Sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là tại Pháp và Việt Nam
... moreShare Tạp chí văn hóa
Share to email
Share to Facebook
Share to X
Khoảng 150 tác phẩm của ba danh họa Việt : Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm được trưng bày tại một triển lãm của bảo tàng nghệ thuật châu Á Cernuschi tại Paris, từ ngày 11/10/2024-09/03/2025. Đây là dịp để du khách có thể tìm hiểu sự tiến triển trong phong cách nghệ thuật Đông Tây kết hợp của tam kiệt trời Âu.
Triển lãm với tên gọi “Những nhà tiên phong về nghệ thuật Việt Nam hiện đại tại Pháp”, diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Mỹ Thuật Đông Dương (1925), cái nôi của nhiều nghệ sĩ Việt thành danh.
Bảo tàng nghệ thuật châu Á Cernuschi giới thiệu các bức hoạ của Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, đến từ 25 bộ sưu tập khác nhau, cùng sự trợ giúp từ gia đình của các nghệ sĩ. Triển lãm phác họa lại con đường nghệ thuật của ba họa sĩ, yêu quê hương nhưng cũng gắn bó với Pháp, và những thay đổi trong phong cách sáng tác giữa dòng lịch sử nhiều biến động.
Trước tiên là giai đoạn từ trường Cao đẳng Nghệ thuật Đông Dương đến năm 1930. Vai trò của vị hiệu trưởng đầu tiên Victor Tardieu được nhấn mạnh, đặc biệt là mối quan hệ với các học trò Việt. Tiếp theo là giai đoạn 1931-1937, “Các họa sĩ bị nghệ thuật Paris quyến rũ”, và những xáo động của chiến tranh”. Cuối cùng là “Thời kỳ ở Pháp: Cuộc cách mạng của ba nghệ sĩ” với những sáng tác được lấy cảm hứng từ những vần thơ Kiều, của Nguyễn Du.
Sinh ra trong một gia đình ở miền bắc Việt Nam, có cha là thống đốc vùng, Lê Phổ được tiếp nhận các giáo lý của Khổng Tử từ khi còn nhỏ, thạo chữ Hán Nôm. Lê Phổ học cấp 3 tại trường Bưởi (Trường trung học Bảo hộ thời Pháp thuộc) và cũng chính tại đây ông gặp Mai Thứ. Vào năm 1925, cả hai cùng thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo học khoá đầu tiên ngay sau khi thành lập, dưới sự dẫn dắt của Victor Tardieu, và cả hai đã kết bạn với Vũ Cao Đàm, gia nhập trường một năm sau đó.Kể từ sau năm 1937, cả ba đều đến Paris và định cư tại Pháp. Trong thời gian đầu ở Paris, ba danh họa có quan hệ khá mật thiết, không chỉ là hàng xóm, tương trợ nhau những lúc khó khăn, mà còn chia sẻ thị trường. Phong cách nghệ thuật của Lê – Mai – Cao có những điểm tương đồng. Họ đều có "chiến lược" sáng tác tranh lụa, có tầm nhìn về một Việt Nam "thơ mộng", phi thời gian, tại những không gian mà những cô gái trẻ uống trà, hay đi dạo trong các khu vườn yên bình, bất chấp bối cảnh chính trị nhiều xáo trộn.
Sự dung hòa giữa nghệ thuật Đông – Tây trong các họa sĩ tạo ra nét đặc trưng riêng, là những cánh chim đầu đàn của nghệ thuật hiện đại Việt Nam tại Pháp. Các tác phẩm của ba danh họa được nhiều người mến mộ, nhiều lần phá kỷ lục về giá trong thị trường nghệ Đông Dương gần đây.
RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn giám tuyển Anne Fort, phụ trách về triển lãm để hiểu thêm về ba danh họa Việt, Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm.
Tại sao lại lựa chọn ba cái tên Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, thông điệp mà triển lãm muốn truyền tải qua các tác phẩm của 3 danh họa là gì ?
Anne Fort : Sau cuộc hợp tác thành công với gia đình của Mai Thứ, trong một triển lãm được tổ chức ở thành phố Macon, miền nam nước Pháp vào năm 2022, chúng tôi tiếp tục làm việc cùng họ và gia đình của hai họa sĩ khác, để mở ra cuộc triển lãm về các tác phẩm của ba người bạn, đã có quan hệ mật thiết từ khi theo học tại trường Cao đẳng Nghệ Thuật Đông Dương ở Hà Nội. Còn một điều thú vị nữa là vô tình mà triển lãm cũng diễn ra trùng với thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập trường, với khóa đầu tiên được mở ra mà Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, có mặt và cùng học cho đến khi tốt nghiệp vào năm 1931.
Triển lãm có tên là “những người tiên phong về nghệ thuật Việt Nam ở Pháp” không phải là triển lãm về mỹ thuật Hà Nội, cũng không phải là triển lãm về các họa sĩ tiên phong của riêng Việt Nam. Chúng tôi chọn ba họa sĩ này, vì họ có điểm chung là đã chọn phát triển sự nghiệp của mình tại Pháp, và đã trải qua những biến động do quan hệ Pháp-Việt trong suốt thế kỷ 20. Tôi cho rằng rất quan trọng để nêu bật những cột mốc lịch sử khác nhau, không chỉ giai đoạn thuộc địa, mà cả Đệ Nhị Thế Chiến, và sau đó là giai đoạn Việt Nam giành độc lập cũng như các cuộc chiến nối tiếp sau đó (dẫn đến thống nhất hai miền). Bởi vì các sự kiện này tác động đến lựa chọn nghệ thuật, và đôi khi các họa sĩ không có lựa chọn, nhưng có thể thấy là họ đã biết cách thích ứng ra sao với những hoàn cảnh lịch sử.
Trong triển lãm, người xem có thể thấy rằng bảo tàng giới thiệu những sự kiện lịch sử, những thay đổi trong phong cách nghệ thuật của từng người trong các giai đoạn khác nhau. Ví dụ như hội nghị tại Fontainebleau vào năm 1946 do Hồ Chí Minh chủ trì, với sự hiện diện của Mai Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Lập trường chính trị của các nghệ sĩ này như thế nào, có gì thay đổi hay không ?
Anne Fort : Phải nói rằng rất khó có thể hiểu rõ quan điểm chính trị của các nghệ sĩ này vì đơn giản là họ rất kín đáo. Trong tư liệu về Victor Tardieu, hiệu trường trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cụ thể là trong các bức thư, ông ấy đã nói rõ với các sinh viên của mình rằng “họ là nghệ sĩ trên tất cả, và không phải làm chính trị”. Do đó, ngay từ khi còn trẻ, các họa sĩ đã được cảnh báo.
Trong triển lãm này, chúng tôi giới thiệu các tác phẩm mà Vũ Cao Đàm. Cụ thể là bức tượng bán thân được điêu khắc bằng đồng của Bảo Đại, được các chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ đặt mua và hiện được đặt ở bảo tàng Quai Branly. Vào năm 1946, Vũ Cao Đàm cũng điêu khắc một bức tượng chân dung của Hồ Chí Minh nhân cuộc gặp tại Fontainebleau.
Mọi người có thể thấy ông có hai lập trường chính trị không thể dung hòa, vì Bảo Đại là vị vua Việt Nam, theo Pháp, nhưng được giáo dục ở Pháp, và được chính quyền thuộc địa đưa lên ngôi vị. Trái lại, Hồ Chí Minh, dù hiểu rõ về văn hóa Pháp, nói tiếng Pháp nhưng lại ở phe khác, giành độc lập cho đất nước của mình. Cũng cần phải hiểu rằng các nghệ sĩ sống nhờ tác phẩm của mình nên họ phải thích ứng theo đơn hàng. Đó là điều rất quan trọng, nếu nhận được đơn thì họ sẽ làm việc, sáng tác một cách chân thật nhất, theo yêu cầu của bên đặt hàng.
Tại sao lại coi Lê – Mai – Vũ là những người tiên phong về nghệ thuật Việt Nam tại Pháp ?
Anne Fort : Thứ nhất, họ là những người tốt nghiệp khoá đầu tiên của trường Cao đẳng Nghệ thuật Đông Dương, và tất cả đều nhận được học bổng, đến Pháp làm việc trong vài năm, quay trở lại Việt Nam từ năm 1937 - 1938.
Nhưng, sau đó, cả ba đều đã có thời gian dài sống ở Pháp, phải nói rằng hơn nửa cuộc đời của họ. Tại sao lại lựa chọn ba họa sĩ này, bởi vì con cái họ vẫn còn sống, và chúng tôi có thể tiếp cận nguồn tư liệu từ gia đình. Họ đã chia sẻ rất hào phóng, giúp chúng tôi làm rõ những trình tự thời gian của cuộc đời, cũng như phong cách của những nghệ sĩ. Tôi cho rằng chưa bao giờ chúng tôi có đầy đủ thông tin về 3 vị họa sĩ Việt như trong triển lãm này. Họ không được biết đến rộng rãi bởi công chúng tại Pháp, nhưng lại rất nổi tiếng trong giới nghệ thuật ở Đông Dương, bởi một cộng đồng nhỏ.
Là các hoạ sĩ Việt, được Pháp đào tạo, Lê Phổ và Mai Thứ và Vũ Cao Đàm đều đã đến định cư ở Pháp từ năm 1937 cho đến cuối đời. Cả ba đều tạo ra những chiếc cầu nối Đông – Tây. Làm sao các họa sĩ giữ được bản sắc quê hương, kết nối với cội nguồn khi sinh sống ở nước ngoài ?
Anne Fort : Đó là vấn đề mà cả ba đều muốn giải quyết, làm sao để giữ linh hồn Việt, vẫn là người Việt, khi ở xa cách quê hương cả ngàn cây số. Khi họ đến Paris, cả ba đã phải đối mặt với cuộc cạnh tranh với các nghệ sĩ đã làm việc ở thủ đô Pháp. Trong những năm 1930, Paris là kinh đô nghệ thuật của thế giới, quy tụ các nghệ sĩ đến từ khắp nơi, từ cả châu Âu, và các họa sĩ Việt nam, đã tìm thấy một cách để tạo ra dấu ấn riêng, được mọi người chú ý.
Khi đến Pháp, họ nhanh chóng từ bỏ tranh sơn dầu, và chuyển sang vẽ tranh trên lụa. Bởi vì lụa là vật liệu mà công chúng phương tây coi là một sản phẩm đậm sắc Á châu, được nhiều người yêu thích. Trong một cuộc phỏng vấn, Mai Thứ đã đặt ra câu hỏi, “làm sao để tôi trở lên nổi bật giữa đám đông, thể hiện điểm riêng biệt. Có thể thấy đó là một chiến lược của danh họa.
Thế nhưng, Vũ Cao Đàm và Lê Phổ lại quyết định ngừng vẽ tranh lụa vào những năm 1950 và quay lại với tranh sơn dầu, hay tạc tượng. Tôi cho rằng họ muốn giữ những sở thích nho nhỏ, những dấu ấn rất Việt. Trong các tác phẩm của họ trong giai đoạn này, có rất nhiều bức chân dung phụ nữ, đặc trưng châu Á, họ vẫn giữ được phong cách lãng mạn, và thêm điểm nhấn riêng. Các phụ nữ trong tranh của Lê Phổ và Vũ Cao Đàm luôn mặc áo dài Việt. Yếu tố này cho thấy các họa sĩ muốn giữ nét văn hóa quê nhà, ngay cả khi họ sơn bằng dầu, một kỹ thuật thường ít được sử dụng trong các tác phẩm về châu Á.”
Tại châu Âu, chuyện dùng hoa tươi để chế biến món ăn mặn cũng như ngọt đã trở nên thịnh hành từ hai thập niên nay. Từ các món bình dị, dân dã cho đến các bữa ăn cao sang đắt tiền, chuyện dùng hoa tươi không chỉ tạo điểm nhấn cho món ăn thêm đẹp mắt mà còn kết hợp thêm nhiều hương vị ngon và lạ. Tại Pháp, trào lưu này giúp phát triển các nông trại ở thành thị, trồng hoa tươi để đáp ứng nhu cầu các tiệm bánh và nhà hàng.
Trong phạm vi thủ đô Paris, đã có khá nhiều ''nông trại'' trồng rau quả hay nuôi gia súc để tạo thêm không gian xanh cho người dân thành thị. Chẳng hạn như trại trồng rau ở trong công viên Suzanne Lenglen ở quận 15 hay trại chăn nuôi ở công viên Kellerman ở quận 13. Còn theo ban tiếng Pháp RFI, có một nông trại vừa được thành lập ở quận 20, nằm cách 400m trạm xe điện ngầm Gambetta, ở phía đông Paris. Do hai ông Gérard Munier và Benoît Liotard đồng sáng lập, nông trại này được đặt tên là « Le Paysan Urbain » (Nông dân thành thị), nằm ở trên một hồ chứa nước. Lượng nước trữ ở trong bể nhân tạo dùng để chữa cháy hay để tưới cây công viên thành phố, chứ không phải là nước sạch dùng trong sinh hoạt thường ngày.
Xuất thân từ gia đình nhà nông, hai ông Gérard Munier và Benoît Liotard đã từng đoạt giải nhất cuộc thi của Tòa đô chính Paris, nhờ sáng kiến chuyển đổi một khu đất bỏ hoang ở quận 20 thành một khu vườn trồng rau sạch có ao hồ để nuôi cá, có đồng cỏ để nuôi thỏ và chuồng gỗ nuôi gà. Độc đáo hơn nữa là nông trại này còn gieo trồng khá nhiều loại hoa tươi, chủ yếu để phục vụ cho các tiệm bánh ngọt cũng như các nhà hàng nào có nhu cầu. Hoa tươi là một mặt hàng dễ bị hư mà cũng không dễ vận chuyển, cho nên việc lập nông trại trồng hoa giữa lòng thành phố là một giải pháp cho ngành nhà hàng thời nay, chuyên dùng các đặc sản địa phương hay nông phẩm sản xuất tại chỗ, thay vì phải nhập hàng từ xa.
Tại khu vườn « Le Paysan Urbain » (Nông dân thành thị), không phải chỉ có loài ong mới thích nhụy hoa, khách tham quan giờ đây cũng được hái hoa rồi nếm thử một số loài hoa tươi, theo lời hướng dẫn của chuyên viên phụ trách việc trồng hoa, anh Loïc Le Noan:
Nụ hoa này vừa chớm nở nhưng khi cho vào miệng nếm thử ta nhận thấy ngay mùi vị của tỏi chiên giòn. Loài hoa mà tôi vừa ăn là loài hoa tul-ba-gia, có nguồn gốc từ Nam Phi, và nay băt đầu trở nên phổ biến tại Pháp. Hoa có nụ nhỏ với nhiều cánh tím, còn khi ăn thử hương vị lại giống như tỏi, cho nên hoa tulbaghia thường được gọi nôm na là huệ tỏi. Đây là một trong những loài hoa được chúng tôi trồng nhiều nhất ở đây.
Một loại hoa khác cũng có mùi vị tương tự chính là « l'ail des ours » có nghĩa là tỏi gấu hay còn được gọi là tỏi rừng. Tại châu Âu, loài gấu sống trên núi vào mùa xuân thường hay ăn loại rau này có nhiều nụ hoa màu trắng, để dễ tiêu hóa. Ban đầu là một loài hoa dại có thể hái ở trong rừng, tỏi gấu giờ đây được trồng trong vườn hay ở những nơi có nhiều bóng râm, trước nhu cầu chế biến nhiều món ăn : đặc biệt là loại tỏi gấu ngâm dầu ô liu dùng để làm sốt trộn mì sợi, chẳng những thơm ngon mà còn bổ dưỡng.
Nhưng không phải chỉ có hoa tỏi, mà còn có nhiều loài hoa khác cũng được trồng luân phiên trên mảnh vườn rộng hơn 6.500 mét vuông, rồi được giao đến các nhà hàng ở thủ đô Pháp. Trên các luống hoa, có rất nhiều loại hoa bướm păng xê hai màu (pensée), các chùm hoa lưu ly (bourrache) trông như những ngôi sao năm cánh màu chàm, hoa capucine màu vàng cam đôi khi còn được gọi là ''sen cạn'' có một chút vị cay nồng, càng giữ lâu càng có thêm vị đắng như cải diếp xoăn (endive), hoa agastache màu tim tím, cùng một giống như rau húng, nhưng lại có vị thơm của cam thảo. Tuy nhiên, theo lưu ý của anh Loïc Le Noan, không phải loài hoa nào mọc tự nhiên ở trong vườn cũng có thể ăn được:
Đây là hoa anh thảo (primevère /primula) còn có tên gọi thông dụng là hoa báo xuân hoa anh thảo. Một số loại hoa anh thảo có thể ăn được (như loại màu vàng primula veris hay primula acaulis), một số khác lại rất độc hại như loài anh thảo primula obconica. Vì vậy các bạn phải hết sức cẩn thận, không nên phạm sai lầm, nếu không chắc thì đừng nên ăn. Riêng trong họ hoa tán, có rất nhiều loài ăn được như cây thì là (aneth), cần tây (celeri), diệp cần (cerfeuil), hồi xanh (anis vert), nhưngbên cạnh đó còn có loại cigue còn được gọi là độc cần, có thể gây tử vong dù chỉ ăn có một chút.
Chuyến tham quan theo hướng dẫn của Loic Le Noan tiêp tục với mãnh vườn trồng các giống hoa viola và păng xê. Theo anh, ngoài việc trồng hoa tùy theo mùa, một số giống hoa còn được chọn tùy theo nhu cầu của ngành nhà hàng cũng như các tiệm bánh:
Vào mùa thu, chúng tôi chủ yếu trồng các loại hoa viola, hoặc những nụ hoa cỡ nhỏ có nhiều cánh, càng nhiều màu càng tốt. Điều đó phần lớn cũng vì cho đến nay các nhà đầu bếp, các chủ nhà hàng vẫn luôn quan tâm đến những loại hoa nhỏ, vì theo họ, hoa nhỏ dễ sử dụng hơn để chế biến hay trang trí các món ăn. Đó là trào lưu hiện thời và về sau này biết đâu chừng sẽ thay đổi …. Hoa viola hay păng xê không phải là những loài hoa có nhiều hương vị đậm đà nhưng lại mềm mại mượt mà, tạo ra cảm giác dễ chịu cho thực khách. Chẳng những thế hoa păng xê rất đẹp nhờ có đầy đủ màu sắc : vàng, xanh, tím, đỏ, hồng tựa như một bức tranh nằm ở trên bàn ăn.
Còn theo ông Gérard Munier, nhà đồng sáng lập trại « Nông dân thành thị » (Le Paysan Urbain), ngay từ đầu, việc chọn lựa trồng hoa tươi và một số rau quả là một quyết định sáng suốt. Ông Gérard Munier giải thích:
Nếu bạn nghĩ rằng các nông trại vườn rau ở chốn đô thị có thể thay thế cho các đồng ruộng và ngành nông nghiệp thực thụ, thì đó là một điều sai lầm lớn. Dù có làm gì đi nữa, các nông trại ở thành phố vẫn không thể nào trồng khoai tây hay cà rốt để có đủ thức ăn và trở nên tự chủ về mặt lương thực. Theo tôi, các nông trại đô thị phù hợp với các kiểu trồng trọt không đòi hỏi quá nhiều đất canh tác : trồng hoa hay trồng rau là thích hợp hơn cả.
Các nông nghiệp thành thị trước hết là tạo thêm không gian xanh thoáng mát tự nhiên cho người dân Paris. Bạn có thể đến đây để giúp làm vườn, gieo trồng hay tự tay làm những bó hoa vừa hái. Nông trại thành thị cũng có mục đích giáo dục, tổ chức các lớp làm vườn ngoài trời cho giới học sinh và các em nhỏ. Về mặt cơ cấu, nông trại giống như một doanh nghiệp cỡ nhỏ, tuyển dụng một số nhân viên đang gặp khó khăn để tạo cơ hội cho họ hòa nhập xã hội dễ dàng hơn. Trong số 35 nhân viên làm việc tại « Le Paysan Urbain », có 23 người ở trong diện này.
Cũng nhằm mục đích phát triển và đa dạng hóa các hoạt động, bên cạnh việc trồng hoa, trại « Nông dân thành thị » giờ đây còn khai thác thêm việc trồng nấm, sản xuất chồi cây và hạt nẩy mầm, vốn là một trong những nhu cầu thịnh hành tròng ngành nhà hàng hiện nay. Công việc này do chuyên viên Michel Bruneau điều hành, trong một nhà kính rộng khoảng 600 mét vuông. Công việc sản xuất chồi no đồi khi còn phức tạp hơn cả việc trồng hoa. Theo ông, ngay cả việc tưới nước cho các chồi cây xanh cũng cần phải làm một cách nhẹ nhàng để tránh làm hỏng các nhánh lá non.
Chồi cây còn được gọi là « lá mầm » là hai nhánh lá non đầu tiên mọc từ hạt giống. Chúng tôi gieo hạt và khi hai chiếc lá non đầu tiên trỗ ran thì nên hái ngay. Công việc thu hoạch lá non được thực hiện với một chiếc tông đơ nho nhỏ, giống như loại dùng để cắt tóc …. Chồi non thường được trồng trên một lớp đất dày không quá 10 cm và có thể thu hoạch được ngay sau 8 ngày gieo hạt. Sàn đất của nhà kính thường có màu trắng để phản chiếu ánh nắng, trong khi các hạt giống được đặt bân cạnh những viên gạch có gắn ống dẫn nước nóng, làm như vậy để giữ nhiệt độ sưởi ấm những thứ cần thiết trong mùa đông, và tránh thất thoát hay phung phí năng lượng.
Củ cải tím đỏ (radis pourpre), rau dền non (amarante), rau me chua (oxalis), sen cạn (capucines), hiện giờ nông trại trồng nhiều loại chồi non và hạt nẩy mầm để bổ sung cho các loại hoa ăn được, kể cả hoa mù tạt (mourtarde). Nông trại này đã nhận được sự bảo trợ ''đỡ đầu'' của đầu bếp hai sao Michelin Thierry Marx, người đang điều hành nhà hàng Madale Brasserie trên tầng một Tháp Eiffel. Các chồi non có rất nhiều chất dinh dưỡng, cao từ gấp 4 đến 20 lần so với giống cây trưởng thành. Vì vậy cho nên các đầu bếp trứ danh thường hay đưa màu sắc của hoa và hàm lượng sinh tố của lá non vào trong thực đơn. Nói cách khác, lá non và hoa tươi không những bổ dưỡng mà còn có nhiều mùi thơm ngon.
Nếu chuyện dùng hoa trong ẩm thực đã trở nên thịnh hành từ những năm 2000 thì thực ra truyền thống chế biến món ăn với các loại hoa tươi đã có từ thời xa xưa. Trong quyển sách « De Re Coquinaria » biên soạn vào thế kỷ IV của tác giả Apicius, ghi chép bằng tiếng La Tinhcác công thức nấu ăn thời cổ đại, người La Mã đã có thói quen chế biến món ăn với hoa hồng, cẩm quỳ hay nhụy hoa nghệ tây ….. Trào lưu ở trời Tây tưởng chừng là mới, nào ngờ đã có từ rất lâu : ướp mùi hương ngát hoa ngâu, dịu thơm nồng thắm sắc màu.
Để bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn thực hiện được cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đang muốn quay trở lại với các dự án điện hạt nhân đã bị bỏ dở trước đây.
Vào giữa tháng 9 vừa qua, chính phủ Hà Nội đã giao cho bộ Công Thương nghiên cứu việc phát triển điện hạt nhân của các nước, “để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới”. Trên cơ sở đó, chính phủ “sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định”.
Trên thế giới hiện nay, nhiều nước đang quay lại điện hạt nhân để chống biến đổi khí hậu vì hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2.
Vào năm 2009, Quốc Hội Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuân, với tổng cộng 4 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 4.000 MW. Các hợp đồng được giao cho tập đoàn Nhật Bản Japan Atomic Power Co và tập đoàn Nga Rosatom thực hiện, với tổng chi phí khoảng 8,9 tỷ đô la.
Nhưng một phần do những quan ngại từ tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011 và một phần do khó khăn về ngân sách vào thời gian đó, dự án này đã dừng lại vào năm 2016 theo quyết định trong Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc Hội. Đến năm 2022, khi giám sát về việc thực hiện nghị quyết này của Quốc Hội, Ủy ban Kinh tế đã đề xuất nên xem xét phát triển năng lượng hạt nhân “trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng”.
Nay nhu cầu phát triển điện hạt nhân càng trở nên cấp thiết do Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại trong chiến lược phát triển các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và khí đốt thiên nhiên, do các vấn đề về quy định và giá cả.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 27/09/2024, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cũng cho rằng đã đến lúc phải xem xét trở lại khả năng phát triển điện hạt nhân:
“Trong bối cảnh chung , rõ ràng là khi kiểm tra lại các phương án, chúng ta có thể xem xét trở lại vấn đề hạt nhân, vì năng lượng này có thể đóng góp phần lớn và tạo thêm bức tranh chung, tức là tiến đến thực hiện cho được cam kết netzero cũng như các phương án điện khác.
Trước đây chúng ta gác việc ấy lại, nhưng bây giờ thấy cần thiết phải xem xét, nhưng đấy chỉ mới là xem xét thôi, chứ còn điện hạt nhân thì có nhiều loại lắm, vấn đề là xem xét loại nào.
Bây giờ tình trạng chung các nước đều như thế cả, cho nên nước nào cũng sẽ xem xét phát triển điện hạt nhân, nhưng mỗi nước có một điều kiện riêng. Khi xem xét Việt Nam cũng phải dựa trên điều kiện của Việt Nam để đề ra những phương án cụ thể, chứ thực chất là các loại năng lượng tái tạo vẫn tốt, nhưng bao giờ cũng có những khó khăn”.
Thật ra, theo hãng tin Anh Reuters, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã vẫn tiếp tục thăm dò khả năng phát triển điện hạt nhân và đã thảo luận với những nước như Nga, Hàn Quốc và Canada về việc hỗ trợ phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.
Việc phát triển điện hạt nhân hiện không được đề cập trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 ( Quy hoạch điện VIII ), nhưng trong báo cáo gửi các bộ ngành đề nghị góp ý cho dự thảo sửa quy hoạch này, bộ Công Thương có nhắc đến phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SMR) ở Việt Nam.
Theo Bộ này, các lò phản ứng module nhỏ có công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng một phần ba công suất của các lò truyền thống. Các nhà máy này sản xuất lượng điện có hàm lượng carbon thấp, thời gian xây dựng ngắn (khoảng 24-36 tháng).
Giáo sư Phạm Duy Hiển cũng đồng tình với việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam:
“Bây giờ nếu nói trở lại điện hạt nhân, ý kiến dứt khoát của tôi là không dùng điện hạt nhân như trước đây đã từng dự định làm ở Phan Rang theo mô hình các nhà máy thế hệ 3+, dùng công nghệ của Nga và của Nhật, rất là tốn kém, giải pháp về an toàn thì rất tốt, nhưng không cần thiết. Ví dụ như họ tính là nhà lò kiên cố đến mức mà máy bay có rơi thẳng xuống thì không sao cả. Để làm gì? Xác suất mà máy bay rơi xuống rơi xuống nhà lò thì cực kỳ thấp. Công nghệ đó có thể thích hợp với các nước tiên tiến. Bây giờ các nước đó xây những lò phản ứng cùng một lúc có thể cho ra hàng ngàn MW.
Còn bây giờ theo điện hạt nhân thì phải theo option mới, mà một trong những option đó là lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ. Lò phản ứng này rất thích hợp vì không đòi hỏi nhiều về cơ sở hạ tầng về pháp lý, về xây dựng…, nhưng công suất tối đa chỉ 100, 200 MW, nên tất nhiên là phải cần nhiều lò.”
Nhưng giáo sư Phạm Duy Hiển nhấn mạnh, hiện trên thế giới chưa có lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ nào sẵn sàng để được thương mại hóa:
"Nước nào cũng nói như vậy nhưng đâu đã có ai bán lò công suất thấp với giá tương đối phải chăng. Bộ Công Thương nếu có trình dự án cho Bộ Chính trị thì cũng để đấy, vì phải có thêm thời gian nghiên cứu và cũng chờ cho đến khi nào các lò công suất thấp đó được thương mại hóa, chắc chắn là phải sau năm 2030".
Nếu quyết định trở lại với các dự án phát triển điện hạt nhân, Việt Nam sẽ có thể trông chờ vào sự trợ giúp của nước nào? Trước mắt, có vẻ như Nga đang chiếm ưu thế trong số các đối tác tương lai của Việt Nam.
Theo báo chí trong nước, trong chuyến thăm cấp nhà nước của tổng thống Nga Vladimir Putin ở Việt Nam vào tháng 6/2024, hai bên đã khẳng định "phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình là lĩnh vực hứa hẹn trong mở rộng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga."
Nhân dịp đó, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) và Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Dự án này bao gồm lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 MW sẽ được xây dựng tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai).
Thật ra thì ba nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng tại Long Khánh chỉ là sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư; chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn; triển khai các nghiên cứu về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ. Nhưng đây được coi là cơ sở để "giúp nâng cao tiềm lực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam trong giai đoạn tới", theo đánh giá của chính phủ Việt Nam.
Hàn Quốc, một trong những quốc gia cũng có thế mạnh về năng lượng nguyên tử, cũng đã tỏ vẻ rất quan tâm đến khả năng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam. Theo báo chí trong nước, khi hội kiến chủ tịch nước Tô Lâm ngày 02/08, đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam bày tỏ mong muốn của Seoul tăng cường hợp tác với Hà Nội trong việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Trước đó, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) thuộc Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) ngày 22/6/2023 tại Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) về hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực điện nguyên tử và lò phản ứng module nhỏ (SMR).
Việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam như đã nói ở trên phải cần nhiều năm, cho nên trước mắt, do nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng lớn, Việt Nam phải cố gắng tiết kiệm điện, điều mà giáo sư Phạm Duy Hiển đã kêu gọi từ lâu:
"Tôi thấy rất mừng là nước đã nhận ra rằng mức tiêu thụ điện năng của mình là quá cao so với nhiều nước khác. Do đó ngay cả EVN ( Tập đoàn Điện lực Việt Nam ) cũng đã đề nghị nhà nước phải có một chính sách tiết kiệm điện một cách triệt để, thậm chí đề ra mục tiêu là hàng năm phải tiết kiệm 2% điện năng. Đấy là một chủ trương rất tích cực, góp phần vào mục tiêu chung, chứ không chỉ có việc phát triển các năng lượng tái tạo và những vấn đề khác."
"Seventies'' (Thập niên 1970) là tựa đề album mới của Dany Brillant, được phát hành vào mùa thu năm 2024. Đây là album phòng thu thứ 12 của ca sĩ người Pháp, bao gồm nhiều sáng tác mới, cộng thêm vài bản cover như ''Delilah'' của Tom Jones.
Dany Brillant còn nổi tiếng nhờ hát lại nhạc của Aznavour hay Dalida : từ giai điệu "La Bohème" (Kiếp phóng lãng) cho đến "Bambino" (Mối tình đầu) hay "Histoire d’un amour" (Chuyện tình yêu), nhiều bài cover của anh đều từng có phiên bản tiếng Việt.
Album mới của Dany Brillant lần này giống như một hành trình âm nhạc tìm lại thập niên 1970, với nhiều nhịp điệu sôi động vui tươi, nhưng đằng sau không khí lễ hội, vẫn thấp thoáng những nỗi buồn le lói. Kể từ khi thành danh vào đầu những năm 1990, Dany Brillant đã chọn cho mình thể loại nhạc khiêu vũ, anh trở thành một trong những nghệ sĩ hiếm hoi chuyên biểu diễn các loại nhạc xưa, thịnh hành từ nhiều thập niên trước. Từ những ảnh hưởng của nhạc swing, nhịp điệu bebop, cho đến những bài hát lãng mạn trữ tình, nhất là những giai điệu La Tinh, Dany Brillant đã tạo ra cho mình một phong cách, một chỗ đứng riêng trong làng nhạc Pháp.
Sinh năm 1965 tại Tunisie, Dany Brillant lớn lên trong một gia đình khiêm tốn trước khi theo bố mẹ đến Paris lập nghiệp. Từ thời niên thiếu, anh đã mê nghe nhạc jazz, điệu swing và các giọng ca crooner người Mỹ thời hoàng kim của các sòng bài Las Vegas như Frank Sinatra hay Dean Martin, những nghệ sĩ trong nhóm Ratpack luôn là thần tượng của anh.
Sự nghiệp của Dany Brillant thực sự bắt đầu vào năm 1991. Album đầu tiên của anh (C'est ça qui est bon) giúp phổ biến các điệu nhảy xưa như cha cha, bebop hay madison. Trong những album kế tiếp, Dany Brillant đã mở rộng thế giới âm nhạc của mình bằng cách thử hát nhiều loại nhạc khác nhau, nhưng vẫn duy trì nhịp điệu, trung thành với hình ảnh lịch lãm của một ca sĩ crooner tân thời. Cách đây hai năm, Dany Brillant đã trình làng hai album để tưởng niệm đồng thời vinh danh ngòi bút sáng tác của Charles Aznavour.
Với album "Seventies", Dany Brillant tìm lại thời thơ ấu của mình. Album này ra đời trong lúc gia dình anh đang có nhiều chuyện buồn. Em trai của Dany (tên là Steve) qua đời vì bệnh ung thư. Chính trong giai đoạn này, album "Seventies "đã thành hình, Dany Brillant nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, những giai đoạn hạnh phúc trong đời. Vào những năm 1970, hai anh em Dany & Steve chỉ mới khoảng 10 tuổi. Gia đình anh không mấy dư dã nhưng bù lại họ luôn đùm bọc lẫn nhau.
Về mặt âm nhạc, Dany Brillant lấy cảm hứng từ những âm thanh dịu dàng tươi mát của nhạc pop, disco và soul, dùng những nhịp điệu nhẹ nhàng ấm áp để nói những chuyện nghiêm túc nặng nề hon, ''hóa giải'' những nỗi buồn khi thấy gia đình mình bị thiệt thòi mất mát. Về mặt nội dung, đây có lẽ là album có khá nhiều bài hát nói về đời tư của nam ca sĩ. Dany Brillant viết nhiều ca khúc cho gia đình anh. Nhạc phẩm "À mon frère" là bài ca tặng người em trai quá cố. ''Mon amour, tu vis toujours en moi'' (Tình yêu sống mãi trong ta) anh viết cho vợ. Còn nhạc phẩm "Merci Maman" là lời cảm ơn mà Dany gửi tặng thân mẫu.
Album ''Seventies'' cũng đánh dấu 30 năm sự nghiệp ca hát của Dany Brillant. Có thể nói là trong làng nhạc Pháp, anh vẫn có một chỗ đứng khá riêng biệt, chuyên hát sáng tác mới nhưng lại soạn theo các nhịp điệu xưa như paso, tango hay rumba. Dù mở rộng sang nhiều thể loại khác, nhưng sở trường của Dany Brillant vẫn là các điệu nhạc khiêu vũ (ballroom) cũng như dòng nhạc pop La Tinh.
Có một điều rất lạ là từ khi vào nghề cách đây ba thập niên, Dany Brillant thường bị chê là hát nhạc xưa, nhưng rốt cuộc anh lại không lỗi thời. Thành danh ở độ tuổi 20, Dany bắt đầu hát những loại nhạc thịnh hành vào thời của bố mẹ anh. Nhưng với thời gian, anh lại trở thành người đi đầu trước khi có những trào lưu làm sống lại các dòng nhạc hoài cổ, có từ thời xa xua (những năm 1940-1950).
Về điểm này, nam ca sĩ luôn tìm cách làm mới nhịp điệu bài hát, đặc biệt nhất là khi anh tái tạo các bản nhạc kinh điển như ''Bambino'' hay ''Besame Mucho'' trong tiếng Pháp của Dalida. Còn nhạc phẩm ''Historia de un Amor'' (bản phóng tác tiếng Việt là ''Chuyện tình yêu'' đôi ta ngày ấy đẹp như mơ của tác giả Anh Bằng), Dany Brillant luôn biểu diễn bài hát này trên sân khấu, đồng thời ghi âm nhiều phiên bản phối theo nhiều kiểu khác nhau như bolero, tango hay cha cha. Bản nhạc này cũng là một trong những giai điệu yêu thích nhất của anh, thường được hát trong gia đình : Muôn thưở một chuyện tình, tưởng chừng rất xa mình. Đâu ngờ lại giấu kín, chôn vùi tận đáy tim.
Nên suốt đời ta đi kiếm, nhưng ngay bên cạnh lại quên tìm.
Sau khi chinh phục hơn một triệu lượt khán giả tại Pháp, ''Emilia Pérez'' đã được Trung tâm Điện ảnh Quốc gia CNC chọn làm phim đại diện cho nước Pháp đi tranh giải Oscar 2025, trong hạng mục phim nước ngoài hay nhất. Đây là tác phẩm thứ 11 của Jacques Audiard, người từng đoạt giải Cành cọ vàng năm 2015 với phim ''Dheepan''. Lần này, đạo diễn Pháp trở lại với bộ phim ''Emilia Pérez'', kể lại giấc mơ đổi đời táo bạo của một kẻ từng có bàn tay nhuốm máu.
Bộ phim bắt đầu với vụ bắt cóc nữ luật sư Rita Moro (do Zoe Saldana thủ vai), ngay sau một phiên tòa. Kẻ ra lệnh bắt cóc cô không ai khác ngoài ông trùm băng đảng Manitas Del Monte (diễn viên Karla Sofía Gascón), người điều hành mạng lưới buôn ma túy tổng hợp lớn nhất Mexico. Tưởng chừng mình sẽ bị thủ tiêu, cô Rita rốt cuộc lại nhận được một đề nghị hết sức bất ngờ. Đó là cô giúp ông trùm mafia thực hiện giấc mơ chuyển đổi giới tính của mình, từ đàn ông thành một người đàn bà.
Trùm ma túy Mexico thừa hiểu rằng ông phải từ bỏ mọi thứ, kể cả vợ con, để làm lại từ đầu. Ông trả cho Rita thật nhiều tiền để lo mọi chuyện : đi tìm từ Thái Lan sang Israel một chuyên gia giải phẫu hàng đầu, lén đưa gia đình ra nước ngoài, chuyển khối tài sản kếch xù của gia đình vào ngân hàng Thụy Sĩ và tất nhiên là làm hộ chiếu mới một khi đã thay đổi danh tính. Như ông nói, đó là hy vọng duy nhất để cho ông trùm ma túy bắt đầu ''sống thật với chính mình''.
Để cho câu chuyện giống như thật, nữ luật sư Rita Moro tung ra nhiều tin giả về việc ông trùm ma túy bị các băng đảng mafia thù địch, gài bẫy rồi sát hại. Một khi báo chí cũng như truyền thông đại chúng đã chấp nhận sự kiện trùm băng đảng Manitas del Monte đã đột ngột qua đời, thì lúc ấy nhân vật này có thể bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới với tên gọi ''Emila Pérez''.
Bốn năm sau, Rita quay lại với công việc thường ngày của mình ở Luân Đôn. Trong một bữa ăn tối, cô tình cờ làm quen với một phụ nữ mà cô chưa hề biết mặt. Đến khi nắm tay nhau, Rita mới chợt hiểu ngay rằng người ngồi bên cạnh mình không ai khác ngoài ông trùm Manitas nay đã chuyển giới. Trong vai một nữ doanh nhân giàu có, Emilia Pérez yêu cầu Rita giúp mình một lần nữa, khi đưa hai đứa con từ Thụy Sĩ về sống với mình. Emilia tự xưng là chị họ của ông trùm Manitas.
Kể từ khi bắt đầu cuộc sống mới, Emilia Pérez dùng tiền (của việc buôn ma túy) để làm chuyện từ thiện. Cùng với Rita, Emilia lập tổ chức phi chính phủ giúp đỡ các gia đình từng là nạn nhân của các băng đảng mafia. Thế nhưng, điều đó dường như vẫn chưa đủ. Rốt cuộc, người muốn làm lại từ đầu, sống một cuộc đời khác, lại không đành từ bỏ mọi thứ. Nhưng cũng từ quyết định tìm lại hai đứa con mình, mà Emilia lại tạo ra nghịch cảnh, tự chuốc họa vào thân. Đơn giản bởi vì người vợ cũ của Manitas (do Selena Gomez thủ vai) nay lại có người yêu mới và chưa chắc gì đã chấp nhận tình huống ''lạ đời''. Cô bị vướng vào một mớ rắc rối mà bản thân cô không thể nào hiểu nổi.
Quay phim xuyên nhiều thể loại để nói về đề tài chuyển giới
Kịch bản phim ''Emilia Pérez'' khá phức tạp như tâm lý của những người chuyển giới. Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ, đạo diễn Jacques Audiard cho biết cảm hứng làm phim đã đến với ông một cách thật tình cờ ngẫu nhiên, ban đầu chỉ là một mẫu chuyện nhỏ ghi chép trong một quyển sách, sau đó lại được phóng tác thành một kịch bản phim trinh thám pha với một chút tâm lý xã hội, với nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn :
« Ý tưởng viết câu chuyện này đến với tôi nhân đợt phong tỏa đầu tiên tại Pháp trong thời đang có dịch Covid, vào đầu năm 2020. Lúc đầu, tôi soạn cốt truyện dưới dạng một bản phác thảo của một tác phẩm opera. Tôi thực sự không nhớ rõ là từ lúc nào dự án này lại trở thành một kịch bản phim. Tôi nghĩ là người có thể trả lời tường tận hơn câu hỏi này là nhạc sĩ Clément Ducol. Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với nhau về đề tài này, và rốt cuộc dự án này trở thành một bộ phim mà trong đó, âm nhạc chiếm một phần quan trọng.
Mùa xuân năm ấy, tôi tình cờ đọc được một quyển tiểu thuyết của Boris Razon : tác phẩm ''Écoute'' (Nghe lén) do nhà xuất bản Stock phát hành năm 2018. Trong quyển sách này, có một chương ngắn kể lại câu chuyện của một trùm ma túy muốn chuyển đổi giới tính để trở thành một người đàn bà. Do cảm thấy thích thú với đề tài này, nên tôi lật ngay các trang sách để đọc tiếp. Nhưng rốt cuộc nhà văn Boris Razon chỉ nói thoáng qua, chứ không đi sâu vào chi tiết.
Lúc bấy giờ, tôi có cảm tưởng người ta giao cho tôi một chiếc chìa khóa xe hơi rồi bảo tôi muốn làm gì thì làm. Từ phần đầu câu chuyện này, tôi bắt đầu nghĩ ngợi, thử hình dung ra các phần tiếp theo. Số phận của trùm ma túy sẽ ra sao, một khi nhân vật này trở thành một ngưởi đàn bà. Liệu điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến gia đình, có thay đổi được phần nào hay chăng thế giới xung quanh, nhất là khi nhân vật Emilia Pérez sống trong một môi trường bất ổn, một xã hội đầy bao lực. Có lẽ cũng vì thế mà tôi lồng câu chuyện vào bối cảnh của Mêhicô thời nay.
Điều quan trọng đầu tiên trong một dự án phim chính là kịch bản. Nếu không có một kịch bản hoàn chỉnh trong tay, thì dù có tài ba cách mấy, đạo diễn cũng khó mà thực hiện được một bộ phim hay. Trong trường hợp của một bộ phim ca nhạc như ''Emilia Perez'', còn có sự đóng góp hàng đầu của nhóm sáng tác. Theo lời ông Jacques Audiard, hai vợ chồng nhạc sĩ Camille (Dalmais) và Clément Ducol trở thành ''tác giả'' thứ ba trong nhóm thực hiện, vai trò của họ quan trọng không kém gì người viết kịch bản cũng như nhà đạo diễn :
« Dĩ nhiên là trong quá trình viết kịch bản cho bộ phim ca nhạc này, tôi cần có sự góp ý của các nhà soạn nhạc. Ca sĩ Camille luôn hỏi tôi về các phần đối đáp, những câu nói đầu tiên giữa các nhân vật, để rồi từ đó chọn chủ đề trọng tâm, phác họa bối cảnh. Điều khó nhất ở đây là làm sao chuyển từ câu thoại sang lời hát mà không bị khập khiễng, vô duyên.
Cái tài của các nhạc sĩ là tìm ra những đoạn phim thích hợp để cài đặt bài hát : nhân vật ở trong phim bắt đầu bằng lời thoại, rồi tiếp nối câu sau bằng lời hát, mà vẫn có được nét tự nhiên, trọng tâm không bị lệch, cốt truyện vẫn giữ nguyên. Càng khó hơn nữa là cả hai nhạc sĩ Camille và Clément Ducol là nghệ sĩ Pháp nhưng phải sáng tác các bài hát bằng tiếng Tây Ban Nha. Rốt cuộc thì đến khi hoàn thành bộ phim, ca sĩ Camille do không ngừng sáng tác, trao dồi ngoại ngữ, cho nên cô lại nói thạo tiếng Tây Ban Nha, không như tôi chỉ biết vài câu xã giao mà thôi ».
Gọi là phim ca nhạc, nhưng thật ra rất khó thể nào mà xác định tác phẩm mới của đạo diễn Jacques Audiard thuộc vào thể loại nào. Bộ phim ''Emilia Pérez'' dung hòa mạch tâm lý xã hội với phim hành động trinh thám, pha thêm nhiều tình tiết hấp dẫn ly kỳ như trong phim nhiều tập (telenovelas) của các kênh truyền hình châu Mỹ La Tinh. Về điểm này, đạo diễn Pháp Jacques Audiard cho biết vì sao :
Khi chọn làm phim về chủ đề chuyển đổi giới tính, tôi toi không biết dùng từ sao cho thật đúng, điều mà tôi quan tâm trước hết là làm cách nào để nói được cùng lúc nhiều khía cạnh của một vấn đề. Về mặt hình thức, tôi muốn phản ánh tính phức tạp của đề tài này qua một tác phẩm xuyên qua nhiều thể loại, nói cách khác không thuộc hẳn vào một thể loại nào cả. Đây là điều mà tôi cảm nhận được từ Mêhicô, một đất nước mà theo tôi có nền văn hóa baroque, phong phú nhờ dung hòa cùng lúc nhiều luồng ảnh hưởng khác nhau.
Chuyển đổi giới tính đối với tôi vẫn là một đề tài mới, tôi không nghĩ rằng mình có thể hiểu được toàn bộ vấn đề. Cũng may cho tôi là vai chính bộ phim được giao cho diễn viên Karla Sofía Gascón. Ngoài đời, anh từng là một nam diễn viên tài ba, thời còn trẻ đã lấy vợ và có con. Sau khi chuyển đổi giới tính thành đàn bà với tên gọi mới, cô Karla Sofía vẫn tiếp tục làm diễn viên. Có thể nói là quá trình trong đời tư của diễn viên thật Karla Sofía có nhiều nét gần giống với nhân vật hư cấu (Manitas) trên màn ảnh lớn. Và yếu tố này khá quan trọng giúp cho việc quay phim trở nên dễ dàng, phần chỉ đạo diễn xuất cũng tự nhiên hơn rất nhiều.
Nhìn chung, ''Emilia Pérez'' có nội dung khác hẳn với những tác phẩm mà đạo diễn Jacques Audiard đã từng làm trước đây. Về mặt hình thức, phim ca nhạc là phương thức hữu hiệu nhất để cho đạo diễn Pháp thay đổi hẳn ngôn ngữ hình ảnh và lối tiếp cận của mình, điểm cộng lớn nhất là các bào hát thực sự dẫn dắt câu chuyện, tạo ra những màn cảm động, nhất là trong đoạn điệu hát ru con, đứa bé nhìn cô (Emilia) mà cứ thấy giống như bố ruột (Manitas).
Tuy nhiên, phim vẫn có một vài điểm trừ : dung hòa quá nhiều thể loại đôi khi làm trật nhịp điệu, mạch phim cũng như chủ đề chuyển giới cần tính uyển chuyển, linh hoạt. Đặc biệt là trong đoạn cuối, phim tình cảm xã hội biến thành phim hành động rượt đuổi, chạm súng ''cao bồi''. Trong đoạn này, kịch bản thắt nút hơi nhiều, nhưng lại tháo nút hơi nhanh. Dù vậy, Emilia Pérez vẫn là một bộ phim đáng xem. Đó là câu chuyện của một kẻ đổi đời với giấc mơ chuộc lỗi. Nhưng phải chăng có những sai lầm không thể nào sửa đổi, nên ông trời buộc có ngày phải đền tội ngay cả đối với những người biết ăn năn, sám hối.
Trái ngược năm 2023, thị trường âm nhạc biểu diễn trở nên bão hòa và phân cực rõ nét trong năm 2024. Hãy cùng điểm lại các nguyên nhân phía sau bức tranh ảm đạm các tour lưu diễn năm 2024.
Bức tranh live concert tương phản rõ nétTheo thống kê của Live Nation, công ty sở hữu kênh bán vé điện tử Ticketmaster, năm 2023 ghi nhận kết quả kinh doanh xuất sắc : Hơn 145 triệu fan hâm mộ tham dự 50.000 sự kiện âm nhạc trực tiếp. Sang 2024, doanh thu Live Nation trong quý I/2024 đạt 3,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và thu hút 23 triệu người hâm mộ. Tuy nhiên, không phải nghệ sỹ nào cũng thành công, có khá nhiều concert phải hủy bỏ. Thị trường biểu diễn âm nhạc đã phân hóa rõ nét năm 2024. Về mặt tích cực, Taylor Swift hay Beyonce vẫn là “cơn lốc xoáy” khổng lồ thu hút fan trên khắp toàn cầu tới concert. Ở góc độ đối lập, Jennifer Lopez và nhóm rock Black Keys trầy trật bán vé và phải hủy tour diễn phút chót.
Thực tế, đã xuất hiện sự lệch pha nổi tiếng trên nền tảng số và ca sỹ trình diễn thực thụ. Nói một cách khác, nghệ sỹ có một vài bản hit thành công trên nền tảng số như Spotify, YouTube không có nghĩa thu hút lượng khán giả đến sân vận động để xem trực tiếp. Thị hiếu khán giả sẵn sàng bỏ tiền xem concert cũng thay đổi. Trường hợp công chúa nhạc pop Taylor Swift thành công không chỉ nhờ cỗ máy sản xuất các bản hit. Ca sỹ sinh năm 1989 có thể lực sung mãn có thể hát, nhảy, trò chuyện xuyên suốt hai giờ liên tục. Kỹ năng trình diễn và giọng hát có độ bền màu mới thực sự là yếu tố chủ chốt thu hút lượng fan hùng hậu xem tour lưu diễn. Kinh doanh biểu diễn âm nhạc ngày càng rủi ro vì nghệ sỹ phải đặc cược vào yếu tố chủ quan và khách quan.
Giá vé concert đã quá cao ?Phần lớn khán giả đều cho rằng giá vé nghe concert đang ở mức quá cao khi cơn sốt giải trí hậu Covid bắt đầu hạ nhiệt. Theo thống kê của Pollstar, giá vé bình quân của 100 tour diễn quý I/2024 là 123 đô la Mỹ. Ngược lại, giá vé trung bình các tour diễn của siêu sao pop, hip hop gấp đôi con số đó, cụ thể Justin Timberlake bán với giá 216 đô la, Bad Bunny là 290 đô la.
Phần lớn khán giả phải móc hầu bao chi tiêu quá nhiều trong thời buổi lạm phát, nhất là phục vụ giải trí. Theo chia sẻ của David Norman 5-1, chuyên gia tổ chức tour cho các nghệ sỹ danh tiếng như Prince, Greenday, Alicia Keys, “nếu cả gia đình đi xem hòa nhạc, họ cần ở qua đêm, chi phí đi lại, tiền ăn uống. Lạm phát cao ở Mỹ khiến cho các gia đình thắt chặt chi tiêu hơn. Do đó, giá vé xem concert phải rất hợp lý thì người hâm mộ quyết định xuống tiền”.
Ở bình diện rộng hơn, quá nhiều nghệ sỹ công bố chương trình concert trong năm 2024 nên khán giả có vô vàn lựa chọn, trái ngược hẳn với năm 2023. Do vậy, khán giả không mặn mà với việc xem một nghệ sỹ ưa thích nhiều lần. Hơn thế, với ngân sách có hạn, khán giả sẽ chọn một, chứ không phải tất cả các concert để thưởng thức.
Chất lượng sản phẩmTrong số các nghệ sỹ hủy tour, Jennifer Lopez (JLo) sẽ khiến các nghệ sỹ phải suy nghĩ thận trọng trước khi lên kế hoạch. Tour lưu diễn của Jennifer nhằm quảng bá album mới This is me…now(Đây là tôi hiện tại) sau gần 10 năm vắng bóng tại phòng thu. Tuy nhiên, album này không mấy thành công về thương mại, chỉ đứng hạng 38 trên bảng xếp hạng Billboard 200. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến doanh số bán vé concert thê thảm. Jennifer buộc phải hủy tour một số địa điểm trên toàn nước Mỹ.
Nữ ca sỹ vẫn quyết tâm vực dậy tour diễn bằng việc đổi tên thành This is me.. now Greatest hits. Nỗ lực níu kéo khán giả đến với concert gồm tuyển tập bài hát đa dạng hơn, gồm cả cũ và mới. Cuối tháng 5, kết quả thương mại không cải thiện khiến nữ ca sỹ Latinh quyết định hủy toàn bộ tour diễn với lý do cá nhân, dành thời gian cho gia đình sau tin đồn trục trặc chuyện tình cảm với chồng, tài tử Ben Affleck. Trường hợp JLo cho thấy khán giả khắt khe hơn với chất lượng sản phẩm, nhất là thị hiếu nghe nhìn, lượng fan liên tục thay đổi.
Yếu tố mới lạỞ góc độ đối lập, bà hoàng nhạc pop Madonna gặt hái thành công thương mại xuất sắc với tour lưu diễn Celebration mà không có sản phẩm thu âm mới. Thành công của Madonna dựa trên nhiều yếu tố. Thứ nhất, sự nghiệp Madonna trải dài hơn bốn thập niên với số lượng và chất lượng sản phẩm vượt trội. Khác với Jennifer Lopez, độ phủ âm nhạc của Madonna dày đặc nhờ tần suất ra album 2-3 năm/lần cùng nhiều ý tưởng táo bạo. Thứ hai, lịch diễn của Madonna được dịch chuyển từ tháng 6 tới cuối tháng 10 năm 2023 do biến cố sức khỏe nghiêm trọng. Do vậy, kết quả thương mại năm 2024 có thể coi là thừa hưởng của năm 2023 do nắm bắt kịp thời xu thế. Thứ ba, Madonna biết cách tạo yếu tố mới cho những sản phẩm tên tuổi bằng các khách mời danh tiếng như Kylie Minogue, Ricky Martin, Jean-Paul Gaultier, Donatella Versace, Stella McCartney. Đây là yếu tố gây bất ngờ cho khán giả tới xem concert tại mỗi địa điểm khác nhau.
Vị trí địa lý và mật độ của lượng người hâm mộJarred Arfa, chủ tịch âm nhạc toàn cầu của Independent Artist Group, chia sẻ “kinh doanh concert là nghề cá cược. Không phải lúc nào bạn là người thắng cuộc, bạn phải trở nên khiêm nhường hơn”. Arfa đã phục vụ khách hàng tiếng tăm như nhóm metal rock Metallica, 50 Cent hay Billy Joel. Thực tế, quyết định tổ chức tour lưu diễn là trò chơi “cá cược” dựa trên nhiều yếu tố như lịch sử bản vé, số lượt nghe trực tuyến, số lượng email trực tuyến, mức độ thu hút trên phương tiện digital. Sở hữu các bản hit trên Tiktok hay Spotify chưa chắc là họ sẽ bán được vé xem concert tại các sân vận động. Chính vì thế, các nghệ sỹ và quản lý quan tâm tới vị trí địa lý, mật độ của lượng fan trung thành.
Ví dụ Bad Bunny rất khó khăn bán vé concert giá cao tại bang Minneapolis nhưng lại tiêu thụ hết lượng vé đắt đỏ tại các bang khác. Thú vị hơn, các nhóm rock kết hợp cùng nhau để cộng dồn lượng fan phân bổ rải rác tới xem concert, tỏ ra khá thuận lợi. Nhóm rock lừng lẫy Def Leppard là trường hợp điển hình. Năm 2023, họ đi tour cùng nhóm hard rock Motley Crue, năm 2024 họ lại song hành cùng nhóm rock cựu trào Journey. Đây là chiến lược thông minh, vừa tạo yếu tố mới lạ, vừa khắc phục được sự phân mảnh của fan hâm mộ về địa lý.
Đối mặt với nhu cầu sụt giảm, Live Nation đã tung ra sản phẩm vé xem concert theo tuần, trị giá 25 đô la Mỹ. Nhờ sản phẩm mới này, công ty hy vọng sẽ kích thích số lượng khán giả xem biểu diễn tại những địa điểm thưa thớt hay doanh thu kém. Ngoài ra, Live Nation cũng bắt tay với các Tiktoker để khuếch trương và marketing cho các tour diễn.
Sự bão hòa của thị trường concert hậu Covid khiến các nghệ sỹ và quản lý phải đau đầu hơn. Để giành được lượng fan, nghệ sỹ phải thật xuất sắc. Để thành công thương mại, họ không thể bỏ qua mạng xã hội.
(Theo Live Nation, Business Insider, Variety, Billboard, Bloomberg Business)
''L'art Sucré'' hiểu theo nghĩa Nghệ thuật các món ngọt, là tựa đề một hồ sơ đặc biệt nói về các ngôi sao ẩm thực hàng đầu của Pháp, do tuần báo Le Point đăng vào cuối tháng 09/2024. Phía nam có anh Bastien Blanc-Tailleur, từng được trao tặng giải thưởng Nhà làm bánh ngọt số 1 của Pháp hồi mùa hè vừa qua. Về phía nữ, cô Nina Métayer thực hiện '''cú đúp'' ngoạn mục. Thật vậy trong hai năm liền : 2023 và 2024, cô đoạt danh hiệu Nhà làm bánh ngọt Pháp tài ba nhất thế giới.
Tuy chỉ vào nghề cách đây một thập niên, nhưng Nina Métayer đã tạo được nhiều tiếng vang trong vài năm liền. Cô trở thành phụ nữ đầu tiên được vinh danh hai lần với những giải thưởng quốc tế cao quý nhất. Vào mùa hè năm 2024, cô được trao tặng danh hiệu Nhà làm bánh giỏi nhất (Best Pastry Chef) tại thành phố Las Vegas, nhân lễ trao giải ''World's 50 Best Restaurant'' dành cho các quán ăn nổi tiếng hàng đầu thế giới.
Chưa đầy một năm trước, vào mùa thu năm 2023, Liên đoàn Quốc tế các nhà làm Bánh mì và Bánh ngọt (gọi tắt là UIBC) cũng từng trao tặng danh hiệu ''Nhà làm bánh giỏi nhất'' cho Nina Métayer. Được thành lập vào năm 1931, Liên đoàn này bao gồm gần 40 nghiệp đoàn quốc tế, một mạng lưới với hơn 300.000 công ty làm bánh và tuyển dụng hơn 4 triệu nhân viên trên toàn cầu. Giải thưởng của Liên đoàn UIBC thường được xem là một trong những giải có uy tín hàng đầu.
Năm nay 36 tuổi, Nina Métayer sinh trưởng tại thành phố La Rochelle, thuộc vùng Nouvelle-Aquitaine. Thời niên thiếu, Nina bắt đầu học nghề làm bánh mì trước khi chuyển qua nghề bánh ngọt. Khi vừa mới tốt nghiệp trường dạy nghề, Nina Métayer đã bắt đầu làm việc tại Paris dưới sự chỉ bảo của đầu bếp Yannick Alléno (hai sao Michelin) tại khách sạn Le Meurice. Vài năm sau, cô tiếp tục ''tầm sư học đạo'' với đầu bếp Jean-François Piège (cũng hai sao Michelin) tại nhà hàng Le Grand Restaurant.
Hiện nay, Nina Méteyer đang điều hành công ty ''Delicatisserie'' một cửa hàng chuyên bán bánh ngọt trực tuyến. Để thưởng thức các kiểu bánh của cô, khách hàng có thể tìm thấy ở hai điểm bán hàng tại Paris và vùng phụ cận. Địa điểm quen thuộc nhất vẫn là quán cà phê sân thượng có bán bánh ngọt, trên tầng cao nhất của cửa hàng lớn Printemps (du Goût) nằm trên đại lộ Haussmann. Điểm bán hàng thứ nhì nằm trong ngôi chợ Biltoki, Halles d’Issy.
Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ sau khi ra mắt quyển sách mang tựa đề ''La délicate pâtisserie'' (Bánh ngọt tinh tế) do nhà xuất bản La Martinière phát hành, Nina Métayer cho biết nghề làm bánh mì cũng như bánh ngọt đã đến với cô một cách thật tình cờ nhân dịp cô đi sang nước ngoài. Từ thời còn nhỏ, Nina rất thích ăn bánh nhưng lại chưa bao giờ nghĩ tới chuyện học nghề làm bánh :
‘‘Năm 16 tuổi, tôi đã có dịp đi Mêhicô và sống một thời gian ở nước này. Thời còn trẻ, niềm khao khát sống tự lập khiến cho tôi thích mạo hiểm, phiêu lưu, tự nghĩ rằng chuyện gì cũng có thể làm được, cho nên tôi đâm ra hơi liều lĩnh, không lường được hết sức mình. Ban đầu, tôi có ý định ở lại Mêhicô nhưng nếu muốn lập nghiệp thì trước hết phải học một nghề nào đó, rồi mới có thể đi làm kiếm tiền, có đủ thu nhập để ổn định cuộc sống. Lúc bấy giờ, nghề làm bánh mì đối với tôi có lẽ là chọn lựa đơn giản nhất. Tại Mêhicô, tôi có dịp gặp một cặp vợ chồng người Pháp mở tiệm bán bánh mì. Tuy họ không giàu, nhưng công việc vẫn đủ sống và quan trọng hơn nữa, họ cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống mà họ đã chọn lựa. Sau đó tôi trở về Pháp để học nghề làm bánh mì, cuộc sống đẩy đưa khiến tôi khởi nghiệp ở Paris, nhưng có thể nói, một cách tình cờ ngẫu nhiên, ý tưởng chọn nghề làm bánh đã nảy sinh tại Mêhicô ’’.
Từ nghề làm bánh mì chuyển sang làm bánh ngọt, chỉ có một bước. Và chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên, Nina Métayer lại có thêm nhiều cơ hội phát huy tài năng, để rồi vươn lên đỉnh cao trở thành Nhà làm bánh ngọt giỏi nhất thế giới. Cô cho biết cảm tưởng của mình :
‘‘Khi đến Paris lập nghiệp, tôi quyết định học thêm cách làm bánh ngọt, để có thêm nhiều kỹ năng và tay nghề. Tôi theo học các khóa đào tạo tại trường dạy nghề nấu ăn Ferrandi. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã có nhiều may mắn khi được tuyển vào các êkíp làm việc với các đầu bếp được Michelin vinh danh, như Camille Lesecq tại khách sạn Meurice hay Amandine Chaignot tại nhà hàng Raphaël. Thế nhưng, phần thưởng cao quý nhất đối với tôi vẫn là những lời chúc mừng, những tin nhắn đến từ những thiếu nữ, đôi khi còn rất nhỏ tuổi. Các em thường nói với tôi rằng : nhờ cô mà các em muốn học làm bánh, chọn nghề này để chia sẻ đam mê của mình, cho dù công việc làm bánh đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Đó là điều mà tôi cảm thấy tự hào nhất’’.
Trong làng ẩm thực, người Pháp thường so sánh chuyện làm bánh ngọt như một nghệ thuật, nhưng trong mắt cô Nina Métayer, nghề này lại giống với các bộ môn thể thao hơn, đòi hỏi nơi người tập luyện sức chịu đựng và một trình độ cao. Cô giải thích :
‘‘Trái với những gì mà nhiều người Pháp thường nghĩ, công việc làm bánh, theo tôi, gần giống với thể thao hơn là nghệ thuật. Dĩ nhiên là khi làm bánh, người thợ cần có tính sáng tạo và về điểm này, có thể dùng chữ ''nghệ thuật làm bánh''. Tuy nhiên, phần lớn thời gian của một thợ làm bánh vẫn là lặp đi lặp lại cùng một động tác, sao cho thật thuần thục, không cần đo mà vẫn chính xác. Cũng như trong lĩnh vực thể thao, nghề làm bánh đòi hỏi kỷ luật, nhịp độ tập luyện đều đặn thường xuyên, các đợt thi đấu quốc tế lại giống như các cuộc tranh tài Thế Vận Hội. Giống như một vận động viên tìm cách phá kỷ lục, nhà làm bánh cũng luôn muốn vượt qua những giới hạn của chính mình, suy nghĩ tìm tòi để tạo ra những công thức mới. Đó là phương châm làm việc của tôi và ở vai trò đội trưởng tôi luôn khuyến khích toàn bộ êkíp theo đuổi cùng một mục tiêu, luôn tôn trọng tinh thần đồng đội’’.
Theo tuần báo Le Point, anh Bastien Blanc-Tailleur nổi tiếng trong làng ẩm thực quốc tế nhờ nghệ thuật làm những chiếc bánh cưới khổng lồ, lộng lẫy chạm trổ như những tác phẩm điêu khắc, còn Nina Métayer nổi tiếng nhờ những kiểu bánh bûche thơm ngon và công phu. Mỗi người một nét, nhưng theo tuần báo Le Point, cả hai gương mặt này đều là biểu tượng hàng đầu của làng ẩm thực Pháp cao cấp.
Ngoài loại bánh khúc gỗ, Nina Métayer còn có sở trường làm ''galette des rois'' (bánh Ba Vua) một truyền thống lâu đời của Pháp. Bánh galette được chuẩn bị từ mùa Giáng Sinh cho đến đầu tháng Giêng, nhân dịp Lễ Hiển Linh, theo phong tục của các gia đình theo đạo Chúa. Nhờ được đào tạo bài bản qua trường lớp, Nina Métayer đã rèn luyện tay nghề để nâng công thức làm bánh Ba Vua ''galette des rois'' lên hàng nghệ thuật, vỏ bánh lúc nào cũng được chạm trổ khéo léo với nhiều họa tiết công phu.
Không chỉ được mời tham gia Ban giám khảo quốc tế, tại Liên hoan Quốc tế Điện ảnh châu Á lần thứ 30 tại Vesoul, Pháp ( 6-13/02/2024 ), nữ đạo diễn Đài Loan Chu Mỹ Linh ( Zero Chou ) còn đã được trao tặng Giải thưởng danh dự cho toàn bộ sự nghiệp của bà. Nhân dịp Liên hoan Vesoul năm nay, RFI đã có dịp trò chuyện với Chu Mỹ Linh, nữ đạo diễn đồng tính duy nhất ở Đài Loan.
Chu Mỹ Linh sinh năm 1969 ở Cơ Long, Đài Loan, tốt nghiệp ngành Triết học năm 1992, đã từng làm nhà báo trước khi trở thành đạo diễn phim độc lập. Cô được đánh giá là đạo diễn phim tài liệu tài năng nhất trong những năm gần đây của Đài Loan, đã nhận được nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc tế. Chu Mỹ Linh và giám đốc nghệ thuật Lưu Vân Hậu ( Hoho Liu ) là một cặp đồng tính nữ công khai. Bà là một trong số ít nhà làm phim đồng tính nữ công khai trên thế giới và là đạo diễn đồng tính duy nhất ở Đài Loan.
Bà chính là tác giả của bộ phim Spider Lilies (Bí ẩn hình xăm), đã xuất sắc đoạt giải Teddy Award 2007 cho phim về giới LGBT hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin. Phim đã được trình chiếu rộng khắp ở Hồng Kông, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc.
Spider Lilies xoay quanh cuộc sống của một nghệ sĩ xăm hình Takeko. Sau khi bố cô đột ngột qua đời vì động đất, cô phải lãnh trách nhiệm chăm sóc đứa em trai nhỏ và suốt ngày bận bịu với công việc. Cậu bé này không chịu nổi cú sốc tinh thần đã mất hoàn toàn trí nhớ. Hình ảnh cuối cùng của cậu bé này về người cha kính yêu chính là hình xăm một con nhện trên cánh tay của bố. Takeko rất yêu em trai và quyết định cũng xăm lên tay mình một hình xăm giống hệt bố, với mong muốn giúp em trai lấy lại trí nhớ.
Nhiều năm trôi qua, một ngày nọ Takeko tiếp Jade tại hiệu xăm hình của mình. Jade nhận thấy hình xăm trên người Takeko rất đẹp và giống hình xăm của một người tình cũ. Jade đem lòng yêu Takeko. Hai cô gái trẻ lao vào một cuộc tình say đắm.
Với sự góp mặt của hai nữ diễn viên trẻ xinh đẹp, nổi tiếng bậc nhất tại Đài Loan là Dương Thừa Lâm ( Rainie Yang ), trong vai Jade, Lương Lạc Thi ( Isabella Leong ), trong vai Takeko, Bí ẩn hình xăm được đánh giá rất cao và đã "gây sốt" tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu cảm tưởng trong một buổi quảng cáo về phim Spider Lilies, đạo diễn Chu Mỹ Linh cho biết: “Một trong những lý do khiến tôi thực hiện bộ phim này là vì hiện nay tại Đài Loan những tác phẩm nói về đề tài đồng tính nữ hãy còn quá ít ỏi. Ngoài ra, tôi muốn chứng minh rằng thể loại phim đồng tính nữ cũng được khai thác rất tốt ở khu vực Châu Á, chứ không riêng gì phương Tây. Đồng thời, đây không phải là một tác phẩm chỉ nói về quan hệ đồng tính một cách đơn thuần, mà trong đó vấn đề nhạy cảm này của xã hội còn được đưa ra qua lăng kính nghệ thuật, thông thoáng và đa đạng hơn. Những mối quan hệ tình cảm ruột thịt, những xung đột giữa tâm lý và hành động của nhân vật sẽ thể hiện cho chúng ta thấy rõ nét hơn thế giới và tình yêu của người đồng tính nữ”.
Tuy không dám nhận mình là đại diện cho cộng đồng những người đồng tính LGBT, đạo diễn Chu Mỹ Linh mong muốn "tiếp thêm sức mạnh cho những ai cảm thấy bị bỏ rơi.":
“Cách đây vài năm, một cuộc trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng giới đã được tổ chức. Theo kết quả được công bố, có đến 70% người dân phản đối. Vào buổi tối, chúng tôi tập họp với các nhà hoạt động và được biết một số bạn trẻ trong giới đồng tính LGBT đã tự tử. Vì vậy, tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ thấy rằng họ không đơn độc nhờ những bộ phim của tôi. Tôi không cảm thấy mình có một sứ mệnh đặc biệt, nhưng tôi không thể chịu nổi khi thấy họ đau khổ. Điện ảnh của tôi là một cách giao tiếp với những người không thuộc cộng đồng LGBT, thể hiện vẻ đẹp của mối quan hệ đồng giới. Có một khía cạnh nhẹ nhàng trong cách tôi trình bày mọi việc, không phải là nhằm trả thù, nhưng là để tiếp thêm sức mạnh cho những ai cảm thấy bị bỏ rơi. »
Trả lời RFI Việt ngữ tại Liên hoan Quốc tế Điện ảnh châu Á, đạo diễn Chu Mỹ Linh nhấn mạnh:
“Ở Đài Loan, đã rất khó khăn lắm mới xã hội mới chấp nhận hôn nhân đồng tính. Đài Loan hiện là quốc gia duy nhất ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Từ năm 2006, tôi đã làm bộ phim Spider Lilies đoạt giải thưởng ở Liên hoan phim Berlin. Bộ phim này đã khơi mào cho một phong trào ở Đài Loan thúc đẩy vấn đề đồng tính, bình đẳng giới, trên các phương tiện truyền thông. Sau nhiều năm nỗ lực, kết quả đạt được là bây giờ người ta có thể nói đến vấn đề đồng tính một cách cởi mở hơn, giới đồng tính không còn bị nhìn với ánh mắt kỳ thị hoặc không còn bị xã hội ruồng bỏ. Nay ở Đài Loan chúng tôi sẽ tiếp tục đề cao những giá trị về tính đa dạng, sự bình đẳng và dân chủ."
Tại Liên hoan Vesoul lần thứ 30 vào tháng 2 vừa qua, Chu Mỹ Linh đã giới thiệu đến khán giả bộ phim mới nhất của bà, Untold Herstory, với nội dung mang tính tài liệu lịch sử hơn.
Phim nói về ba phụ nữ bị giam vì ý tưởng của họ trong Nhà tù Đảo Xanh năm 1953, vào thời kỳ “Khủng bố Trắng” ở Đài Loan. Chọn đấu tranh cho tự do, họ bị chính quyền đàn áp bằng bạo lực. Họ bám vào niềm tin của mình và hy vọng rằng tự do sẽ đến. Trong trại giam, khi các tù nhân nghĩ rằng hành động phản kháng của họ đã thành công thì cuộc thanh trừng ác liệt nhất giáng xuống họ.
Trong một cuộc thảo luận bàn tròn tại Liên hoan Vesoul, đạo diễn Chu Mỹ Linh đã thổ lộ: “Suy nghĩ có tội gì? Tại sao suy nghĩ lại là tội lỗi? Thật buồn biết bao nếu có một ngày tôi không dám nghĩ nữa... Tâm trí họ được giải thoát nhưng thân xác lại bị giam cầm, áp bức, thậm chí bị kết án tử hình vì chính suy nghĩ của họ. Những điều phi lý như vậy không phải là đã rời xa chúng ta đâu... Tôi thực lòng hy vọng rằng những điều phi lý này đã kết thúc và biến mất mãi mãi, nhưng thực tế là chúng vẫn đang lặp lại ở những nơi khác trên thế giới. Chúng ta chỉ có thể truyền lại những câu chuyện này để ghi nhớ chúng. Nếu không, sức mạnh của sự phi lý có thể quay trở lại bất cứ lúc nào".
Trả lời RFI Việt ngữ, nữ đạo diễn Đài Loan nói thêm: “ Từ khoảng 20 năm trở lại đây, người dân Đài Loan đã có quyền bỏ phiếu bầu trực tiếp tổng thống, Quốc Hội. Đó là nỗ lực của rất nhiều người để đạt đến nền dân chủ như hiện nay. Tôi cho rằng cần thiết và cấp thiết làm một bộ phim như vậy để cho các thế hệ tương lai thấy rằng nền dân chủ ở Đài Loan không phải tự nhiên mà có mà là kết quả đấu tranh của nhiều thế hệ chống chế độ độc tài."
Nhưng trước mắt, cũng như nhiều người dân Đài Loan khác, đạo diễn Chu Mỹ Linh không khỏi lo lắng khi thấy quan hệ giữa hòn đảo này với Trung Quốc đang căng thẳng cao độ. Đối với nữ đạo diễn Đài Loan, hai bên sẽ không thể hợp nhất do hai chế độ chính trị hoàn toàn khác biệt:
“Quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc là rất khó khăn, bởi vì kể từ khi chia cắt hai đất nước, chúng tôi đã quen với nền dân chủ, với lối sống của mình, với lại hai chế độ hoàn toàn không giống nhau. Cho dù chúng tôi cũng là người Hoa, có cùng bản sắc văn hóa, nhưng chúng tôi không thể sống dưới một chế độ độc đoán như ở Trung Quốc. Cho nên bằng mọi giá, chúng tôi phải bảo vệ các giá trị của mình, chúng tôi muốn có mối liên lạc với Hoa lục một cách ôn hòa, chứ không chấp nhận một mối quan hệ với vũ lực, với chiến tranh, tức là kiên quyết bảo vệ các giá trị của mình, nhưng sẵn sàng đối thoại.”
Nhưng mục tiêu đấu tranh chủ yếu của Chu Mỹ Linh vẫn là bảo vệ giới đồng tính, không chỉ ở Đài Loan mà cả ở những nơi khác trên thế giới. Bà hiện đang thực hiện một loạt sáu phim có tên Dự án cầu vồng sáu thành phố châu Á. Bà cố gắng hoàn thành nhanh nhất có thể và lo lắng mình sẽ mất tích khi quay phim, bởi vì nhiều nơi vẫn cấm phim có nội dung LGBT.
Trong cuộc thảo luận bàn tròn tại Liên hoan Vesoul, Chu Mỹ Linh đã nói:
"Tôi không chỉ là một đạo diễn mà còn là một nhà hoạt động xã hội bảo vệ giới đồng tính, hay bảo vệ nữ giới. Trong xã hội Đài Loan, nếu một người phụ nữ làm mọi việc quá mạnh mẽ hoặc quá nghiêm túc, cô ấy có thể bị đẩy ra xa. Vẫn tồn tại quan điểm truyền thống về người phụ nữ dịu dàng và thanh tú, không nên quá nổi bật, nhưng rất may là tất cả những điều đó đang thay đổi. Khi một người phụ nữ làm một bộ phim nghiêm túc, xã hội phải lắng nghe".
Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Arles (Les Rencontres de la photographie d’Arles ) tại thành phố Arles ở miền nam nước Pháp là một sự kiện vốn được mệnh danh là Liên hoan Cannes của nghệ thuật nhiếp ảnh. Tại Liên hoan Arles lần thứ 55 ( 01/07 - 29/09/2024 ), công chúng đã có dịp khám phá các tác phẩm của nghệ sĩ Pháp gốc Việt Hứa Như Xuân thực hiện với đồng nghiệp gốc Ấn Độ Vimala Pons trong khuôn khổ cuộc triển lãm mang tên "Thiên đường và Địa ngục ( Heaven and Hell ").
Các tác phẩm của Như Xuân Hứa và Vimala Pons là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu, biểu diễn và nhiếp ảnh, trong đó họ đặt câu hỏi về đối tượng nữ trong nhiếp ảnh, thể hiện qua 9 biểu tượng, từ tài tử Mỹ Drew Barrymore đến tay đua thuyền người Pháp Florence Arthaud hay Mel C của nhóm nhạc nữ Spice Girls của Anh Quốc.
Trả lời RFI tại Liên hoan nhiếp ảnh Arles, nghệ sĩ Hứa Như Xuân cho biết:
“Tôi thực hiện dự án này với Vimala Pons cũng chính là vì cả hai chúng tôi khao khát đưa vào nghệ thuật khái niệm gánh nặng của cảm xúc. Đối với tôi, những người mang gánh nặng đó thường là những người mẹ. Tôi muốn nêu lên trải nghiệm của cá nhân với tư cách một phụ nữ Pháp gốc Việt, nhưng cũng qua đó tôn vinh những người phụ nữ trong gia đình tôi, nhất là vai trò của mẹ tôi trong việc xây dựng cuộc đời của tôi, trong việc hình thành hành trang nghệ thuật của tôi cho tới nay.
Dự án với Vimala Pons chính là dựa trên những trải nghiệm của chính hai chúng tôi trong cương vị phụ nữ. Điều này không có nghĩa là chúng tôi loại trừ một giới tính nào, nhưng chỉ là thể hiện mong muốn thầm kín về những gì mà chúng tôi đã trải qua và tiếp tục tôn vinh những phụ nữ đã có sự hy sinh rất lớn, dù đó là những thần tượng có thật hay hư cấu.”
Nhờ công trình nghệ thuật độc đáo đó mà Hứa Như Xuân và Vimala Pons đã nằm trong số những người được đề cử cho giải thưởng của tạp chí Pháp Madame Figaro 2024 dành cho các nữ nhiếp ảnh gia có tác phẩm được trưng bày ở Liên hoan nhiếp ảnh Arles ( Giải này sau đó được trao cho Tshepiso Mazibuko, nữ nhiếp ảnh gia người Nam Phi ).
Những yếu tố nào đã thúc đẩy Hứa Như Xuân đi theo con đường nghệ thuật, con đường mà thường các bậc cha mẹ trong những gia đình người Việt ít khuyến khích? Cô thổ lộ:
“Tôi nghĩ có lẽ do bản chất của tôi người luôn tranh đấu, có nhiều tham vọng. Khi có ai nói là tôi không thể làm được điều gì đó, thì phản ứng của tôi là phản ứng trước một sự bất công, mà sự bất công đầu tiên đối với tôi đó là sinh ra là con gái.
Tôi biết rằng vì thương tôi hoặc vì muốn tôi có một cuộc sống an toàn, hồi còn nhỏ, gia đình tôi thường cấm tôi làm điều này, điều kia. Với tâm lý thích nổi loạn, tôi muốn chứng minh là tôi có khả năng làm những điều đó, chứ không bị hạn chế bởi giới tính của mình.
Ngoài ra, cha tôi cũng là một nghệ sĩ, đến Pháp sau chiến tranh, nhưng đã không thể sống bằng nghệ thuật, nên có lẽ ông cũng sợ con mình sẽ giống vậy. Ông không ngăn cản tôi đi vào con đường nghệ thuật vì bản thân ông cũng muốn làm nghệ sĩ, nhưng ông vẫn có nỗi lo về tài chính, lo rằng vì ông đã không làm được, thì chắc tôi cũng sẽ không làm được.”
Hiện đã trở lại Paris sau một thời gian sống ở Luân Đôn, Hứa Như Xuân là một tên tuổi quen thuộc trong ngành nhiếp ảnh thời trang, vì cô đã cộng tác với các thương hiệu hàng đầu như Dior, Maison Margiela, Kenzo et Gucci và là nhiếp ảnh gia thời trang cho các tạp chí nổi tiếng như Time Magazine, Vogue hay Dazed Beauty, đặc biệt chính cô đã chụp hình nhóm nhạc K-pop nổi tiếng BTS của Hàn Quốc cho bìa tạp chí Time. Vào năm ngoái, tạp chí Vogue đã xem Hứa Như Xuân là một trong năm nữ nghệ sĩ “đang làm một cuộc cách mạng trong nghệ thuật nhiếp ảnh”.
Vogue nhìn thấy nơi Hứa Như Xuân “một phong cách độc đáo, một phong cách mà sau đó cô đã mở rộng thêm bằng cách thực hiện nhiều bức ảnh cá nhân hơn. Hứa Như Xuân đã thử nghiệm nhiều ngôn ngữ, trộn lẫn các kỹ thuật khác nhau, thử nghiệm các hình thức mới... Chủ đề chung của cô vẫn như cũ: sự biến đổi hiện thực dưới tác động của ký ức, thể hiện qua những hình ảnh mờ ảo một cách tinh tế, vì chúng đã bị thời gian làm tiêu tan. Cô cố gắng xây dựng lại những gì đã bị lãng quên: về cá nhân cô, gia đình cô, tổ tiên cô.”
Vào năm 2022, Hứa Như Xuân cho ra mắt tập ảnh “Tropism”, được Liên hoan xuất bản nhiếp ảnh độc lập Rolling Papers vào năm đó mô tả là “một cuộc điều tra độc đáo vào trung tâm mê cung ký ức rộng lớn”. Thông qua một album gia đình được sáng tạo lại, Hứa Như Xuân “hiện thực hóa những biến động của những ký ức khiến chúng ta lãng quên chúng.” Trong bức thư-bài thơ viết kèm theo những bức ảnh trong “Tropism”, Hứa Như Xuân viết: “Nhớ lại chính là chấp nhận rằng một cái gì đó đã bị lãng quên, một cái gì đó đã bị mất và một cái gì đó đã được sở hữu cần phải được tìm lại”.
Trong người nữ nghệ sĩ này luôn chất chứa nỗi khát khao tìm lại ký ức gia đình, như tâm sự của cô:
“Nỗi khao khát không phải là nảy sinh từ trong nghệ thuật, mà là cái gì đó rất thầm kín, rất riêng tư. Tôi đã sống 10 năm ở Luân Đôn. Tôi đã rời khỏi Paris vì thấy rằng văn hóa Pháp không tạo những cơ hội để tôi khám phá những gì tôi muốn khám phá về mặt nghề nghiệp cũng như về mặt cá nhân.
Khi đến Luân Đôn, tôi đã khám phá một xã hội hoàn toàn mang tính đa văn hóa, trong đó mọi người gắn bó với văn hóa của mình, biết mình từ đâu đến.
Qua những cuộc gặp gỡ, chính bản thân tôi cũng tự đặt những câu hỏi cho riêng mình. Khi người ta hỏi tôi đến từ đâu, một cách vô thức, tôi trả lời mình là người Pháp, trong khi người ta chờ đợi một câu trả lời khác. Chỉ đến khi ông bà tôi qua đời và chúng tôi phải rời bỏ căn nhà gia đình, tôi muốn nhận thức được rằng sự mất mát đó sẽ dẫn đến những hậu quả, dẫn đến sự lãng quên. Từ đó tôi bắt đầu đặt những câu hỏi, tôi mới kết nối trở lại với câu chuyện của đình tôi.
Trong 6 năm qua, trong công việc của tôi, cuộc tìm kiếm ký ức, nỗi mong muốn không lãng quên điều gì, chính là xuất phát từ sự qua đời của ông bà tôi, từ việc chúng tôi phải rời bỏ căn nhà gia đình, nơi lưu giữ 30 năm kỷ niệm gia đình. Bản thân tôi cũng là một người rất hoài niệm và cũng rất lãng mạn. Những điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến các tác phẩm nghệ thuật của tôi, những yếu tố đó thường xuyên xuất hiện trong các bức ảnh của tôi, dù đó là các dự án cá nhân hay dự án được đặt hàng. Ngay cả trong các bức ảnh thời trang của tôi cũng chen lẫn vào đó một sự hoài niệm, nhưng một cách rất tinh tế.”
Chính là qua nhiều chuyến trở về Việt Nam mà Hứa Như Xuân đã kết thúc cuộc hành trình tìm về ký ức:
“Lần đầu tiên tôi trở về khi đã đến tuổi trưởng thành là vào năm 2016. Trước đó tôi đã về khi mới 10,13 tuổi, chưa ý thức được đất nước này là như thế nào, ngoài việc đây là nơi mà bố mẹ tôi lớn lên.
Tôi nghĩ là chúng tôi đã sinh trưởng giống như nhiều người con cùng thế hệ của các gia đình cộng đồng người Việt, tức là chối bỏ văn hóa của mình và tự xem mình là người Pháp. Bản thân tôi đến năm 2016 mới thật sự bắt đầu cuộc hành trình mang lại rất nhiều điều cho tôi.
Tôi nhớ rất rõ khi lần đầu tiên trở về Việt Nam, lúc cửa máy bay mở ra, tôi cảm nhận trở lại các mùi. Đến quầy kiểm tra hộ chiếu, khi lần đầu tiên nghe nhân viên đọc tên tôi đúng theo kiểu Việt Nam, tôi đã bị sốc vì cảm thấy như mình được kết nối trở lại, cảm thấy như đang ở nhà mình. Từ đó tôi quyết định trở về mỗi năm để tìm hiểu về lịch sử của đất nước, lịch sử của gia đình tôi cho đến nhiều năm sau khi tôi cảm thấy đã thấm nhuần đầy đủ gốc tích của mình để không còn cần quay trở lại nữa để tìm hiểu thêm. Lần cuối cùng tôi về Việt Nam là khi được mời tham gia các triển lãm.
Nay tôi cảm thấy mình đã thành công tìm lại được nguồn gốc của mình mà tôi đã tìm kiếm vào đầu giai đoạn khủng hoảng bản sắc.”
Le Bon Marché, Printemps, BHV, Lafayette, La Samaritaine là những địa điểm không thể không đến khi tới Paris. Dù không mua sắm, riêng kiến trúc và nội thất của những cửa hàng bách hóa này cũng đã là một tác phẩm nghệ thuật. Được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, câu chuyện của những cửa hàng này (grand magasin) được kể lại trong triển lãm La naissance des Grands Magasins (Sự ra đời của các cửa hàng bách hóa) tại Bảo tàng Nghệ thuật trang trí từ ngày 10/04-13/10/2024.
Những “ngôi đền của hiện đại và xã hội tiêu dùng” - theo lời giới thiệu triển lãm - đã làm cuộc cách mạng triệt để trong rất nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu thói quen mua sắm, chăm sóc khách hàng, nghiên cứu thị trường, tiếp thị đến khích lệ nhân viên theo cách bán hàng hưởng thêm hoa hồng, điều kiện làm việc, mối quan hệ lao động. Rất nhiều phương pháp vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay, đặc biệt là phương châm “khách hàng là thượng đế”.
Kinh tế thịnh vượng thúc đẩy xã hội tiêu dùngDưới thời Đế Chế II (1852-1870), xã hội Pháp thịnh vượng nhờ chính sách của hoàng đế Napoléon III cổ vũ ngành công nghiệp, tự do hóa nền kinh tế. Tầng lớp tư sản không ngừng gia tăng. Họ là thương nhân, chủ doanh nghiệp, ngân hàng. Paris cũng chuyển mình theo quy hoạch đô thị của tỉnh trưởng Georges Haussmann. Diện tích thủ đô được tăng lên gấp đôi, 20.000 ngôi nhà bị phá và 43.000 tòa nhà được xây theo phong cách kiến trúc mang tên ông, rất đặc trưng Paris cho đến ngày nay.
Tầng lớp giàu có mới trở thành những khách hàng quan trọng với nhu cầu khắt khe hơn. Các cửa hàng nhỏ, chỉ chuyên một mặt hàng lúc bấy giờ không còn đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, theo giải thích của Claire Doutriaux trong chương trình Karambolage của đài Arte năm 2020 : “Vào thời kỳ đó, các tiểu thương vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống. Các cửa hàng chuyên về một mặt hàng hoặc bán rất ít mặt hàng. Người mua phải hỏi người bán, giá không được niêm yết mà phải hỏi người bán hàng, nên cứ phải mặc cả liên miên, cuối cùng thường thì giá sẽ được rao theo mặt khách. Các cửa hàng bán sản phẩm mới dần dần xuất hiện : tủ kính trưng bày hấp dẫn hơn, vào cửa tự do, niêm yết giá”.
Aristide Boucicaut, chàng thanh niên vùng Normandie đến Paris lập nghiệp năm 1829, lúc mới 19 tuổi, làm việc trong một cửa hàng như vậy tại phố Bac, tả ngạn sông Seine. Đến năm 1852, nhờ tiền tiết kiệm, ông hùn vốn hợp tác với Paul Videau, chủ cửa hàng Le Bon Marché ở góc phố Sèvres và phố Bac, để thực hiện hoài bão của mình. Doanh nhân trẻ đầy ý tưởng cho bán những sản phẩm ít lời để quay vòng kho. Doanh thu từ 450.000 franc tăng vọt lên thành 7 triệu franc vài năm sau, đến mức Paul Videau sợ và nhượng hết cổ phần cho cộng sự mà theo ông, có quá nhiều tham vọng.
Le Bon Marché : Thánh đường mua sắm đầu tiên ở ParisMột mình Boucicaut lèo lái và biến Le Bon Marché thành "thánh đường thương mại hiện đại” trong tòa nhà mới được khởi công xây dựng ngày 09/09/1869, thử nghiệm nhiều kỹ thuật bán hàng, vẫn có hiệu quả sau gần hai thế kỷ. Le Bon Marché “làm cuộc cách mạng bán lẻ và đưa bán lẻ vào kỷ nguyên tiêu dùng hàng loạt”, vẫn theo giải thích của Claire Doutriaux :
“Ông đã nghĩ ra khái niệm cửa hàng bách hóa, nơi có thể tìm thấy mọi thứ chứ không chỉ quần áo, vải vóc. Vì thế, cần phải có một công trình kiến trúc mang tính cách mạng. Đằng sau vẻ bề ngoài cổ điển, đằng sau những viên đá, là kết cấu thép cho phép dựng những cửa kính lớn và tạo những không gian rộng lớn, thông thoáng bên trong.
Thành công rực rỡ. Từ đồ lót đến đồ gỗ hay giấy, đồ chơi, bát đĩa… tất cả đều có thể tìm thấy ở Le Bon Marché. Boucicaut đổi mới mọi thứ : tạo các mùa thời trang, như “Tháng đồ trắng”, áp dụng các loại hình quảng cáo mới, bán hàng qua thư, giao hàng miễn phí đến tận nhà khách hàng và nhất là phương châm đến bây giờ vẫn nổi tiếng : “Hài lòng hoặc được hoàn tiền”.
Trong suốt quá trình phát triển của Le Bon Marché, còn phải kể đến công lao lớn của người vợ Marguerite Boucicaut. Từ cô gái tỉnh lẻ nghèo khó, làm trong tiệm giặt ở Paris, bà đã giúp chồng gây dựng lên “Đế chế” riêng, tác động để cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên : giảm giờ làm (từ 16 xuống còn 12 tiếng/ngày), chế độ bảo hiểm, hưu trí… Khi bà qua đời và không có người thừa kế, bà để lại toàn bộ tài sản cho nhân viên, những người đã giúp vợ chồng bà gây dựng lên Le Bon Marché.
Mô hình kinh doanh của Le Bon Marché được sao chép, các cửa hàng bách hóa lớn lần lượt ra đời : Les Grands Magasins du Louvre (1855), le Bazar de l’Hôtel de Ville (BHV, 1856), Au Printemps (1865), La Samaritaine (1870)… tất cả đều được xây trên những trục đường rộng rãi trong quy hoạch của Haussmann, thuận tiện cho di chuyển. Những tòa nhà làm cửa hàng cũng là những kiệt tác kiến trúc hiện đại lúc bấy giờ, chủ yếu dùng thép vì đây là giai đoạn đỉnh cao của ngành này, rất sang trọng vì còn nhằm đề cao đẳng cấp của khách hàng. Mặt tiền của tòa nhà lịch sử Printemps là một ví dụ độc đáo, theo giải thích của Xavier Gaudemet, người quản lý dự án tiếp thị của Printemps Haussmann, trong chương trình Visites privées của đài truyền hình France 2 :
“Mặt tiền của tòa nhà có rất nhiều chuyện để kể. Trước tiên đó là sự tiến bộ về kỹ thuật. Lần đầu tiên có một mặt tiền phủ được cấu trúc thép đằng sau. Thứ hai, đó chính là bí mật về tên Au Printemps được khắc ở mặt tiền, lần đầu tiên được làm theo đúng kiểu quảng cáo, óng ánh dưới ánh mắt trời và thu hút mọi ánh mắt nhờ được mạ vàng...
Tên gọi Au Printemps được đặt nhằm mục đích tiếp thị. Các cửa hàng lớn thường lấy tên theo địa chỉ như Bazar de l’Hôtel de Ville đối diện tòa thị chính Paris (BHV ngày nay) hoặc theo giá cả như Au Bon Marché hay theo tên của nhà sáng lập như Harrods ở Luân Đôn. Ý tưởng Au Printemps mang đúng ý nghĩa thương hiệu, mùa xuân là mùa mang lại điều mới, tươi tắn và xinh đẹp”.
“Khách hàng là thượng đế”Công thức thành công của các cửa hàng bách hóa dựa vào hai nguyên tắc : bán hàng loạt và đẩy nhanh các mặt hàng. Lợi nhuận dựa vào khối lượng bán sản phẩm hàng loạt cho nên luôn có các đợt giảm giá để nhanh quay vòng kho và đa dạng hóa mặt hàng. Lịch các mùa giảm giá được tính toán vào các mùa thấp điểm hoặc tháng vắng khách, như bán phụ kiện mùa hè vào tháng 5 hoặc đồ chơi và lì xì vào tháng 12. Trước những đợt hạ giá này là cả chiến dịch quảng cáo bên ngoài cửa hàng, trên báo chí và áp phích, gửi catalogue, phát tờ rơi ghi ngày hạ giá.
Khách hàng ở xa có thể đặt mua qua thư. Các cuốn catalogue theo mùa hoặc sản phẩm mới được gửi miễn phí để họ lựa chọn. Cách bán này vẫn rất phổ biến hiện nay. Hình thức đặt hàng qua thư nở rộ và giao hàng miễn phí còn nhờ vào sự phát triển mạng lưới đường sắt, đường thủy rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Mạng lưới đường sắt từ 3.558 km tăng lên thành 16.994 km vào năm 1869, vận chuyển 113 triệu hành khách và 44 triệu tấn hàng hóa.
Trong chương trình Visites privées, ông Pierre Pelarrey, tổng giám đốc Printemps Haussmann, nhấn mạnh ngoài “kiến trúc có một không hai”, danh tiếng của các cửa hàng bách hóa còn là “câu chuyện về dịch vụ, tập trung vào cá nhân khách hàng”. “Khách hàng là thượng đế” cũng chính là tôn chỉ được nhà Boucicaut áp dụng ngay những ngày đầu hoạt động của Le Bon Marché, theo giải thích trong chương trình Karambolage của đài Arte :
“Đối với những khách hàng từ xa đến, họ chỉ cần băng qua Vườn hoa Boucicaut để đến khách sạn nổi tiếng Palace Le Lutécia được xây kiến trúc Art Deco mà bà Boucicaut đã xây riêng cho họ. Để cửa hàng khổng lồ này hoạt động được, cần rất nhiều nhân viên, trưởng bộ phận, trợ lý, và rất nhiều nhân viên bán hàng, thường là những cô gái trẻ từ tỉnh lẻ đến và sống trong những căn phòng nhỏ ngay ở tầng trên cùng của Le Bon Marché”.
Tuyển phụ nữ bán hàng cũng là bước đột phá được chính bà Marguerite Boucicaut khởi xướng để thu hút khách hàng nữ, thường ở nhà nội trợ, chăm con và có nhiều thời gian. Vào cuối thế kỷ XIX, vai trò của trẻ em đã được thay đổi đáng kể trong xã hội nhờ chính sách khuyến khích tăng dân số, đầu tư vào giáo dục và thành công của mô hình gia đình quý tộc. Trẻ em trở thành mục tiêu của các cửa hàng để các gia đình nán lại lâu hơn. Họ liên tục tặng đồ chơi cho trẻ em hoặc tặng kèm với quảng cáo. Các gian đồ chơi dần được hình thành trong thập niên 1870, ban đầu theo thời vụ, sau đó được cố định quanh năm. Ngành công nghiệp đồ chơi phát triển, sản xuất đại trà bằng những vật liệu ít tốn kém hơn.
Ngày nay, các cửa hàng bách hóa nổi tiếng đó vẫn tiếp tục tìm những cách thức mới để thu hút du khách từ khắp thế giới. Vào dịp Giáng Sinh, tủ kính của các cửa hàng được trang hoàng lộng lẫy, như bước ra từ thế giới cổ tích. Cửa hàng BHV tổ chức các triển lãm giới thiệu một nghệ sĩ, một nhà thiết kế ; sân thượng của Printemps, Lafayette trở thành nơi check-in ngắm toàn cảnh Paris. Không chỉ thuần túy là nơi bán hàng, tại đây còn có những quán cà phê, nhà hàng với không gian đẹp, tầm nhìn thoáng. Dù vẫn tuân theo nguyên tắc bán đủ mọi mặt hàng nhưng những cửa hàng bách hóa này hiện giờ tập trung vào các mặt hàng cao cấp và vào một bộ phận nhỏ khách hàng khá giả.
The podcast currently has 239 episodes available.
37 Listeners
2 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
8 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners