban Châu Âu, có thể nói được 47 thứ tiếng; hay Alexandre Arguelles, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ người Mỹ với khả năng sử dụng 50 thứ tiếng. Tài năng là vậy, nhưng những thiên tài này vẫn phải chào thua Google Dịch khi mà công cụ dịch thuật này có thể dịch hơn 100 ngôn ngữ khác nhau trong vỏn vẹn vài giây.
Khi mới ra mắt Google chỉ có thể dịch từ dạng văn bản sang văn bản. Tuy nhiên sau đó vào năm 2014, Google đã mua lại Word Lens, phần mềm sử dụng camera tích hợp trên điện thoại di động để quét và dịch văn bản trên màn hình của thiết bị, nhờ vậy Google sau đó đã có thể dịch cả bằng hình ảnh. Ngoài ra hệ thống này còn có thể tự động nhận dạng ngoại ngữ và giọng nói, sau đó dịch và nói lại như một phiên dịch thực thụ.
Đứng sau thành công của Google Dịch chính là trí thông minh nhân tạo. AI đã học từ lượng lớn dữ liệu ngôn ngữ trong sách vở, báo chí, trang web. Đồng thời, cũng giống như loài người, AI học từ chính những sai lầm của mình. AI sẽ dựa vào phản hồi hay đề xuất của người dùng về những phần nó dịch chưa chuẩn để cải thiện dần chất lượng bản dịch.
Con người phải chăng đành chịu thua máy móc?Trên đây mới chỉ là hai trong số rất nhiều khả năng mà AI có thể làm và thậm chí là làm tốt hơn con người. Vậy phải chăng ta đã bị AI bỏ lại phía sau?
Ít nhất là đến hiện tại, AI chỉ có thể thực hiện các nhiệm vụ được chỉ định. Đây cũng là lý do mà ông Raja Chatila, giáo sư về lĩnh vực Robot và AI tại đại học Sorbonne, Paris, khách mời trong chương trình phát thanh của RFI Pháp ngữ, nhận định rằng trí thông minh nhân tạo rất “kém thông minh” :
“AI thực ra rất ngu ngốc, nó không hiểu nó đang làm gì và chỉ có thể làm việc một cách hệ thống và máy móc. Nó sẽ lặp đi lặp lại chuỗi hành động, dù cho những hành động này không phải lúc nào cũng đúng, cũng chính xác.”
Cùng quan điểm đó, bà Anne Alombert, giảng viên tại đại học Paris 8, thành viên Hội đồng kỹ thuật số quốc gia, bổ sung thêm :
“Trong khi mà máy móc học để thực hiện theo những gì mà nó được yêu cầu làm và tiến tới một mục tiêu đã được hoạch định sẵn thì một đứa trẻ khi học hỏi là học để sáng tạo ra cái mới, khám phá thế giới, đưa ra giải pháp cho những tình huống mà nó chưa bao giờ gặp.”
Đây cũng chính là một trong những điểm khác biệt lớn giữa trí thông minh con người và máy móc : sự sáng tạo, tưởng tượng, phát minh. Những đặc điểm này cho đến hiện tại vẫn là khả năng đặc biệt của loài người. Máy móc dù có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như một giai điệu hay một bức tranh nhưng không thể đánh đồng điều đó với khả năng sáng tạo của con người vì suy cho cùng AI chỉ có thể dựa trên các thuật toán và dữ liệu đã được cung cấp để tạo ra các tác phẩm nhưng lại không chứa đựng yếu tố cảm xúc, tính cá nhân, trải nghiệm hay tư duy đột phá của con người.
Minh chứng cho luận điểm này, bà Anne Alombert đưa ra ví dụ : “Chẳng hạn Chat GPT có thể viết một câu chuyện thần thoại nhờ các tính toán dữ liệu nhưng nếu chúng ta tự viết, ta sẽ không tính toán dựa trên từ ngữ, xem có thể viết từ nào sau từ nào, các từ nào sẽ đi cùng với nhau, mà ta sẽ tự sáng tạo nhờ vào những gì mình đã trải qua, những gì mình tưởng tượng và theo những gì mình muốn viết. Và như vậy mỗi người chúng ta sẽ viết ra một câu chuyện theo cách hoàn toàn khác nhau, không thể bắt chước được.”
Còn theo ông Daniel Andler, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Chính trị và Đạo đức, tác giả cuốn “Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người, bí ẩn kép”, thì khó có thể nói trí thông minh nhân tạo thực sự sở hữu trí thông minh vì AI vốn dĩ không hiểu được bối cảnh hay tình huống để thích nghi với những tình huống đó. Ông cho biết :
“Nếu coi trí thông minh là khả năng xử lý một vấn đề cụ thể thì AI cũng có khả năng xử lý vấn đề và trong trường hợp đó ta có thể so sánh AI với con người. Nhưng với tôi, trí thông minh không chỉ đơn giản là khả năng xử lý vấn đề mà là xử lý vấn đề một cách hợp lý trong mỗi tình huống cụ thể mà chúng ta gặp phải với tư cách là một cá thể độc lập, duy nhất và có trách nhiệm.”
Còn rất nhiều khả năng khác mà AI không thể so sánh được với con người như tương tác xã hội, trí tuệ cảm xúc, tư duy trừu tượng hay đưa ra các phản ứng linh hoạt, v.v. Việc AI có thể giao tiếp hay sử dụng từ ngữ thể hiện cảm xúc trong các đoạn hội thoại khiến nhiều người lầm tưởng rằng AI cũng có cảm xúc như con người. Nhưng sự thật thì không phải vậy. AI có thể phân tích những từ ngữ, thậm chí là biểu cảm của con người để xác định cảm xúc của người đó và được lập trình để đưa ra những phản hồi phù hợp với những cảm xúc đó nhưng thực tế thì đó chỉ là vỏ ngôn ngữ và AI không thực sự trải qua những trải nghiệm đó và không thể sản sinh ra cảm xúc.
“Nếu không thể đánh bại được máy móc, hãy cộng sinh với nó.”Con người vượt trội hơn AI ở nhiều điểm nhưng đồng thời AI cũng thể hiện mình không hề kém cạnh con người trong một số lĩnh vực khác. Vậy “nếu không thể đánh bại được máy móc, hãy cộng sinh với nó”. Đó là những gì tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập công ty công nghệ thần kinh Neuralink tuyên bố trên mạng X. Ông từng tiết lộ về dự án đầy tham vọng : cấy chip vào não người. Một khi đã ở trong não bộ, con chip sẽ liên kết với các neuron thần kinh và truyền những tín hiệu mà nó thu thập được đến máy tính, tạo ra giao diện não-máy tính. Theo vị tỷ phú, kế hoạch này có thể giúp nâng cấp loài người, kết nối trực tiếp con người với máy tính thông qua suy nghĩ và thậm chí trong tương lai có thể truyền suy nghĩ trực tiếp từ bộ não này đến bộ não khác.
Hồi tháng 01 năm nay, Neuralink thông báo đã cấy ghép thành công chip vào não của một bệnh nhân liệt toàn thân sau một tai nạn nghiêm trọng. Người này giờ đã có thể điều khiển được chuột, chơi game trên máy tính hay đăng bài trên mạng xã hội chỉ bằng suy nghĩ. Elon Musk còn cho biết theo kết quả kiểm tra sơ bộ, người đàn ông này sau khi được cấy chip đã sở hữu “khả năng đột biến tế bào thần kinh”.
Đây liệu có phải là triển vọng mới cho tương lai? Nhờ việc hợp thể với AI con người liệu sẽ ngày càng được nâng cấp và nhân loại cũng không còn phải lo lắng về việc bị thống trị bởi AI, đặc biệt là trong kỷ nguyên mà trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy? Hay liệu rằng việc cộng sinh như vậy sẽ khiến ta bị lệ thuộc và càng dễ trở thành nô lệ của trí thông minh do chính chúng ta tạo ra?
Sau La Niña kéo dài 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2022, đến lượt hiện tượng El Niño diễn ra trong năm 2023. Năm nay, El Niño đến trong bối cảnh thế giới liên tục ghi nhận các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bão tố, lũ lụt, hạn hán diễn ra bất thường ở nhiều nơi trên thế giới, với những kỷ lục về mức tăng nhiệt độ, nắng nóng, cháy rừng, băng tan chảy … do biến đổi khí hậu.
Diễn ra ở Thái Bình Dương nhưng El Niño và La Niña không chỉ có những tác động về khí hậu, hệ sinh thái, đánh bắt cá … tại vùng biển đó, mà còn có những ảnh hưởng sâu rộng đến các khu vực xa hơn, kể cả về sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người … Trên thực tế, trải dài từ miền phía nam Bắc Cực đến miền bắc Nam Cực, trải rộng từ phía châu Á, châu Úc sang đến phía châu Mỹ, Thái Bình Dương là đại đương sâu và rộng nhất hành tinh, chiếm khoảng 1/3 diện tích địa cầu.
Trái với biến đổi khí hậu chủ yếu là do các hoạt động của con người gây ra, El Niño và La Niña là các hiện tượng thời tiết tự nhiên đã tồn tại từ rất lâu và diễn ra đan xen nhau theo chu kỳ.
Để hiểu thêm về hai hiện tượng El Niño và La Niña, và những tác động qua lại với tình trạng biến đổi khí hậu, RFI tiếng Việt ngày 16/10/2023 đã phỏng vấn ông Jérôme Vialard, giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp IRD, làm việc tại Cơ quan nghiên cứu về Đại dương và Khí hậu.
RFI : El Niño và La Niña có gì giống và khác nhau ?
Jérôme Vialard : Điểm chung là hiện tượng El Niño và La Niña có thể xem là giống như hai mặt của một đồng xu. El Niño thường kéo dài một năm, khi vùng nhiệt đới Thái Bình Dương nóng lên bất thường. Còn La Niña thì gần như ngược lại. Đó là một năm mà vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lạnh bất thường. Những thay đổi về nhiệt độ bề mặt vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương sẽ gây ra hậu quả đối với khí hậu khu vực trên quy mô toàn bộ Thái Bình Dương cũng như ở các vùng tương đối xa, làm thay đổi hoàn lưu khí quyển. Như vậy, nhìn qua thì El Niño và La Niña là hai hiện tượng khá đối xứng, có thể xem La Nina là hiện tượng trái ngược với El Niño, thế nhưng khi xem xét kỹ lưỡng hơn, thì có thể thấy hai hiện tượng này vẫn có những điểm khác nhau nhỏ, thậm chí những nét khác biệt đặc trưng.
El Niño có thể mạnh hơn nhiều so với La Niña và đôi khi còn có hiện tượng mà chúng ta gọi là « siêu El Niño ». Đó là trường hợp năm 1982-1983 hoặc năm 1997-1998, gần đây hơn là năm 2015-2016. Chúng tôi nghiên cứu rất sâu những siêu El Niño này, bởi vì siêu El Niño gây ra hậu quả đối với khí hậu, xã hội, hệ sinh thái mạnh hơn nhiều so với các El Niño khác. Đó là khác biệt chính, ngoài ra còn có một sự khác nhau về vị trí. El Niño ngả về phía bờ biển Nam Mỹ, trong khi La Niña ngả về phía bờ biển Úc nhiều hơn.
RFI : Dường như có nhiều nghiên cứu, kiến thức chuyên sâu về hiện tượng El Niño hơn là về La Niña ?
Jérôme Vialard : Các hiện tượng El Niño và La Niña thường được mô tả như một chu kỳ. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng trong vòng 15-20 năm qua đã có các nghiên cứu về nguyên nhân chung dẫn đến các hiện tượng El Niño và La Niña. Trái lại, các nghiên cứu về sự bất đối xứng, tức là những khác biệt nhỏ giữa El Niño và La Niña thì xuất hiện gần đây hơn.
Có thể nói là nghiên cứu này về cơ bản mới chỉ phát triển từ 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, chúng tôi tìm hiểu điều gì tạo ra siêu El Niño và ngược lại tại sao lại không có "siêu La Niña". Chúng tôi cũng tìm hiểu về sự khác biệt về thời lượng của hai hiện tượng này. Rất hiếm khi El Niño kéo dài hơn một năm, trong khi chuyện La Niña kéo dài trong hơn một năm, sang năm thứ 2, thậm chí là năm thứ 3, không phải là hiếm.
RFI : Việc dự đoán các hiện tượng El Niño và La Niña liệu có phức tạp ?
Jérôme Vialard : Có thể dự đoán El Niño và La Niña, nhưng cũng có thể xảy ra những bất ngờ. Tôi xin nêu một ví dụ không hay lắm đã xảy ra hồi năm 2014. Khi đó, chúng tôi đã có đủ mọi dấu hiệu cho thấy El Niño sẽ xảy ra. Thường thì khi thấy nhiệt độ sâu dưới Thái Bình Dương tăng cao bất thường, chúng tôi nghĩ rằng El Niño sẽ xảy ra. Đó là trường hợp của năm 2014, và khi đó truyền thông đã nhiệt tình quá mức, nói rằng đến cuối năm sẽ có siêu El Niño. Nhưng cuối cùng thì chẳng có siêu El Niño nào xảy ra vào cuối năm 2014. Thế nhưng, đến năm 2015 thì nó lại xảy ra. Thế nên, cũng cần phải thận trọng một chút khi dự báo.
Thế nhưng, dẫu sao thì ngày nay, với các mô hình hoàn lưu khí quyển nói chung, trong đó có các mô hình liên quan đến đại dương và khí quyển, khi kết hợp các mô hình và phối hợp với những quan sát từ các vùng đại dương nhiệt đới, thì chúng tôi cũng đã có thể đưa ra những dự báo tương đối đáng tin cậy về El Niño và La Niña từ trước khi chúng xảy ra một năm. Hiện tượng El Niño xảy ra hiện nay đã được dự báo ngay từ đầu năm, thế nhưng chúng tôi khá thận trọng, không vội thông tin cho báo chí.
Điểm cuối cùng là có những nghiên cứu cho rằng El Niño và La Niña không thể được dự báo theo cùng một cách. Chúng tôi tin rằng La Niña sẽ dễ dự đoán hơn là El Niño. Đây cũng là một điểm khác nhau giữa hai hiện tượng này. Thế nhưng, dẫu sao cũng cần nghiên cứu thêm để xác nhận điều này.
RFI : Đâu là những vùng chịu nhiều tác động nhất từ El Niño và La Niña ?
Jérôme Vialard : Khu vực bị tác động nhiều nhất là vùng xung quanh Thái Bình Dương. Như tôi nói ban đầu, các hiện tượng khí hậu đã ảnh hưởng đến vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. Những tác động điển hình nhất trong thời kỳ xảy ra El Niño là nạn hạn hán ở phía Úc và Indonesia, mưa lớn hơn ở phía Nam Mỹ, chẳng hạn như ở Peru. Đó là những hậu quả đối với khí hậu.
Ngoài ra xin nhắc lại là El Niño là một hiện tượng hải dương và khí quyển. Vì thế, cũng có những hậu quả khá nặng nề đối với các hệ sinh thái biển. Chẳng hạn, vùng đông Thái Bình Dương nhìn chung là nơi khá nhiều cá nên có khá nhiều loài chim biển. Và trong thời kỳ El Niño, một phần hệ sinh thái tại vùng này sụp đổ, có ít cá hơn, các loài chim biển chết đi, kéo theo đó là hoạt động đánh bắt cá bị ảnh hưởng. Đó là vùng ngay sát bờ Thái Bình Dương.
Việt Nam, nằm ở Đông Nam Á, cách không xa vùng này nên nhìn chung cũng chịu ảnh hưởng của El Niño. Trong thời kỳ xảy ra El Niño thì chiều hướng chung là toàn bộ khu vực Đông Nam Á nóng lên bất thường.
RFI : Các hiện tượng tự nhiên El Niño và La Niña có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu?
Jérôme Vialard : Nếu nhìn vào nhiệt độ trên quy mô hành tinh trong vòng 100 năm qua, chúng ta thấy nhiệt độ tăng rõ rệt trong vài thập kỷ qua có liên quan đến sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tức là liên quan đến biến đổi khí hậu. Và nếu chúng ta nhìn vào chi tiết, ngoài xu hướng tăng chầm chậm, chúng ta còn thấy có những năm thì nóng hơn, có những năm lại lạnh hơn, nóng hơn rồi lại lạnh hơn, vân vân. Đúng là nhìn chung thì El Niño có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.
Trên thực tế, tín hiệu El Niño hay La Niña chồng lên tín hiệu về biến đổi khí hậu, do đó chúng ta có thể thấy nó hơi giống như sự điều hòa không khí trên quy mô hành tinh : thời kỳ El Niño là hệ thống sưởi được bật. Và thời kỳ La Niña là máy điều hòa mát được bật. Đây là hiệu ứng nhỏ hơn so với biến đổi khí hậu. Trái đất bị hâm nóng thì có liên quan đến biến đổi khí hậu, về mức nhiệt thì là hơn một độ một chút. Trong khi đó, mức tăng nhiệt độ từ năm này sang năm khác liên quan đến El Niño thì ở mức vài phần mười độ, tức là vẫn thấp hơn (so với do biến đổi khí hậu).
Một điểm khác biệt nữa là dấu hiệu liên quan đến biến đổi khí hậu thì kéo dài, đã xảy ra trong những thập kỷ qua và sẽ vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, hiện tượng El Niño có tác động trong thời gian ngắn hơn. Chẳng hạn, như tôi vừa nói, trong những năm qua, chúng ta đã có một thời kỳ La Niña rất dài, trong vòng 3 năm liền. Nói một cách hình tượng thì chúng ta đã thấy điều hòa được bật hết cỡ trong suốt 3 năm, nhiệt độ trung bình của hành tinh nhờ đó đã giảm không ít trong vòng 3 năm.
Hiện giờ, hiện tượng El Niño đang phát triển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương và lên đến đỉnh điểm vào cuối năm nay. Như vậy là chúng ta chuyển từ chế độ bật máy điều hòa mát toàn cầu sang chế độ bật máy sưởi. Trong khi đó, chúng ta lại tiếp tục khiến khí gây hiệu ứng nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển của hành tinh, nên rất có thể là sang năm tới, tức là sau năm có El Niño, hành tinh sẽ nóng lên. Có rất nhiều khả năng là sang năm chúng ta sẽ lại phá kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu. Trên thực tế, số liệu thống kê mà chúng tôi có cho thấy là năm nay chúng ta đã có thể phá kỷ lục về nhiệt độ, cho dù chưa thực sự có El Niño. Vì thế, năm tới chúng ta có thể sẽ lại đánh bại kỷ lục của năm 2016. Năm 2016 chính là năm sau khi xảy ra El Niño.
Nói tóm lại là hiện tượng El Niño và La Niña chồng lên hiện tượng biến đổi khí hậu. Trong thời kỳ El Niño, hành tinh ấm lên thêm một chút trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm. Trong thời kỳ La Niña, hành tinh lại lạnh hơn một chút trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm.
RFI : Và ngược lại, tình trạng biến đổi khí hậu có ảnh hưởng gì đến hai hiện tượng El Niño và La Niña ?
Jérôme Vialard : Về hướng ngược lại, tác động của biến đổi khí hậu đến El Niño là một vấn đề đang được nghiên cứu. Chúng tôi vẫn chưa giải đáp được hoàn toàn câu hỏi này, nhưng có những dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho chúng tôi thấy rằng biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của El Niño. Như tôi đã nói ở trên, El Niño liên quan đến hiện tượng trời mưa nhiều hơn ở phía Nam Mỹ, hạn hán nhiều hơn ở phía Úc, nên chúng tôi nghĩ rằng ngay cả khi bản thân El Niño không thay đổi, thì lũ lụt ở phía Nam Mỹ và hạn hán phía Úc vẫn gia tăng.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng siêu El Niño mà tôi đã nói đến ở trên, vốn dĩ có những hậu quả rất nghiêm trọng, sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Dù đây vẫn là một đề tài đang được nghiên cứu, câu hỏi chưa được giải đáp hoàn toàn, nhưng mà đúng vậy, chúng tôi lo ngại rằng El Niño và La Niña sẽ có sức tàn phá mạnh hơn, và những đợt El Niño hay La Niña rất mạnh cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Jérôme Vialard, giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp IRD, làm việc tại Cơ quan nghiên cứu về Đại dương và Khí hậu.
Đại thảm họa chồng chất, do Trái đất bị hâm nóng, đang cận kề. Nhiệt độ toàn cầu sắp ‘‘tăng quá 1,5°C’’ so với thời tiền công nghiệp. Sự phụ thuộc nặng nề vào năng lượng hoá thạch ‘‘đã mở cánh cửa địa ngục với nhân loại’’, như cảnh báo của Liên Hiệp Quốc. Viễn cảnh đen tối ngày một khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cái khó làm ló cái khôn. Ít năm gần đây ‘‘nấm rễ’’ đang được hy vọng như một giải pháp chống biến đổi khí hậu hàng đầu, có thể giúp nhân loại thoát hiểm.
“Nấm rễ” là gì ? Vì sao nhiều hy vọng được đặt vào “nấm rễ” ? Tạp chí của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này. Khách mời của Tạp chí hôm nay là giáo sư Marc-André Selosse, Viện bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên (MNHN), Paris, một chuyên gia trong lĩnh vực nấm rễ cộng sinh xứ ôn đới. Ông cũng là tác giả cuốn “L’Origine du monde : une histoire naturelle du sol à l’intention de ceux qui le piétinent” (tạm dịch là “Nguồn gốc của thế giới : Một lịch sử tự nhiên của đất, dành cho những ai bước đi trên đó mà không hay’’).
“Tấc đấc” còn giá trị hơn cả “tấc vàng”. Bởi đất là ‘‘nguồn gốc” của sự sống, đất “nuôi dưỡng” sự sống, “bảo vệ” sự sống. “Đất” có ý nghĩa sống còn với sự sống như vậy, nhưng bản thân cuộc sống của đất, cuộc sống trong lòng đất lại là điều còn rất ít được biết đến, và rất ít được chú ý bảo vệ. “Nấm rễ cộng sinh” - một phần căn bản làm nên sự sống của rừng – cũng chính là một giải pháp chống biến đổi khí hậu hàng đầu, theo ghi nhận của giáo sư Marc-André Selosse, chuyên gia về nấm truffle (hay “nấm cục”), một trong các loài nấm rễ cộng sinh nổi tiếng ở Pháp, và ở châu Âu. Giải pháp căn bản cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nằm ngay dưới chân ta, ngay trong lòng đất.
***
Thiếu “nấm rễ”, cây còi cọcGiới khoa học đã phát hiện ra vai trò của nấm rễ như thế nào ? Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Marc-André Selosse tóm lược:
‘‘Phát hiện về chuyện này diễn ra vào năm 1885. Vào thời điểm đó, Albert Bernhard Frank, một nhà thực vật học người Phổ (nước Đức hiện nay), được bộ trưởng Nông Nghiệp nước này đặt câu hỏi : vì sao nấm truffle luôn mọc dưới gốc cây ? Albert Bernhard Frank đã phát hiện ra rằng bộ phận tồn tại ổn định của nấm truffle nằm sâu trong lòng đất, với vô vàn các sợi có kích thước hết sức nhỏ bé. Cây nấm, bộ phận nổi trên mặt đất, trên thực tế chỉ là ‘‘cơ quan sinh sản’’, cho phép phát tán các bào tử nấm. Các bộ phận siêu nhỏ tồn tại ổn định nằm trong lòng đất nối liền với các rễ cây, nhà khoa học người Phổ gọi đây là hiện tượng ‘‘nấm rễ cộng sinh’’ (mycorhize). Không chỉ có nấm truffle, mà hàng nghìn loài nấm cũng tồn tại theo một cơ chế tương tự. Khi phát hiện nhiều “nấm rễ cộng sinh” ở cây sồi, Albert Bernhard Frank đặt câu hỏi : Phải chăng các loài nấm như vậy giúp cây phát triển ? Năm 1892, ông viết một bài báo, với nhận định : nếu cắt bỏ nấm rễ của cây thông, loại cây này sẽ phát triển không tốt… (…) Khi người phương Tây di thực các loại thông đến những vùng đất ở Nam Mỹ và châu Phi, thoạt tiên, thông không thể phát triển được nếu không có các loại nấm rễ. Đối với các loại cây thông phát triển tốt ở Nam Mỹ, đến mùa, người ta thấy trên rễ chúng cùng các loại nấm như ở châu Âu’’.
Cây cung cấp ‘‘đường’’ cho nấm, nấm ‘‘đi chợ’’ giúp câyNấm rễ cộng sinh sống trên các mô rễ của cây chủ, sống nhờ vào cây chủ, nhưng tham gia vào thúc đẩy sự sống của cây chủ, trái ngược với các loại nấm hoại sinh, nấm phân giải chất hữu cơ sống nhờ vào các thực thể hữu cơ chết, phân huỷ, hay các loại nấm ký sinh xâm nhập vào cơ thể vật chủ, gây bệnh và thậm chí tiêu diệt vật chủ. Nấm rễ cộng sinh cụ thể như thế nào với cây? Giáo sư Marc-André Selosse giải thích :
‘‘Trong thế kỷ 20, nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy nấm rễ nhận được từ cây chất đường, chắc chắn là các loại vitamin, và trong nhiều trường hợp cả các axit béo, tức các sản phẩm có được nhờ ở tiến trình quang hợp của cây. Ngược lại, nấm làm việc công việc ‘‘đi chợ’’ trong lòng đất, hay nói cách khác lấy từ đất các chất azot, photphat, potasium, các chất vi lượng, nước… để tự nuôi nó, nhưng cũng để nuôi cây (…) Trong lòng đất có rất nhiều chất, nhưng tồn tại rất tản mát. Nấm rễ nhỏ li ti làm công việc hút lấy các nguồn dưỡng chất, với hiệu suất cao hơn nhiều so với các rễ cây to. Nấm rễ cũng làm cả công việc bảo vệ rễ cây. Khi quan sát rễ cây ở các vùng ôn đới, cả Nam bán cầu cũng như Bắc bán cầu, và một số nơi ở xứ nhiệt đới, nấm rễ làm nên một thứ vỏ bọc bao xung quanh rễ cây. Có một số loại thông hay bạch đàn không thể mọc được trên đất đá vôi chẳng hạn, nếu không có nấm cộng sinh bao bọc rễ. Nấm rễ giúp cây trong việc tiếp nhận calcium, điều hoà lượng nước tiếp nhận, và cả chống lại các vi sinh vật có hại tấn công rễ. Và có một điều tinh vi, quan trọng khác mới được phát hiện gần đây, đó là nấm rễ giúp cả việc tăng cường hệ miễn dịch của cây, đối với toàn bộ cây, không chỉ với rễ cây. Tóm lại, nấm rễ bảo vệ cây, và và hoạt động tương trợ này diễn ra có tổ chức, bởi khi bảo vệ cây, nấm cũng bảo vệ chính kho thực phẩm của mình’’.
Không có “nấm” thì không có rừngNấm rễ cộng sinh mang lại sự sống cho đại đa số các hệ sinh thái trên mặt đất là điều mà giới khoa học, và một số định chế quốc tế ghi nhận từ khá lâu nay. Hội Đồng Toàn Châu Âu (Council of Europe), trong một văn bản năm 2001, liên quan đến nấm, làm rõ Phụ lục 1 Công ước Bern (tức Công ước Bảo tồn Thiên nhiên hoang dã ở châu Âu, có hiệu lực từ năm 1982), nhấn mạnh: “Các loài nấm rễ tham gia vào nhiều quan hệ cộng sinh : khoảng 85% cây thân gỗ có cơ chế cộng sinh nấm rễ, và đây là điều quan trọng nhất trong các chức năng sinh thái của chúng – không có nấm rễ thì sẽ không có rừng, và không có các hệ sinh thái tự nhiên có tổ chức khác’’.
Châu Âu có hai tổ chức toàn châu lục bảo vệ nấm rễ : Hội đồng châu Âu Bảo tồn Nấm (The European Council for the Conservation of Fungi - ECCF), thành lập từ năm 1985, và Hiệp hội chuyên về Nấm rễ châu Âu (European Mycological Association - EMA), thành lập năm 2003. Không kể các hiệp hội quốc gia nhiều nước tồn tại từ lâu đời. Hiệp hội nấm rễ Pháp (Société mycologique de France) xuất hiện từ năm 1884, cùng thời với phát hiện của nhà nghiên cứu người Phổ.
Từ rừng bị hâm nóng...Tuy nhiên, tại châu Âu và với quốc tế nói chung, trong một thời gian dài nấm rễ về cơ bản vẫn chỉ được nhìn nhận về phương diện đa dạng sinh học, không trực tiếp liên quan đến chuyện biến đổi khí hậu. Cuộc chiến bảo vệ đa dạng sinh học diễn ra gần như độc lập với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến sinh giới. Đa dạng sinh học ngày càng trở thành nạn nhân của việc trái đất bị hâm nóng. Rừng bị biến đổi khí hậu làm cho suy yếu đến mức mà nhiều nơi rừng trở thành nguồn phát thải khí CO2, thay vì là nơi hấp thụ. Vai trò của nấm rễ với biến đổi khí hậu ngày càng trở thành chuyện được quan tâm hàng đầu trong các nghiên cứu về rừng. Nấm rễ được hy vọng như một cứu tinh (1).
Nhìn chung ‘‘nấm rễ’’ có vai trò như thế nào trong việc hấp thu khí thải CO2 ? Về vấn đề này, giáo sư Selosse lấy trường hợp rừng ở khu vực ôn đới làm ví dụ giải thích:
‘‘Nấm rễ có hai vai trò trong việc hấp thu khí thải CO2. Vai trò gián tiếp và vai trò trực tiếp. Vai trò gián tiếp khi nấm rễ giúp cây phát triển. Khi cây hút khí thải CO2 chính là nhờ sự trợ giúp của nấm rễ. Vai trò thứ hai là trực tiếp hấp thụ cac-bon. Các nấm rễ ở xứ ôn đới rất phàm ăn cac-bon. Nấm rễ tiếp thu đến 40% lượng cac-bon được cây hấp thu trong quá trình quang hợp. Đây là một con số cực lớn. Đặc điểm thứ hai là nấm rễ xứ ôn đới chậm chuyển hoá : trước hết do nấm rễ sống lâu hơn và khi chết, xác của chúng cũng phân huỷ rất chậm’’.
... đến thừa nhận ‘‘vai trò then chốt với khí hậu’’ của nấm rễNăm 2019 lần đầu tiên giới khoa học tiến hành một nghiên cứu quy mô về đa dạng sinh học toàn cầu, với tổng cộng 55 triệu cây, hơn 32.000 giống loài, đại diện cho 97% diện tích trái đất, với sự tham gia của khoảng 250 nhà khoa học từ 50 quốc gia. Nghiên cứu Global Forest Biodiversity Initiative (GFBI), với sự tham gia của Viện nghiên cứu nông học vì phát triển Pháp (Cirad) trong ban điều hành, khẳng định ‘‘vai trò then chốt trong việc điều chỉnh khí hậu’’ của quan hệ cộng sinh nấm rễ với cây nói riêng và giữa các vi sinh vật với cây nói chung.
Vai trò to lớn của quan hệ nấm rễ cộng sinh với ‘‘điều chỉnh khí hậu’’ được nhìn nhận cùng lúc với việc giới nghiên cứu chỉ ra quan hệ cộng sinh nấm rễ này lại đang bị chính biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ. Chưa kể tác động của việc rừng bị phá huỷ, bị khai thác theo lối công nghiệp hóa, đất đai bị can thiệp của con người làm suy thoái với phân bón, thuốc trừ sâu, đô thị hóa…(2) Theo điều tra nói trên của GFBI, khoảng 10% nấm “ngoại cộng sinh” (ectomycorrhizal fungi), tức loại nấm rễ sống bao quanh rễ cây (sống chủ yếu ở xứ ôn đới), như giáo sư Selosse nêu trên, có nguy cơ biến mất trước năm 2070. Mà đây lại chính là họ nấm rễ có vai trò then chốt hơn cả đối với việc hấp thu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thế giới nấm, ‘‘điểm quyết đấu'’ của cuộc chiến Khí hậu-Đa dạng sinh họcBiến đổi khí hậu và các hoạt động của con người đe dọa các hệ sinh thái, đảo lộn đa dạng sinh học toàn cầu ngay trong lòng đất - nền tảng của đời sống sinh giới. Tuy nhiên cũng chính biến đổi khí hậu và các biến động ghê gớm khác cũng làm nổi bật tầm quan trọng hàng đầu của các hệ vi sinh vật nhỏ bé, mong manh trong đất đối với sự ổn định của khí hậu. Việc nhận diện đầy đủ sự tồn tại đa dạng và vô cùng tinh vi của chúng, cùng nỗ lực bảo vệ chúng đang dần dần trở thành một ‘‘điểm quyết đấu’’ mới của cuộc chiến kép - bảo vệ khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học (3).
Nấm rễ và thế giới các vi sinh vật nói chung lâu nay nằm ở vị trí chiếu dưới trong cuộc chiến bảo vệ đa dạng sinh học. Trong danh sách đỏ năm 2022 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), chỉ có 640 loài nấm, trong lúc có hơn 62.000 động vật và hơn 60.000 thực vật (iucnredlist.org).Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ xác định được khoảng vài chục nghìn loài nấm rễ, trong lúc số chủng loại nấm rễ toàn cầu có thể có đến hàng trăm nghìn loài, thậm chí hàng triệu. Quan hệ cộng sinh rễ - nấm không phải chỉ là giữa một loại nấm với một cây mà nhiều nấm cộng sinh với cùng một cây, và các nấm rễ lại có quan hệ liên thông tạo thành một mạng lưới liên kết rộng lớn, cây cối liên hệ với nhau thông qua nấm rễ.
Nhà sinh học Toby Skiers (giáo sư Đại học Vrije Universiteit Amsterdam, Hà Lan) ví các mạng lưới nấm rễ như “bộ xương của đất”. Nhờ mạng lưới sợi nấm, đất trở nên thông thoáng hơn, ít bị nén chặt hơn, ổn định hơn. Xói mòn ít hơn và giữ nước tốt hơn. Nấm rễ là cả một thế giới mênh mông. Dưới lòng đất, các sợi nấm mỏng manh, vô hình, nhưng có tổng số chiều dài ghê gớm : hàng cây số sợi nấm ẩn trong một centimet khối đất, và nếu tính trên diện tích toàn thế giới, chiều dài tổng cộng của các mạng sợi nấm của 10cm đất đầu tiên dưới lòng đất tương đương với 450 x 1024 km, tức bằng khoảng một nửa chiều rộng của dải Ngân Hà của chúng ta.
Tại nhiều khu vực, nấm rễ có thể chiếm đến 50% tổng trọng lượng sinh khối. Nhà nấm rễ học Stephan Declerck, phụ trách kho lưu trữ nấm rễ lớn nhất thế giới (Đại họcUCLouvain, Bỉ), cho biết cơ thể sống lớn nhất thế giới hiện nay chính là nấm. Một ‘‘con’’ nấm thuộc loài Armillaria Ostoyae, ở công viên quốc gia Oregon (miền tây nước Mỹ), nặng khoảng 600 tấn, trải rộng trên diện tích 8,9 km² trong lòng đất, có tuổi đời từ ít nhất 2.400 năm đến 8.000 năm. Cả một thế giới kỳ lạ, phi thường nằm ngay dưới bàn chân ta.
SPUN thám hiểm ‘‘vũ trụ’’ các mạng lưới “nấm rễ” toàn cầuThực tế nấm rễ cộng sinh chính là “điểm mù của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu’’, như nhận định của các nhà khoa học nhóm SPUN (Society for the Protection of Underground Network), do khoa học gia Hà Lan Toby Skiers và một số đồng nghiệp chủ trì. Chương trình lập bản đồ toàn cầu đầu tiên về thế giới chuyên về các loài nấm trong lòng đất, khởi sự từ 2021. SPUN hy vọng tìm thấy chính trong “điểm mù” tri thức đó các bí quyết giúp nhân loại thoát hiểm đại thảm họa khí hậu. Dự án SPUN chủ trương lập bản đồ chi tiết đầy đủ về nấm rễ toàn cầu, tìm hiểu về khả năng cất giữ CO2 khổng lồ của loài sinh vật đặc biệt này, bảo vệ các mạng lưới nấm rễ bị đe dọa.
Kế thừa cơ sở dữ liệu khổng lồ GlobalFungi (tập hợp các thành tựu về nghiên cứu nấm rễ toàn cầu trong 20 năm qua), nhờ ở một phần ở trí thông minh nhân tạo và kỹ thuật mô hình hoá (của các chuyên gia Crowther Lab - Đại học Bách khoa quốc gia Zurich), chương trình lập bản đồ nấm rễ toàn cầu 150 triệu km² (của SPUN) về cơ bản có thể “về đích trong hơn 5 năm tới”, theo chuyên gia Pháp Francis Martin, thành viên Hội đồng khoa học của SPUN.
Cây cối trên cạn: Hậu duệ của ‘‘cuộc kết hôn giữa nấm và tảo biển’’Trong một kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, trên quy mô toàn cầu, nấm rễ có thể hấp thu đến 13,2 tỷ tấn CO2, chiếm khoảng một phần ba lượng khí thải toàn cầu. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thực vật có liên quan đến nấm rễ cộng sinh có thể hấp thụ lượng cac-bon nhiều gấp 8 lần so với thực vật không có liên hệ với nấm. Hiện tại, những dự báo về khả năng hấp thu CO2 to lớn của nấm rễ vẫn chỉ là ước tính, với độ sai số ắt là khá cao, bởi vũ trụ các mạng lưới nấm rễ trong lòng đất là điều còn rất ít được biết đến.
Dù sao có một điều chắc chắn, được giới chuyên môn đồng thuận, đó là ‘‘cơ chế cộng sinh nấm rễ’’ chính là điều đã giúp cho sự sống nở rộ trên đất liền. Cơ chế cộng sinh này đã từng cho phép “hình thành các hệ sinh thái trên cạn”. Nhờ đó mà các loài tảo biển có thể di cư thành công lên mặt đất cách nay từ 485 triệu đến 443 triệu năm, giai đoạn mà các nhà cổ sinh vật học gọi là kỷ ‘‘Ordovic’’ (4).
Khác hẳn với đại dương, nơi tảo cùng lúc có được ánh sáng, nước, cac-bon, khoáng chất. Đất liền khác hẳn. Ánh sáng và cac-bon có trong không khí, trong lúc nước và khoáng chất nằm trong lòng đất. Để thành công trong cuộc di thực này, tảo biển đã “ký kết một thoả ước hôn nhân lâu dài” với nấm. Tảo cấp cho nấm đường và các axit béo, nấm cấp cho tảo các khoảng chất nhờ các hệ thống sợi mỏng manh với khối lượng nhỏ hơn rễ đến hàng trăm lần, nhưng vươn xa. Đây chính là lý do khiến quan hệ cộng sinh nấm rễ liên quan đến đại đa số cây cối. Cây cối trên mặt đất là các hậu duệ của cuộc hôn nhân quyết định này.
Đối với nhà sinh học tiến hoá Toby Skiers, ‘‘phá hủy quan hệ đối tác lâu đời hàng trăm triệu năm này cũng chính là tự huỷ hoại thực sự khả năng của con người ngăn chặn biến đối khí hậu”.
“Hệ thống internet trong rừng'' và những Cây Mẹ linh thiêngNấm rễ thúc đẩy sự phát triển của các loài thực vật, giúp lưu giữ cac-bon trong cây, và trong lòng đất. Chức năng hỗ trợ dinh dưỡng cho cây là điều đã được biết rõ, nhưng chức năng hấp thu khí thải của nấm rễ vẫn còn nhiều bí ẩn. Khoảng 75% khí thải gây hiệu ứng nhà kính được tích lại trong lòng đất. Hiểu biết tốt hơn về các mạng lưới nấm rễ sẽ giúp cho việc can thiệp kịp thời để bảo vệ các khu vực đa dạng sinh học bị suy yếu, để không những giúp đất tiếp tục duy trì việc cất giữ khí thải (theo một tính toán hồi 2016, của nhóm nghiên cứu với nhà khí hậu học Thomas W. Crowthe là đồng tác giả, nhiệt độ Trái đất tăng 1°C đi liền với việc đất giải phóng khoảng 30 tỷ tấn khí thải, tương đương với lượng khí thải hàng năm hiện nay) (reseauactionclimat.net), mà còn có thể thúc đẩy các mạng lưới nấm rễ hấp thu nhiều cac-bon hơn nữa. Về mặt này, nấm rễ cộng sinh có thể là một giải pháp then chốt. Hiểu rõ hơn vai trò của nấm rễ, và sự hình thành chậm rãi của loài sinh vật đặc biệt này cũng làm gia tăng cảnh giác trước các giải pháp dễ dãi như trồng rừng mới thay cho các khu rừng tự nhiên bị phá hủy (kế hoạch 1.000 tỉ cây xanh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tung ra năm 2020) (5).
Những hiểu biết sâu hơn về đời sống các vi sinh vật trong lòng đất ngày càng làm lộ rõ sự kỳ diệu khôn cùng của các hệ sinh thái. Nhà sinh thái học kỳ cựu về rừng, bà Suzanne Simard, người Canada, từ rất sớm, vào năm 1997, đã từng ví các mạng lưới nấm rễ cộng sinh như một “hệ thống internet” ngầm trong lòng đất, liên kết cả một rừng cây. Cây cối nhờ vào hệ thống này mà có thể “tương trợ” nhau, “các cây mẹ” hỗ trợ đàn cây con. Đây là điều gây cảm hứng lớn cho đạo diễn James Cameron khi làm bộ phim Avatar, ca ngợi sự huyền nhiệm của rừng, mối quan hệ tâm linh nối kết cộng đồng thổ dân với Mẹ Cây linh thiêng (xem thêm phần ''Cây cối hợp tác qua mạng lưới nấm rễ:‘‘Trực giác khoa học’’, ‘‘Niềm tin tâm linh’’ hay ‘‘Khái quát hóa vội vã’’ ?'').
Bí quyết diệu kỳ của “nấm-rễ” : Loài người có kịp rút các bài học?Trong cái rủi có thể có cái may. Cuộc đại khủng hoảng về môi trường, khí hậu cũng có thể là cơ hội để nhân loại đương đại trở lại với những bài học căn cốt của thiên nhiên. Tạp chí xin khép lại với một nhận định của giáo sư Marc-André Selosse. Trong cuốn ‘‘Jamais seul. Ces microbes qui construisent les plantes, les animaux et les civilisations’’ (tạm dịch là‘‘Không bao giờ cô độc. Các vi sinh vật kiến tạo nên các loài thực vật, động vật và các nền văn minh’’) (2017), nhà sinh học, chuyên gia nấm rễ Viện bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên Pháp, kêu gọi chúng ta thứ tạm thời rời bỏ cách nhìn khô cứng coi mỗi ‘‘thực thể’’ là một tồn tại biệt lập (The Conversation.com).
Trong thế giới các vi sinh vật, mọi thứ ‘‘trước hết là tương tác’’, liên tục trong tương tác. Ranh giới giữa thực thể này và thực thể khác rất khó xác định. Trong thế giới ‘‘nấm rễ cộng sinh’’, khó có thể nói chắc đâu là cây, đâu là nấm. Đường biên hết sức co giãn. Nấm rễ thông qua các protein nhỏ bé ‘‘làm biến đổi sự vận hành của các tế bào cây, tác động đến quá trình hoạt hóa thông tin di truyền chứa trong gien (hay ‘‘biểu hiện gien’’)’’ (6). Một ‘‘thực thể cây’’, thông qua các mạng lưới sợi nấm, trao đổi dinh dưỡng và cả thông tin với các cây hàng xóm, và quá trình cứ thế tiếp tục. ''Thực thể cây mở rộng'' kiểu như vậy có thể liên quan đến toàn bộ một khu rừng, hay một đồng cỏ. Trong thế giới đó, ‘‘mỗi vi sinh vật là một giao điểm trong cả một mạng lưới tương tác khổng lồ’’, mênh mông như ‘‘đại dương’’.
Cái thế giới nhỏ bé vô cùng ấy cũng là một thế giới mang trong mình một sứ mạng khổng lồ : duy trì sự cân bằng sinh thái, sự ổn định của khí hậu trên hành tinh. Cuộc đại khủng hoảng khí hậu – môi sinh cận kề buộc nhân loại phải trở lại với cái thế giới ấy, để tìm học những bí quyết diệu kỳ, đã từng kiến tạo nên sự sống trên mặt đất từ hàng trăm triệu năm nay - các điều kiện sống đã cho phép ra đời nền văn minh của con người. Liệu nhân loại còn đủ thời gian để lãnh nhận trước khi những đại khủng hoảng dồn dập ập tới?
Chú thích
1/ Hy vọng đặt vào nấm rễ : ‘‘Une cartographie mondiale des symbioses microbiennes des arbres révèle leur rôle clé dans la régulation du climat’’ (Lập bản đồ toàn cầu về sự cộng sinh của vi sinh vật với cây cho thấy vai trò chính của chúng trong việc điều hòa khí hậu), Cirad, ngày 15/05/2019. Hay các bài ‘‘Vast Networks of Fungi May Hold Key to Climate Fight’’ (Mạng lưới nấm rộng lớn có thể nắm giữ chìa khóa của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu), Bloomberg, ngày 05/06/2023, và ‘‘La symbiose plantes-champignons, une arme contre le réchauffement climatique’’ (Cộng sinh nấm – cây, vũ khí chống xu thế Trái đất nóng lên), L’Express, 07/11/2019.
2/ ‘‘Vấn đề chính hiện nay là với hoạt động nông nghiệp trên khắp thế giới và sử dụng phân bón cũng như các sản phẩm ‘‘bảo vệ thực vật’’ khác, nhân loại đã hủy hoại từ 50 đến 75% hệ sinh thái trên Trái đất và làm giảm khả năng lưu trữ cac-bon trong đất của các thảm thực vật có nấm rễ “ngoại cộng sinh” (ectomycorrhizal fungi), hệ quả là làm gia tăng CO2 trong khí quyển'', theo nhà nghiên cứu Ian McCallum (IIASA - International Institute for Applied Systems Analysis, Áo), đồng tác giả một nghiên cứu toàn cầu về cộng sinh nấm – cây và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
3/ Lần đầu tiên, hai cơ quan Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học (IPBES) và Khí hậu (IPCC/GIEC), ra một báo cáo chung, “Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu – kết quả khoa học’’ (tháng 6/2021), nhấn mạnh hai mục tiêu vì đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu phải được giải quyết cùng nhau. Báo cáo cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt bằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS). Sức mạnh cộng sinh nấm rễ chính là một ‘‘NBS’’ hàng đầu. Bảo vệ các loài vi sinh vật trong lòng đất đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm với nhiều quốc gia phát triển. Dự luật ‘‘Khôi phục Thiên nhiên’’ (Nature Restoration Law) được Nghị Viện Châu Âu thông qua lần một hôm 12/07/2023, coi ‘‘các cộng đồng vi sinh vật và môi trường của chúng’’ là thành tố căn bản của ‘‘hệ sinh thái’’. Luật thừa nhận 70% diện tích đất châu Âu đang trong tình trạng tồi tệ, và buộc các nước châu Âu có biện pháp khôi phục 20% diện tích đất đai bị xuống cấp trước 2030.
4/ Marc-André Selosse, ‘‘La mycorhize, la symbiose qui a fait la vie terrestre/Nấm rễ, quan hệ cộng sinh làm nên sự sống trên mặt đất’’, Pour la Science, 28/11/2018.
5/ Bảo vệ môi sinh : Trồng rừng mới không phải là ‘‘phép mầu’’ !, RFI 24/09/2019.
6/ Nhà nghiên cứu Alice Lebreton (INRAE) dẫn lại một thử nghiệm mới được công bố trên tạp chí Science, 05/2023, của nhóm khoa học gia đại học Witconson, Mỹ, cho thấy việc di thực một số loại nấm rễ, đã trải qua môi trường khắc nghiệt về khí hậu (như khô hạn), có thể giúp các cây non sống sót tốt hơn với cùng một điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy (Le Monde, ngày 14/06/2023).
Nước thải là một nguồn gây ô nhiễm quan trọng do việc xử lý các chất thải thực phẩm và việc trừ khử các loại hóa chất độc hại rất khó. Nhưng nước đã qua sử dụng lại chứa đựng nhiều thông tin « hữu ích », cho phép tìm thấy tất cả những gì tham gia vào đời sống thường nhật của nhân loại, kể cả thói quen sử dụng dược phẩm hay các chất gây nghiện tại nhiều thành phố lớn.
Dưới lòng đất thành phố Paris là một hệ thống ống dẫn thoát nước rộng lớn, có tổng chiều dài là 2.600 km, tức khoảng cách giữa Paris và thành phố Saint-Petersburg của Nga. Ông Olivier Rousselot, giám đốc phòng nghiên cứu và môi trường của Tổ hợp liên tỉnh xử lý nước thải vùng đô thị Paris – Syndicat Interdépartemental pour l’assainissement de l’agglomération parisienne – SSIAP, trước hết cho biết, tổ hợp này mỗi ngày xử lý đến 2,4 tỷ lít nước đã qua sử dụng, tức tương đương với khoảng 1.000 bể bơi Olympic.
« Hàng ngày và 365 ngày mỗi năm, chúng tôi phải thu thập các mẫu nước nguyên ở đầu vào trạm xử lý và nước đã qua xử lý ở đầu ra. Quy trình này được thực hiện suốt cả năm. Riêng các mẫu nước lấy ngày thứ Bảy và Chủ Nhật được để tủ lạnh để có thể xử lý vào ngày thứ Hai. Những mẫu nước này sau đó được mang đến các phòng thí nghiệm để làm phân tích theo như luật định. »
Những mẫu nước được lấy ban ngày còn nhằm một mục đích khác, chúng sẽ được gởi đến Berlin để nghiên cứu. Mục tiêu ban đầu là tiến hành khảo sát đối chiếu liên quan đến hơn 80 loại hóa chất chứa trong nước thải giữa Paris và Berlin.
Frederik Zietzschmann, phụ trách nhà máy xử lý nước thải Wassmanndorf ở Berlin, trong một chương trình của kênh truyền hình ARTE giải thích :
« Chúng tôi hy vọng có được những kết quả tương tự tại hai thủ đô. Sau đó, chúng tôi thải toàn bộ những nước đã qua sử dụng qua bồn xả. Mặt khác, các đầu vào công nghiệp có thể là không giống nhau. Vì vậy, điều thú vị là biết được những gì mọi người tiêu thụ qua phân tích các chất ô nhiễm vi mô ví dụ như dư lượng thuốc, hóa chất công nghiệp hay chất gây nghiện. »
Nghiên cứu này nhận được sự hỗ trợ của một trong những viện phân tích nước thải lớn nhất thế giới : Institute For Analytical Research (IFAR), trường đại học Fresenius, ở Idstein, Đức, dưới sự điều hành của Thomas P Knepper, lãnh đạo phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về vi vết trong các mẫu vật.
Dịch bệnh Covid-19 và nước thải ParisTrận đại dịch Covid-19 là một minh chứng gần đây nhất cho sự phong phú thông tin chứa trong nước thải. Mùa xuân năm 2020, gần như toàn châu Âu bị phong tỏa, các cửa hiệu, hàng quán và sở làm đều bị đóng cửa, còn người dân thì bị hạn chế lưu thông, nhưng bệnh viện vẫn bị quá tải. Người ta không chắc về số người thực sự nhiễm virus. Làm thế nào vén màn vùng tối này ?
Nhà virus học người Pháp Sebastien Wurtzer, làm việc cho công ty quản lý nước Paris nằm trong số những chuyên gia được huy động ngay từ đầu cuộc khủng hoảng dịch tễ. Công việc chính của ông là tìm kiếm những tác nhân gây bệnh trong nước sạch, có thể uống và nước bẩn.
Theo nhà khoa học này, « việc theo dõi sự hiện diện của những mầm bệnh không phải là điều gì mới mẻ cả. Nhưng điểm mới ở đây là có thể định lượng chúng trong nước đã qua sử dụng và liên kết được với tình trạng dịch tễ của dân cư. »
Các công trình nghiên cứu công bố năm 2015 cho phép ông thiết lập được mối tương quan, theo đó, lượng virus đường ruột – được tìm thấy trong phân người bệnh dưới dạng các phân tử thải ra trong đường ống thoát nước, rồi trong các trạm xử lý nước thải – càng nhiều, thì số người bị nhiễm bệnh càng cao.
Phát hiện này đã được ông áp dụng trong việc khảo sát các mẫu nước được lấy tại 6 trạm xử lý nước thải ở vùng thành phố Paris và 11 trạm khác ở vùng Ile-de-France (Paris và các vùng phụ cận). Những dữ liệu có được không những cho thấy tình trạng lây nhiễm, mà còn giúp các nhà khoa học có thể suy ra tiến triển của số ca nhiễm trước khi các bệnh viện chuyển giao số liệu chính thức cho các nhà chức trách y tế. Nước thải đã cho thấy trong một chừng mực nào đó, là một chỉ báo sớm cho việc tầm soát coronavirus.
Trên đài ARTE, Sebastien Wurtzer giải thích : « Cuối tháng 6/2020, chúng tôi đã có thể nhận thấy rất sớm, thậm chí trước cả khi có các chỉ số của bệnh viện, lượng virus tăng trở lại trong nước thải, đặc biệt là tại vùng Ile-de-France, khu vực chẳng may phải thông báo đợt dịch thứ hai như chúng ta đã biết. »
Nước thải : Chỉ báo thói quen ăn uống, tiêu thụ dược phẩmTrở lại với nghiên cứu đối chiếu mẫu nước giữa Paris và Berlin, kết quả phân tích các mẫu nước đầu tiên cho thấy có sự hiện diện của nhiều hóa chất thông thường được biết đến như carbon, phosphore và azote, được thải ra theo đường nước tiểu và ruột, giữa Paris và Berlin là giống nhau. Nhưng điều thú vị và gây bất ngờ là hàm lượng những chất này được tìm thấy ở Berlin cao gấp hai lần so với Paris.
Vì sao nước thải ở Paris lại chứa ít các loại chất dinh dưỡng hơn so với Berlin ? Liệu người ta có thể giải thích bằng thói quen tiêu thụ nước làm hòa tan nồng độ dưỡng chất trong nước thải ? Các khảo sát cho thấy, một cư dân thành Berlin tiêu thụ khoảng 100dl nước/ngày (10 lít) cho sinh hoạt thường nhật từ nấu ăn, tắm rửa, vệ sinh so với mức 120 đến 150 dl cho một người thành Paris.
Về điểm này, Frederik Zietzschmann cho rằng, « tại Đức, người ta đã được giáo dục từ sớm phải tiết kiệm nước. Có nhiều khả năng là họ không tắm lâu, hay như họ có máy giặt hiệu quả hơn và ít hao nước hơn. Còn người Pháp rất có thể là họ ít nghiêm túc hơn trong việc tiêu thụ nước. »
Nghiên cứu đối chiếu này còn cho thấy thói quen sử dụng dược phẩm của cư dân giữa Paris và Berlin. Chẳng hạn, các nhà khoa học phát hiện nồng độ chất paracetamol trong nước thải ở Paris cao gấp 3 lần so với Berlin. Sự khác biệt này là ấn tượng này được Thomas P Knepper đưa ra nhận định : « Đây là một giả thuyết nhưng điều đó có thể được giải thích do việc loại thuốc này chỉ được cấp theo đơn tại Đức. Trong khi đó, ở Pháp chúng dược bán tự do. Chúng tôi cần phải đào sâu hơn khía cạnh thói quen sử dụng thuốc giảm đau. »
… Và là một công cụ điều tra tội phạm ?Không chỉ cho thấy thói quen sinh hoạt, dùng dược phẩm, nghiên cứu nước thải còn cho thấy mức độ sử dụng các chất gây nghiện và phát hiện các tổ chức tội phạm. Qua các phân tích mẫu nước, các nhà khoa học Đức đã lập được một danh sách dài sự hiện diện các loại ma túy tổng hợp.
Nhà nghiên cứu Niklas Koke, đồng nghiên cứu với Thomas P Knepper, cho biết thêm : « Đối với loại thuốc phiện, không có sự khác biệt nào giữa Paris và Berlin. Ngược lại, nồng độ chất amphetamine tại Berlin lại cao hơn rất nhiều so với Paris. Những gì liên quan đến methamphetamine và MDMA, Berlin có nồng độ thấp hơn ».
Điều đó có nghĩa là chất gây nghiện lưu hành ở Paris và Berlin là giống nhau. Tuy nhiên, thuốc lắc (ecstasy) và hồng phiến (speed, amphetamin) lại hiện diện rộng rãi ở Berlin. Ghi nhận này được củng cố bởi một nghiên cứu đối chiếu về dư lượng chất thải lắng đọng trong nước qua sử dụng tại nhiều thành phố khác nhau và làng xã châu Âu. Theo đó, Berlin vượt xa Paris trong việc tiêu thụ thuốc lắc, xếp hạng tư chỉ sau Zurich, Utrecht và Amsterdam theo một nghiên cứu rộng lớn của Liên Hiệp Châu Âu.
Những khảo sát mẫu nước còn cho phép các nhà nghiên cứu phát hiện một loại thuốc phiện mới : Lidocain, thường được sử dụng như là một dạng thuốc tê ở nha sĩ, ngày càng được dùng phổ biến trong ngành giải trí, nhất là trong giới nhạc rap ở Đức. Điều này giải thích vì sao nồng độ chất lidocain thải ra ở Berlin cao gấp 50 lần so với với Paris.
Nhưng theo ARTE, việc phân tích các mẫu nước thải phần nào còn cho phép cảnh sát hình sự liên bang Đức xác định những xưởng bào chế thuốc phiện và chất nổ, theo như giải thích từMichael Puetz, Viện Khoa học Pháp lý, cảnh sát :« Điểm lợi lớn của nước thải là chúng có hướng, nghĩa là khi một loại hóa chất nào đó đi vào hệ thống cống rãnh, chúng tôi biết chính xác nơi chốn và lúc nào loại hóa chất này lại xuất hiện. »
Hàng tấn chất lỏng gặm mòn, nhiều loại trong số này là những chất cực kỳ độc hại, hệ quả của quá trình chế tạo ma túy tổng hợp. Những kẻ sản xuất thường đổ những chất thải này không xa các xưởng chế biến và thay đổi thường xuyên địa điểm. Nhờ vào các thông tin có được, các nhà điều tra có thể thâm nhập hệ thống cống rãnh, lấy mẫu nước tại bất kỳ điểm nào và truy lần dấu vết đến tận xưởng bào chế bí mật.
Nhưng các nhà nghiên cứu về tội phạm học ở Đức cũng nhìn nhận rằng ý tưởng thiết lập một hệ thống giám sát phòng ngừa tại các đường ống thoát nước để tìm kiếm các loại chất bất hợp pháp vẫn còn là chuyện « khoa học viễn tưởng » và về mặt xã hội, có thể sẽ là một đề tài gây nhiều tranh cãi.
Dẫu sao thì, nếu như đối với nhiều nhà khoa học, nước đã qua sử dụng là một mỏ vàng thông tin quý giá, thì với nhiều người khác, chúng còn là một bài toán hóc búa : Bất chấp những hệ thống xử lý nước thải hiện có, việc loại trừ hoàn toàn các loại hóa chất, chất cặn thuốc gây ô nhiễm môi trường là điều dường như khó thể. Khi tích lũy nhiều trong tự nhiên, những chất này có thể gây hại cho động vật, thậm chí cả cho nhân loại.
(Theo ARTE)
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, những hậu quả kinh hoàng và khó lường do Trái đất bị hâm nóng vì khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tốc độ diệt vong nhanh chóng của sinh giới, cũng như một loạt suy thoái môi trường ghê gớm khác là những thực tế khốc liệt ngày càng ít người không công nhận. Trái đất dường như sắp quá tải (Tạp chí phát lần đầu ngày 08/09/2016).
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội đặt câu hỏi : Đâu là tương lai của nền văn minh công nghiệp, mô hình kinh tế trụ cột của nhân loại từ hơn hai thế kỷ nay ?
Về chủ đề này, chương trình tạp chí « C’est pas du vent » của RFI giới thiệu cuốn sách mới « Comment tout peut s’effondrer ? » (Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào ?) của hai nhà khoa học Pháp : Kỹ sư nông học Pablo Servigne, chuyên gia về nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi hệ thống và nhà tư vấn kinh tế - sinh thái Raphael Stevens.
Cuốn « Comment tout peut s’effondrer ? », dày 206 trang, được viết với một văn phong kể chuyện hóm hỉnh, đầy hình ảnh, nhẹ nhõm và khá dễ hiểu, với các đúc kết được chắt lọc từ rất nhiều nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực hệ trọng này, có thể trở thành cuốn sách gối đầu giường đối với nhiều bạn đọc Pháp ngữ. Ngay cả khi không đồng quan điểm với các tác giả, đọc sách này ắt hẳn cũng mang lại nhiều điều bổ ích.
Cỗ xe sắp hết xăng, rời chính lộ
Để nói về nguy cơ tan vỡ của nền văn minh công nghiệp, các tác giả đưa ra hình ảnh « chiếc xe hơi ». Vào đầu kỷ nguyên công nghiệp, chỉ một số ít quốc gia tham gia chuyến đi. Sau một giai đoạn khởi động từ từ, kể từ sau Thế chiến Hai, xe tăng tốc. Hiện nay, tốc độ xe đã lên đến cực điểm. Cho đến nay, hầu hết các nước trên thế giới đã có mặt trên xe. Sau một vài dấu hiệu động cơ gằn lại và tỏa khói, cây kim chỉ vận tốc run lên bần bật. Liệu xe tiếp tục bò lên ? Xe khựng lại ? Hay lao dốc ? (chương 1).
Theo các tác giả cuốn « Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào ? », chiếc xe chở nhân loại chúng ta đã rời khỏi trục đường chính, đang lao xuống thung lũng trên một lộ trình bất định, với đầy chướng ngại vật và tầm nhìn gần như bằng không. Một số hành khách trên chuyến xe hiểu rằng chiếc xe rất mong manh, nhưng người lái thì không nhận ra, và vẫn tiếp tục nhấn mạnh chân ga.
Theo hai nhà khoa học, một loạt các chỉ báo cho thấy khả năng tăng trưởng, được coi là « vô hạn » của nền kinh tế thế giới xét về mặt toán học, nay đều có thể nói đã « kịch trần » : về dân số, về GDP, về tiêu thụ các tài nguyên (nước, năng lượng…), sử dụng phân bón, khí thải gây hiệu ứng nhà kính…
Chiếc xe hơi chở các quốc gia công nghiệp đứng trước hai thách thức. Thứ nhất là động cơ của « chiếc xe hơi », tuy vẫn còn sung sức, nhưng lâm vào tình trạng « nhiên liệu » sắp cạn kiệt. Thứ hai là, tốc độ quá nhanh của xe khiến khả năng quan sát giảm mạnh và nguy cơ tai nạn gia tăng (chương 2).
Sau nhiều thế kỷ phát triển, chiếc xe hơi ngày càng hoàn thiện hơn, rộng rãi hơn, tiện nghi hơn, hiện đại hơn. Nhưng cái giá để trả cho « những thành tựu » này là quá lớn : Xe (dường như) đã bị cố định vào một hướng, chân ga bị cột lại, chỉ có thể tăng, chứ không thể giảm tốc. Việc điều chỉnh để thích nghi, tránh thảm họa, dường như là bất khả.
Trong phần một « Các dấu hiệu của sự sụp đổ », các tác giả nhấn mạnh một loạt yếu tố cho thấy nền kinh tế dựa trên năng lượng giá rẻ đang lùi vào quá khứ (1), trong khi hiệu suất của các năng lượng tái tạo mới được coi là không đủ. Mà một nền năng lượng giá rẻ chính là nền tảng của tăng trưởng. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính, tín dụng – liên hệ mật thiết với hệ thống khai thác năng lượng hóa thạch – cũng đang trong tình trạng hụt hơi.
Cần một môn khoa học về sự sụp đổ
Trái đất nóng lên, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, các thiên tai diễn ra dồn dập, khó dự đoán hơn. Theo một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học Nature năm 2009, được cập nhật năm 2015, có 9 ranh giới tuyệt đối cần thiết cho sự sống của con người trên hành tinh không thể bị xâm phạm. Mà, theo các tác giả cuốn sách về viễn cảnh sụp đổ, chỉ riêng việc xâm phạm các ngưỡng về Khí hậu và Đa dạng sinh thái đã đủ để đưa loài người vào thảm họa khôn lường (chương 3).
Tuy nhiên, theo các tác giả, mức độ « khủng hoảng » kinh tế-tài chính và khí hậu-sinh thái hết sức trầm trọng hiện nay đã không được giới cầm quyền chính trị và kinh tế nhận thức đúng mức. Viễn cảnh sụp đổ của toàn bộ nền văn minh công nghiệp và thậm chí của toàn bộ Hệ sinh thái – Hành tinh là điều còn ít người chấp nhận đối diện.
Ông Raphel Stevens tâm sự : « Chúng ta thiếu một môn khoa học về sự sụp đổ của ‘‘nền văn minh’’ của chúng ta, nền văn minh đương đại. Chúng tôi muốn xây dựng một môn khoa học liên ngành, tự trang bị cho mình những hiểu biết của nhiều bộ môn khoa học, để phân tích về những gì xảy ra với xã hội chúng ta ngày hôm nay. (…) Chúng tôi không lạc quan, cũng không bi quan, chúng tôi cũng không sáng tạo ra gì mới, mà chỉ tổng hợp lại các nghiên cứu khoa học từ ba, bốn, năm năm trở lại đây, khoảng 3.000 bài báo và 300 cuốn sách.
Có một khoảng cách rất lớn giữa các sản phẩm của giới khoa học và hiểu biết của công chúng bình thường, chúng tôi muốn lấp đầy khoảng trống này. Nỗ lực của chúng tôi là cập nhật các hiểu biết trong lĩnh vực sinh thái học ».
Mô hình dự báo-dấu hiệu dự báo-trực cảm
Ông Raphel Stevens giới thiệu một công cụ quan trọng của môn khoa học về sự sụp đổ : « Đó là các mô hình ‘‘Meadow’’ (2), mô hình ‘‘Handy’’. Các mô hình không trực tiếp dự báo tương lai, mà là công cụ để hình dung khả năng chuyển hóa của hệ thống… Chúng ta có hai mô hình tuyệt vời. Theo mô hình Handy (Human And Nature DYnamical), sự bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng về kinh tế, là các nhân tố dẫn đến sụp đổ. Xã hội càng bất bình đẳng, sẽ càng sớm sụp đổ, và điều này là chắc chắn. Mà trong xã hội chúng ta hiện nay, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, và điều này rất nguy hiểm. Điều này khiến xã hội chúng ta trở nên rất mong manh.
(…) Mô hình Meadow, ra đời vào năm 1972, là một mô hình rất vững chắc. Sau hơn 40 năm tồn tại, mô hình này vẫn chưa bị bác bỏ. Dựa trên việc phân tích các cuộc khủng hoảng trước đây, mô hình Meadow dự báo nền văn minh công nghiệp (nhiệt năng) của chúng ta sẽ sụp đổ trong nửa đầu thế kỷ XXI. Căn cứ vào các biểu đồ trong cuốn sách này, có thể thấy chúng ta đang đứng bên bờ vực của tiến trình.
Sau khi phỏng vấn Dennis Meadow, đồng tác giả mô hình này, vào năm 2011, tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm trong suốt hai tháng. Đó là điểm khởi đầu cho quyết định đi vào nghiên cứu này của chúng tôi ».
Về các công cụ của môn khoa học mới, Raphel Stevens đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của trực giác :
« Đối diện với những biến cố hoàn toàn không thể dự báo, ông Nassim Nicholas Taleb triết gia/cựu giao dịch tài chính (trader) gọi đó là ‘‘những con thiên nga đen’’ (cygnes noirs) hay các biến cố hiếm khi xảy ra. Đây là những gì chúng ta không thể nhìn thấy được, nhưng chúng để lại những dấu ấn trong lịch sử. Về chuyện này, khoa học về xác suất, thống kê bất lực. Vì vậy, chúng ta cần đến trực giác. Chúng tôi tự nhủ : Chúng ta hãy tin tưởng vào trực giác của mình !
Về hiện tại, theo trực giác của chúng tôi, nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ trong khoảng từ năm 2020 đến 2030. Sau khi đọc tất cả những nghiên cứu nói trên, chúng tôi hoàn toàn không còn nghĩ rằng thời hạn của sự sụp đổ sẽ bắt đầu vào 2050 hay 2100. Tuy nhiên, không có chứng cứ nào để xác nhận điều này.
Một công cụ khác của ngành dự báo là các dấu hiệu cảnh báo. Các chuyên gia về những hệ thống phức tạp biết rằng, trước khi một hệ thống sụp đổ, ngay trước khi đó, có những tiếng ồn rất đặc hiệu, của sự sụp đổ sẽ xảy ra. Các nhà khoa học tìm cách xác định những tiếng động ấy, để dự báo. Cách làm này rất hiệu quả đối với các hệ sinh thái, nhưng đối với lĩnh vực tài chính thì chưa được hoàn bị. (…) Năm 2012, 24 nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature một nghiên cứu về các dấu hiệu báo trước về sự sụp đổ của hệ sinh thái trên Trái đất ».
Sự mù quáng của giới tinh hoa : Một nhân tố chính dẫn đến sụp đổ
Trong lịch sự của loài người, đã có nhiều nền văn minh suy tàn hay sụp đổ hoàn toàn, nhưng cũng có một số tái khởi động được trở lại. Chuyên gia về mối quan hệ giữa các xã hội con người và môi trường tự nhiên Mỹ Jared Diamond, tác giả cuốn sách nổi tiếng « Sự sụp đổ » (Collapse: How Societies Choose to Fail or Survive), cố gắng rút ra các bài học về sự sụp đổ từ các nền văn minh cổ đại (chương 9).
Theo ông, cho dù môi trường sinh thái thường là nhân tố quan trọng, đặc biệt trong sự lụi tàn của nhiều nền văn minh, như của người Maya châu Mỹ (thế kỷ IX), người Viking châu Âu (thế kỷ XI), nhân tố chung luôn có mặt trong mọi trường hợp sụp đổ, đó là bình diện « xã hội chính trị ». Jared Diamond nhấn mạnh đến sự mù quáng của giới tinh hoa, như là một nhân tố chính dẫn đến sụp đổ. Các xã hội đã đưa ra những quyết định sai lầm trong bối cảnh khủng hoảng, do thiếu khả năng dự đoán.
Về lý do vì sao con người khó nhận ra, khó thừa nhận các thảm họa, cho dù không thiếu thông tin các tác giả đặc biệt chú ý đến những lý giải của nhà triết học Clive Hamilton (3) (chương 10). Trong đó một thực tế phổ biến, đó là ý thức của con người - kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên - vốn không được trang bị để nhận thức “các nguy hiểm mang tính hệ thống và dài hạn”, mà thiên về “đối phó với các đe dọa trực tiếp”. Người ta thường nêu ví dụ về con ếch chịu chết bỏng trong nồi nước mà không nhảy ra để minh họa cho hiện tượng này. (Chưa kể đến các tuyên truyền bóp méo sự thực, mà nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng là những người góp phần [4]).
Dự báo sụp đổ không đồng nghĩa với bi quan, tạp chí xin khép lại với một chia sẻ nhiều hy vọng của ông Pablo Servigne, chuyên gia về tính chất dẻo dai của các hệ thống xã hội – sinh thái :
« Chúng ta có những người nhận thức được vấn đề này, có những người không. Trong số những người hiểu ra, có người có được niềm tin, có người không tin.
Những người hiểu ra và có niềm tin, số này không nhiều, nhưng tôi tin rằng họ chuyển sang hành động. Chúng ta gọi họ là những người ‘‘transitionneur’’, những người tham gia vào quá trình chuyển hóa (hệ thống). Đó là những người ý thức được rằng một hệ thống như chúng ta biết đang sụp đổ, và một hệ thống mới đang nẩy sinh (5).
Điều rất quan trọng là cùng lúc nhận ra : Cái chết (của hệ thống cũ) và sự sinh thành (của cái mới) đang song hành diễn ra. Ngay từ đầu, cho dù không ý thức được hoàn toàn, khi nói đến sự sụp đổ, chúng tôi đã gợi ra cái thế giới đang sinh thành này.
Đây là một cơ hội để nhận ra những rào khóa ngăn cản chúng ta đi đến được một thế giới tốt đẹp hơn. Vì thế, sự sụp đổ có thể coi như một cơ hội, như một sự cởi trói rộng khắp. Để mô tả điều này, tôi sử dụng hình cái cây cổ thụ trong rừng. Cây sồi khổng lồ - xã hội công nghiệp của chúng ta – sụp đổ, chính nhờ sự sụp đổ đó, mà những mầm cây bên dưới có thể vươn lên tìm đến ánh sáng ».
Hàng triệu mầm non đang trỗi dậy
Nhà sinh thái học Pháp nhấn mạnh : « Chỉ cần mang lấy cặp kính với cái nhìn dự báo về sụp đổ, có thể thấy khắp nơi trên thế giới hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu những mầm non đang trỗi dậy, từ các sáng kiến nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp cộng sinh với thiên nhiên, đến nền kinh tế - đoàn kết, các đồng tiền địa phương… Chỉ cần xem bộ phim tài liệu ‘‘Demain/Ngày mai’’ (6), cùng với cuốn sách giới thiệu về phim, đã nhận được sự hưởng ứng như thế nào của công chúng, có thể thấy rất nhiều mầm non, đầy sáng tạo, đầy nhiệt huyết. Thực sự là một phong trào toàn cầu, thực sự mang lại niềm phấn khích.
Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh là, điều đó không có nghĩa là phong trào đã thành công.
Điều cơ bản, được thể hiện rất rõ trong cuốn sách là, cho dù có những mầm non như vậy, sự sụp đổ là chắc chắn.
Những mầm non như vậy không phải là các giải pháp. Đó là những con đường cần phải theo, để có thể chống chèo nhằm vượt qua quá trình sụp đổ. Sự sụp đổ là không thể tránh khỏi. Chính bởi vì chấp nhận thực tại sụp đổ, mà chúng ta đến được với những mầm non ấy, nâng niu chúng, tài trợ cho chúng, nhân rộng chúng ra (7). Để đi về phía trước ».
***
Được ấn hành năm 2015, không lâu trước Thượng đỉnh COP 21 về khí hậu tại Paris, cuốn “Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào?” đã vang lên như một lời báo động vô cùng khẩn thiết.
Toàn thể các quốc gia trên hành tinh rốt cục đã tìm được một đồng thuận tối thiểu về nguyên tắc, để cùng nhau hướng đến một thế giới nhiệt độ không tăng quá 2°C, thậm chí dưới 1,5°C. Nhưng vấn đề là : Liệu các cam kết về nguyên tắc nói trên trong lĩnh vực này, cũng như các lĩnh vực cơ bản khác, có chuyển được thành hành động đủ nhanh và đủ mạnh, để kịp thời giảm thiểu những hậu quả tàn khốc do phát triển mù quáng bất chấp môi trường – sinh thái, trước khi những thay đổi đạt đến cái ngưỡng không thể vãn hồi ?
____
(1) Nếu như, vào đầu thế kỷ XX, khai thác dầu mỏ mang lại siêu lợi nhuận (trung bình bỏ một lãi 100), thì hiện nay hiệu suất đầu tư năng lượng giảm xuống chỉ còn 1 : 10 đến 1 : 20 đối với dầu mỏ quy ước, và 1 : 2 và 1 : 4 đối với dầu cát, hay 1 : 5 đối với dầu đá phiến. Ngoại trừ thủy điện (đã phát triển gần tới ngưỡng, và không kể đến các tác hại ghê gớm về môi trường), nhiều loại hình được coi là tái tạo khác cũng phải cần rất nhiều sự hỗ trợ của chính các loại năng lượng hóa thạch và hiệu suất cũng không cao. Từ 1 : 2,5 đối với năng lượng mặt trời, đến 1 : 18 với năng lượng gió (với những tính chất bất lợi của loại hình năng lượng này, như không ổn định và khó tích trữ) (trang 35).
(2) Mô hình Meadow trong “Báo cáo của câu lạc bộ Roma” (được công bố năm 1972), dự đoán nền văn minh công nghiệp sẽ sụp đổ vào khoảng từ 2015 đến 2025. Báo cáo Roma đưa ra nhiều khuyến cáo để ngăn ngừa viễn cảnh này. Theo mô hình Meadow, được cập nhật năm 2004, còn một chút cơ may cho khả năng thoát khỏi sụp đổ, với ba điều kiện :
a - Dân số tối đa là 7,5 tỷ năm 2040 (giảm 0,5 tỷ so với dự kiến) ; b - ổn định phát triển công nghiệp ở mức chỉ tăng 10% so với năm 2000, và phân phối công bằng các thành tựu phát triển ; c – giảm mức độ suy thoái của đất đai, cùng lúc với tăng hiệu suất nông nghiệp.
(3) Trong cuốn « Requiem for a Species: Why We Resist the Truth about Climate Change / Chuông nguyện hồn chúng sinh : Vì sao chúng ta chối bỏ sự thật về biến đổi khí hậu ».
(4) Chiến lược xóa tan những nghi ngờ về tính độc hại đã các ngành công nghiệp thuốc lá, a-mi-ăng, thuốc trừ sâu…. áp dụng thành công trong suốt nhiều thập kỷ. Trước COP 21 tại Paris, rất nhiều thượng đỉnh về khí hậu đã rơi vào thất bại một phần cũng do các tuyên truyền reo rắc hoài nghi, được nhiều nhà khoa học tiếp tay.
(5) Đối lập với những « Transitionneur » là những người « Survivaliste/Prepper », chủ trương thân ai nấy lo. Bộ phim Úc nổi tiếng Mad Max, của đạo diễn George Miller, mô tả cuộc chiến tàn khốc của ngày tận thế với cuộc đại khủng hoảng dầu mỏ.
(6) Bộ phim Demain, với tiểu tựa ‘‘Un nouveau monde en marche/Một thế giới mới đang ra đời’’, được phát hành tại 27 quốc gia. Riêng tại Pháp, phim thu hút hơn 1 triệu khán giả, một hiện tượng hiếm có với phim tài liệu.
(7) Các tác giả cuốn sách đặc biệt chú ý đến đóng góp của Phong trào đô thị chuyển hóa - Transition towns, khởi sự từ thị trấn Totnes nước Anh năm 2006, với nhà nông học Rob Hopskin, nay đã lan tỏa ra hàng chục quốc gia.
Các nhạc phẩm giới thiệu trong tạp chí
* Khúc dạo đầu vở nhạc kịch rock « Le monde est stone/Một thế giới chai cứng ». Soạn nhạc : Michel Berger (1978)
* Ca khúc « Objectif Terre » (Hành tinh khóc) của Ridan (2007)
* Ca khúc «Merci ma planète/Xin cảm ơn Trái Đất » của Dominique Dimey (2008)
Các đêm từ ngày 6 đến ngày 8/8/2016, tại hàng trăm địa điểm ở Pháp, đã diễn ra một hoạt động đặc biệt. Ngắm nhìn bầu trời sao với sự hỗ trợ của các phương tiện thiên văn, cùng các chuyên gia. Đây là năm thứ 26 ''đêm các vì sao'' (Nuit des étoiles). ''Đêm các vì sao'' năm nay tôn vinh nhà thiên văn học Andre Brahic, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về Hệ Mặt trời, người truyền bá không mệt mỏi tình yêu thiên văn, khao khát khám phá các chân trời xa xôi.
Andre Brahic sinh năm 1942 tại Paris, trong một gia đình khiêm tốn. Được sớm nhập môn vào ngành vật lý thiên văn bởi chính Evry Schatzman, cha đẻ môn khoa học này tại Pháp, Andre Brahic sau đó đã có cơ hội được tham gia vào cuộc thám hiểm Hệ Mặt trời, thông qua phi thuyền Voyager trong những năm 1980. Cùng với nhà thiên văn Mỹ William Hubbard, Andre Brahic đã phát hiện ra vành đai của Hải Vương Tinh, hành tinh xa xôi nhất trong Hệ mặt trời, gấp 30 lần khoảng cách giữa Mặt trời và Trái đất.
Andre Brahic là một trong số không nhiều chuyên gia lớn đặc biệt quan tâm đến việc phổ biến các hiểu biết chuyên môn cho công chúng rộng rãi. Ông là tác giả năm cuốn sách phổ biến khoa học, trong đó có cuốn « Những đứa con của Mặt trời » (1999) và « Những trái đất xa xăm. Phải chăng chúng ta chỉ có một mình trong vũ trụ ? » (2015).
Nhà vật lý thiên văn Andre Brahic vừa qua đời hôm 15/05/2016. Vào thời điểm đó, trả lời đài Europe 1, kỹ sư Jean-François Clervoy, nhà du hành vũ trụ làm việc cho Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) đã thốt lên : « Tôi coi ông như một vị anh hùng của thế giới các vì sao. Đó là một con người kỳ lạ, xuất chúng, một nhà kể chuyện hấp dẫn, người mang lại cho tất cả những ai từng nghe ông, khao khát trở thành nhà vật lý thiên văn. Tôi không thể nào tin được ông ấy đã ra đi ».
Ngay sau khi Andre Brahic qua đời, chương trình « Autour de la question » của RFI đã thực hiện một tạp chí truyền thanh, giới thiệu lại với thính giả một số trích đoạn phỏng vấn mà nhà thiên văn đã dành cho đài trước đây. Trước hết, mời quý vị nghe lại tiếng nói của Andre Brahic về một kỷ niệm vô cùng đặc biệt trong cuộc đời ông.
Vẻ đẹp và ý nghĩa của vũ trụ
« Tôi có một kinh nghiệm tuyệt vời. Đó là vào năm 2006, khi tôi đi tìm hiểu về nhật thực ở giữa sa mạc Teneray, nằm ở phía bắc nước Niger. Đây là một nơi hoàn toàn không có ánh sáng (vào ban đêm). Tôi vốn có thói quen qua đêm tại một khách sạn thường là có « nhiều sao », tôi là nhà thiên văn mà. Nhưng lần này, tôi đã trải qua một đêm dưới vòm trời sao. Đêm đó là một đêm vô cùng xúc động trong cuộc đời tôi.
Tôi muốn truyền lại cho mọi người một lời khuyên như sau. Hãy tới một nơi hoàn toàn không có ánh sáng, cách xa các nguồn sáng gần nhất vài chục cây số. Bởi vì một ngọn nến nhỏ cách xa vài cây số là đã sáng hơn những gì trên trời. Cần làm sao để mắt bạn quen với màn đêm đen như mực.
Vào một đêm không trăng như thế, ta sẽ không còn thấy mặt đất. Ta sẽ chỉ thấy bầu trời. Hay nói một cách khác, ta bập bồng trong không gian. Chính vào lúc đó mà tôi thấu hiểu cái xúc cảm dấy lên trong lòng tổ tiên chúng ta cách nay hai, ba nghìn năm.
Họ đã tự hỏi : Ta là ai ? Từ đâu ta đến ? Chúng ta đi về đâu ? Liệu có những người ngoài Trái đất không ?...
Những câu hỏi sâu xa mà mỗi cộng đồng người, từ Polynésie, Eskimo, từ châu Phi, đến châu Á, đều đưa ra câu trả lời riêng của mình.
Biết bao chuyện kể, huyền thoại, triết học, đã ra đời, khi con người ngước nhìn lên bầu trời trong đêm tối, không bị ánh sáng làm ô nhiễm.
Một đêm như vậy chắc chắn sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn.
Hai phản ứng chắc chắn sẽ đến : Vẻ đẹp của vũ trụ khiến ta sững sờ và rất nhiều câu hỏi kích thích trí tò mò của ta.
Và đối với những ai đi xa hơn, đó là những vấn đề lớn. Mà chúng ta biết rằng các vấn đề lớn đó chính là cuộc chiến chống lại sự ngu tối, mà hiện nay đang có xu hướng xâm chiếm thế giới chúng ta. Chính trong cuộc chiến đó mà tri thức ra đời. Điều đó còn xa hơn cả vẻ đẹp của bầu trời.
Nhưng hãy nhìn lên bầu trời mà xem. Nó thật tuyệt vời. Khi có trăng, bạn hãy cầm lấy ống kính. Nhìn vào khoảng ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối, bạn sẽ có cảm giác như đang bay lượn trên Mặt trăng. Đấy cũng là một cảnh tượng thật tuyệt vời nữa ».
Mỗi hành tinh có một đời sống riêng
Nhà thiên văn Andre Brahic cho biết, khi ông còn là học sinh, ở trường học, người ta dạy rằng các hành tinh trong Hệ Mặt trời cũng khá giống với Trái đất. Ông đã từng chờ đợi các hành tinh xa xôi khác cũng có những vệ tinh tương tự như Mặt trăng của Trái đất. Nhưng sau đó, ông dần dần hiểu ra một điều khác hẳn. Đó là mỗi hành tinh có một « đời sống » hoàn toàn khác biệt. Khát khao tìm hiểu về « đời sống » của mỗi hành tinh đã thúc đẩy Andre Brahic suốt cuộc đời.
Là người đồng phát hiện ra vành đai của hành tinh khổng lồ Hải Vương, hành tinh thứ 8 và là hành tinh xa nhất của Hệ Mặt trời, Andre Brahic giải thích một cách tóm tắt với thính giả về cơ chế nào đã tạo nên vành đai rất đặc biệt này.
« Có một hiệu ứng giống như thủy triều lên. Có nghĩa là, nếu như bạn đặt một vệ tinh vào một quỹ đạo xung quanh Hải Vương. Vào một thời điểm nhất định, điểm gần nhất và điểm xa nhất của vật thể này sẽ bị kéo giãn ra. Giãn đến mức, nó bị vỡ thành nhiều mảnh. Hay nói một cách khác, ở vào một khoảng cách gần hành tinh, sẽ không có vệ tinh nào tồn tại nổi. Ví dụ như, nếu xích gần Mặt trăng, ở khoảng cách 384.000 km lại gần Trái đất ở khoảng cách 180.000 km, thì Mặt trăng sẽ vỡ tan.
Các mảnh vỡ rải rác khắp trong không gian, khi chuyển động sẽ va chạm vào nhau. Khi va đập, chúng sẽ mất năng lượng, và vì vậy chúng bị hút vào vùng tâm của hành tinh. Nhưng vì chúng va đập vào nhau theo chiều song song với quỹ đạo hành tinh, nên rốt cục các mảnh vỡ bị dàn mỏng lại thành các vành đai, hơn là co cụm lại ».
Bốn lợi ích của nghiên cứu vũ trụ
Nghiên cứu vũ trụ là một nỗ lực đòi hỏi rất nhiều đầu tư, hết sức tốn kém. Vậy tại sao nhiều xã hội lại chọn con đường hết sức phiêu lưu này ?
« Nghiên cứu vũ trụ có ba ích lợi. Thứ nhất về mặt văn hóa. Ta sẽ trở nên thông minh hơn, với những hiểu biết về nhiều điều hết sức thú vị. Thứ hai là hiểu biết về vũ trụ giúp giải quyết cả vấn đề thất nghiệp. Bởi vì các động cơ du hành vũ trụ đòi hỏi độ tin cậy rất cao. Không có bất cứ sai sót nào được phép. Bởi nếu một trục trặc nhỏ như một miếng hàn long ra, thì sẽ không thể có một xưởng sửa chữa nào trên vũ trụ để giúp giải quyết.
Ý nghĩa thứ ba là hiểu biết về vũ trụ cho phép hiểu hơn về Trái đất. Những hiện tượng tự nhiên dữ dội trên Trái đất như núi lửa, động đất, bão tố, ô nhiễm… không dễ dự đoán trước chúng sẽ diễn ra lúc nào, biến đổi như thế nào.
Nghiên cứu Trái đất, giống như đối với vật thể khác mà các nhà vật lý – các nhà hóa học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Trái đất phải được cắt ra làm hai, làm ba. Phải nhào nặn nó, để xem các phản ứng của nó.
May mắn thay đối với chúng ta, là Trái đất không bị đưa vào các thí nghiệm như vậy !
Mà thật ra điều này không cần thiết. Bởi vì chúng ta có thể nghiên cứu Diêm Vương Tinh, Hải Vương Tinh và các hành tinh khác. Chúng ta quan sát thấy các vật thể kích cỡ to nhỏ khác nhau, đặc lỏng khác nhau. Từ đó, chúng ta có thể hiểu được vai trò của từng nhân tố một, từ khối lượng, cho đến nhiệt độ, độ đặc, thành phần hóa học… Từ đó mà ta hiểu rõ hơn về Trái đất.
Tôi có tóm tắt điều này lại bằng một điều như sau. Khi mà trong cuộc sống chúng ta gặp phải một vấn đề, thì không phải bằng cách chúi đầu vào góc đó mà chúng ta có thể giải quyết được. Mà ta cần phải có một độ lùi.
Mà lấy một độ lùi chính là nghiên cứu thiên văn học (Đây có thể nói là lợi ích thứ tư của thiên văn học - người viết bổ sung) ».
Ba giai đoạn của thiên văn học
Nhà thiên văn học là người có tư duy rất gần với triết học. Để nghiên cứu về thế giới của những bầu trời sao xa xôi con người không thể không đặt ra những vấn đề tối hậu. Nhưng khác với các thế hệ tiền bối, các xã hội hiện nay đã và đang có trong tay những phương tiện kỹ thuật tối tân. Andre Brahic điểm lại toàn bộ sự phát triển của thiên văn học qua ba giai đoạn :
« Lịch sử thiên văn học có thể chia thành ba giai đoạn chính. Người Hy Lạp thời cổ đã phát hiện ra tư duy nhân quả, nhưng họ đã bỏ qua việc quan sát. Đó là điều đáng tiếc.
Thời Trung cổ, vấn đề quan sát đã được đặt trở lại. Sự phục hưng của khoa thiên văn học diễn ra từ 1540 đến khoảng 1670, với các nhà thiên văn tiêu biểu như Copernic, Galilê, Kepler, Newton. Các nhà thiên văn giai đoạn này đã sáng tạo ra phương pháp khoa học. Cụ thể là vừa quan sát, vừa tìm cách giải thích. Bởi vì giải thích mà không quan sát thì dẫn đến chuyện nguy hiểm là giải thích bừa bãi. Ngược lại, nếu chỉ quan sát thôi, thì không mang lại lợi ích gì. Phương pháp khoa học này khiến châu Âu có tiến hơn một chút so với Trung Quốc, Ấn Độ hay thế giới Ả Rập.
Giai đoạn thứ ba của ngành thiên văn học là giai đoạn hiện nay, khi con người bay vào không gian. Chúng ta đã phát hiện ra nhiều điều. Một kỷ nguyên mới đang mở ra ».
Cơ hội tìm ra nguồn gốc sự sống
Dù nghiên cứu về khía cạnh nào, về chân trời nào của vũ trụ, thì câu hỏi về nguồn gốc của sự sống trên quê hương Trái đất vẫn là điều ám ảnh thường xuyên nhà thiên văn.
« Có ba điều kiện để sự sống có thể ra đời. Thứ nhất là nước, thứ hai là có hóa chất hữu cơ, tức vật chất phức tạp, và thứ ba là năng lượng. Chúng ta thấy, các điều kiện đã có dưới bề mặt của một số vệ tinh của Diêm Vương Tinh như Europa, Ganymede và Callisto, của Hải Vương như Triton, của Thổ Tinh như Titan. Các yếu tố của sự sống có mặt ở khắp nơi.
Điều đó có nghĩa là chúng ta đã có thể tìm ở đó những thông tin giúp cho việc trả lời cho câu hỏi : Làm thế nào mà thế giới sỏi đá vô tri có thể biến thành sự sống, thành thế giới sinh vật, trước khi có loài người ?
… Chúng ta thật là may mắn được sống trong kỷ nguyên hiện tại. Điều này không thể có cách nay 2000 năm. Trong các sách sử của 3.000 năm sau nữa, người ta sẽ ghi nhận là những phát hiện quyết định đã diễn ra trong hai thế kỷ 20 và 21. Những người thời ấy thật may mắn làm sao !
Thật là đáng tiếc khi báo chí đương thời chúng ta lại hết sức ủ rũ, trong khi tình hình thực ra lại rất tốt ?! ».
Đầu tư cho thiên văn - đầu tư cho tiến bộ
Khát vọng hướng đến bầu trời cao, Andre Brahic cũng hiểu rằng những nghiên cứu về sao trời không tách khỏi cuộc chiến vì tiến bộ, văn minh trên chính hành tinh của chúng ta. Năm 1989, ông đã chọn ba cái tên « Tự do », « Bình đẳng », « Bác ái » để đặt tên cho ba vòng sáng của vành đai hành tinh Hải Vương mà ông phát hiện. Đối với Andre Brahic, năm 1989 vô cùng đáng nhớ cũng bởi hai sự kiện đặc biệt : Bức tường Berlin sụp đổ và vụ thảm sát các sinh viên đòi Dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh.
Andre Brahic rất bất bình vì các quốc gia trên hành tinh chạy đua vũ trang, và làm nhiều thứ vô ích, nguy hiểm khác, trong khi đó số tiền đáng được dùng cho việc phát triển nghiên cứu khoa học, trong đó có thiên văn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều.
Suốt đời mình, Andre Brahic vun trồng hai phẩm chất mà ông cho là quan trọng nhất đối với một nhà khoa học. Đó là sự hoài nghi và tính khiêm nhường.
Andre Brahic ước ao đó cũng là các phẩm chất đáng mong muốn của những nhà chính trị. Chính là nhờ những sai lầm không tránh khỏi và sự dũng cảm nhìn nhận chúng, mà khoa học tiến lên.
Tên của Andre Brahic được đặt cho thiên thạch số 3488 nằm ở vành đai của Hệ Mặt trời vào năm 1990. Nhiều người yêu thiên văn khi ngước nhìn lên trời, tin rằng Andre Brahic đã trở về với thế giới các vì sao.
Loài ong đã sống trên Trái đất từ 100 triệu năm nay. Loài vật này quen thuộc đến mức hầu như ai cũng nghĩ rằng chúng sẽ sống mãi mãi. Thế nhưng, ngày càng có nhiều nhà khoa học lên tiếng báo động về tình trạng suy thoái, thậm chí nguy cơ tuyệt chủng của loài ong và, nếu đúng như thế, đây sẽ là một thảm họa đối với nhân loại. Hành tinh của chúng ta sẽ ra sao nếu không có loài ong ? Hôm nay chúng ta sẽ nghe ý kiến của hai nhà nghiên cứu Pháp Yves Le Conte và Lionel Garnery, trả lời RFI Pháp ngữ vào đầu tháng 4/2018.
(Tạp chí phát lần đầu tiên ngày 27/06/2018)
Yves Le Conte hiện là giám đốc nghiên cứu của Viện Quốc gia Nghiên cứu Nông nghiệp INRA, chi nhánh Avignon và cũng là giám đốc Đơn vị nghiên cứu về ong và môi trường, tác giả một cuốn sách về bảo vệ loài ong, vừa được xuất bản tại Pháp. Còn Lionel Garnery là nhà nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS, giáo sư Đại học Versailles Saint-Quentin-en-Yvelines, đồng thời là chuyên gia di truyền học của loài ong đen.
Ong là loài côn trùng có tổ chức xã hội cao như kiến, mối. Chúng sống theo đàn, trong thiên nhiên hay trong các tổ ong nhân tạo. Mỗi đàn đều có ong chúa, ong thợ, ong non... và có sự phân công công việc, chặt chẽ, rõ ràng. Ong được con người nuôi để khai thác sản phẩm như mật ong, sáp ong, sữa ong chúa,...
Nhưng loài ong cũng có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái vì chúng tham gia vào việc thụ phấn cho các loài thực vật, như các loại côn trùng khác, nếu không muốn nói là có vai trò quan trọng nhất.
Thế mà, từ vài năm nay, số phận của loài ong gây lo ngại ngày càng nhiều, với tỷ lệ tử vong lên tới từ 30 đến 35%, thậm chí lên tới 50% vào mùa đông. Đến mức mà các nhà khoa học lo ngại cho sự tồn vong của loài côn trùng này.
Vậy những nguyên nhân gì khiến loài ong có nguy cơ bị tận diệt như vậy ? Nhà nghiên cứu Yves Le Conte giải thích :
"Nguyên nhân quan trọng nhất là những thay đổi của môi trường chung quanh những con ong. Nền nông nghiệp ngày càng mang tính thâm canh, khiến cho không gian của loài ong ngày càng bị thu hẹp. Tiếp đến là việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, cho dù giới nuôi ong đã quyết liệt chống. Các nhà khoa học chúng tôi nay đều nhận thấy rằng thế hệ thuốc trừ sâu mới đang gây tác hại vô cùng nặng nề cho sự tồn vong của loài ong, như chất neonicotinoide. Những chất này không giết ngay, mà giết từ từ những con ong. Bây giờ, giới chính trị, các hiệp hội phải nỗ lực vận động để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp".
Một yếu tố khác đe dọa đến loài ong là những vật ký sinh, như Varroa destructor, theo lời ông Le Conte :
"Varroa destructor là một loại acari, giống như một con cua nhỏ biết hút máu. Trong một đàn ong có thể có hàng ngàn varroa destructor, chúng sinh sôi nảy nở và cuối cùng tiêu diệt cả đàn ong. Hiện nay chúng ta có thể dùng hóa chất để chống varroa, hoặc là hóa chất tổng hợp, hoặc là những hợp chất mang tính hữu cơ (bio) hơn, nhưng nếu không chữa trị đàn ong thì chúng cũng sẽ chết. Có thể là về ngắn hạn thì không được, nhưng về dài hạn thì phải làm sao mà chúng ta có thể chọn lọc được những con ong có thể kháng cự những vật ký sinh như varroa".
Nhưng theo lời nhà nghiên cứu Lionel Garnery, nguy cơ bị tận diệt của loài ong là do tổng hợp nhiều yếu tố :
"Chúng ta đã nói về hai nguyên nhân quan trọng nhất, nhưng nếu tách riêng ra thì hai nguyên nhân này không thể giải thích được sự tiêu hao của loài ong. Đúng hơn đó là do sự phối hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên dĩ nhiên đó là những loài ký sinh như varroa, nhưng thật ra varroa chỉ là vật chủ trung gian mang virus. Tức là có rất nhiều nhân tố lây nhiễm đe dọa loài ong.
Nguyên nhân cũng là do tác động của con người lên cây trồng với quy mô lớn, đất canh tác không còn đa dạng về môi trường, tức là không còn đa dạng về phấn hoa, hậu quả là nguồn protein, nguồn vitamin cho loài ong giảm đi, khiến chúng không còn đủ khả năng để kháng cự lại những nhân tố tác hại khác.
Như vậy, chính sự tổng hợp của toàn bộ nhân tố khiến cho loài ong bị tiêu hao nhiều như vậy. Biến đổi khi hậu cũng là một trong những nhân tố đó. Yếu tố này khiến loài ong bị rối loạn, người nuôi ong cũng vậy, vì họ phải thay đổi cách nuôi. Riêng tôi thì chủ trương một cách nuôi mang tính thiên nhiên nhiều hơn, tức là làm sao cho các đàn ong dần dần tự thích ứng với những nhân tố đó, qua việc để cho tiến trình chọn lọc tự nhiên tác động nhiều hơn".
Để chống những loài ký sinh, ta cũng có thể tuyển chọn những con ong gọi là "ong vệ sinh", theo giải thích của nhà nghiên cứu Le Conte :
"Giống ong "vệ sinh" có thể tự bảo vệ chống varroa, một loại acari sống ký sinh, vẫn là hiểm họa số một của ong. Ong "vệ sinh" là những "nữ công nhân" có khả năng phát hiện những lỗ tổ ong đang bị varroa sống bám vào, rồi móc sạch lỗ tổ ong đó, để ngăn chận varroa gây tổn hại cho ong. Tại Viện Quốc gia Nghiên cứu Nông nghiệp, chúng tôi nghiên cứu rất nhiều về đặc tính đó của giống ong "vệ sinh". Chúng tôi muốn đề nghị cho những người nuôi ong một phương pháp đơn giản để giúp họ kiểm tra xem các lỗ tổ ong có "vệ sinh" không và tăng cường khả năng chống varroa của các tổ ong".
Tuy rằng loài ong sống rất thọ, tức là trên nguyên tắc khó bị tận diệt, nhưng theo nhà nghiên cứu Garnery, vấn đề chính là nằm ở tác động con người :
"Vấn đề là sự chuyển biến của xã hội con người, là tác động của con người lên đa dạng sinh thái. Cho dù có biến đổi khí hậu, nếu chúng ta cứ để cho thiên nhiên tự tác động, thì cũng sẽ có những con ong sống sót. Chúng đã từng sống sót qua nhiều thời kỳ băng hà ở châu Âu. Vấn đề ở chỗ loài ong có nhiều lợi ích kinh tế, nên bị con người chi phối. Nếu con người cản trở khả năng kháng cự tự nhiên của loài ong, nguy cơ tận diệt của chúng sẽ lớn hơn".
Về phần nhà nghiên cứu Le Conte, ông cảnh báo về việc một số người dự tính những phương cách để thay thế những vai trò loài ong, như thể họ nghĩ rằng sự diệt vong của loài côn trùng này là điều khó tránh khỏi :
"Tôi có biết được thông tin rằng, nhất là tại Hoa Kỳ, một số nhà nghiên cứu dự định sử dụng các "máy bay không người lái" bằng ong, một loại "ong robot" để sau này có thể thay thế cho những con ong thật. Nghe qua có vẻ thú vị, nhưng về mặt công nghệ, đây là một dự án không tưởng và điều này cũng cho thấy là con người quá tự mãn.
Suy cho cùng, chúng ta đang cần và vẫn sẽ cần đến loài ong. Có những loài cây trái cần đến ong để thụ phấn. Nếu loài ong mất, đi chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề về canh tác, về sản xuất thực phẩm cho chúng ta.
Mặt khác, có một điều chưa ai nói đến, đó là trong thiên nhiên có rất nhiều loài cây cỏ sống hoàn toàn cần đến loài ong trong việc thụ phấn. Nếu chúng ta loại trừ một giống ong nào chuyên giúp thu phấn cho một loại cây nào đó, thì cây đó sẽ chết".
Theo nhà nghiên cứu Le Conte, hậu quả của sự diệt vong của loài ong không chỉ rất nặng nề về mặt thực phẩm, mà sự diệt vong này còn là biểu tượng của sự suy thoái một trường nghiêm trọng:
"Tôi nghĩ là chúng ta sẽ không chết đói vì có rất nhiều loại cây trái không cần đến loài côn trùng để thụ phấn, mà chỉ cần có gió, nhưng chắc chắn là nếu không còn loài ong, chúng ta sẽ mất đi một số loại rau quả và điều này rõ ràng là sẽ gây nhiều khó khăn cho nhân loại.
Đây là một tín hiệu báo động rằng chúng ta phải ngăn chận nguy cơ, vì nếu con người lại có thể phá hủy những thứ đó, thế giới coi như tiêu tùng. Cần phải xem sự tồn tại của loài ong như là một cái ngưỡng không nên vượt qua, mà trái lại phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ chúng. Bảo vệ loài ong có nghĩa là bảo vệ môi trường chung quanh chúng ta, bởi vì chúng ta cũng đang ăn những thứ có thuốc trừ sâu, hít thở không khí nhiễm thuốc trừ sâu. Chúng ta phải ngăn chận nguy cơ đó".
Dịch virus corona chủng mới tiếp tục lan rộng trên khắp hành tinh cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng và làm hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh. Hơn 1/3 dân số thế giới phải « tự giam lỏng » trong nhà để kềm hãm đà lây lan dịch bệnh. Trong hành trình tìm kiếm một « thần dược » để trị virus corona mới này, một loại thuốc đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt : Sử dụng các loại thuốc có chứa Chloroquine.
Được chiết xuất từ vỏ cây Chinchona ofcinalis ở Peru, chloroquine xuất hiện trên thị trường dược phẩm của Pháp từ năm 1949 dưới tên gọi Nivaquine, sau này là Plaquenil do hãng dược Sanofi bào chế. Thế nhưng, tranh luận bùng nổ khi giáo sư Didier Raoult, lãnh đạo Viện Nhiễm trùng học Địa Trung Hải ở Marseille, dựa vào các nghiên cứu của Trung Quốc và một số thử nghiệm lâm sàng tại viện của ông, khẳng định rằng chloroquine có thể chữa trị bệnh nhiễm virus corona. Vị bác sĩ có uy tín tại Pháp cũng như trên thế giới còn đi xa hơn khi đề xuất cho sử dụng đại trà trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus này.
Tuyên bố này của ông đã gây chia rẽ giới khoa học phương Tây. Một số bệnh viện Pháp cho rằng sẽ sử dụng thuốc này nhưng số khác thì tỏ ra dè dặt, vì nghiên cứu chỉ mới thực hiện trên một số ít nạn nhân (trên thực tế là 24 người), do vậy khó đánh giá được hiệu quả thật sự của thuốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình cấp bách, Hội đồng cấp cao y tế công cộng khuyến nghị chỉ nên dùng chloroquine đối với những ca nghiêm trọng, trong khi chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng tại châu Âu với sự tham gia của 8 nước. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo cẩn trọng trước một « hy vọng giả tạo », trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hồ hởi, tuyên bố có thể cho sử dụng chloroquine để trị virus corona, bất chấp thái độ dè dặt của giới chức y tế Mỹ.
Vì sao chloroquine lại làm dấy lên nhiều tranh luận như vậy ? Vậy chloroquine là thuốc gì ? Tác dụng thật sự của thuốc ra sao trong việc điều trị virus corona mới ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh.
*****
RFI : Kính chào bác sĩ Trương Hữu Khanh. Trước hết, bác sĩ có thể cho biết tác dụng thật sự của chloroquine là gì ?
BS. Trương Hữu Khanh: « Thật ra thuốc chloroquine này là một loại thuốc kinh điển, trong ngành y khoa đã dùng từ lâu. Đó là một loại thuốc để điều trị bệnh sốt rét, vốn là một loại ký sinh trùng có thể lây trung gian từ muỗi qua người. Bên cạnh đó, chloroquine còn được dùng để trị một số bệnh lý mãn tính về khớp, miễn dịch như là virus. Đó không phải là một thuốc gì lạ trong ngành y khoa cả. »
RFI : Có ý kiến cho rằng chloroquine có thể dùng để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thực hư thế nào ?
« Chloroquine từng được sử dụng trong điều trị nhiễm virus hồi đợt dịch SARS năm 2003. Nhưng rất tiếc là sau đó SARS tự tiêu đi. Khi đó, người ta đã dùng chloroquine, bỏ vào trong tế bào thì thấy là ức chế được con virus nhóm SARS. Sau đó thì người ta cũng dùng chloroquine này thử nghiệm trên loài linh trưởng thì cũng cho thấy có tác dụng.
Tuy nhiên, đối với khoa học, việc muốn chứng minh có tác dụng trên người đòi hỏi một thời gian. Với tình trạng bệnh nhiều như hiện nay, thì các nhà y khoa phải lục lại tất cả các thuốc trong quá khứ, hoặc là các thử nghiệm một số bệnh khác để ứng dụng cho SARS-Cov-2, gọi là Covid-19, điều đó là không quá ngạc nhiên. Đó chính là vai trò của người làm công tác điều trị, các nhà khoa học bắt buộc phải làm như vậy.
Thế nhưng, để đánh giá mức độ có tác dụng thật sự hay không đòi hỏi phải có thời gian. Đôi khi, vào cuối sau trận dịch, người ta ngồi tổng kết lại với nhau thì mới biết được ‘‘ ah, cái này có tác dụng thật sự’’ hay là không có tác dụng. Nếu chỉ có một vài ca nghiên cứu chưa có kết luận một cách chắc chắn. Điều này cũng tương tự như các loại thuốc khác, cho nên việc áp dụng điều trị chỉ nên sử dụng ở trong bệnh viện và do các nhà nghiên cứu thực hiện, không nên sử dụng ở bên ngoài. »
RFI : Như vậy theo như bác sĩ nói, người dân không nên tự ý đi mua hay trữ thuốc chloroquine ở nhà nếu cảm thấy có những triệu chứng bị nhiễm Covid-19 ?
« Đúng vậy. Chúng ta biết là một loại thuốc, nhất là chloroquine này, liều điều trị và liều độc tính gây tử vong rất là gần nhau, đòi hỏi phải chính xác và đúng nữa. Nếu chúng ta tự mua thuốc để dành rồi tự uống thì rất nguy hiểm.
Có hai điểm chúng ta phải chú ý. Thứ nhất là nếu chúng ta bị sốt, rồi uống vô mà chúng ta không chắc hẳn là bị SARS-Cov 2 này, nếu chúng ta uống vô mà không cẩn thận liều, thứ nhất là không có tác dụng và thứ hai là nguy hiểm.
Điểm thứ hai là có nhiều người uống để ngừa, không có virus tấn công, thì mình cũng không biết được là ngừa đến chừng nào. Bởi vì mình có thể bị virus tấn công bất cứ lúc nào vì nếu mình không có một phương pháp sinh hoạt để ngừa virus. Bởi vì nếu mình uống thuốc ngừa thì phải uống hoài. Mà uống hoài như vậy sẽ ảnh hưởng đến gan thận. Đến một lúc nào đó uống sai, thì có khả năng sẽ bị ngộ độc.
Thứ ba nữa là nếu mình để thuốc này trong nhà, mình giữ, có khả năng những người nào đó trong cùng gia đình bị bệnh lú lẫn chẳng hạn, họ uống sai mà nhất là trẻ con thì khả năng tử vong rất là cao. Do vậy, nếu có nghe nói chloroquine có khả năng điều trị Covid-19, thì đương nhiên điều này có lẽ là đáng mừng nhưng tất cả những điều đó nên dành cho người điều trị làm, bác sĩ trực tiếp điều trị ca bệnh làm. Bởi vì nên biết là đa số những người bị bệnh Covid-19 là tự khỏi, cho nên để kết luận xem là chloroquine có tác dụng đòi hỏi phải có một thời gian nhất định ».
RFI : Phải chăng Việt Nam cấm bán chloroquine ? Vì sao ?
« Thật ra chloroquine lúc trước đưa vô không được bán nhiều cho một ai đó, bởi vì đây là loại thuốc họ dùng để tự tử. Hiện nay do những lời đồn như thế thì có một số người săn thuốc đó để ở nhà ».
RFI : Trong tình hình khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, bác sĩ có thể cho biết trên thế giới hiện nay có bao nhiêu phác đồ điều trị Covid-19 ?
« Thật ra khi gặp một ca viêm phổi siêu vi, chúng ta phải hiểu là đa số các siêu vi chúng ta không có thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên phác đồ điều trị chuẩn của viêm phổi siêu vi chung cũng như là cho Covid-19 không hề khác nhau. Nghĩa là chúng ta sẽ điều trị triệu chứng. Nếu mà có suy hô hấp, chúng ta sẽ can thiệp suy hô hấp đó cho tới mức độ cao nhất là thở máy. Và nếu có những rối loạn về chức năng của các cơ quan khác thì điều trị chỉnh các chức năng đó lại và chờ cho cơ thể tự hồi phục và đẩy con virus ra khỏi cơ thể.
Còn lại có những phác đồ điều trị mà chúng ta có thể thấy sử dụng thuốc chloroquine hay là những thuốc mới như Remdesivir… Những kháng sinh đó thật sự ra chỉ là trong vòng nghiên cứu thôi và khác biệt của kháng sinh có mục tiêu là để điều trị bội nhiễm. Chúng ta biết là khi nó bội nhiễm, vi khuẩn và nhất là vi khuẩn trong bệnh viện có thể gây tử vong rất là cao do tính kháng thuốc cao. Thật ra không có một phác đồ điều trị nào khác được với nhiễm khuẩn siêu vi, bởi vì hiện nay, thuốc điều trị đặc hiệu của Covid-19, điều trị đúng vào con virus đó hiện nay vẫn còn nghiên cứu. »
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ sau các chuyến bay của phi thuyền Apollo vào năm 1972, nhân loại chưa hề đặt chân trở lại Mặt trăng. Nhưng nay, các cường quốc không gian, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, đang khởi động lại cuộc chạy đua ( hay nói đúng hơn là cuộc bay đua ) lên vệ tinh tự nhiên này của Trái đất.
Ngày 23/03/2019, tại « Rocket City », ở Huntsville, bang Alabama, phó tổng thống Mike Pence thông báo Hoa Kỳ sẽ đẩy nhanh việc đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng, trong giai đoạn từ 2024 đến 2028. Ông Mike Pence còn xác nhận: người đầu tiên trở lại Mặt trăng sẽ là một phụ nữ Mỹ, được phóng lên bằng các tên lửa của Mỹ từ lãnh thổ Mỹ.
Kể từ khi chấm dứt các chuyến bay của phi thuyền con thoi vào năm 2011, Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA hầu như không còn tham vọng nào khác. Ngay sau khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã « đánh thức » cơ quan này và từ năm 2017, ông đã đề ra mục tiêu là các phi hành gia Mỹ phải trở lại Mặt trăng, xem đây là bước đầu tiên để đưa con người lên thám hiểm Sao Hỏa trong tương lai.
Bị tổng thống Trump thúc ép, NASA bèn vạch ra một lịch trình là trước tiên sẽ đưa các công cụ và các robot lên Mặt trăng, rồi sẽ đưa các phi hành gia lên đây vào năm 2028. Nhưng nay, đối với phó tổng thống Mike Pence, Hoa Kỳ không thể đợi lâu như thế, mà phải đẩy nhanh lịch trình, nhất là vì Trung Quốc gần đây đã đưa được một phi thuyền lên phần tối của Mặt trăng, cho thấy Bắc Kinh có tham vọng giành lợi thế trên vệ tinh của Trái đất.
Trong phát biểu tại Huntsville, ông Mike Pence đã so sánh tổng thống Trump với cố tổng thống Kennedy, như thể là ông muốn đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ thập niên 1960, thời kỳ của cuộc chạy đua lên không gian giữa Hoa Kỳ với Liên Xô, chỉ có khác là bây giờ đối thủ chính của Mỹ không còn là Liên Xô nữa, mà là Trung Quốc.
Trả lời RFI ban Pháp ngữ ngày 2/03, với ông Olivier Sanguy, tổng biên tập bản tin thời sự không gian của trung tâm Cité de l’Espace ở Toulouse ( Pháp ) , nhận định rằng tham vọng không gian của tổng thống Trump có trở thành hiện thực hay không là tùy thuộc vào lá phiếu của các nghị sĩ Quốc Hội Mỹ:
« Ông Donald Trump cố thể hiện một hình ảnh khác với hình ảnh phổ biến trên thế giới hiện nay. Ông muốn chứng tỏ mình là một vị tổng thống có thể đề ra một kế hoạch cho dài hạn. Khi Donald Trump đề ra kế hoạch 5 năm, có nghĩa là ông đặt trong viễn cảnh tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Về mặt không gian thì 5 năm là một thời hạn hoàn toàn khả thi. Vấn đề duy nhất là ngân sách phải được thông qua. Tên lửa mà NASA sẽ sử dụng để thực hiện dự án này, SLS ( Space Lanch System - Hệ thống phóng không gian ), đã gặp nhiều chậm trễ và sự chậm trễ này khiến tên lửa trở nên tốn kém hơn. Như vậy phải đẩy nhanh việc xây dựng tên lửa và phải chi ra thêm hàng tỷ đôla. Nên nhớ rằng đảng Cộng Hòa nay không còn nắm đa số ở Hạ Viện nữa. Nếu Nhà Trắng muốn huy động hàng tỷ đôla, thì phải đưa vấn đề ra biểu quyết ở Quốc Hội và không có gì bảo đảm là ngân sách này sẽ được thông qua.
Hiện giờ, vẫn có một sự đồng thuận trong chính giới Mỹ, vì Hoa Kỳ vẫn tin rằng cần phải giữ thế áp đảo trên không gian. Họ hiểu rằng để duy trì vị thế siêu cường quốc thì phải đứng hàng đầu trong công cuộc chinh phục không gian. Nhưng vấn đề là họ có huy động được thêm thêm ngân sách để đẩy nhanh chương trình không gian hay không. Tên lửa SLS đã được cả đảng Cộng Hòa lẫn đảng Dân Chủ bỏ phiếu thông qua, tức là đã có một sự đồng thuận không phân biệt xu hướng chính trị. Nhưng Nhà Trắng đã đề ra thời hạn 5 năm, có nghĩa là phải đi nhanh hơn rất nhiều, và trong không gian cũng như trong các lĩnh vực khác, muốn như thế thì phải bỏ ra rất nhiều tiền. »
Trong khi nước Mỹ vật vã với ngân sách cho không gian, thì Trung Quốc đã có một bước đột phá ngoạn mục, với việc phi thuyền Thường Nga - 4, sau gần một tháng hành trình, đã hạ cánh thành công xuống phần tối của Mặt Trăng sáng 03/01/2019, giờ Bắc Kinh. Như vậy, Trung Quốc đã là quốc gia đầu tiên đưa được phi thuyền lên mặt tối của Mặt Trăng.
Đạt được mục tiêu này không phải là dễ, bởi vì bởi mặt khuất của Mặt trăng có địa hình hiểm trở, trái ngược với mặt sáng với nhiều khu vực bằng phẳng. Thiết lập thông tin liên lạc với phía tối của Mặt Trăng là khó hơn nhiều so với mặt sáng.
Để đuổi kịp Mỹ hoặc châu Âu, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ euro cho việc chinh phục không gian, lĩnh vực được coi là một ưu tiên. Đối với Bắc Kinh, thành công về chinh phục không gian là một biểu tượng cho sức mạnh quốc gia. Mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc là đưa một phi hành gia lên Mặt Trăng trước năm 2030, và chinh phục Sao Hỏa.
Rõ ràng là Hoa Kỳ bắt buộc phải đầu tư thêm hàng tỷ đôla nếu không muốn bị Trung Quốc qua mặt, như nhận định của ông Olivier Sanguy :
« Trước hết Trung Quốc là một cường quốc không gian đã khẳng định được vị thế. Trung Quốc có một chương trình không gian rất dồi dào, nhắm vào dài hạn. Nhưng Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc tiến quá gần đến vị trí áp đảo của họ trên không gian. Họ vẫn muốn NASA là cơ quan đi hàng đầu trong lĩnh vực thăm dò không gian và về mặt quân sự, thông qua Lầu Năm Góc, Hoa Kỳ cũng tiếp tục bỏ xa các nước khác, để bảo vệ các cơ sở hạ tầng của họ trên không gian.
Nên nhớ rằng hiện nay, quân đội Mỹ, các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng rất nhiều các công cụ trên không gian. Ở đây, thông điệp mà Washington muốn nhắn gởi, đó là, trong lĩnh vực không gian, chúng tôi đã có một vị thế vững chắc và không nên đến quấy rầy chúng tôi. »
Hơn nữa, theo ông Olivier Sanguy, chính giới Hoa Kỳ cần phải hiểu rằng, số tiền đầu tư cho công cuộc chinh phục không gian không phải là tiền ném qua cửa sổ :
« Khi tiến hành thám hiểm Mặt Trăng, cho dù là với mục đích khoa học, không phải là chúng ta ném hàng tỷ đôla lên không gian, mà chính số tiền đó gián tiếp phục vụ cho các trường đại học, cho các ngành công nghiệp và như vậy tạo điều kiện cho việc phát triển công nghệ cao cấp, cho nghiên cứu cao cấp. Nói cách khác, một quốc gia có trọng lượng về mặt không gian sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ kinh tế và khoa học, rất cần thiết trong xã hội tri thức.
Trung Quốc đã nắm bắt được điều đó, Hoa Kỳ cũng mới bắt đầu khám phá điều đó trở lại. Trong những năm gần đây, nước Mỹ đã phần nào bớt quan tâm đến không gian. Phải công nhận rằng cơ quan NASA đã thuyết phục được chính quyền rằng số tiền đầu tư vào không gian là rất hữu ích cho nền kinh tế Mỹ.
Trở lại Mặt trăng lần này, các nước nhắm nhiều hơn đến nghiên cứu khoa học, chứ còn các chuyến bay của phi thuyền Apollo trước đây mang tính chất địa chính trị nhiều hơn. Trước đây, mục đích của Hoa Kỳ là nhằm chứng tỏ họ đứng ngang bằng hoặc hơn Liên Xô. Còn bây giờ, trong các chuyến bay đến Mặt trăng, họ sẽ tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học hơn, nhắm đến những mục tiêu dài hạn hơn. Chính cơ quan NASA đã nói rõ, họ trở lại Mặt trăng không phải là để cắm một lá cờ, mà là để thăm dò một cách lâu dài, là nhất là để thử nghiệm các công nghệ sẽ cần thiết cho các chuyến thám hiểm Sao Hỏa trong tương lai. »
Qua cuộc chạy đua lên Mặt Trăng, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều nhắm đến mục tiêu tiếp theo là chinh phục Sao Hỏa. Vấn đề là, theo ông Olivier Sanguy, trong một nước dân chủ như Mỹ, không dễ gì thuyết phục các chính khách quan tâm đến mục tiêu dài hạn như Sao Hỏa :
« Một số kỹ sư cho rằng trở lại Mặt trăng không phải là giai đoạn bắt buộc, nhưng những người khác thì lập luận rằng lên Sao Hỏa là cả một bước nhảy vọt, vì hành tinh này nằm xa hơn Mặt trăng rất nhiều. Đó là những chuyến bay kéo dài đến 2 năm, trong khi bay lên Mặt trăng chỉ mất mấy ngày.
Cũng cần phải thấy rằng về mặt chính trị nội bộ, Mặt trăng là mục tiêu dễ được chấp nhận hơn trong một chế độ dân chủ, những chế độ mà trong đó thời gian của các nhiệm kỳ chính trị ngắn hơn rất nhiều so với thời gian thực hiện các chương trình không gian. Nếu ngày mai, cơ quan NASA nói rằng họ đưa phi hành gia lên Sao Hỏa, nhưng phải cần 10 hay 20 năm, sẽ không có một chính khách nào quan tâm đến chuyện đó, vì trong 10 hoặc 20 năm nữa, họ đâu còn nắm quyền nữa đâu!
Trong khi nếu cơ quan NASA nói chúng tôi sẽ đưa người lên Mặt trăng, chỉ mất vài năm thôi và cũng để chuẩn bị cho các chuyến bay lên Sao Hỏa, thì về mặt chính trị, nói như thế dễ thuyết phục hơn. »
Trước mắt, do không thể tự mình đưa dụng cụ nghiên cứu khoa học và phi hành gia lên Mặt trăng, các nước khác sẽ phải dựa vào hai cường quốc không gian Mỹ, Trung. Ngày 25/03, Pháp và Trung Quốc đã ký một hiệp định hợp tác không gian dự trù đưa các dụng cụ nghiên cứu khoa học của Pháp lên Mặt trăng, nhân chuyến bay của phi thuyền Trung Quốc Thường Nga - 6 ( Chang’e-6 ) lên Mặt trăng trong khoảng thời gian từ 2023-2024. Trong khi đó, Canada, qua thông báo của thủ tướng Justin Trudeau ngày 28/03, cho biết sẽ kết hợp với cơ quan NASA để trở lại Mặt trăng và sẽ tham gia vào việc thiết kế trạm không gian nhỏ Gateway, sẽ được sử dựng như là trạm trung chuyển trong các chuyến bay từ Trái đất lên Mặt trăng.
Ngày 21/07/2019, nhân loại mừng 50 năm ngày con người lần đầu đặt chân lên Mặt trăng, một trong những cuộc chinh phục không gian lớn trong lịch sử loài người. Nhưng nửa thế kỷ sau, hàng triệu người vẫn tin rằng : Con người chưa bao giờ đi trên Mặt Trăng. Sự kiện « Apollo 11 » là một bước ngoặt lịch sử « tin giả » hay là bước tiến nhân loại ?
Apollo 11 : Sản phẩm kiểu Hollywood của NASA?
Ngược dòng thời gian, ngày 21/07/1969, chính xác là vào lúc 2 giờ 56, giờ quốc tế, phi hành gia người Mỹ, Neil Armstrong đã đặt chân lên Mặt trăng. Người ta còn nghe được thông điệp của Amrstrong gởi về Trái Đất : « Một bước đi nhỏ của một người, nhưng một bước nhảy vọt cho nhân loại ».
Câu nói này trở nên bất hủ. Nhưng cũng trong vòng 50 năm đó, nhiều người vẫn tin rằng « Người Mỹ chưa bao giờ đặt chân lên Mặt trăng » và đó chỉ là « tin giả ». Từ những năm 1970, thuyết về « tin giả » tiếp tục lan truyền. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tin học còn giúp lời đồn đại này lan rộng nhanh chóng.
Trên nhiều trang mạng, người ta có thể tìm thấy các thông tin cho rằng chương trình Apollo 11 chỉ là chuyện viễn tưởng được Hoa Kỳ dàn dựng hoàn toàn để « thắng » cuộc đua không gian với Liên Xô. Người ta không tin rằng NASA thời kỳ ấy có đủ khả năng thực hiện một kỳ tích công nghệ như thế.
Năm 1974, hai năm sau khi chương trình Mặt trăng của Mỹ kết thúc, nhà văn Bill Kaysing phát hành tập sách « Chúng ta chưa bao giờ đi trên Mặt trăng : Cú lừa đảo trị giá 30 tỷ đô la của Mỹ ». Trong tập sách, tác giả cho rằng có nhiều « điểm không rõ ràng » trong các bức ảnh của NASA. Cờ Mỹ bay phấp phới trong gió trong khi Mặt trăng không có khí quyển, thiếu ánh sao trời hay như các thiết bị không gian đáp xuống Mặt trăng nhưng không tạo thành hố đất…
Từ những quan sát đơn giản này, ông Bill Kaysing đi đến kết luận rằng những hình ảnh về Apollo 11 đã được quay tại một căn cứ quân sự bí mật, nằm trong vùng sa mạc Nevada, với những hiệu quả đặc biệt của Hollywood, tương tự như trong phim « 2001: A Space Odyssey » của đạo diễn Stanley Kubrick, phát hành năm 1968. Bản thân ông Kubrick cũng bị nghi ngờ đã hợp tác với NASA. Nhất là những người tin vào thuyết đồng mưu luôn tự hỏi : Vì sao từ đó đến nay không có người nào trở lại Mặt trăng ?
Bước ngoặt của « Fake News »
Giải thích với AFP, ông Didier Desormeaux, đồng tác giả tập sách « Thuyết âm mưu, giải mã và hành động » (nhà xuất bản Reseau Canope, năm 2017) cho rằng sự kiện thu hút sự quan tâm của những người nghi ngờ là do tầm mức quan trọng của sự kiện : « Giai đoạn này của quá trình chinh phục không gian là một trong những sự kiện trọng đại cho nhân loại. Thái độ nghi ngờ sự việc làm lung lay các nền tảng cơ bản của ngành khoa học và quá trình chinh phục thiên nhiên của con người ».
Trên thực tế, « Apollo 11 » chưa phải là nạn nhân đầu tiên của thuyết âm mưu. Vụ ám sát J.F. Kennedy năm 1963 hay các câu chuyện về các vật thể bay không xác định đã là đối tượng của nhiều thuyết âm mưu khác. Nhưng theo ông Didier Desormeaux, điều mới và đáng chú ý làm cho sự kiện « Apollo 11 » trở thành một « bước ngoặt » trong lịch sử « fake news » nằm ở điểm « tin đồn này dựa trên việc giải mã kỹ lưỡng mọi chỉ dấu điện ảnh xác định được trên các bức ảnh do NASA cung cấp ».
Luc Mary, sử gia về các ngành khoa học, trả lời RFI, lưu ý thêm : chính bối cảnh Chiến Tranh Lạnh là cội nguồn của mọi sự tranh cãi « hư thực » về cuộc đổ bộ không gian lịch sử này :
« Bước đi trên Mặt trăng còn là bước đi của một người Mỹ trên Mặt trăng. Sự kiện thừa nhận thành công của một quốc gia này đối với một quốc gia khác, của một hệ tư tưởng này với một hệ tư tưởng khác. Một cách chính xác, đây là một thắng lợi của Hoa Kỳ trước Liên Xô.
Nước Mỹ đã phục thù sau 12 năm đối đầu với Liên Xô. Từ năm 1957, Liên Xô là quốc gia đầu tiên đưa vệ tinh và người lên quỹ đạo. Liên Xô cũng là quốc gia đầu tiên tiến hành các hoạt động không gian ngoài phi thuyền.
Đấy thật sự là một cuộc đọ sức gay gắt. Và đó còn là một chiến thắng của phe Tư bản đối với phe Cộng sản. Một thắng lợi của những người theo Cơ đốc giáo, tức niềm tin Công giáo - đừng quên là người Mỹ tuyên thệ trên kinh thánh - với chủ nghĩa duy vật vô thần »
Việc chọn Mặt trăng là một đối tượng để chinh phục cho thấy rõ thiện chí chính trị của chính quyền Washington thời bấy giờ. Quyết định chiến lược này của Mỹ đã được thể hiện rõ trong bài diễn văn ấn tượng của ông J.F. Kennedy, tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, năm 1961 :
« Tại sao người ta nói nhiều về Mặt trăng ? Tại sao lại chọn Mặt trăng như là mục tiêu của chúng ta ? Họ còn có thể hỏi rằng tại sao phải leo lên những đỉnh cao nhất ? Chúng ta chọn đi đến Mặt trăng. Chúng ta chọn lên Mặt trăng trong thập niên này và hoàn thành nhiều mục tiêu khác nữa, không phải vì đó là điều dễ thực hiện, mà chính bởi vì chúng khó. Bởi vì mục đích này sẽ giúp tổ chức và huy động những nguồn lực và công nghệ tốt nhất của chúng ta. »
Phản biện « Fake news »
Bất chấp các nỗ lực của giới khoa học, những hoài nghi và những lời đồn đại vẫn sống mãi theo thời gian. Vào thời điểm phi thuyền đáp xuống Mặt trăng, tại Mỹ, gần 5% số người được hỏi không tin sự việc. Tỷ lệ này giờ tăng lên là 6%.
Tại Pháp, theo một thăm dò mới nhất do Quỹ Jean-Jaures thực hiện cách đây vài tháng, có đến 16% số người được hỏi tin rằng NASA đã ngụy tạo bằng chứng và các hình ảnh phi thuyền « Apollo 11 » đáp xuống Mặt trăng, cũng như những bước đi đầu tiên của Neil Armstrong ngày 21/07/1969.
Còn tại Anh, trong một thăm dò năm 2009, tỷ lệ này là 25%.Và không phải ngẫu nhiên người Nga là những người hoài nghi nhiều nhất. Thăm dò thực hiện trong năm 2018 cho biết có đến 57% số người Nga được hỏi không tin vào sự kiện này. Vào thời điểm diễn ra sự kiện, tờ báo Nga Pravda đã không tường thuật trung thực sự việc.
Trên thực tế, từ năm 1969 đến 1972, NASA đã thực hiện 6 chuyến thám hiểm Mặt trăng, thu thập hơn 380 kg mẫu đá để phân tích. Năm 2002, NASA đã đặt viết quyển sách nhằm phản bác từng luận điểm một của những người đưa ra thuyết âm mưu. Tuy nhiên, NASA đã từ bỏ ý định này vì không muốn tạo cho họ nhiều cơ hội tấn công. Cơ quan Không gian của Mỹ khi ấy chỉ tập trung giải đáp một số điểm cụ thể.
Trong số này, việc trưng ra các bằng chứng vật chất nhằm xác nhận sự hiện diện của người Mỹ trên Mặt trăng năm đó cũng là điều hiển nhiên, như giải thích của ông Luc Mary :
« Còn có những thiết bị như máy đo địa chấn, các tấm phản chiếu laser để đo khoảng cách giữa bề mặt Trái Đất và Mặt trăng. Đương nhiên còn có cả phần bệ đỡ của phi thuyền. Người ta ước tính có khoảng 180 tấn các vật dụng, các thiết bị nghiên cứu do con người chế tạo được để lại trên Mặt trăng. »
Để thực hiện thành công nhiệm vụ Apollo 11, NASA đã tuyển dụng đến hàng trăm nghìn nhân viên và tiêu tốn của chính phủ đến 150 tỷ đô la. Một chi tiết quan trọng đối với nhiều nhà toán học nhằm phản bác lại các lập luận của những người tin vào thuyết âm mưu.
Anh David Robert Grimes, tiến sĩ Vật lý học trường đại học Oxford, giải thích với Le Monde, nhờ vào quy luật « Con Cá » (La loi de Poisson) trong xác suất thống kê, anh có thể khẳng định người ta không thể giữ được bí mật lâu quá 4 năm với giả định thuyết âm mưu này là đúng.
« Tôi tính số nhân sự làm việc tại NASA vào thời điểm phi thuyền hạ cánh xuống Mặt trăng. Họ có khoảng 425 nghìn nhân viên. Thế nên, cứ giả định từ nguyên tắc rằng tất cả đều muốn giữ bí mật và họ bảo vệ bí mật còn tốt hơn cả các cơ quan tình báo Mỹ, dù là trong điều kiện này đi chăng nữa, trong vòng khoảng 4 năm cũng sẽ có một ai đó hữu ý hay vô tình tiết lộ tầm mức của sự ngụy tạo này.
Do vậy, theo tôi, thời gian 4 năm là một ước tính khách quan. Vấn đề ở chỗ chính vì tất cả mọi người tham gia vào cùng một dự án, do vậy khó mà bảo mật mọi thứ. Đôi khi, những âm mưu này bị những người báo động hay một kẻ phản bội nào đó tiết lộ. Có khi bạn gởi thư điện tử nhầm địa chỉ. Có khi bạn gởi một SMS nhầm người. Và bất thình lình mọi người đều biết chuyện.
Do vậy, nếu như bạn tìm cách tung ra những thuyết âm mưu có quy mô lớn, cho dù là có liên quan đến Mặt trăng, biến đổi khí hậu hay chủng ngừa… chắc chắn là ít có khả năng những âm mưu này thành công. Bởi vì bạn sẽ phải cần đến rất đông người hợp tác để bảo vệ bí mật. Mà về điểm này, thì con người không mấy gì tài giỏi cho lắm ».
Sau « Hằng Nga » là anh « Cả Đỏ »
Dẫu sao thì cuộc chinh phục không gian trong những năm 1960 cho thấy rõ đỉnh điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Ngày nay, bối cảnh quốc tế đã có những thay đổi, nhưng không gian một lần nữa lại là một bàn cờ địa chính trị. Trung Quốc mới đây trở thành quốc gia đầu tiên đưa thành công một phi thuyền lên phần khuất của Mặt trăng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ lại gởi người lên định cư trên Mặt trăng từ đây đến năm 2024. Với Hoa Kỳ, đây là châu lục thứ 8 cần chinh phục. Để thực hiện mục tiêu này, Hoa Kỳ phải tái khởi động một chương trình không gian quy mô lớn, đòi hỏi nhiều nguồn tài chính tốn kém đáng kể.
Để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách, NASA đã quyết định nhờ đến các doanh nghiệp tư nhân : SpaceX, của Elon Musk, Blue Origin của Jeff Bezos nhằm phát triển ngành du lịch không gian dành cho các khách hàng tỷ phú. Hay như nhiều doanh nghiệp nhỏ khác để đưa các thiết bị lên Mặt trăng cho Cơ quan Không gian Hoa Kỳ.
Hơn bao giờ hết, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Hoa Kỳ quyết tâm lấy lại vị thế thống trị trong việc thám hiểm không gian. Nhưng với ông Jim Bridenstine, lãnh đạo NASA, mục tiêu cuối cùng là đi xa hơn nữa. Đến thăm Cung Trăng là một bước đệm để con người vươn tới sao Hỏa, hành tinh đỏ.
The podcast currently has 33 episodes available.
37 Listeners
0 Listeners
21 Listeners
16 Listeners
2 Listeners
6 Listeners
168 Listeners
489 Listeners
8 Listeners
8 Listeners
3 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
1 Listeners