Sau 131 năm tồn tại, Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC), lần đầu tiên đã bầu một phụ nữ người Zimbabwe làm chủ tịch. Bà Kirsty Coventry, 41 tuổi sẽ kế nhiệm chủ tịch người Đức, Thomas Bach để lãnh đạo định chế quản lý thể thao thế giới. Sự kiện được đánh giá là lịch sử của phong trào Olympic hiện đại.
Cuộc bầu cử đã diễn ra tối thứ Năm, 20/03/2025, tại Costa Navarino, thành phố biển của Hy Lạp. Chỉ cần một vòng bỏ phiếu, bà Kirsty Coventry đã giành được đa số phiếu tuyệt đối, 49 phiếu, bỏ xa 6 ứng cử viên đối thủ nam giới. Đặc phái viên RFI, Christophe Diremszian tại Costa Navarino, cho biết:
Không phải là một chiến thắng mà là một thắng lợi huy hoàng, 49 trên 97 phiếu bầu. Một tỷ lệ đáng kinh ngạc không kém gì sự nghiệp của Kirsty Coventry ở Ủy Ban Olympic Quốc tế, chỉ 12 năm lên đến đỉnh cao, ngay cả đó không phải là giấc mơ thời trẻ thơ của bà. Bà nói :
« Khi tôi còn là cô bé 9 tuổi, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có ngày đứng ở đây để phục vụ phong trào tuyệt vời của chúng ta. Đây không chỉ là vinh dự vô cùng lớn mà còn là lời nhắc nhở cam kết của tôi với mỗi người trong tổ chức mà tôi sẽ lãnh đạo với vô cùng tự hào.
Trẻ và hiện đại, từng tham gia nhiều ủy ban củ IOC, là bộ trưởng Thể thao của Zimbabwe, hai lần vô địch Olympic 200m bơi ngửa, trong công việc bà được Thomas Bach đánh giá cao và ủng hộ ra ứng cử. Ứng viên Sebatian Coe, người thất bại, chỉ thu được 8 phiếu, vẫn tỏ ra là người chơi đẹp. Ông nói :
« Tôi rất vui mừng với Kirsty, Chúng ta có một vận động viên lãnh đạo tổ chức. Đó là điều tốt. Cách đây vài tuần chúng tôi đã thảo luận với nhau và chúng tôi đã đồng ý với nhau về nhiều việc. Tôi chúc mừng bà, bà có rất nhiều việc ở phía trước, nhưng bà sẽ có được niềm tin của các vận động viên ».
Đến ngày 24 tháng 6 bà mới chính thức nhậm chức. Nhưng ngay thứ Sáu này, ông Thomas Bach đã khởi động quá trình chuyển giao quyền lực bằng việc mời bà ăn sáng.
Chủ tịch IOC là một chức vụ đặc biệt được trọng vọng và đối xử như nguyên thủ quốc gia. Trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại, IOC đã qua 8 đời chủ tịch là người châu Âu và 1 người Mỹ chưa hề có ai là nữ giới. Cuộc chạy đua vào chức vụ này từ trước tới nay vẫn thường mang màu sắc địa chính trị và các cuộc vận động hậu trường cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả. Kirsty Coventry là người phụ nữ đầu tiên đến từ Châu Phi đã vượt qua một kỳ cuộc bầu cử lịch sử, bằng bản sắc châu Phi và những đóng góp to lớn trong thể thao.
Thông tín viên Josephine Cloeckner tại Johanesburg phác họa chân dung của vị nữ chủ tịch tân tử của IOC :
41 tuổi, Kirsty Coventry đã có ở phía sau mình một sự nghiệp lớn đầy ắp thành tích. 7 huy chương Olympic môn bơi, trong đó có 2 huy chương vàng vào các kỳ Thế vận hội 2004 và 2008. Với thành tích này, bà trở thành vận động viên giành nhiều huy chương Olympic nhất châu Phi. Ngoài ra bà còn là phụ nữ châu Phi duy nhất trong số 7 ứng viên cho chức chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc tế. Đó cũng là thế mạnh của bà.
Sinh ra tại Harare, thủ đô Zimbabwe, bà tham gia tranh cử dựa trên nguyên tắc triết lý nhân sinh Ubuntu « Tôi tồn tại bởi chúng ta tồn tại ». Đó là quan niệm sống cơ bản trong cộng đồng người Bantu ở miền nam lục địa Phi, đặc biệt được các giải thưởng Nobel Hòa Bình, Nelson Mandela và Desmond Tutu cổ vũ.
Sau khi rút khỏi sự nghiệp thi đấu thể thao năm 2016, Kirsty Coventry tiếp tục hoạt động trong thể thao ở mọi cấp độ. Tham gia Ủy Ban Olympic Quốc tế năm 2013, ở quê hương mình, bà còn là bộ trưởng Thanh Niên, Thể Thao, Nghệ Thuật và Giải Trí từ năm 2018. Bà cũng là người thành lập Học viện Bơi tại Zimbabwe. Ngày thứ Năm này, một lần nữa bà đã ghi dấu ấn vào trang sử thể thao.
Đây là một “cuộc bầu cử lịch sử” đối với Liên Hiệp Châu Phi, tổ chức đã ca ngợi Kirsty Coventry đã “phá bỏ rào cản, mở đường cho một tương lai công bằng và hòa nhập hơn trong thể thao”. Ủy ban Olympic Zimbabwe đánh giá “bà là hiện thân của sự xuất sắc và niềm tự hào với Châu Phi, của Zimbabwe và của phụ nữ.”
Nhiều gương mặt thể lớn của châu Phi đã gửi lời chúc mừng bà gọi cuộc bầu cử này là “phi thường”.
Tại quê nhà, Kirsty Coventry cũng đã ít nhiều gây tranh cãi do từng tham gia chính phủ chuyên quyền của tổng thống Emmerson Mnangagwa. Hôm thứ Năm, ông đã gọi chiến thắng của bà là “một thành công đáng tự hào cho Zimbabwe và cả châu lục.”
Tuy nhiên, đương kim bộ trưởng Thể thao luôn khẳng định mong muốn thay đổi mọi thứ “từ bên trong.” Sau khi đắc cử, nữ chủ tịch tương lai của Ủy ban Olympic Quốc tế đã gửi lời đến châu Phi: “Đây là thời khắc của chúng ta.”
Thách thức địa chính trị
Là lãnh đạo định chế quản lý thể thao lớn nhất hành tinh, Kirsty Coventry sắp tới đây sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị quốc tế đang phủ bóng trên các đấu trường thể thao.
Đầu tiên bà sẽ phải xử lý hồ sơ vận động viên Nga và Belarus. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, thể thao hai quốc gia này bị tảy chay khắp lượt trong các cuộc thi đấu quốc tế. Các vận động viên Nga và Belarus đều phải thi đấu dưới màu cờ trung lập.
Chưa đầy một năm trước Thế vận hội mùa đông 2026 tại Milano-Cortina, số phận của các vận động viên Nga và Belarus sẽ là một trong những vấn đề đầu tiên mà tân Chủ tịch CIO phải giải quyết. Bà Coventry chưa bày tỏ lập trường rõ ràng về vấn đề này.
Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas là một ví dụ khác về lập trường cân bằng của định chế thể thao thế giới: trong khi IOC chưa bao giờ cân nhắc đến việc để vận động viên Israel thi đấu dưới danh nghĩa trung lập tại Thế vận hội Paris 2024, đồng thời bác bỏ mọi sự so sánh giữa Gaza và Ukraina. Tuy nhiên IOC đã mời đặc cách 8 vận động viên Palestine không thể vượt qua vòng loại tham dự Paris 2024. Với sự tàn phá mà thể thao Palestine phải hứng chịu, câu hỏi này chắc chắn sẽ lại nảy sinh khi Thế vận hội Los Angeles đến gần.
Hồ sơ khác đang gây lo ngại trong phong trào thể thao thế giới liên quan đến Mỹ và tổng thống Donald Trump. Mỹ đâng có vai trò không thể thiếu đối với phong trào Olympic, không chỉ vì họ là chủ nhà của Thế vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles và Thế vận hội mùa đông 2034 tại Salt Lake City, mà còn vì Mỹ là nước đóng góp hơn một phần ba doanh thu của IOC - thông qua bản quyền truyền hình do NBC Universal chi trả. Mỹ cưng là nơi đào tạo ra nhiều nhà vô địch Olympic, trong đó bà tân chủ tịch Covetry cũng đã được huấn luyện tại Auburn ( Alabama) trước khi giành được bảy huy chương Olympic.
Tuy nhiên từ khi trở lại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đã gây nhiều áp lực lên các quy định về điều kiện của vận động viên nữ tham gia Olympic, đe dọa cấm các vận động viên chuyển giới thi đấu trên lãnh thổ Mỹ. Điều này đặt ra thách thức với IOC, tổ chức có nhiệm vụ đảm bảo sự độc lập của thể thao.
"Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp với các giá trị của mình - bao gồm tinh thần đoàn kết và đảm bảo mọi vận động viên đủ điều kiện tham gia Olympic đều có thể thi đấu và được an toàn", bà Coventry tuyên bố tối thứ Năm.
Một vấn đề khác đã nảy sinh với chính quyền Donald Trump. Mỹ đã đình chỉ khoản đóng góp của mình cho Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) trong năm nay, trong khi họ vẫn duy trì luật chống doping mang tính chất ngoài lãnh thổ từ năm 2020, điều có thể làm rạn nứt hệ thống thể thao toàn cầu.
Giấc mơ Olympic Châu Phi
Việc một bộ trưởng Thể thao Zimbabwe (từ năm 2018), người điều phối Thế vận hội Olympic trẻ Dakar năm 2026 được bầu làm chủ tịch IOC, tất yếu sẽ đặt ra một câu hỏi: Là châu lục duy nhất chưa từng tổ chức Thế vận hội Olympic, khi nào thì châu Phi sẽ được đón sự kiện lịch sử đầu tiên này?
Là quốc gia tiên phong đăng cai World Cup năm 2010, Nam Phi hiện chính thức tham gia chạy đua giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2036, cùng với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Qatar và Ả Rập Xê Út.