Hồ sơ kinh tế nổi bật, kinh nghiệm hoạt động của giới doanh nhân
... moreShare Tạp chí kinh tế
Share to email
Share to Facebook
Share to X
Các doanh nghiệp của Pháp đang đứng trước nhiều thách thức : Về đối ngoại, một cuộc chiến thương mại Mỹ khai mào được báo trước, áp lực hàng rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu, giao thương toàn cầu bị kẹt vì những căng thẳng địa chính trị trên thế giới ; về đối nội, áp lực về thuế từ khi Quốc Hội bị giải tán đè nặng lên chính sách phát triển của khu vực sản xuất.
« Tình hình đang xấu đi. Trong khoảng từ 6 đến 9 tháng nữa chúng ta sẽ thấy rõ hiệu ứng của một cơn sốc lớn». Một chủ công ty đã đánh giá tình hình như trên nhân diễn đàn các doanh nghiệp REFvào cuối tháng 8/2024. Chưa đầy một tháng sau, thống kê về các công ty vừa và nhỏ tại Pháp phá sản đi từ kỳ lục này đến kỷ lục khác. Cùng lúc chỉ số đầu tư trong khu vực sản xuất liên tục giảm. Đầu tháng 11/2024, hai tập đoàn lớn của Pháp được thế giới biết đến nhiều là hãng sản xuất lốp xe Michelin và chuỗi siêu thị Auchan cùng thông báo sa thải tổng cộng là hơn 3.600 nhân viên. Michelin đóng cửa hai nhà máy. Với Auchan, « hàng chục siêu thị » trên toàn quốc chóng ngừng hoạt động vì làm ăn thua lỗ.
Các công đoàn bảo vệ người lao động tại Pháp, các viện nghiên cứu đồng loạt cảnh báo hai kế hoạch sa thải nhân sự vừa nêu chỉ là « phần nổi của tảng băng ».
300.000 người mất việc trong năm 2024Lãnh đạo công đoàn CGT Sophie Binet báo động : 200 doanh nghiệp chuẩn bị giảm nhân sự, 47.000 người mất việc, trong đó gần một nửa là công nhân trong các nhà máy. Báo Cộng Sản L’Humanité dự phóng, trong cả năm 2024 sẽ có đến 300.000 người lao động bị sa thải. Bộ trưởng Công Nghiệp Marc Ferracci hôm 16/11/204 nhìn nhận « nguy cơ trong những tuần lễ và những tháng sắp tới sẽ có nhiều thông báo các nhà máy đóng cửa », « hàng ngàn việc làm bị đe dọa. Ngành công nghiệp xe hơi, các nhà máy hóa chất, ngành luyện kim bị nước ngoài cạnh tranh gay gắt ».
François Monnier, tổng biên tập tuần báo Investir -Đầu Tư không ngạc nghiên về những tin xấu liên tiếp mà ngay cả các hãng lớn của Pháp như Auchan hay Michelin cũng không tránh khỏi vì các doanh nghiệp Pháp đang mất dần khả năng cạnh tranh. Trên đài thát thanh tư nhân Radio Classique (hôm 15/11/2024) François Monnier đơn cử ba thí dụ cụ thể giải thích vì sao một tên tuổi lớn như Michelin, đã hoạt động từ 135 năm nay phải cho hơn 1.200 nhân viên nghỉ việc.
« Châu Âu đòi các hãng lốp xe phải công bố nguồn gốc nhựa cao su sử dụng trong các nhà máy chế tạo lốp xe, chỉ nội khoản này gây thêm phí tổn phụ trội từ 150 đến 200 triệu euro cho hãng Michelin, trong khi đó các đối thủ của tập đoàn sản xuất lốp xe này không phải chứng minh nguồn gốc nguyên liệu sự dụng và không bị kiểm tra. Pháp bị chậm chế vì thủ tục hành chính rườm ra : tại bang Texas, chỉ cần một năm một để mở cửa thêm một nhà máy. Trong khi đó ở Pháp và châu Âu, phải mất hơn một năm một công ty mới được cấp giấy phép để xin đăng ký mở nhà máy. Về khả năng suất, Pháp và châu Âu cũng bị thua kém so với các nơi khác trên hành tinh : trong giai đoạn 1995-2023 năng suất lao động trong một giờ đồng hồ tăng trung bình 50 % tại Mỹ, ở Đức là 33 % trong khi đó ở Pháp chỉ số này tăng thêm có 25 % ».
Bóng ma một cuộc thương chiến tàn khốcTháng 9/2024 phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh « trong tám thập niên qua, chưa khi nào cộng đồng quốc tế phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện tại ». Trao đổi với báo chí bên ngoài phòng họp sau đó, cũng ông Macron thẳng thắn cho rằng tình huống này đang đẩy các doanh nghiệp Pháp vào thế kẹt. Nhưng khi đó nguyên thủ Pháp không thể ngờ rằng ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm tới với lời hứa « đánh thuế 10 % tất cả hàng sản xuất ở nước ngoài báo sang thị trường Mỹ ».
Theo thẩm định của Sylvain Bersinger, kinh tế ttrưởng cơ quan tư vấn Asterès -Paris, Pháp có mức thặng dự mậu dịch tuy rất khiêm tốn chưa đầy 100 triệu đô la so với Hoa Kỳ (để so sánh, thăng dư của Đức với Mỹ là 82 tỷ đô la trong năm 2023, giữa Việt Nam với Mỹ là 96 tỷ đô la) nhưng thế bất cân đối đó tập trung trong một số lĩnh vực « then chốt » như là công nghệ hàng không và không gian, dược phẩm, rượu vang, rượu mạnh, nước hoa, mĩ phẩm, …và đó là những lĩnh vực trên nguyên tắc sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nếu chính quyền Trump dựng nên các hàng rao quan thuế.
Nguy cơ bị hàng Trung Quốc nhận chìmTrong các lĩnh vực khác từ hàng điện tử đến xe ô tô điện, pin mặt trời … thì các doanh nghiệp Pháp nói riêng, châu Âu nói chung bị chính sách trợ giá của Trung Quốc « đè bẹp ». Chính vì cạnh tranh không lại với các hãng Trung Quốc mà Systovi -vùng Nantes miền tây nước Pháp (một trong những nhà sản xuất cuối cùng của Pháp, trên đất Pháp) không biết còn cầm cự được bao lâu. Giám đốc điều hành nhà máy này, Paul Toulouse giải thích khó chống chọi được lâu khi mà giá thành của các đối thủ Trung Quốc chỉ bằng 25 % so với của Systovi từng là một biểu tượng của tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh « made in France ».
Rất xa Nantes, ở ngoại ô thành phố Grenoble miền đông nước Pháp tập đoàn hóa chất Vencorex chuyên sản xuất phụ liệu để chế biến các loại sơn nước được dùng trong ngành xây dựng, hãng này cũng đang lo bị « khai tử » do từ « 2022 lĩnh vực này đã có nhiều thay đổi sâu rộng, với một sự cạnh tranh khốc liệt chưa từng thấy. Hàng sản xuất dư thừa từ các nhà máy Trung Quốc đổ sang châu Âu ».
Ngành công nghiệp của Pháp -và châu Âu trong thế trên đe dưới búa : xuất khẩu sang Hoa Kỳ thì có khuynh hướng sụt giảm vì thuế hải quan mà chính quyền Washington sắp tới sẽ ban bành, các nhà máy của Pháp thì có nguy cơ bị hàng rẻ Trung Quốc nhận nhìm. Nhất là khi biết rằng chỉ riêng trong lĩnh vực công nghiệp, ở đầu thập niên 1970 hơn 80 % tiêu thụ là hàng « made in France » thì hiện tại tỷ lệ này bị thu hẹp lại còn chưa dầy 38 %. Cùng lúc chỉ số tiêu thụ nội địa tăng chậm : hai thị trường địa ốc và xe hơi trông thấy những khó khăn ở tước mặt.
Chính phủ loay hoay đòi tăng thuế doanh nghiệpTrong khi đó nhu cầu tiêu thụ ở Pháp thì bị chựng lại. Tổng biên tập tuần báo Investir François Monnier tiếc là trong bối cảnh vốn đã rất khó khăn cho các doanh nghiệp Pháp như vậy thì chính phủ của thủ tướng Barnier lại phải ráo riết đi tìm thêm 8 tỷ euro đủ để giữ được cam kết duy trì duy trì thâm hụt ngân sách năm 2025 ở ngưỡng 6 % tổng sản phẩm nội địa. Trên con đường đi tìm thêm các nguồn thu nhập đó thì chính phủ Pháp dự trù tăng thuế đánh vào khu vực sản xuất :
« Một cách cụ thể, sang năm 2025, các hãng có doanh thu từ 1 đến 3 tỷ euro một năm sẽ phải đóng thuế doanh nghiệp hơn 30 % thay vì 25 % như hiện này. Doanh thu trên 3 tỷ euro, thì khoản thuế này sẽ là hơn 35 % và thuế lại còn nặng hơn nữa từ năm 2028 trở đi (...) Vì hoạt động, do sản xuất tại Pháp, hay mua bán tại Pháp, các doanh nghiệp phải trả thuế cao hơn sơ với ở các nước khác. Trong khi đó hàng Made in China thì được chính quyền Bắc Kinh tài trợ, hàng sản xuất tại Mỹ thì được ưu đãi thuế khóa. Rõ ràng là các hàng của Pháp, làm việc tại Pháp bị thiệt thòi ».
Từ khi tổng thống Macron giải tán Quốc Hội tháng 6/2024, lên cầm quyền vào tháng 9/2024, thủ tướng Michel Barnier liên tục phải đàm phán với các đảng phái trên chính trường về dự luật ngân sách cho năm tới trong điều kiện chính phủ rất dễ bị lật đổ. Trong khi đó thì Paris cần nhanh chóng cho ra đời một dự luật ngân sách cho năm 2025, khẩn cấp giải quyết bớt nợ công, chưa bao giờ đạt ngưỡng 112 % GDP (thay vì 60 % GDP như quy định của khối các nước tham gia đồng tiền chung châu Âu). Bội chi ngân sách của Pháp vượt quá ngưỡng 6 % GDP (thay vì 3 % tổng sản phẩm nội địa như quy định của châu Âu). Pháp liên tục bị các cơ quan thẩm định tài chính Anh, Mỹ dọa « hạ điểm tín nhiệm » về mức nợ và như vậy lại càng phải đi vay với lãi suất cao hơn.
Trong bối cảnh đó các chính phủ Elisabeth Borne, Gabriel Attal và Michel Barnier đều cam kết cắt giảm chi tiêu, tăng thuế để từng bước quay trở lại với mức thâm hụt 3 % như quy định trong khối thành viên sử dụng đồng euro. Điều đó có nghĩa là Pháp phải tiết kiệm 60 tỷ đô la cho tài khóa 2025 : 40 tỷ do cắt giảm các khoản chi tiêu công cộng và 20 tỷ còn lại nhờ tăng thuế đánh vào một « bộ phận những người giàu có và thuế doanh nghiệp ». Chính phủ Barnier đề xuất một khoản thuế phụ trội 8 tỷ euro do hơn 400 công ty lớn của Pháp đài thọ. Thí dụ như tập đoàn LVMH trong lĩnh vực hàng xa xỉ thì xẽ bị chi thêm 750 triệu vào năm tới để chia sẻ gánh nặng chung; công ty điện lực quốc gia EDP phải tham gia vào nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách ở mức 500 triệu euro, hãng sản xuất máy bay Airbus là 300 triệu ….
Đương nhiên không một ai hài lòng với các liều thuốc đắng này. Tổng biên tập tuần san Investir François Monnier cho rằng, tăng thuế doanh nghiệp : Pháp đang « lội ngược dòng » và điều này đã phản ánh qua những trồi sụt trên các thị trường chứng khoán.
« Từ ngày 05/11/2024 với viễn cảnh tổng thống Trump giảm thuế doanh nghiệp, chỉ số chứng khoán ở Wall Street tăng 3 % trong vòng 10 ngày. Trái lại ở Pháp, chỉ số CAC40 giảm 1 %. Từ khi tổng thống Macron giải thế Quốc Hội, bất ổn chính trị khiến chỉ số này của Pháp giảm 9 % trong lúc mà Wall Street thì tăng 11%. Chứng khoán của Pháp mất giá mạnh hơn so với của Đức, Anh và thậm chí là của Ý ».
Không chỉ có các chủ doanh nghiệp bất bình và lo lắng. Các viện nghiên cứu của Pháp đồng ý giảm bội chi ngân sách và nợ công là điều cần thiết, nhưng Pháp đang trong thế hoàn toàn bất lợi. Những nỗ lực của chính quyền Macron từ 2017 để chọn Pháp là địa điểm đầu tư « Choose France » khó thuyết phục khi mà ở Hoa Kỳ, tổng thống sắp tới Donald Trump hứa hẹn giảm thuế doanh nghiệp đang từ 21 xuống còn 15 % thì trái lại Paris chuẩn bị nâng mức thuế này từ 25 % lên từ 30 đến 35 % và có thể là còn hơn thế nữa như vừa nói.
Những nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam, từng hưởng lợi trong trận thương chiến Mỹ-Trung dưới chính quyền Trump 2016-2020 sẽ « chật vật » hơn nhiều trong 4 năm tới vì chính sách bảo hộ « toàn diện » của Washington. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan có nhiều cơ sở tại Hoa Lục trông thấy trước « một tai họa ». Tăng trưởng của châu Á lệ thuộc vào xuất khẩu, mỗi nước trong khu vực đang gấp rút đi tìm tìm chìa khóa để đối thoại với chính quyền Trump.
Chưa đầy một tuần lễ từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ hai, tất cả các lãnh đạo Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới đều vội vã chúc mừng ông. Gần đây nhất tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Tô Lâm hôm 12/11/2024 đã có cuộc điện đàm với tổng thống tân cử Donald Trump. Từ thủ tướng Malaysia đến đồng cấp Cam Bốt trong điện chúc mừng ông Trump cùng « tin tưởng vào vai trò thiết yếu của Hoa Kỳ trong việc duy trì ổn định, hòa bình và thịnh vượng » cho Đông Nam Á.
Chỉ 48 giờ sau khi ông Trump tái đắc cử, cả Philippines lẫn Đài Loan cùng cho biết ý định « trang bị thêm vũ khí của Mỹ ». Theo đánh giá của báo tài chính Anh, Financial Times, Manila và Đài Bắc vừa xem đây là « những lá bùa hộ mệnh » để tăng cường khả năng phòng thủ trước những tham vọng của Trung Quốc vừa biết ý ông Trump thích khoe thành tích « giúp các công ty vũ khí của Mỹ bán được hàng ». Đây có thể là cách để thoát khỏi các gọng kềm từ chính sách « bảo hộ » của chính quyền Washington trong tương lai.
Đông Nam Á trong thế « bất an »Trong nhiệm kỳ đầu 2016-2020 nhà tỷ phú New York Donald Trump đã sử dụng lá bài bảo hộ với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. Lần này châu Á, từ những quốc gia tiên tiến nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, đến khối Đông Nam Á đã sẵn sàng hay chưa cho một cuộc chiến thương mại thứ nhì xuất phát từ Mỹ ? Cuộc chiến này được cho là sẽ diễn ra với « cường độ mạnh hơn gấp bội » so với 5-6 năm trở về trước.
Hãng tin Đức Deutsche Welle trích lời nhà nghiên cứu Việt Nam Lê Hồng Hiệp, viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore Yusof Ishak, cho rằng Đông Nam Á đã « chuẩn bị tốt hơn » để đối đầu với một cuộc chiến thương mại thứ nhì, khối này sẽ « nhanh chóng thích nghi với thực tế và sẽ bảo vệ quyền lợi của họ ». Vẫn theo Deutsche Welle « Việt Nam đặc biệt lo ngại do là nguồn xuất khẩu quan trọng nhất của Đông Nam Á sang Hoa Kỳ », trước cả Singapore. Năm 2023 « thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên tới 96 tỷ đô la ».
Cùng với Ấn Độ, Mêhicô… Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới « hưởng lợi nhiều nhất » từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhưng không là nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất trong thế « bất an » trước viễn cảnh Washington từ tháng 1/2025 mở một cuộc chiến thương mại với toàn thế giới.
Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Oxford Economics kim ngạch xuất khẩu của cả khu vực châu Á, không kể Trung Quốc sẽ giảm 3% nếu ông Trump dựng lại các hàng rào thuế quan như từng cam kết trong thời kỳ vận động tranh cử, bởi vì ngoại trừ Lào, « Mỹ luôn là một trong những khách hàng quan trọng nhất » với tất cả các nền kinh tế còn lại.
Vũ khí nào để Bắc Kinh đương đầu với trận chiến thương mại Trump 2.0 ?Tuy nhiên Trung Quốc mới là mục đích chính mà nhóm cố vấn của tổng thống Mỹ tương lai đang nhắm tới. Bằng chứng là Donald Trump mời hai nhân vật « diều hâu và có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh » là các thượng nghị sĩ Marco Rubio và dân biểu Mike Waltz tham gia nội các ở hai vị trí quan trọng : ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia. Kèm theo đó là chủ trương « đánh thuế đến 60% vào hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ ».
Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Đài Loan có nhiều cơ sở sản xuất tại Hoa Lục trong thế bị động. Báo Japan Times nhắc lại « hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp Nhật Bản cỡ vừa và nhỏ đang hiện diện tại Trung Quốc. Họ ý thức được là sẽ gặp khó khăn nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ ». Chỉ riêng trong ngành ô tô, việc ông Trump báo trước một cuộc chiến thương mại với cả Mêhicô và Canada là « cú sét đánh ngang tai », với các hãng xe Nhật do số này đã mở nhà máy tại Mêhicô, sát cạnh cửa ngõ Hoa Kỳ. Chỉ riêng năm ngoái Nhật xuất khẩu 1,5 triệu chiếc xe sang Mỹ và đây là điểm đến lớn gấp hơn cả tổng số xe bán ra trên thị trường xứ hoa anh đào.
Các chuyên gia được hãng tin Anh Reuters trích dẫn đồng loạt đưa ra nhiều lý do cho thấy ông Tập Cận Bình không ở trong « thế mạnh ». Thứ nhất tăng trưởng của Trung Quốc đang sa sút. Thứ hai là dưới nhiệm kỳ Trump lần trước, Bắc Kinh đã « bội ước » khi cam kết mua thêm 200 tỷ đô la hàng của Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Lần này những hứa hẹn của Trung Quốc khó có tính thuyết phục một ông Trump có tính « thù dai ».
Điểm thứ ba là Bắc Kinh không có phương tiện để « ăn miếng trả miếng » Washington : Tập Cận Bình không thể cũng áp dụng các hàng rào thuế quan đánh vào hàng Mỹ khi mà tiêu thụ nội địa Trung Quốc đã yếu kém trong lúc Trung Quốc cần xuất khẩu sang Âu, Mỹ để bảo đảm tăng trưởng nội địa. Hơn nữa tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã vượt ngưỡng 500 tỷ đô la, lớn gấp 3 so với nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Theo định của ngân hàng UBS, nếu ông Trump áp thuế 60 % đánh vào xuất khẩu của Trung Quốc, GDP của nền kinh tế châu Á này « trong 12 tháng sắp tới sẽ giảm mất phân nửa », tức là rơi xuống còn khoảng 2,5 % một năm.
Trên đài phát thanh Pháp France Inter, chuyên gia kinh tế Pháp, Antoine Bouet, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế-CEPII chờ đợi, ông Trump ở nhiệm kỳ 2 sẽ mạnh tay hơn rất nhiều trong cuộc chiến thương mại, bất luận điều ấy gây thiệt hại cho chính các nhà sản xuất của Mỹ
« Có nguy cơ là cuộc thương chiến sẽ nhanh chóng mở màn, căn cứ vào những tuyên bố của tổng thống tân cử Hoa Kỳ. Trump chủ trương đánh thuế trên toàn bộ các mặt hàng thâm nhập thị trường của Mỹ và đặc biệt là đánh thuế thuế đến 60 % và thậm chí là 100 % nhắm vào hàng từ Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Theo những thẩm định của trung tâm CEPII, điều đó có nghĩa là Washington trong tương lai sẽ tăng thuế hải quan đánh vào một khối lượng hàng trị giá 3.100 tỷ đô la và Mỹ. Để so sánh trong giai đoạn 2018-2019 chính Trump khi đó cũng đã dựng lại các hàng rào thuế quan nhắm vào 310 tỷ đô la kim ngạch nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Thế rồi dưới thời tổng thống Biden, đầu năm nay cũng đã sử dụng đòn thuế hải quan này nhưng chỉ nhắm vào 18 tỷ đô la hàng được vào thị trường Mỹ. Nói cách khách, chính sách bảo hộ của Biden chỉ là một giọt nước trong biển cả ».
Giám đốc trung tâm CEPII giải thích thêm :
« Trước kia một món hàng được sản xuất chỉ tại một nơi, rồi được xuất khẩu sang một quốc gia khác. Thành thử tăng thuế hải quan là để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa và đổi lại thì người tiêu dùng chịu trả giá đắt hơn. Nhưng trong thời buổi này, để có được một thành phẩm, các hãng xưởng nhập khẩu nhiều phụ tùng từ nước ngoài. Thí dụ như hãng máy bay Boeing của Mỹ cần nhập phụ tùng của nhiều nước, đặc biệt là của Pháp. Vậy thì đánh thuế nhập khẩu 10 % vào các phụ tùng này bất lợi cho chính Boeing và sẽ tác hại đến khả năng cạnh tranh của chính các tập đoàn Mỹ ».
Về mặt chính trị, chủ trương tăng thuế hải quan vừa dễ hiểu vừa có sức thuyết phục lớn trong cuộc vận động tranh cử. Trump ở nhiệm kỳ tổng thống trước đã chứng minh ông là một chính khách « dám nói và dám làm » song theo quan điểm của Antoine Bouet việc tổng thống tân cử có ý định giao phó bộ Tài Chính cho một trong hai cố vấn kinh tế thân cận là John Paulson hay Scott Bessent (cả hai cùng là các nhà đầu tư và sáng lập viên các quỹ đầu cơ) cho thấy, Washington có vẻ muốn dùng đòn thuế quan để mặc cả với các đối tác của Hoa Kỳ. Antoine Bouet trung tâm CEPII :
« Có khả năng Donald Trump không thi hành các biện pháp đã loan báo nhưng sử dụng lá bài thuế hải quan này như một công cụ để đàm phán, để bắt các đối tác của Hoa Kỳ phải nhượng bộ. Trước mắt được biết là hai nhân vật đang được ban lãnh đạo của tổng thống tân cử liên lạc để mời tham gia nội các ở cương vị bộ trưởng Tài Chính Mỹ. Đó là các ông Scott Bessent và John Paulson. Bessent là sáng lập viên quỹ đầu tư Key Square. Còn Paulson điều hành một quỹ đầu tư khác tại New York. Cả hai nhà đầu tư này cùng chủ trương khai thác các hàng rào thuế quan như các công cụ để gây sức ép với các đối tác của Mỹ ».
Với Trump ở Nhà Trắng, nên là bạn hay là thù của Mỹ ?Về phần mình giáo sư Thomas Porcher, trường quản trị kinh doanh Paris School of Business nhắc lại Mỹ có truyền thống bảo hộ lâu đời, Donald Trump không vị tổng thống đầu tiên đi theo khuynh hướng đó. Trên tờ giấy bạc 10 đô la của Mỹ là bức chân dung vị bộ trưởng Tài Chính đầu tiên Alexander Hamilton với chủ trương bảo vệ nền công nghiệp còn non trẻ của nước Mỹ. Còn trên tờ giấy bạc 1 đô la là hình ảnh của George Washington, người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức tổng thống trong một bộ y phục được sản xuất 100 % tại Mỹ. Có chăng là Donald Trump chỉ áp dụng chính sách bảo hộ một cách « thô bạo » hơn các đời tổng thống tiền nhiệm ở Hoa Kỳ từ 3 thập niên qua :
« Nếu tăng thuế hải quan đánh vào một mặt hàng không thể thay thế-tức là hàng không sản xuất ở Mỹ, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu khoản phí phụ trội đó, tức là lạm phát ở Hoa Kỳ sẽ bị đội lên thêm. Đối với những sản phẩm mà cũng được sản xuất tại Hoa Kỳ thì giá thành ở Mỹ cũng sẽ cao hơn so với ở các nước có nhân công rẻ, ở những quốc gia kém phát triển ít chú trọng đến các chuẩn mực về môi trường và xã hội. Trên thực tế, nhìn vào thương mại toàn cầu, cuộc chiến mậu dịch đã có từ 30 năm nay trên cơ sở các cuộc đối đầu về những chuẩn mực về xã hội, thuế khóa, môi trường ».
Có nguy cơ nhiều cuộc xung đột thương mại nổ ra trên thế giới. Vào lúc 240 triệu cử tri Hoa Kỳ bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm, điều chắc chắn duy nhất là thắng lợi sau cuộc bỏ phiếu ngày 05/11/2024 thuộc về bên đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ đi chăng nữa thì nước Mỹ vẫn duy trì xu hướng bảo hộ mậu dịch. Dưới hình thức này hay hình thức khác, chủ nhân Nhà Trắng trong tương lai cũng sẽ tập trung các đòn thương mại vào Trung Quốc.
2024 sắp khép lại với cuộc bầu cử được coi là quan trọng nhất trên thế giới đang diễn ra tại Hoa Kỳ. Không một trung tâm dự báo nào dám đoán trước kết quả, nhưng giới phân tích đồng loạt cho rằng « những bất ổn về thương mại toàn cầu có khuynh hướng gia tăng sau cuộc bầu cử ngày 05/11/2024 ». Lý do, ứng cử viên bên đảng Cộng Hòa, Donald khai thác tối đa chiêu bài « tăng thuế hải quan để giữ công việc làm trên đất Mỹ, cho người Mỹ ». Ở góc đài bên kia, Kamala Harris đại diện cho đảng Dân Chủ, đã tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng muộn màn, chỉ khi tổng thống Biden tuyên bố bỏ cuộc. Nhưng đương kim phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris được cho là sẽ « tiếp tục chính sách » của ông Biden trong khá nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế và thương mại. Do vậy không ít các nhà nghiên cứu vẫn so sánh cương lĩnh hành động của Trump với Biden/Harris.
Trung Quốc và bảo hộ, mẫu số chung của Hoa KỳMột tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ, Laurence Nardon, chủ nhiệm khoa nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI giải thích hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump như hai thái cực trên rất nhiều chủ đề liên quan đến xã hội của nước Mỹ, nhưng « Trung Quốc, thương mại, kinh tế » là những ngoại lệ và cả hai cùng chủ trương chấm dứt chính sách tự do mậu dịch.
« Về phía Donald Trump, chính sách kinh tế tập trung vào việc ông tiếp tục khai thác giọng điệu bài Trung Quốc, chống đối các hiệp định tự do mậu dịch để mang các cơ xưởng trở lại Hoa Kỳ. Về điểm này có một sự tiếp nối giữa hai bên Dân Chủ và Cộng Hòa. Đôi bên cùng muốn khép lại thời kỳ mà chính sách tự do mậu dịch và học thuyết tân tự do lên ngôi dưới, chu kỳ đó đã kéo dài từ thời tổng thống Ronald Reagan cho đến tận chính quyền Barack Obama (…)
Có nguy cơ chiến tranh thương mại sẽ lại bùng lên. Donald Trump tuyên bố ông sẽ đánh thuế 200 % vào hàng nhập từ Trung Quốc và Trump hoàn toàn có thể làm những gì ông nói như kinh nghiệm đã cho thấy hồi 2018. Tuy nhiên, đừng quên rằng cả bên đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều chống đối chính sách tự do mậu dịch. Donald Trump thì xoáy vào các biện pháp áp thuế. Về phía bà Kamala Harris, ứng viên đảng Dân Chủ sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp của Joe Biden có nghĩa là nếu đắc cử chính quyền Harris sẽ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ và đồng minh sang Trung Quốc ».
Trump muốn đánh thuế « toàn thế giới »Trong các cuộc vận động tranh cử, Donald Trump thường xuyên dọa đánh thuế vào hàng nhập khẩu vào Mỹ nhưng các con số ông đưa ra thay đổi cùng với thời gian. Chuyên gia Laurence Nardon vừa nói đến 200 % đánh vào hàng Trung Quốc, nhưng chương trình vận động của bên đảng Cộng Hòa năm nay nói nhiều đến mục tiêu « áp thuế 10 % với tất cả các mặt hàng thâm nhập thị trường Mỹ, riêng với hàng của Trung Quốc thì sẽ bị đánh thuế tối tiểu 60 % ».
Để kiếm phiếu của cử tri, chính sách bảo hộ của ông Trump dường như không chừa một ai. Ứng cử viên của bên đảng Cộng Hòa đã nhắm luôn cả từ Liên Hiệp Châu Âu - khối mà ông gọi là một « Trung Quốc thu nhỏ », đến các đồng minh Bắc Mỹ như Canada hay Mêhicô. Tại một cuộc vận động ở bang Bắc Carolina, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa hứa với cử tri ông sẽ « đánh thuế 25 % tất cả hàng nhập khẩu từ Mêhicô » sát cạnh. Ở một bang swing-state khác là Georgia, Trump thậm chí cho rằng, dưới sự dẫn dắt của ông, nước Mỹ trong thế mạnh để « giành lại » những công việc làm đã thất thoát ra nước ngoài :
« Dưới sự điều hành của tôi, chúng ta sẽ cướp công việc làm của những nước khác. Tôi đề nghị chúng ta không chỉ ngăn chặn các doanh nghiệp dời cơ sở ra nước ngoài mà chúng ta còn tranh công việc của các nước khác. Có bao giờ quý vị nghe thấy điều này hay chưa ? Chúng ta sẽ giành lấy công việc làm của những nơi khác, mang về cho nước Mỹ, cho người Mỹ. (…) Chúng ta sẽ đánh thuế 100 % xe hơi sản xuất ở phía bên kia đường biên giới với Mêhicô và sẽ giải thích với Mêhicô rằng nếu muốn không bị đánh thuế hải quan, thì giải pháp duy nhất là mở nhà máy và sản xuất ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và các công dân Mỹ sẽ điều hành những nhà máy sản xuất đó. Các công xưởng sẽ phải được đặt ở đây, chứ không phải là ở Mêhicô dù chỉ cách đường biên giới một tấc đất ».
Biden/Harris còn quyết liệt hơn với Trung QuốcVề phía đảng Dân Chủ sau gần 4 năm ở Nhà Trắng, chính quyền Biden/Harris không làm gì nhiều để dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ của người tiền nhiệm Donald Trump. Chiến tranh thương mại ông Trump khởi động từ năm 2017 với Trung Quốc thậm chí có xu hướng « khốc liệt hơn » như phân tích của nhà địa chính trị François Heisbourg, cố vấn đặc biệt cho Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược - FRS của Pháp trên đài phát thanh France Inter (hôm 31/10/2024) :
« Đối với Hoa Kỳ, kẻ thù hiện nay trước hết là Trung Quốc vì đây là một đối thủ cạnh tranh (…) Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ có chung một tầm nhìn về Trung Quốc và cùng xem Trung Quốc là ưu tiên về mặt chiến lược của Hoa Kỳ. Đây là một sự thay đổi hết sức quan trọng trong chính sách của Washington. Thực ra, Joe Biden/Kamala Harris cứng rắn hơn Donald Trump rất nhiều với Trung Quốc và chính quyền Biden đã mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan. Về thương mại, bất luận chính quyền sắp tới thuộc về phe nào, Mỹ cũng sẽ tập trung đánh vào Trung Quốc. Khác biệt duy nhất là nếu trở lại cầm quyền, ngoài Trung Quốc ra, Donald Trump sẽ không ngần ngại nhắm luôn cả tới châu Âu ».
Trong bài tham luận trên tạp chí chuyên về địa chính trị Le Grand Continent (24/04/2024), chuyên gia kinh tế Mỹ Erica York thuộc trung tâm nghiên cứu về chính sách thuế khóa Tax Foundation, trụ sở tại Washington, thậm chí cho rằng « phần lớn các biện pháp bảo hộ chính quyền Trump ban hành, đã được củng cố thêm dưới nhiệm kỳ của ông Biden ».
Chính sách bảo hộ của bên đảng Dân Chủ nguy hiểm hơnTuy nhiên có một khác biệt lớn về « phương pháp » giữa hai đời tổng thống bên Cộng Hòa và Dân Chủ : nếu như Donald Trump thiên về việc tăng thuế hải quan thì Joe Biden/Kamala Harris khéo léo hơn, viện cớ vì mục tiêu dung hòa lượng khí thải carbon, Hoa Kỳ cần chuyển đổi sang một mô hình công nghiệp xanh và sạch để vừa trợ giá cho các tập đoàn của Mỹ. Khẩu hiệu của Joe Biden là « Bye American » ngay từ khi ông bước vào Nhà Trắng. Đạo luật IRA chống lạm phát, đạo luật Chip Act năm 2022 cũng như chương trình phát triển cơ sở hạ tầng cho nước Mỹ hàng trăm tỷ đô la cũng chỉ theo đuổi một mục tiêu. Như phân tích của nguyên giám đốc Việt Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, bà Sylvie Matelly, trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 2/2023 :
« Đối với một công ty, mở nhà máy tại châu Âu tốn kém hơn, và điều đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ. Đơn giản là vì cuối 2022 chẳng hạn, giá năng lượng ở Mỹ chỉ bằng 1/4 so với tại châu Âu. Trong bối cảnh đó, mùa hè 2022, tổng thống Joe Biden ban hành đạo luật IRA - gọi là để chống lạm phát, nhưng đồng thời để giảm khí thải carbon. Trong kế hoạch này Hoa Kỳ trợ cấp cho người Mỹ mua ô tô điện, với điều kiện là xe phải được lắp ráp trên lãnh thổ Mỹ. Ngoài ngành công nghiệp ô tô điện, chính quyền Biden còn hỗ trợ để phát triển công nghệ sinh học, trợ giúp cho cả mảng công nghệ bán dẫn và rộng hơn nữa là các lĩnh vực thuộc công nghệ xanh. Các biện pháp này đã mang lại nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với Liên Âu mà điều hiển nhiên nhất là nhiều hãng tại châu Âu có kế hoạch di dời cơ sở sản xuất hay đầu tư mạnh hơn vào Hoa Kỳ. Tất cả những quyết định của Joe Biden đặt nền tảng cho Hoa Kỳ trong một cuộc đối đầu với Trung Quốc, cho phép nước Mỹ dẫn đầu cuộc đua công nghệ so với quốc gia châu Á này ».
Mỹ lo Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về công nghệNói cách khác, hai chính quyền Mỹ liên tiếp của bên đảng Cộng Hòa và Dân Chủ sở dĩ dồn hỏa lực vào Trung Quốc cũng chỉ vì ông khổng lồ châu Á này đang thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ nhất là về mặt công nghệ cao, mà « tiến gần đến biên giới công nghệ cao », Bắc Kinh coi như đe dọa nền « nền tảng » của một nước Mỹ vẫn muốn thống trị toàn cầu. Do vậy giới phân tích cho rằng, Donald Trump ở nhiệm kỳ đầu chỉ mới chỉ « mở đường », khi đòi cấm cửa những tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc như Hoa Vi hay ZTE, Joe Biden còn mạnh tay hơn khi giới hạn các khoản giao dịch, đầu tư giữa các hãng của Mỹ và Trung Quốc. Washington, dưới nhiệm kỳ Biden, vận động và gây áp lực với các đồng minh của Mỹ như Hà Lan, Nhật Bản để phong tỏa các công ty high-tech của Trung Quốc.
Câu hỏi kế tiếp là vào lúc mà Hoa Kỳ đang tập trung đối phó với một đối thủ cạnh tranh (vừa là một sức mạnh kinh tế, và quân sự), liệu rằng chủ trương dùng chính sách bảo hộ để « trừng phạt », kể cả các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ (như Canada hay Mêhicô ở Bắc Mỹ và châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc ở châu Á) có là thượng sách hay không ? Giáo sư kinh tế Mary Lovely, đại học Syracus, bang New York, trả lời :
« Để tăng cường khả năng cạnh tranh cho phép đương đầu với châu Á và nhất là Trung Quốc, thì Hoa Kỳ cần mở rộng tầm nhìn về chính sách phát triển kinh tế của toàn khối Bắc Mỹ, lôi kéo các nền kinh tế trong khu vực về phía Washington. Kinh nghiệm trong gia đoạn đại dịch vừa qua làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy là Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong khi đó, Canada có nhiều lá chủ bài trong tay, đặc biệt do đây là một quốc gia có nhiều tài nguyên, một nguồn sản xuất năng lượng và một nền công nghiệp vững chắc ».
Kết quả bầu cử Quốc Hội Nhật Bản ngày 28/10/2024 gây thêm hoang mang cho các nhà đầu tư vào lúc cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đẩy Tokyo vào thế kẹt giữa một bên là đồng minh quân sự và bên kia nền kinh tế « gắn kết » chặt chẽ nhất với Nhật Bản. Bài toán càng thêm phức tạp khi mà Tokyo phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt xã hội để vẫn là nền kinh tế thứ 3 toàn cầu, để vẫn tiên phong về công nghệ mới.
Sau 15 năm liên tục cầm quyền, đảng Dân Chủ Tự Do LDP cánh hữu với lập trường bảo thủ mất đa số ở Quốc Hội. Thủ tướng Shigeru Ishiba mới nhậm chức hôm 01/10/2024 có hai giải pháp : hoặc là thành lập một chính phủ liên minh với đa số rất sít sao và rất dễ bị bất tín nhiệm, hoặc phải từ chức. Ở góc đài bên kia, đảng Dân Chủ Lập Hiến CDP cánh trung tả về đầu với 148 dân biểu nhưng không hội đủ đa số tuyệt đối 233 ghế và cũng không dễ thành lập chính phủ liên minh thay thế nội các Ishiba.
Yếu tố chính trị này bất lợi cho kinh tế Nhật Bản vào lúc nền kinh tế lớn thứ nhì tại châu Á mới vừa phục hồi. Trả lời đài RFI tiếng Việt, giáo sư Brieuc Monfort, giảng dậy tại đại học Sophia -Tokyo và hiện là khách mời của Quỹ Nghiên Cứu Pháp-Nhật, trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội EHESS Paris phác họa về toàn cảnh kinh tế Nhật Bản hiện nay :
Brieuc Monfort : « Nhìn chung, kinh tế Nhật Bản còn chưa vững chắc lắm nhưng đã có nhiều tiến bộ trong ba năm từ 2021 đến 2024 dưới thời thủ tướng Fumio Kishida. Đấy cũng là thời điểm sau đại dịch Covid và trung bình, GDP tăng khoảng 1,2 % một năm. Nợ công bắt đầu giảm và tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 2,5 % tức là mức thấp chưa từng thấy. Bên cạnh những chỉ số khả quan đó thì như đã biết trong một thời gian dài, Nhật Bản phải đối mặt với hiện tượng giảm phát. Cố thủ tướng Shinzo Abe đã bắt đầu lật ngược tình thế, đẩy lạm phát lên được đến 1 %. Dưới chính quyền Kishida, Nhật Bản hoàn toàn thoát khỏi giảm phát và khi ông rời phủ thủ tướng, thì lạm phát ở Nhật Bản là 3 %. Tuy nhiên một phần dân chúng bị thiệt thòi vì lương của họ không tăng nhanh như vậy. Thêm vào đó là hiện tượng đồng yen bị mất giá khiến đời sống càng thêm đắt đỏ. Trong khi đó một số khó khăn trong giai đoạn Nhật Bản phải đối mặt với đại dịch Covid vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục ».
Tác động kép đè nặng lên sức mua của người dânTheo giới quan sát, đảng cầm quyền LDP đã bị cử tri trừng phạt qua lá phiếu lần này, chủ yếu do những tai tiếng tham nhũng trong bối cảnh mãi lực của người dân sụt giảm dưới tác động kép của lạm phát và nhất là hiện tượng đồng yen trượt giá so với đô la Mỹ.
Brieuc Monfort : « Trong năm nay tỷ giá của đồng yen Nhật Bản trồi sụt thất thường. Đầu năm, 140 yen đổi lấy 1 đô la Mỹ nhưng đến tháng 7 vừa qua thì phải cần đến 160 yen mới mua được 1 đô la. Thế rồi chúng ta đang trở lại với tỷ giá hối đoái 140-150 yen ăn 1 đô la như hồi đầu năm. Đơn vị tiền tệ của Nhật bị mất giá do lãi suất ngân hàng của Nhật rất thấp so với tại châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng trong tháng 3/2024 và tháng 7/2024, Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất chỉ đạo trở lại. Dù vậy, lãi suất ngân hàng ở Nhật vẫn thấp hơn so với ở các nơi khác, cho nên các nhà đầu tư Nhật Bản và nước ngoài rút vốn khỏi xứ hoa anh đào, để mua đô la và euro, ký gửi vào các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu để kiếm lãi nhiều hơn. Một khi có lãi, họ đem euro và đôla đổi trở lại sang đồng yen và do tiền tệ của Nhật bị mất giá, các nhà đầu tư này lại càng lãi nhiều hơn nữa. Đó là hiện tượng đầu cơ carry trade - giao dịch chênh lệch lãi suất. Hiện tượng này càng làm suy yếu đồng yen ».
Trên nguyên tắc một đồng yen mất giá có lợi cho các nhà sản xuất xứ hoa anh đào bởi Nhật Bản là một quốc gia xuất khẩu công nghiệp - đặc biệt là trong lĩnh vực hàng cao cấp, nhưng nguy hiểm đối với đảng cầm quyền trong thời gian gần đây, theo giới sư Monfort, là ở chỗ công luận Nhật « khó thở » vì những tai tiếng tham nhũng.
Hai ẩn số lớn : Trung Quốc và Hoa KỳBất ổn chính trị từ sau cuộc bầu cử lần này càng gây thêm lo ngại cho các doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đây chỉ là một thách thức mới vào lúc mà Nhật Bản bị xem là quốc gia chịu áp lực lớn nhất từ cuộc đọ sức giữa hai nền kinh tế và siêu cường thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuộc tranh hùng giữa Washington và Bắc Kinh khuấy động tình hình tại châu Á Thái Bình Dương với hai điểm nhậy cảm nhất hiện tại là Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Cuối tháng 9/2024 lần đầu tiên một tàu chiến Nhật Bản đi qua eo biển Đài Loan, nơi mà theo thẩm định của hãng tin Mỹ Bloomberg « gần 50 % trong số các tàu chở hàng của thế giới phải đi qua ; 88 % giao thương đường biển cũng phải trung chuyển qua eo biển Đài Loan » vào lúc Bắc Kinh luôn xem việc thống nhất Đài Loan là một mục tiêu phải đạt được.
Đài Loan cũng là nguồn cung cấp chính trên thế giới chip điện tử tân tiến nhất, một tử huyệt của ngành công nghiệp Nhật Bản. Giáo sư Brieuc Monfort nhấn mạnh, hai câu hỏi lớn đang đặt ra tại Tokyo hiện nay là kịch bản nào trong trường hợp Trung Quốc đưa quân xâm chiếm Đài Loan và Mỹ cần bao nhiêu thời gian để can thiệp.
Brieuc Monfort : « Nhật Bản và Trung Quốc là hai nền kinh tế có những mối liên hệ chặt chẽ. Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng hôm mồng 01/10 Shigeru Ishiba đã lập tức điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đôi bên nhấn mạnh đến các mục tiêu tăng cường hợp tác, duy trì ổn định trong khu vực… Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản ; 20 % xuất và nhập của Nhật là để hướng sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra Tokyo còn là bên tham gia Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực -RCEP, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và khối ASEAN… Tầm ảnh hưởng của hiệp định này có thể chỉ giới hạn nhưng điều đó thể hiện quyết tâm của Nhật hội nhập vào mạng lưới thương mại mà ở đó Bắc Kinh cũng hiện diện. Trong điều kiện đó, nếu có xảy ra xung đột thì bên nào cũng sẽ phải trả giá đắt ».
Như phần còn lại trên thế giới, Tokyo cũng rất hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 05/11/2024 khi biết rằng 55.000 lính Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ Nhật Bản và ứng cử viên của bên đảng Cộng Hòa từng đem cả vế an ninh ra để mặc cả với các đồng minh quân sự thân thiết nhất của Washington. Đó là lý do giải thích vì sao, Tokyo không ngừng tăng ngân sách quốc phòng.
Nguy cơ bị tụt hậu, nỗi ám ảnh của NhậtBên cạnh những mối lo ngại vừa nêu, một trong những điểm cơ bản khác nữa là Nhật Bản có nguy cơ bị mất ngôi vị hạng ba kinh tế toàn cầu vì hai lý do : viễn cảnh mất 30 triệu người lao động trong 25 năm sắp tới và bị tụt hậu trong lĩnh vực công nghệ số so với hai đại cường hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Vào lúc mà Trung Quốc đang vươn lên như một cường quốc công nghệ của thế kỷ 21 đủ sức để thách thức Hoa Kỳ thì liệu rằng Nhật Bản vẫn là một ngọn hải đăng trong thế giới công nghệ ? Với 40 % dân số trên 65 tuổi trong tương lai không xa, Nhật Bản liệu có thể tiếp tục dẫn dầu cuộc đua để cho ra đời những phát minh mới hay sẽ bị Mỹ và Trung Quốc đã đành, mà cả Hàn Quốc và Ấn Độ cùng qua mặt ?
Brieuc Monfort : « Nhật Bản bị chậm trễ so với nhiều quốc gia khác trong lĩnh vực phát triển công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, nói như thế cũng hơi bất công, bởi vì tuy không có những công ty khởi nghiệp, không có thung lũng công nghệ Silicon như của Mỹ nhưng Tokyo có một chính sách phát huy những công nghệ mới rất riêng biệt. Hơn thế nữa, Nhật Bản đẩy mạnh một số công nghệ mũi nhọn ít được phổ biến trong đại chúng. Về hiện tượng dân số bị lão hóa, thì đúng là từ nay đến ngưỡng 2050 thị trường lao động Nhật Bản sẽ mất đi thêm khoảng 30 triệu người ; tỷ lệ trên 65 tuổi trong dân số đang từ 30 % sẽ bị đẩy lên tới gần 40 % nhưng cùng lúc các chính quyền liên tiếp đã có một sự chuẩn bị dài hơi và đã có rất nhiều tiến bộ để bù đắp lại nhược điểm này ».
Vị trí nào trong cuộc chiến công nghệ và thương mại Mỹ-Trung ?Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới WIPO, Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia đang dẫn đầu về phát triển trí tuệ nhân tạo, Nhật Bản đứng hạng 4, sau Hàn Quốc và chỉ hơn có Ấn Độ trong nhóm « Top Five ». Bên cạnh đó công nghệ tiên tiến của Nhật Bản lệ thuộc một phần lớn vào chip điện tử do Đài Loan sản xuất, vào kim loại hiếm mà đến nay Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp số 1 trên thế giới, chiếm từ 80 và có khi là đến hơn 95 % thị phần toàn cầu. Như giáo sư Monfort vừa nói 20 % xuất khẩu và nhập khẩu của Nhật Bản tùy thuộc vào một khách hàng duy nhất là Trung Quốc. Năm 2022, chỉ riêng các khoản giao dịch trên mạng internet, khách hàng Trung Quốc mua vào gần 14,5 tỷ đô la hàng made in Japan.
Chiến lược bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan và nhất là cuộc cuộc tranh hùng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự, ngoại giao đến kinh tế và công nghệ là một yếu tố bất lợi cho Nhật. Những yếu tố này góp phần tăng tốc chính sách « tách rời khỏi Trung Quốc » của Tokyo : Sau tập đoàn Mitsubishi Motors đến lượt hãng xe Honda thông báo giảm nhân sự tại các nhà máy ở Hoa Lục.
Năm 2020 rồi 2022 bộ Kinh Tế và Thương Mại, Công Nghiệp Nhật Bản đã có hẳn một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dời cơ sở khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á hay trở về nguyên quán.
Nghịch lý ở đây là dù rất gắn kết và phụ thuộc vào lẫn nhau, quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh thường xuyên căng thẳng vì những hồ sơ thương mại và công nghệ.
Hai tuần trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2024, ứng cử viên của đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ được các doanh nhân Mỹ tín nhiệm hơn ? Bàn thắng có phần nghiêng về phía Donald Trump. Quỹ vận động tranh cử mà giới tài chính ở Wall Street huy động cho ứng viên Cộng Hòa cao gấp đôi so với của bên đảng Dân Chủ.
Trên dưới hơn 50 nhà tỷ phú Mỹ đã tuyên bố ủng hộ Donald Trump, mà ồn ào hơn cả là người giàu nhất thế giới Elon Musk cho dù trong quá khứ Musk và Trump từng mạnh mẽ đả kích nhau trước công chúng.
Trong danh sách những nhà tài phiệt ủng hộ Donald Trump có từ những tên tuổi lớn trong giới ngân hàng, những ông trùm tại thung lũng công nghệ Silicon và giới trong ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ.
Trong danh sách đó có cả những nhà tỷ phú từng rất hào phóng tài trợ cho chương trình tranh cử của nhiều đời tổng thống bên đảng Dân Chủ, từ Bill Clinton, Barack Obama đến Joe Biden và cho phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ chạy đua vào Nhà Trắng là cựu ngoại trưởng kiêm đệ nhất phu nhân, Hillary Clinton hồi 2016, khi bà phải đương đầu với tỷ phú địa ốc New York Donald Trump.
Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos (ngày 06/10/2024) ghi nhận đến nay Wall Street huy động 220 triệu đô la cho ông Trump và con số này cao hơn gấp đôi so với quỹ dành cho ứng viên bên đảng Dân Chủ, bà Kamala Harris.
Trong lần thứ ba ra tranh cử Donald Trump, 78 tuổi, không bị các doanh nhân ủng hộ ông chỉ trích là « già nua » hay là « một mối đe dọa đối với nền dân chủ Hoa Kỳ » (như tài phiệt Bill Ackman về trách nhiệm của Trump khi những người ủng hộ ứng viên đảng Cộng Hòa tràn vào tòa nhà Quốc Hội ở điện Capitol hôm 06/01/2021.
Không thấy nhà tỷ phú mang hai quốc tịch Canada và Mỹ, gốc Sri Lanka, Chamath Palihapitiya đánh đồng Donald Trump với Bernie Sanders, đại diện cho hai cánh cực hữu và cực tả « điên rồ ». Chamath giờ đây khẳng định Trump là một vị « tổng thống có tài, hoàn thành nhiệm vụ rất tốt » trong nhiệm kỳ 4 năm (2016-2020). Một số khác cũng dễ dàng « đổi ý » về ông Trump, mời cựu tổng thống Hoa Kỳ về nhà riêng và tổ chức những bữa tiệc để gây quỹ giúp ông chóng trở lại Nhà Trắng.
John Catsimatidis, 76 tuổi, một người Mỹ gốc Hy Lạp giàu có nhờ hệ thống siêu thị Gristedes đang có tham vọng ra tranh cử tranh chức thị trưởng New York tỏ ra hết sức thực tiễn : « Cộng tác với Donald Trump có nghĩa là có thể mở ra tất cả mọi cánh cửa trong giới doanh nhân ở New York ».
Nhìn chung, có ít nhất ba yếu tố khiến nhiều nhà tỷ phú Mỹ thiên về Donald Trump.
Hứa hẹn giảm thuế doanh nghiệpLý do đầu tiên, ứng viên của đảng Cộng Hòa hứa giảm thuế doanh nghiệp có lợi cho giới chủ. Donald Trump đề nghị hạ thuế doanh nghiệp đang từ 20 % xuống còn 15 % vào lúc đối thủ bên đảng Dân Chủ, bà Kamala Harris đòi đẩy mức thuế này lên 28 % và « đánh thuế nhà giàu ».
Trong nhiệm kỳ Trump, tháng 9/2019, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ « rơi xuống còn 3,5 % và đấy là mức thấp nhất chưa từng thấy từ 50 năm qua ». Sau đó dưới tác động của đại dịch Covid, thất nghiệp ở Hoa Kỳ tăng cao lên trở lại và dao động ở ngưỡng trên dưới 8 %.
Trên sàn chứng khoán Wall Street, trong 4 năm nhiệm kỳ Donald Trump, các chỉ số Dow Jones và S&P500 tăng 50 % riêng chỉ số Nasdaq trong lĩnh vực công nghệ đã tăng lên hơn gấp đôi.
Hứa hẹn về một môi trường tự do « không giới hạn »Theo tiết lộ của hãng tin Bloomberg ứng cử viên Donald Trump đã gặp gỡ không dưới 80 lãnh đạo các chủ doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn với một thông điệp duy nhất : trong trường hợp trở lại cầm quyền, ông « cởi trói » cho các doanh nghiệp. Xóa bỏ những biện pháp quản lý tài chính, chứng khoán mà chính quyền Joe Biden áp đặt với tập đoàn tham gia sàn chứng khoán Wall Street. Trump sẽ mở đường cho giới ngân hàng, cho các quỹ đầu tư « tự do hoạt động trở lại như thời kỳ trước khủng hoảng tài chính 2008 », theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters.
Với các tập đoàn dầu khí, ứng cử viên Donald Trump hứa sẽ « dẹp bỏ » các chuẩn mực về môi trường cũng do « chính quyền Biden đặt ra ».
Điều ngạc nhiên hơn cả là « các ông chủ » ở thung lũng công nghệ Silicon có khuynh hướng ủng hộ ông Trump. Từ trước đến nay, thế giới công nghệ và hành tinh « digital » ở Mỹ có truyền thống ủng hộ đảng Dân Chủ nhưng nay đang chuyển hướng.
Đối với David Sacks một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ internet sáng lập viên quỹ đầu tư có mức độ rủi ro cao Craft Ventures ông ủng hộ Trump do thất vọng về chính sách kinh tế của chính quyền Biden mà ứng viên tổng thống Kamala Harris là một sự tiếp nối.
« Hiện tại mọi việc đang tiến triển rất tốt, rất thuận lợi cho Donald Trump và chúng tôi sẽ còn tích cực vận động cho ông hơn nữa (...) Công nghệ mới muốn có khả năng sáng tạo để đem lại những kỹ thuật mới, nhưng chính quyền Biden lại rất chống đối xu hướng này. Họ phản đối kịch liệt những tiến bộ trong lĩnh vực tiền crypto. Chính phủ này đã tìm cách giám sát quá mức nghiêm ngặt các hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Về cơ bản họ chủ trương loại bỏ các thương vụ cho phép một doanh nghiệp mua lại hay sáp nhập với một công ty khác ».
Trừng phạt chính sách kinh tế tệ hại của BidenMột nhà quan sát Mỹ ghi nhận : Bốn năm qua chính quyền Biden đã phạm phải nhiều sai lầm trong mắt các nhà tài phiệt ở quốc gia tự do nhất trên thế giới. Đảng Dân Chủ muốn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và giới làm công ăn lương, nên đã mở rộng vai trò cho các cơ quan giám sát tài chính, chứng khoán của ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ... và thậm chí là cả bộ Tư Pháp. Tổng thống Biden chủ trương thu hẹp tầm hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, thanh tra các doanh nghiệp lạm dụng quyền lực sa thải nhân viên, đòi giới chủ tăng lương cho người lao động và muốn chấm dứt thế độc quyền của một vài tập đoàn digital.
Omeed Malik sáng lập viên kiêm chủ tịch tổng giám đốc quỹ tài chính Farvahar Partner giải thích thêm :
« Một trong những lý do khác nữa, rất rõ ràng là môi trường với những biện pháp quản lý chặt chẽ nào là SEC - Ủy Ban Chứng Khoán và Hối Đoái, hay FTC tức là Ủy Ban Thương Mại Liên Bang Hoa Kỳ chống cạnh tranh… Tất cả các cơ quan giám sát đó chẳng những càng lúc càng khắt khe mà hoàn toàn không chủ dừng lại ở chỗ điều tiết các thương vụ M&A – mua bán hay sắp nhập các doanh nghiệp hay các hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử crypto ».
Tập đoàn Live Nation độc quyền thao túng thị trường mua bán vé xem hát và các chương trình giải trí tại Mỹ chẳng hạn đã trong tầm ngắm của bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland :
« Chúng tôi cáo buộc tập đoàn Live Nation độc quyền thống lĩnh thị trường phân phối vé hát trên toàn nước Mỹ. Hiện tượng này đã kéo dài quá lâu và đã đến lúc cần chấm dứt ».
Băng đảng Mafia PayPalNhưng trong số các nhà tài phiệt Mỹ ủng hộ ứng viên đảng Cộng Hòa, Elon Musk chủ nhân của Space X, của hãng xe điện Tesla và của mạng xã hội X, năng động nhất.
Hai tháng trước bầu cử tổng thống Mỹ, Donald Trump tuyên bố đếu đắc cử ông sẽ mời Elon Musk làm cố vấn để vực dậy kinh tế Mỹ, một nền kinh tế đang « đắm chìm trong khủng hoảng, suy đồi »
Cũng Donald Trump xem rằng, Elon Musk sau khi thâu tóm mạng xã hội Twitter cuối 2022 đã sa thải 75 % nhân sự chỉ giữ lại những người chấp nhận « luật chơi mới » và đấy là một tấm gương để đem lại hào quang cho Make America Great Again.
« Dân chủ và tư bản », hai khái niệm « đối chọi » với nhauThêm một lý do sau cũng được nhà xã hội học Pháp Olivier Alexandre thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia CNRS ghi nhận : « một số tỷ phú Mỹ đang có khuynh hướng muốn thiết lập một trận tự kinh tế mới ».
Peter Thiel cha đẻ của tập đoàn Palantir trong lĩnh vực thông tin và tin học viết sách chung với David Sacks quảng bá ý tưởng rằng « tư bản và dân chủ » là những khái niệm không thể song hành.
Elon Musk, Peter Thiel và David Sacks là ba cột trụ đã cho ra đời hệ thống thanh toán trên mạng PayPal và từ đó họ đã đặt nền móng cho khối tài sản bạc tỷ khổng lồ trước khi mỗi người tìm cho mình một hướng đi riêng. Nhưng Thiel, Musk và Sacks vẫn rất gắn bó với nhau. Họ mở rộng câu lạc bộ đến nhiều thành viên mới, một cộng đồng mà giới phân tích gọi là « băng đảng Mafia PayPal » bởi trong vỏn vẹn 2 thập niên nhóm này đã bành trướng và làm bá chủ trong thung lũng công nghệ California. Chính băng đảng Mafia PayPal đã áp đặt J.D Vance đứng liên danh với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Mark Chapkin, người viết tiểu sử về Peter Thiel thậm chí mệnh danh J.D Vance là « cánh tay nối dài » của Thiel.
Thiel đã « đầu tư 35 triệu đô la để xây bệ phóng chính trị cho hai nhân vật thân tín là J.D Vance và Blake Master » nhưng đến nay chỉ có ông Vance là đã thành công, đắc cử thượng nghị sĩ bang Ohio năm 2022.
Năm 2022 Steve Banon, chiến lược gia và cũng là người đã có công đưa Donald Trump và Nhà Trắng từng quả quyết Peter Thiel là người thực sự muốn « thay đổi hẳn hướng đi » của Hoa Kỳ.
Jimmy Soni, tác giả cuốn sách mang tựa đề The Founders, nói về ba ông trùm của băng đảng Mafia PayPal viết : Elon Musk, Peter Thiel và David Sacks, « ba gã khổng lồ ở thung lũng công nghệ Sillicon » đã « lập ra một mạng lưới quyền lực nhất, và thịnh vượng chưa từng có », họ không chỉ thống lĩnh vùng Silicon Valley mà còn muốn áp đặt cả luật chơi với Hoa Kỳ.
Đối với mạng lưới này, Donald Trump đắc cử hay không sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 05/11/2024 tuy quan trọng nhưng không là tất cả. Điều quan trọng hơn nữa là « một sự sắp xếp về nhân sự sau Donald Trump » mà phần nào họ đang đánh cược vào thượng nghị sĩ bang Ohio, J.D Vance.
Crystal McKellar, một nhà đầu tư nặng ký ở Silicon Valley trông thấy ở ứng cử viên phó tổng thống này « một nhà tư bản chân chính và trung thành với thị trường tự do, ông tin tưởng vào tăng trưởng, vào sức mạnh của mọi khám phá về kỹ thuật, vào việc xóa bỏ mọi trở ngại đè nén tăng trưởng và thịnh vượng ».
Bơm thêm gần 500 tỷ đô la trong chưa đầy ba tuần lễ để « hỗ trợ thị trường tài chính và bất động sản, kích cầu » : Bắc Kinh tự giăng bẫy nợ và lừa gạt các cổ đông ? Giới đầu tư cho rằng tình trạng kinh tế của Trung Quốc « có thể tệ đến nỗi » chính quyền phải « cấp tốc can thiệp », nhưng các biện pháp đề ra lại kém thuyết phục, chưa đủ đề trấn an.
Theo bà Isabelle Feng, Trung Tâm Perelman, Đại học Tự Do Bruxelles và Asia Centre Paris, để giữ được mục tiêu tăng trưởng và đem lại một làn sinh khí mới cho kinh tế, Trung Quốc cần thuyết phục tư nhân huy động một phần 40.000 tỷ đô la đang ngủ yên trong các quỹ tiết kiệm.
Hai gó kích cầu 1.000 và 2.300 tỷ nhân dân tệ vẫn thiếu sức thuyết phụcTrong ba tuần, từ ngày 24/09 đến 12/10 chính quyền Trung Quốc ba đợt thông báo các biện pháp « hỗ trợ kinh tế ». « Tiếp sức cho các thị trường chứng khoán, vực dậy ngành địa ốc, giảm gánh nặng nợ nần cho các chính quyền địa phương, tăng vốn hòng nới lỏng khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng nhà nước » là ba mục tiêu đã được từ thống đốc Ngân Hàng Trung Ương đến bộ trưởng Tài Chính Trung Quốc lập đi lập lại trong các cuộc họp báo. Bắc Kinh báo trước sẽ công bố nay mai về vế thứ tư để thúc đẩy kinh tế đó là trực tiếp hỗ trợ « một số đối tượng trong xã hội cần được giúp đỡ ».
Trả lời ban Việt ngữ RFI chuyên gia về luật và tài chính Isabelle Feng, thuộc trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Tự Do Bruxelles-Bỉ và Asia Centre ở Paris nhấn mạnh đến một chi tiết quan trọng trong « kế hoạch kích cầu » 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương với khoảng 140 tỷ đô la được Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc loan báo.
Isabelle Feng : « Hôm 24 tháng 9 vừa qua, thống đốc Ngân Hàng Nhân Dân và lãnh đạo cơ quan điều tiết thị trường chứng khoán và tài chính Trung Quốc thông báo biện pháp 500 tỷ nhân dân tệ (gần 70 tỷ đô la Mỹ) hỗ trợ thị trường chứng khoán và số tiền này nằm trong gói kích cầu –stimulus 1.000 tỷ nhân dân tệ. Bắc Kinh nói đến một kế hoạch kích cầu nhưng phần lớn số tiền ấy là để tiếp sức cho các sàn chứng khoán ».
Trung Quốc đã sử dụng tất cả các công cụ tài chính ?Cũng trong cuộc họp báo hôm 24/09 Bắc Kinh cho biết huy động nhiều công cụ tiền tệ để duy trì mục tiêu GDP tăng trưởng 5 % trong năm nay. Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Phan Công Thắng kết hợp các chính sách giảm lãi suất chỉ đạo, giảm lãi suất tín dụng địa ốc, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các ngân hàng dễ dàng cấp tín dụng nhiều hơn cho các doanh nghiệp và tư nhân. Cùng lúc các giới chức tài chính Trung Quốc loan báo kể từ ngày 25/10/2024 khi đi mua nhà thân chủ chì cần chứng minh tối thiểu có vốn tương đương với 15 % căn hộ thay vì 25 % như trước đây.
Biện pháp này trực tiếp nhằm thúc đẩy thị trường địa ốc Trung Quốc. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc khẳng định các biện pháp này cho phép bơm thêm « 19 tỷ đô la Mỹ vào cho 50 triệu hộ gia đình, tác động trực tiếp đến đời sống của 150 triệu người dân Trung Quốc » như chính ông Phan Công Thắng, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã ghi nhận.
Câu hỏi kế tiếp lài tại sao Trung Quốc lại muốn cứu thị trường địa ốc và tiêu thụ nội địa bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ thay vì huy động trực tiếp ngân sách của nhà nước ?
Đánh lừa cổ đông để huy động vốn cho doanh nghiệpTheo Isabelle Feng, Bắc Kinh muốn hỗ trợ các cổ đông trước đã, do chứng khoán Trung Quốc đã đánh mất 6.000 tỷ đô la trong giai đoạn 2021-2023. Năm ngoái chỉ có cổ đông thua lỗ rong lúc chỉ số chứng khoán ở khắp mọi nơi đều tăng rất mạnh. Điều này khiến Trung Quốc dành đến 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ đô la) trong giai đoạn đầu để thổi thêm sinh khí cho thị trường
Isabelle Feng : « Kế hoạch này cho phép các doanh nghiệp, các cơ quan môi giới, hay quỹ đầu tư thế chấp tài sản của mình để mua công trái phiếu và tín phiếu… qua đó, tự đẩy giá cổ phiếu của mình đang niêm yết trên các sàn chứng khoán lên cao. Biện pháp này vừa nhằm khiến các thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn ».
Bằng chứng cụ thể là trong « tuần lễ vàng » từ 01- 07/10/2024 chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải, Hồng Kông và Thâm Quyến tăng mạnh, tăng gần 8% trong một thời gian rất ngắn. Nhưng để rồi lại tuột dốc mạnh trong phiên giao dịch hôm Thứ Ba 08/10/2024 (-9 %) khi thị trường tài chính, ngân hàng và công sở làm việc trở lại sau một tuần lễ nghỉ phép.
Chuyên gia về luật và tài chính của trung tâm nghiên cứu Perelman và Asia Centre giải thích : Bắc Kinh chọn thời điểm trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh để công bố chính sách « kích cầu » gần 500 tỷ đô la, cho phép các công ty mua cổ phiếu của chính mình, qua đó một cách giả tạo, thổi phồng giá cổ phiếu lên cao. Cổ đông tư nhân háo hức muốn được hưởng lợi khi thấy chỉ số chứng khoánn đột ngột tăng nhanh trong vài ngày và đã ồ ạt đăng ký tham gia. Nhưng cùng lúc, các cổ đông lớn lợi dụng thời cơ bán bớt cổ phiếu để thu về tiền mặt. Điều này giải thích vì sao các trong phiên giao dịch từ ngày 8 đến 10/10 các thị trường ở Hồng Kong, Thượng Hải lao đao.
Chứng khoán Trung Quốc hay một canh bạc đầy rủi roChính vì thế mà giới trong ngành quan niệm mua chứng khoán ở Trung Quốc còn nguy hiểm hơn « đánh bạc ».
Isabelle Feng : « Thị trường chứng khoán của Trung Quốc khác với châu Âu hay của Mỹ ở chỗ là chỉ số chứng khoán không trồi sụt tùy theo những thành quả kinh tế thực sự. Tại các thị trường tự do, giá cổ phiếu tăng khi một tập đoàn thịnh vượng. Trái lại ở Trung Quốc, ngay từ 2001 một kinh tế gia nổi tiếng đã ví von chơi chứng khoán ở Trung Quốc còn nguy hiểm hơn là đánh bạc, bởi Nhà nước mới là bên nắm giữ các công cụ để định hướng thị trường (...). Lần này theo dõi tình hình, chúng tôi thấy Bắc Kinh muốn tiếp sức cho thị trường chứng khoán. Cổ phiếu có tăng giá thì cổ đông mới phấn khởi hơn để chịu mua sắm và nhất là mua nhà. Trung Quốc muốn cứu nguy thị trường bất động sản bằng cách đó và khởi động lại tăng trưởng vốn bị đóng băng từ sau đại dịch Covid ».
Giải phóng 40.000 tỷ đô la trong các quỹ tiết kiệmVấn đề đặt ra là dân Trung Quốc khi có tiền họ đầu tư vào địa ốc, mua cổ phiếu và để dành trong các quỹ tiết kiệm. Khi mà cả thị trường nhà đất lẫn chứng khoán của Trung Quốc đều đang sụp đổ, tư nhân chỉ còn biết ủy thác tiết kiệm cho các ngân hàng.
Thống kê của Trung Quốc năm 2023 báo động khối lượng tiền ủy thác vào quỹ tiết kiệm tại các ngân hàng tăng hơn 15 %. Chỉ một mình Ngân Hàng Nông Nghiệp Trung Quốc năm ngoái thu vào hơn 25.000 tỷ nhân dân tệ. Khoản tiền này lớn hơn gấp 10 so với gói « kích cầu thứ nhì » được bộ trưởng Tài Chính Lam Phật An công bố hôm Thứ Bảy 12/10 vừa qua. Chính vì vậy các kế hoạch hỗ trợ kinh tế được Bắc Kinh công bố gần đây đồng loạt bị đánh giá là « quá khiêm tốn »
Isabelle Feng : « Số tiền đó là chưa đủ, hiểu theo nghĩa từ khi rơi vào khủng hoảng, 18.000 tỷ đô la đã bị bốc hơi, theo thẩm định của ngân hàng Anh, Barclays. Đó là một gánh nặng đối với các hộ gia đình Trung Quốc. Tính trung bình mỗi hộ bị mất khoảng 60.000 đô la. Đó là một số tiền lớn lắm. Khi mà nhà đất mất giá, các hộ gia đình thấy tài sản của họ bị thất thoát. Thành thử tôi không nghĩ rằng các biện pháp kích cầu vào trăm tỷ đô la lần này đủ thuyết phục dân chúng Trung Quốc tự tin để lại đi mua nhà ».
Điều này giải thích vì sao trong những ngày đầu tuần chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông giảm giá (-3%). Giá dầu trên thế giới cũng giảm do không mấy ai chờ đợi kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại, đẩy tiêu thụ dầu trên thị trường lên cao cho dù nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông có thể đe dọa những giếng dầu của Iran.
Trung Quốc tự đẩy nợ của mình lên caoIsabelle Feng, trung tâm Perelman và Asia Centre, không mấy hy vọng tính toán của Bắc Kinh muốn vực dậy thị trường bất động sản –chiếm đến gần 30 % GDP của các nước, bằng cách tạo một sự hứng khởi giả tạo trên các sàn chứng khoán.
Isabelle Feng : « Tôi không thấy là chính quyền có thể làm gì hơn được nữa : Trung Quốc đã hạ lại suất chỉ đạo của ngân hàng, đã giảm mức vốn tối thiểu một thân chủ cần có khi đi mua nhà, nới rộng khả năng của các ngân hàng để cấp tín dụng… Các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Đông, Thâm Quyến … đã dỡ bỏ hết những rào cản hành chính để chiêu dụ khách hàng mua bất động sản. Vậy mà thị trường bất động sản ở những thành phố lớn này vẫn chết lịm ».
Nguy hiểm càng lớn hơn khi mà ba mũi tên chính đã được Bắc Kinh công bố để đem lại tăng trưởng, các gói « kích cầu » 1.000 tỷ nhân dân tệ, rồi 2.300 tỷ, tương đương với 500 tỷ đô la, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ nhì thế giới vào cảnh nợ nần chồng chất còn nghiêm trọng hơn nữa trong lúc người dân không đủ tin vào tương lai để lại mua sắm và nhất là để đầu tư trở lại vào địa ốc.
Isabelle Feng : « Vấn đề của Trung Quốc là người dân như con chim phải đạn, họ không dám tiêu thụ nữa. Người ta mất niềm tin. Dân Trung Quốc nổi tiếng là lo xa nên gửi tiền tiết kiệm rất nhiều. Hiện tại, khoảng 40.000 tỷ đô la Mỹ đang được ký gởi trong các ngân hàng. Thành thử nếu không giải phóng được số tiền đó – hay một phần số tiền đó để khuyến khích tiêu thụ thì Trung Quốc khó mà khởi động lại được cỗ máy kinh tế. Yếu tố chính trị mới là gốc rễ của vấn đề »
Teheran và Washington cùng theo đuổi một giấc mơ : tránh được một cuộc khủng hoảng dầu hỏa. Trong một tuần lễ, giá dầu trên thế giới tăng thêm 9 % trước nguy cơ Trung Đông bị đẩy vào chiến tranh. Trước mắt Teheran không dám chận eo biển Ormuz nơi 30 % dầu khí Trung Đông đi qua. Washington thừa biết trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Israel tấn công nhà máy dầu của Iran làm tiêu tan mọi hy vọng đắc cử của Kamala Harris, ứng viên đảng Dân Chủ.
Iran là một trong ba giếng dầu lớn nhất trên thế giới và cho dù từ 2018 dầu hỏa Iran bị Hoa Kỳ mạnh tay trừng phạt, năm 2023 mỗi ngày Teheran vẫn sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu, (chiếm 3 % sản lượng của thế giới). Một nửa trong số đó là để phục vụ thị trường nội địa, với 86 triệu dân. Nửa còn lại là để xuất khẩu. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua dầu hỏa của Iran.
Sự kiện Teheran bắn 200 tên lửa sang lãnh thổ Israel trong đêm 01/10/2024 bắt buộc Nhà Nước Do Thái phải trả đũa với khả năng các cơ sở dầu hỏa của Iran có thể là mục tiêu tấn công, bởi dầu khí chiếm 41 % kim ngạch xuất khẩu của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Dù vậy kịch bản hai nước thù nghịch trong khu vực là Iran và Israel lao vào một cuộc chiến đã không làm dấy lên một cơn « sốt dầu hỏa » trong những ngày tiếp theo đó.
Mỹ muốn tránh « một cơn sốt dầu »Phải đợi đến khi từ Washington tổng thống Biden cho biết « đang thảo luận về khả năng Israel đánh vào các nhà máy dầu » của Iran, giá dầu mới tăng thêm 7 % trong phiên giao dịch hôm 03/10/2024. Chưa đầy 24 giờ sau, chủ nhân Nhà Trắng cải chính rằng để trả đũa Iran, « Israel có nhiều phương án khác ngoài việc nhắm vào các cơ sở năng lượng » của đối phương. Trong phiên giao dịch ngày 07/10/2024 giá dầu trên thế giới vượt ngưỡng 80 đô la một thùng -thấp hơn 130 đô la/thùng khi Nga đánh Ukraina hồi tháng 2/2022.
Giới trong ngành nói đến hiện tượng « thị trường dầu hỏa thế giới thêm căng » nhưng đồng loạt cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, không thể coi đây là một cuộc khủng hoảng dầu lửa như kịch bản từng xảy ra hồi thập niên 1970.
Giám đốc tạp chí đầu tư Investir của Pháp, François Monnier trên đài phát thanh tư nhân Radio Classique giải thích :
« Giá dầu hỏa đã được nhân lên gấp 4 lần khi nổ ra chiến tranh Kippour (năm 1973). Dưới tác động cuộc Cách Mạng Hồi Giáo Iran năm 1979 giá dầu nhân lên gấp đôi. Hiện tại dầu hỏa được cho là vẫn ổn định cho dù có tăng thêm 7 % trong tuần qua. Nhiều lý do giải thích khách biệt so với hồi thập niên 1970 : một là giới trong ngành không tin rằng thế giới rơi vào cảnh khan hiếm dầu. Bản thân Ả Rập Xê Út chủ trương giảm bớt lượng sản xuất vì không tin rằng chiến tranh leo thang tại Trung Đông. Hai là ngay cả trong trường hợp tình hình ở Trung Đông có xấu đi thì đừng quên rằng thế giới có thể trông cậy vào dầu đá phiến của Mỹ. Trong một chục năm, thị phần dầu hỏa của Hoa Kỳ trên thế giới đang từ 10 % tăng vọt lên thành 20 %. Dầu hỏa của Mỹ giảm thiểu vai trò và ảnh hưởng của khối OPEC. Sau cùng kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm khiến mức cung cao hơn mức cầu ».
Trên đài phát thanh Canada- Ottawa, chuyên gia về năng lượng Ivan Cliche, đại học Montréal cho rằng, bầu cử tổng thống Mỹ mới là yếu tố quyết định đối với thị trường dầu hỏa thế giới hiện nay :
« Phản ứng của thị trường trong tình trạng bất an. Hoa Kỳ sắp bầu lại tổng thống. Mọi người đều biết là luôn có một mối liên hệ giữa giá xăng dầu tại Mỹ với tỷ lệ được lòng dân của ứng cử viên tổng thống trong chính quyền mãn nhiệm. Nếu giá dầu tăng mạnh, điều đó không tốt cho ứng viên bên đảng Dân Chủ là bà Kamala Harris. Tuy nhiên có hai yếu tố cần theo dõi chặt chẽ : một là liệu Israel có tấn công vào các nhà máy dầu của Iran hay không. Năng lượng bảo đảm gần 50 % thu nhập cho Iran. Đánh vào dầu hỏa và khí đốt của nước này có nghĩa là trực tiếp tấn công vào kinh tế và qua đó làm suy yếu Iran. Điểm thứ hai là thị trường đang hồi hộp chờ đợi xem rằng Teheran có đóng cửa eo biển Ormuz hay không. Đây là nơi từ 15 đến 20 % sản xuất dầu hỏa trên thế giới phải đi qua. Trong hai trường hợp này, tình hình sẽ thực sự trở nên phức tạp ».
Trả lời báo Le Monde, chuyên gia về Iran, Thierry Coville, thuộc Viện Quan Hệ Chiến Lược của Pháp IRIS cho rằng, Teheran sẽ « chỉ đóng cửa eo biển Ormuz trong trường hợp bất khả kháng, vì biện pháp này sẽ có nhiều hậu quả tai hại với bản thân Iran » : Vịnh Ba Tư là một trong những cửa ngõ quan trọng của giao thương quốc tế, và là ngả duy nhất đưa năng lượng của Ả Rập Xê Út, Irak, Iran và cả Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cũng như Kowei ra thế giới bên ngoài. Ngay cả trong chiến tranh Iran-Iran thập niên 1980 eo biển Ormuz vẫn là vùng « bất khả xâm phạm ».
Giới hạn từ chính sách cấm vận dầu IranTheo thống kê của tổ chức OPEC, khối các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa, mà Iran là một trong số các sáng lập viên, năm 2023 nhờ xuất khẩu dầu hỏa, Teheran thu về 41 tỷ đô la. Cũng Iran năm ngoái thông báo đầu tư 18 tỷ đô la nhằm « nâng cao khả năng sản xuất » tại 6 giếng dầu ở các khu vực miền nam và tây nam. Iran đề ra mục tiêu « cung cấp thêm đến gần 400.000 thùng dầu một ngày ».
Vậy Mỹ và Israel có thể siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào xuất khẩu dầu hỏa của Iran để cô lập thêm chế độ của giáo chủ Khamenei hay không ? Đầu tháng 2/2024 chính quyền biden đã ban hành thêm một loạt các biện pháp « trừng phạt kinh tế » nhắm vào Iran với lý do Teheran vi phạm lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, « rửa tiền và bán dầu hỏa cho một số đối tác có liên hệ với Trung Quốc, Nga và Syria (…) chủ yếu là để tài trợ lực lượng đặc nhiêm Quds của Iran ». Giáo sư Ivan Cliche, đại học Montréal không tin rằng trừng phạt và cấm vận dầu hỏa Iran là những công cụ thích hợp nhất :
« Ban hành thêm lệnh cấm vận Iran vẫn là một công cụ Mỹ có thể sử dụng, nhưng rõ ràng là biện pháp này dù đã được áp dụng từ nhiều năm nay nhưng không đem lại hiệu quả mong muốn. Điểm chính ở đây là thị trường dầu hỏa thế giới đang trong tình trạng sản xuất dư thừa. Cung cao hơn cầu. Do vậy các thành viên trong khối OPEC muốn áp đặt quota để giữ giá ở quãng từ 80 đến 90 đô la một thùng dầu. Ngoài ra, nhiều nước sản xuất và xuất khẩu không thuộc khối OPEC -như là Mỹ cũng có khả năng cung cấp thêm dầu cho thế giới. Nói cách khác, về trung hạn, thị trường dầu hỏa thế giới không lo thiếu dầu. Ả Rập Xê Út có thể sản xuất thêm từ một đến một triệu rưỡi thùng dầu mỗi ngày để lấp vào chỗ trống. Nhưng trong những tháng sắp tới, giá cả trên thị trường còn tùy thuộc vào lượng dầu tiêu thụ mỗi ngày. Nếu cứ như hiện tại và không có điều bất ngờ xảy ra, thì tôi nghĩ là thị trường sẽ khá ổn định trong những tháng tới ».
Cũng trên đài phát thanh Canada, giáo sư quan hệ quốc tế Miloud Chennoufi, học viện quân sự Canada đưa ra một giải thích mang tính chính trị cho thấy Hoa Kỳ hoàn toàn không mặn mà trước khả năng Israel đánh mạnh vào tử huyệt của Iran là xăng dầu, với hy vọng lật độ chế độ trong tay giáo chủ Khamenei, cho dù đây là giấc mơ mà Benjamin Netanyahu đã ấp ủ để cố giữ chiếc ghế thủ tướng Israel :
« Có khả năng là Israel sẽ đáp trả bằng các biện pháp quân sự. Ngoài ra, đến nay các biện pháp trừng phạt Iran đã khá khắt khe. Siết chặt thêm trừng phạt thì sẽ bóp ngạt kinh tế của nước này và càng cô lập chế độ Teheran. Nhưng tình hình hiện tại đã rất nghiêm trọng. Sẽ nghiêm trọng hơn nữa nếu Israel và Teheran tuyên chiến và rất có thể là Mỹ sẽ can thiệp. Tuy nhiên Hoa Kỳ căn cứ vào một số yếu tố để xử lý hồ sơ Trung Đông. Kinh tế là một trong số những yếu tố đó. Tôi không nghĩ rằng tất cả mọi người chấp nhận để cho giá dầu hỏa tăng vọt tức là chấp nhận khả năng eo biển Ormuz bị đóng cửa hay giao thương bị gián đoạn ở Hồng Hải và kênh đào Suez do tác động của phe Houthi hồi giáo Yemen. Nói cách khác, nếu có chiến tranh với Iran, thì vế kinh tế sẽ trở thành một vấn đề khó giải quyết đối với Mỹ. Thêm vào đó nếu như Israel can thiệp vào Iran với mục tiêu lật đổ chế độ, thì điều đó làm gợi lại kinh nghiệm của Hoa Kỳ với Irak và đó là điều không hay bởi vì Mỹ cũng đã từng hứa hẹn xây dựng một chế độ mới cho người dân Irak và để rồi đã bị sa lầy tại quốc gia này ».
Đầu tháng 2/2024 chính quyền Biden đã ban hành thêm một loạt các biện pháp « trừng phạt kinh tế » nhắm vào Iran với lý do Teheran vi phạm lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, « rửa tiền và bán dầu hỏa cho một số đối tác có liên hệ với Trung Quốc, Nga và Syria (…) chủ yếu là để tài trợ lực lượng đặc nhiêm Quds của Iran ».
Jean Christophe Caffet, kinh tế trưởng cơ quan bảo hiểm ngoại thương của Pháp COFACE ghi nhận : Nga là bên duy nhất có lợi trong trường hợp eo biểu Ormuz bị đóng cửa, bởi đây là kịch bản duy nhất đẩy giá dầu lên cao và điều đó có lợi cho Matxcơva đang cần tài trợ chiến tranh Ukraina. Nhưng « ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông khá hạn chế ».
Hơn một năm sau loạt khủng bố 7/10 trên lãnh thổ Israel, khủng hoảng ở Trung Đông đang lan rộng. Israel phong tỏa rồi oanh kích Gaza, mở thêm mặt trận tại Liban nhắm vào lực lượng vũ trang Hezbollah được Teheran yểm trợ. Cũng Israel tiêu diệt thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas khi Ismael Haniyeh khi ông này đang có mặt tại thủ đô Teheran và là khách mời của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Iran Massoud Pezeshkian hồi tháng 7/2024. Trong nửa năm, Iran đã hai lần trực tiếp tấn công Israel nhưng theo giới phân tích, Washington đang nắm giữ một phần chìa khóa để trả lời câu hỏi Trung Đông có bị đẩy vào chiến tranh hay không.
Điều may mắn hơn cả trước mắt là ở thời điểm này, cả Iran lẫn Hoa Kỳ cùng muốn tránh một « cuộc chiến » Iran-Israel : Teheran biết tiềm năng quân sự không đủ để đối chọi với Nhà nước Do Thái và không chắc là chế độ có thể tồn tại nếu phải lao vào chiến tranh. Ở góc đài bên kia, Israel muốn « giải quyết dứt điểm » mối đe dọa Iran, một quốc gia được cho là « sắp » có vũ khí nguyên tử. Nhưng Israel không thể tấn công Iran nếu không có vũ khí của Hoa Kỳ.
Ngót một tháng trước bầu cử tổng thống Mỹ chính quyền Biden bằng mọi giá cần khống chế đồng minh Netanyahu tránh đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông. Nếu thất bại và để nổ ra một cuộc khủng hoảng về dầu hỏa, giá dầu tăng gấp đôi, gấp ba so với hiện tại, thì coi như Joe Biden trả lại chìa khóa Nhà Trắng cho ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump.
Hơn bao giờ hết, Teheran đang kỳ vọng nhiều vào Washington.
Làm thế nào để thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp Pháp và quốc tế về các vùng ngoại ô « nhạy cảm » ? Đó là mục đích Diễn Đàn Kinh Tế FEB đầu tiên tổ chức ngày 17 và 18/09/2024 tại quận 16 Paris, Pháp. Trong 5 năm liên tiếp, trong khối Liên Âu, Pháp là nước thu hút nhiều nhất đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo báo cáo của cơ quan Ernest&Young công bố đầu tháng 5/2024, nhưng chỉ có 5 % các dự án hướng về các vùng ngoại ô kém phát triển.
Theo Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE tính đến cuối 2023 trên toàn quốc có 5,4 triệu dân, tương đương với 8 % dân số, sống tại hơn 1.500 khu thuộc « Những khu vực ưu tiên trong chính sách phát triển thành phố -quartier prioritaire de la politique de la ville QPV».
Đây là những nơi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn từ 2 đến 3 lần so với mức trung bình trên toàn quốc ; gần 25 % giới trẻ từ 16 đến 25 tuổi bỏ học và không có việc làm ; 44 % sống dưới ngưỡng nghèo khó và một nửa có thu nhập thấp hơn so với mức lương tối thiểu ở Pháp.
Đài Quan Sát Quốc Gia về Chính Sách Phát Triển Thành Phố -OPV ghi nhận, hơn 70 % dân cư tại ở những QPV là công nhân và tầng lớp thợ thuyền ; gần 22 % là người nhập cư và để so sánh thì trên toàn quốc, trung bình người nhập cư chiếm 12,9 % dân số. Đây cũng là nơi, tập trung nhiều gia đình một mẹ, đông con.
Vùng Seine – Saint Denis, ngoại ô phía bắc Paris, là nơi tập trung 25 % các khu cần ưu tiên phát triển, mà ngôn ngữ thông thường hay gọi là các vùng « ngoại ô thuộc diện nóng » với nhiều vấn đề : « hai phần ba sống trong các khu nhà do xã hội trợ cấp, dân chúng tại đây khó hội nhập vào thị trường lao động và 1 người trên 5 thất nghiệp, 68 % là công nhân thợ thuyền và phần lớn trong số ấy dù có việc làm vẫn mang nợ chồng chất ».
Trở ngại thứ nhì đối với những khu vực nhạy cảm này là hình ảnh những khu phố « mất an ninh ». Trong quá khứ, Pháp trải qua nhiều cuộc « khủng hoảng ở các vùng ngoại ô » như hồi 2005 hay gần đây nhất là năm 2023 khi một số các ngoại ô nghèo « bốc cháy », thanh niên đốt phá trường học, siêu thị, ngân hàng hay cơ quan môi giới tìm việc làm cho người thất nghiệp… Những hình ảnh đó càng tạo nên thành kiến không tốt đẹp về những vùng cần tạo công việc làm cho thanh niên, cần mở thêm trường học, mở thêm phòng khám bệnh, mở thêm những nơi sinh hoạt cho giới trẻ.
Thay đổi cách nhìn về những QPVDo vậy sáng lập viên của Diễn Đàn Kinh Tế FEB ông Azis Senni đề ra mục tiêu làm thay đổi cách nhìn của các doanh nhân về những vùng ngoại ô nhậy cảm. Là cột trụ trong bản tổ chức mời gần 100 lãnh đạo các tập đoàn đủ cỡ và các chính khách cấp vùng, cấp quốc gia đến tham dự sự kiện, Aziz Senni nhấn mạnh : trên 1.580 QPV không chỉ là một gánh nặng về mặt xã hội hay kinh tế như mọi người lầm tưởng mà đây còn là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng, bảo đảm 75 tỷ euro doanh thu một năm, nơi đến nay đã mở rộng cửa đón nhận 250.000 công ty.
« Mục tiêu của diễn đàn FEB nhằm trả lời câu hỏi chúng ta có thể làm được những gì cho các vùng ngoại ô nghèo và mất an ninh về mặt kinh tế. Trong ba thập niên, nước Pháp đã có những chính sách cải thiện an ninh, mở mang đô thị và đầu tư vào mặt xã hội để cải thiện bộ mặt của các khu vực này, nhưng chưa thực sự có hẳn một chính sách kinh tế để giúp các vùng ngoại ô kém phát triển trở thành những điểm thu hút đầu tư, những vùng năng động có tính thuyết phục cao với các doanh nghiệp Pháp, và nước ngoài (…) Pháp đã có hẳn chương trình Choose France : Pháp là một trong những điểm thu hút đầu tư quốc tế lớn nhất thế giới, nhưng chỉ có 5 % trong số đó đổ về các vùng ngoại ô 'nóng'. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn rằng các vùng ngoại ô còn kém phát triển phải được hội nhập tốt hơn nữa vào trào lưu này ».
Trong số các khách mời của diễn đàn kinh tế FEB Paris lần này có nhiều bộ trưởng, chủ tịch cấp vùng, cấp tỉnh, thị trưởng đặc trách về chính sách phát triển thành phố, về công tác đào tạo hay phụ trách các tổ chức hội đoàn dẫn dắt thanh niên ở các khu vực kém phát triển. Nhưng đông đảo hơn hết là sự hiện diện của các doanh nhân. Trong số này có những người đã rất nổi tiếng, điều hành những đại tập đoàn hàng chục tỷ euro doanh thu như tỷ phú Xavier Niel trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện thoại và internet, hay giám đốc điều hành chi nhánh của Google tại Châu Âu Jalil Chikhi ...
Về phía các tiểu doanh nghiệp, có và nhiều chủ công ty vừa và nhỏ như chủ nhân Fullsoon, một công ty gia đình mới chào đời cách nay 2 năm, mang trí tuệ nhân tạo vào phục vụ cho các chủ nhà hàng, hay như trường hợp của Adil Bouatasssa, sáng lập viên kiêm tổng giám đốc AxyDis chuyên bảo đảm các dịch vụ viễn thông và điện thoại cho khách hàng trong hệ thống mạng 4G và 5G. Hãng này hoạt động từ 2017 lập địa bàn ở Cergy, vùng Val d’Oise, cách Paris hơn 30km về hướng tây bắc. Cergy nổi tiếng là nơi có nhiều trường đại học tốt, nhưng cũng là một điểm nóng, kém án toàn.
Tiếp cận thị trường là một thách thức đối với các QPVTrả lời RFI tiếng Việt, Adil Bouatassa cho biết đã bắt đầu mở công ty đầu tiên từ cách nay 20 năm và đã nhiều lần nếm mùi thất bại trước khi tạo được cơ sở cho AxyDis với gần 700 thân chủ, với mối liên kết với các đối tác lớn trong ngành điện thoại viễn thông như SFR của Pháp, CISCO của Mỹ …
Adil Bouatassa : « Chúng tôi chọn mở doanh nghiệp tại Cergy, một địa điểm mang tính chiến lược trước hết là về địa lý và kế tới đây là một khu vực rất năng động về kinh tế. Cergy nằm gần khu vực công nghiệp ở Saint- Ouen l’Aumône, sát cổng thành tây bắc Paris, một trong những khu công nghiệp lớn nhất châu Âu. Hãng của chúng tôi có hơn 40 nhân viên và từ Cergy, AxyDis dễ dàng giao tiếp với các khách hàng ở khắp nơi trong vùng Paris và phụ cận. Hơn nữa Cergy là một trung tâm đào tạo có uy tín với không dưới một chục trường quản trị kinh doanh, đại học, trường kỹ sư… Chúng tôi kết nối với các trường để đón nhận thực tập viên. AxyDis cũng là điểm khởi đầu cho các em sinh viên bước vào thị trường lao động, để từ đó các bạn trẻ có kinh nghiệm, bay nhẩy vào các hãng lớn ».
Có sự hỗ trợ của chính quyềnCũng trong cuộc trả lời dành cho RFI Việt Ngữ, giám đốc AxyDis giải thích cụ thể hơn khi quyết định mở công ty tại thành phố Cergy ông đã được chính phủ khuyến khích dưới hình thức nào.
Adil Bouatassa : « Các khoản trợ giúp được phân ra thành ba loại : Chính phủ miễn thuế doanh nghiệp cho các công ty đến đây hoạt động trong một thời gian đầu, chúng tôi cũng được miễn đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội và sau cùng là một khoản trợ cấp 15.000 euro khi mà chúng tôi tuyển dụng một nhân viên. Điều khoản này nhằm khuyến khích tuyển dụng nhân viên ngay ở những khu vực được gọi là QPV tức là những vùng thuộc diện ưu tiên trong chính sách phát triển thành phố ».
Adil Bouatassa nói thêm những khoản trợ cấp trong khuôn khổ chính sách phát triển thành phố của Pháp chỉ được áp dụng trong thời gian đầu, đó là thời gian cần thiết để mở rộng mạng lưới với khách hàng. Và ông nói thêm là từ khi lao vào việc mở công ty mỗi ngày làm việc của ông thường là từ 15 tiếng đồng hồ trở lên.
Những hình ảnh xấu về các vùng ngoại ô nghèoTrở lại câu hỏi tại sao chính phủ Pháp đã có rất nhiều kế hoạch để nâng đỡ, để phát triển các vùng ngoại ô thuộc diện nóng, nhưng đây vẫn là nơi bị coi là mất an ninh, là một gánh nặng cho xã hội, chủ tịch tổng giám đốc hãng cung cấp dịch vụ internet và viễn thông, AxyDis cho rằng, đấy là một sự bất công và cũng là một thành kiến về những QPV chung quanh Paris. Adil Bouatassa lớn lên ở Cergy và làm việc tại đây từ 20 năm qua nên đủ kinh nghiệm để so sánh :
Adil Bouatassa : « Tôi điều hành doanh nghiệp từ 20 năm nay, bộ mặt của các vùng ngoại ô thuộc diện nóng ở quanh Paris giờ đây khác nhiều so với hơn 2 thập niên về trước. Hồi trước, các bạn trẻ ở đây không có phương tiện kết nối với thế giới bên ngoài, với thị trường lao động ; không có ngõ thoát, không tìm được việc làm. Ở các vùng này không có dịch vụ thuê bao xe Uber, không có UberEat để giao và đặt đồ ăn đến tận nhà. Họ cũng không có mạng xã hội để kết nối. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi mà giới trẻ không giao tiếp được với ai, cũng không có những tổ chức hay hiệp hội để dẫn dắt họ … Các em không có cơ hội nào để thoát ra khỏi môi trường xã hội chung quanh… Bây giờ thì khác, các bạn trẻ có cơ hội làm ăn, họ mở công ty… Đương nhiên là vẫn còn nhiều vấn đề, cũng vẫn có những thành phần lêu lổng, phá làng phá xóm chứ không phải là không, nhưng theo chỗ tôi biết, hiện tượng này đã giảm đi nhiều so với trước. Để thay đổi bộ mặt cho các khu ngoại ô nhạy cảm, nhiều thành phố đã dẹp bỏ hẳn một số chung cư cao tầng cũ kỹ, để thay bằng những khu ở tập thể khoáng đãng hơn, lành mạnh hơn … »
Các chương trình đạo tạo vừa học vừa làmCuối cùng, Adil Bouatassa, một trong những khách mời của diễn đàn kinh tế Pháp FEB đầu tiên về tình trạng các vùng ngoại ô kém phát triển, nhấn mạnh : giáo dục và đào tạo là chìa khóa thành công trong chính sách phát triển những vùng ngoại ô nhậy cảm ở Pháp
Adil Bouatassa : « Giờ đây việc tiếp cận thông tin, tiếp cận với các chương trình giáo dục đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Đây không còn là những rào cản đối với các bạn trẻ ở các vùng ngoại ô kém phát triển. Các công ty chung quanh cũng tuyển dụng người tại chỗ, tạo cơ hội cho các bạn trẻ không học hành đến nơi đến chốn, để họ cũng có thể hội nhập vào thị trường lao động. Thí dụ như là thông qua các chương trình ‘vừa học vừa làm’. Ngay các hãng, các công ty nhỏ ở trong khu vực nhận thực tập sinh, đào tạo cho các em, để chúng có được một cái nghề, đồng thời có cơ hội thực hành, giao tiếp với khách hàng … Thí dụ như ở chỗ chúng tôi, các em đi học 2 ngày trong tuần và 3 ngày còn lại thì đi thực tập ở các hãng…Điều này giúp các em hiểu được luật chơi của thị tường lao động, phải có trách nhiệm trong công việc của mình. Nhà trường và công việc làm là những cơ hội giúp các em trưởng thành. Điều tôi nghi nhận được là một số các bạn trẻ vừa học vừa làm, rốt cuộc họ tiếp tục đi học thêm để thăng tiến, một số khác thì say mê với nghề nghiệp, và rồi đứng ra mở công ty : đó có thể là một hiệu ăn nhỏ, một cửa hiệu cắt tóc, một hãng giặt ủi, hay một là một công ty dịch vụ sửa chữa đồ điện gia dụng … và chính các em lại trở thành đầu tàu để giúp tiếp cho các thế hệ đi sau …Thường thì có tới gần 90 % các em mở hãng quanh quẩn gần khu họ sinh ra và lớn lên. Điều đó giúp các khu ngoại ô nghèo năng động hẳn lên. »
Mùa hè 2023 một số các vùng ngoại ô nghèo ở Pháp lại « bốc cháy » sau cái chết của một thiếu niên bị cảnh sát rượt đuổi. Báo Le Figaro thân hữu ngày 13/07/2023 tổng kết lại các kế hoạch được các chính phủ Pháp liên tục đề xuất từ thập niên 1970 để thu hẹp khó khăn của những vùng ngoại ô thuộc diện nhậy cảm : Paris đã « đổ hàng chục tỷ euro vào các vùng ngoại ô nghèo, đề xuất không biết bao nhiêu sáng kiến » qua các kế hoạch mang tên các đời bộ trưởng của các bên tả hữu mà vẫn chưa xóa được những cách biệt về mặt xã hội, về kinh tế giữa những vùng « ngoại ô cần được ưu tiên phát triển này » với phần còn lại của nước Pháp.
Nhật báo Le Monde với lập trường tương đối « trung lập », trong bài viết ngày 05/09/2023 tức hai tháng sau làn sóng bạo động hồi mùa hè năm ngoái cũng đưa ra nhận định : tại các khu vực kém phát triển về kinh tế, các vấn đề vẫn tồn tại. Giới trẻ vẫn gặp khó khăn trên con đường hội nhập và các doanh nhân Pháp dường như vẫn thận trọng trong các dự án đầu tư vào những vùng thuộc diện « ưu tiên này ».
Bất chấp chiến tranh, Matxcơva và Kiev vẫn tôn trong hợp đồng 5 năm để đưa khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraina. Cũng vì xung đột 2 trong số 4 ngả xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Âu bị tắc nghẽn. Trước khi Gazprom và Naftogaz đàm phán lại về một thỏa thuận mới cho giai đoạn 2025-2029, Kiev tấn công vùng Kurk, chiếm Soudja, tạm thời kiểm soát một cửa ngõ xuất khẩu năng lượng của Nga để tạo thêm sức mạnh cho « kế hoạch chiến thắng ».
Phải chăng đây là một tính toán để Ukraina mặc cả với chính quyền Putin về « kế hoạch » chấm dứt chiến tranh mà tổng thống Volodymyr Zelensky đem đến Washington, trình bày với tổng thống với quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ?
Ngày 05/09/2024, phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Vladivostock, tổng thống Putin nhìn nhận kinh tế Nga sẽ bị « thiệt hại về tài chính » nếu Kiev không triển hạn hợp đồng với tập đoàn dầu khí Gazprom để xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Hiệp Châu Âu. Hợp đồng hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Trên nguyên tắc Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraina sẽ phải đàm phán lại về một thỏa thuận 5 năm, nhưng cuối tháng 8/2024 tổng thống Zelensky chính thức thông báo « ngừng triển hạn » thỏa thuận với phía Nga.
Bài toán đối với Gazprom càng thêm nan giải từ khi Kiev mở chiến dịch tấn công vùng Kursk hồi đầu tháng 8/2024, kiểm soát thành phố Soudja, trạm cuối cùng trước khi khí đốt của Nga « bước vào lãnh thổ Ukraina » ở thành phố Soumy.
Khí đốt, công cụ chính trị đôi bên cùng khai thácTrả lời RFI tiếng Việt, từ Matxcơva Arnaud Dubien, giám đốc điều hành Đài Quan Sát Pháp Nga, nhắc lại về tầm mức quan trọng của Ukraina trong hệ thống xuất khẩu năng lượng của Nga :
Arnaud Dubien : « Hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt đặt trên lãnh thổ Ukraina có từ thời Liên Xô. Khi đó trước hết là để cung cấp năng lượng của Liên Xô cho các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở đông Âu. Đến khoảng thập niên 1970 thì Liên Xô bắt đầu cung cấp luôn cả cho nhiều nước tây Âu. Hệ thống các đường ống này tuy đã cổ lỗ nhưng chúng vẫn tồn tại ngay cả khi Liên Xô sụp đổ và vẫn còn tiếp tục hoạt động sau ngày 24/02/2022 khi Nga tuyên chiến với Ukraina. Trước chiến tranh, 5 năm một lần, Matxcơva và Kiev vẫn đàm phán lại về thỏa thuận khí đốt. Đôi bên đã từng trải qua hai cuộc khủng hoảng vào năm 2005 rồi 2019 khi mà chính quyền Ukraina bày tỏ mong muốn tiến gần hơn về phía phương Tây. Khí đốt như vậy trở thành một công cụ chính trị để Nga bắt chẹt Ukraina và trong chiều ngược lại đối với Kiev, là cửa ngõ để đưa năng lượng của Nga ra thế giới bên ngoài giúp Ukraina chiếm được một lợi thế. (…)
Cho đến hiện tại, điều ngạc nhiên là thỏa thuận giữa Nga với Ukraina về khí đốt vẫn hoạt động, đơn giản do Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiêu thụ khí đốt của Nga. Cho dù là hai bên tham chiến nhưng đối với Matxcơva, hệ thống đường ống đi qua lãnh thổ Ukraina quan trọng hơn bao giờ hết. Ngả này chiếm một trọng lượng rất lớn đối với kinh tế của Nga, do những đường ống dẫn khác, như Nord Stream hay Yamal phải đi qua lãnh thổ Ba Lan, đã bị gián đoạn ».
Gazprom mất gần 90 % thị trường ở châu ÂuTrước khi Matxcơva khởi động « chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina » hàng năm Nga xuất khẩu 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Âu, qua bốn ngả khác nhau (Ukraina, Nord Stream, Yamal và Turkish Stream). Hiện tại, dưới tác động chiến tranh, khối lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu đã sụt giảm đến hơn 87 % trong chưa đầy ba năm. Để đến được châu Âu khí đốt của Nga phần lớn vẫn phải « quá cảnh » ở Ukraina. Theo hợp đồng hiện hành Gazprom và Naftogaz đã thông qua hồi 2019, mỗi năm 40 tỷ mét khối khí đốt của Nga bán sang châu Âu chung chuyển qua lãnh thổ Ukraina. Cuối 2023 trên thực tế chỉ có 12-13 tỷ mét khối đi qua ngả này. Để so sánh trong giai đoạn « cực thịnh » 2008-2019, trung bình một năm các đường ống trên lãnh thổ Ukraina chuyển 90 tỷ mét khối khí đốt của Nga đến người tiêu dùng châu Âu.
Dù có suy giảm mạnh nhưng đến nay Nga và Ukraina vẫn không dám xa rời nhau trên hồ sơ khí đốt. Sau hơn 940 ngày chiến tranh, hệ thống các ống đưa khí đốt của Nga sang châu Âu đi ngang qua lãnh thổ Ukraina vẫn nguyên vẹn ; khí đốt là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà đối thoại giữa Matxcơva và Kiev chưa bao giờ bị gián đoạn. Về mặt chính thức, Ukraina không còn « nhập khẩu » dầu khí của « kẻ thù » mà dựa hẳn vào năng lượng của « đồng minh châu Âu ». Có điều Liên Âu vẫn là một khách hàng mua vào khí đốt của Nga, nhất là khí hóa lỏng.
Đầu óc thực dụng của Matxcơva và KievHệ thống đường ống dẫn khí đốt này phần nào là « một lá bùa hộ mạng » cho Ukraina. Arnaud Dubien, Đài Quan Sát Pháp Nga từ Matxcơva giải thích điện Kremlin sẽ không dám động vào hệ thống này chừng nào mà Liên Âu còn phải mua năng lượng của Nga. Về phía Kiev, chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky cũng không dại để mất đi một nguồn thu nhập nhờ « cho thuê đất » hàng năm vẫn nhận được từ tay Gazprom.
Arnaud Dubien : « Các đường ống dẫn khí đốt phần lớn được chôn trong lòng đất, Nga tránh không oanh kích vào các khu vực đặt các đường ống dẫn sang Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Ukraina thì Kiev cũng không dám chận các hệ thống chung chuyển này, vì đó là khí đốt xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu. Có điều thình thoản Kiev ‘làm mình làm mẩy’ với một số thành viên trong Liên Âu như là Áo, Hungary hay Slovakia vì những nước này kém mặn mà giúp đỡ Ukraina. (…) Cần phải đợi thêm một vài tuần nữa mới biết được tiến trình đàm phán về thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Ukraina sẽ diễn tiến ra sao. Điều chắc chắn duy nhất là lần này, hai tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraina không trực tiếp đàm phán như điều vẫn thấy từ trước đến nay ».
Ukraina chơi trò « rung cây dọa khỉ »Vậy phải chăng việc ông Zelensky tuyên bố ngừng triển hạn thỏa thuận khí đốt giữa tập đoàn năng lượng Ukraina Naftogaz và đối tác Nga là Gazprom chỉ là đòn « rung cây dọa khỉ », bởi vì cắt đường ống dẫn khí đốt với Nga, Kiev sẽ gây khó khăn cho thị trường năng lượng tại Liên Hiệp Châu Âu, điểm tựa quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế và nhất là năng lượng của Ukraina ?
Arnaud Dubien : « Gazprom mất một phần lớn thị trường châu Âu. Trước đây tập đoàn này xuất khẩu mỗi năm hơn 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Hiệp Châu Âu. Hiện tại chỉ còn chừng từ 20 đến 30 tỷ mét khối. Đây là một thiệt hại rất lớn đối với kinh tế Nga, bảo đảm từ 20 đến 30 % tiêu thụ cho Liên Âu. Sau hơn 2 năm chiến tranh tỷ lệ này rơi xuống còn 15 % nhưng phải nói rõ trong số 15 % ấy thì chỉ có một nửa là khí đốt, nửa còn lại là khí hóa lỏng (LNG). Công nghiệp khí hóa lỏng lại do một tập đoàn tư nhân Nga Novatek sản xuất và xuất khẩu, thành thử ra, Gazprom lại càng thua thiệt nhiều ».
Theo thống kê của viện nghiên cứu châu Âu Bruegel tại Bỉ, cuối 2023 Gazprom chỉ còn kiểm soát 5 % thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên ông Dubien tin rằng dưới hình thức này hay hình thức khác, Nga và Ukraina cũng sẽ tìm được đồng thuận vì không bên nào muốn giết chết con gà đẻ trứng vàng. Ukraina vẫn cần có năng lượng bảo đảm cho tiêu thụ nội địa, cần để ngỏ van cho khí đốt của Nga tiếp tục chảy sang 27 nước thành viên Liên Âu, nhất là một số quốc gia trong khối này như Áo vẫn lệ thuộc đến 98 % vào « khí đốt của Nga ».
Nga không thể để mất châu ÂuỞ góc đài bên kia, Matxcơva không thể để mất thị trường châu Âu. Cuộc chiến nào rồi cũng có ngày sẽ kết thúc, Liên Âu ở sát cạnh cửa ngõ của nước Nga với hơn 500 triệu người tiêu dùng. Thêm một thực tế khác là những nỗ lực của các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí Nga để chuyển hướng sang châu Á vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn.
Arnaud Dubien : « Châu Á chưa thể thay thế châu Âu để mua khí đốt của Nga -hay cùng lắm là chỉ mới thế chỗ được một phần nào mà thôi. Chúng ta cần phân biệt giữa khí đốt và khí hóa lỏng. Novatek khai thác LNG từ khu vực Yamal và xuất khẩu sang châu Á bằng tàu thủy, Gazprom cũng bán khí đốt cho các khánh hàng ở châu Á bằng ngả này. Do vậy, hiện tại khối lượng xuất khẩu sang châu Á không nhiều và cũng chính vì thế mà Gazprom đầu tư vào hai đường ống Power of Siberia 1 và 2, để thỏa mãn thị trường Trung Quốc. Đường ống Siberia 1 đã bắt đầu hoạt động từ 2019 và có khả năng cung cấp khoảng 38 tỷ mét khối khí đốt một năm. Để so sánh trước đây, Gazprom từng xuất khẩu mỗi năm 150 tỷ mét khối cho Liên Âu. Chính vì cần mở rộng thị trường tại châu Á, Gazprom đã khởi động dự án thứ nhì là Siberia 2 và dự trù một khi hoạt động, đường ống này có thể cung cấp đến 50 tỷ mét khối hàng năm. Nhưng Bắc Kinh mặc cả quá chặt chẽ, còn phía Matxcơva thì không muốn bán rẻ năng lượng của Nga cho Trung Quốc và dự đường ống Siberia 2 còn dậm chân tại chỗ ».
Thêm một yếu tố khác nữa giải thích vì sao Nga có thể vẫn ngọt nhạt với Ukraina trên hồ sơ khí đốt, bởi bất chấp thời sự chiến tranh và những tuyên bố Bruxelles đòi « cai nghiện » năng lượng của Nga, thực tế cho thấy nhờ có Ukraina, Nga vẫn thu về 6 tỷ euro nhờ xuất khẩu năng lượng sang Liên Âu và đó vẫn là một nguồn thu nhập quý giá đối với các nhà sản xuất Nga. Hơn nữa, tổng thống Putin thừa biết năng lượng là một công cụ hữu hiệu để duy trì ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị với nhiều nước trong Liên Âu. Nga không dại để Mỹ độc quyền cung cấp dầu khí cho Liên Âu, hay để tự trói mình vào hai khách hàng lớn nhất tại châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
Bỏ lỡ cơ hội phát triển công nghệ cao, kinh tế Liên Âu tụt hậu so với Hoa Kỳ và lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Mỹ có nhiều phương tiện tài trợ cho những phát minh mới. Trung Quốc thu hẹp khoảng cách và đọ sức ngang ngửa với Hoa Kỳ. Châu Âu mất dần những lợi thế cạnh tranh, tiền không nhiều, đầu tư không đúng chỗ và thiếu tầm nhìn tổng quát về chính sách công nghiệp chung.
Trên đây là những điểm chính trong báo cáo về tiềm năng cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu đã được trình lên chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hôm 09/09/2024. Tác giả là cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu - BCE Mario Draghi. Năm 2012 ông là người từng cứu đồng euro vào lúc đơn vị tiền tệ chung châu Âu bị tấn công, khối euro có nguy cơ bị tan rã do khủng hoảng tài chính Hy Lạp.
Liên Âu bị lạc hậu« Hight Technologies » là nỗi ám ảnh Bruxelles và cũng là nguyên nhân dẫn đến một « sự tụt hậu của khối này so với Hoa Kỳ ». Năm 2002 GDP của châu Âu thấp hơn so với Mỹ 17 %. Hai thập niên sau khoảng cách là 30 % và « 70 % sự khác biệt đó là do Liên Âu thua kém về công nghệ cao ».
Mỹ đang dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, đang chạy nước rút để đầu tư vào công nghiệp chế tạo linh kiện bán dẫn.
Trả lời đài phát thanh France Culture (ngày 14/09/2024) Agathe Demairais đặc trách ban địa kinh tế thuộc Hội Đồng Châu Âu về Quan Hệ Quốc Tế (ECFR) nhận định Liên Hiệp Châu Âu hoàn toàn bỏ lỡ cơ hội trên tiến trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh. Trong số 50 doanh nghiệp hàng đầu thế giới về « công nghệ cao », chỉ có 4 hãng là của châu Âu và trong một vài dự án hiếm hoi mà Liên Hiệp Châu Âu đã chen chân được vào, thì 1/3 trong số doanh nghiệp đó sớm muộn gì rồi cũng di dời cơ sở sang Mỹ, bởi đấy mới là « đất lành chim đậu cho ngành high tech ».
Trong giai đoạn 2019-2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Liên Âu giảm 6 % trong lúc FDI đổ vào Mỹ tăng 63 % : thêm một dẫn chứng cho thấy châu Âu mất sức thu hút.
Đối với Trung Quốc, đầu tư của Liên Âu vào khâu Nghiên cứu và Phát Triển R&D thua kém xa. Trong các mảng công nghệ mới - chế tạo các bình điện cho xe ô tô, pin điện mặt trời và những vật liệu mới, Trung Quốc đang vượt trội. Theo báo cáo Draghi, 70 % những « vật liệu xanh » cho phép chuyển đổi sang một mô hình kinh tế « sạch » đều do Trung Quốc sản xuất. Hơn nữa toàn cầu bị phụ thuộc đến 80 % kim loại hiếm của Trung Quốc, và đây là những chất liệu để sản xuất bình điện hay chip bán dẫn, phục vụ mảng công nghệ kỹ thuật số.
Ba nguyên nhân giải thích Liên Âu mất khả năng cạnh tranhLàm sao giải thích sự chậm trễ của Liên Hiệp Châu Âu trong chính sách phát triển công nghệ cao và khả năng cạnh tranh của khối này bị thu hẹp lại ?
Agathe Demarais thuộc Hội Đồng Châu Âu về Quan Hệ Quốc Tế (ECFR) trả lời :
« Đầu tiên hết là căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tôi muốn nói đến sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc, đến chiến tranh Ukraina và xung đột ở Gaza : Điều đó có nghĩa là châu Âu phải huy động vốn đầu tư trở lại vào các phương tiện để phòng thủ thay vì dùng khoản chi tiêu đó vào mục tiêu phát triển. Chúng ta đã thấy là Hoa Kỳ yêu cầu châu Âu tăng chi tiêu quân sự. Cú sốc thứ nhì là khác hẳn với châu Âu, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều huy động rất nhiều phương tiện để thực hiện tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ. Washington và Bắc Kinh cùng trong thế ‘tấn công’. Mỗi bên đều muốn dẫn đầu cuộc đua. Mỹ muốn giữ được thế cường quốc số 1 toàn cầu. Còn Trung Quốc cần thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Cả hai cường quốc kinh tế này có một tầm nhìn toàn diện với chủ trương kết hợp chặt chẽ các chính sách thương mại, công nghiệp và an ninh. Châu Âu thì vẫn chưa hiểu được điều đó và chưa thích nghi được với hoàn cảnh mới mẻ này ».
Liên Âu mất những lợi thế đã cóVì chiến tranh Ukraina Liên Âu mất nguồn cung cấp dầu hỏa và khí đốt của Nga. Mỹ và Trung Quốc là hai khách hàng lớn của châu Âu, căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu này khiến cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng « chuyển hướng » trong chính sách thương mại : Mỹ tập trung nhiều hơn vào Mêhicô, Canada và Việt Nam. Còn Bắc Kinh thì tranh thủ các thị trường của Nga, của khối Đông Nam Á, của Trung Đông và Châu Mỹ La Tinh. Riêng Liên Âu thì vẫn « an phận » với hai khách hàng truyền thống quan trọng nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thêm vào đó Bruxelles bị kẹt trong cái bẫy « phi carbon hóa » guồng máy sản xuất trước ngưỡng 2035. Đó là điều mà Agathe Demarais, thuộc hội đồng ECFR gọi là cú sốc thứ ba :
« Châu Âu đề ra mục tiêu nhanh chóng phi carbone hóa, tức là giảm thiểu lượng khí thải làm hâm nóng trái đất. Điều này đòi hỏi ngay từ bây giờ châu Âu phải lựa chọn giữa hai giải pháp : nhập công nghệ xanh của Trung Quốc hay là tự phát triển cả mảng công nghiệp ngày. Trong trường hợp đầu tiên, để tăng tốc tiến trình chuyển đổi năng lượng, Bruxelles phải chấp nhận nhập khẩu pin mặt trời và ô tô điện của Trung Quốc. Bruxelles chấp nhận lệ thuộc hơn vào công nghệ xanh của Trung Quốc. Nếu muốn tránh để lệ thuộc vào Trung Quốc thì Liên Hiệp Châu Âu phải đẩy mạnh công nghệ ô tô điện, năng lượng mặt trời … nhưng làm thế nào để cạnh tranh với hàng của Trung Quốc và của Mỹ trong lúc mà tiền điện ở châu Âu đắt gấp 2, gấp 3 lần so với Mỹ ? Trung bình để chuyển đổi sang mô hình sản xuất sạch, một nhà máy của châu Âu cần đầu tư 500 triệu euro trong 15 năm ».
Chín người, mười ýMột nhược điểm lớn khác của châu Âu so với Hoa Kỳ và Trung Quốc là khối 27 thành viên hoàn toàn không đoàn kết và lại càng không có chung một tầm nhìn về chính sách phát triển công nghiệp. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, mang quốc tịch Đức, bà Ursula von der Leyen mạnh mẽ hô hào « de–risking » để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào hàng hóa, vào nguyên liệu vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc … Thế nhưng đồng hương của bà, là thủ tướng Olaf Scholz lại không bỏ lỡ một cơ hội nào để Bắc Kinh, tham dự các diễn đàn kinh tế, gặp gỡ các doanh nhân Trung Quốc … Trong sáu tháng đầu năm 2024, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đức vào Hoa Lục lớn hơn so với thống kê của cả năm 2023.
Nhìn sang Tây Ban Nha, Madrid là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất đòi tăng thuế đánh vào ô tô điện của Trung Quốc nhưng sau cuộc hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 09/09/2024 thủ tướng Pedro Sanchez đã « đổi giọng » vì sợ Bắc Kinh ngừng nhập khẩu thịt heo của Tây Ban Nha.
Nhưng về cơ bản, Lục Địa Già đang mất đi hai lá chủ bài quan trọng nhất để tạo được một sự năng động kinh tế về lâu dài. Agathe Demarais :
« Có hai yếu tố quyết định để một nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh : đó là tăng trưởng và dân số. Liên Hiệp Châu Âu gặp khó khăn trên cả hai phương diện này. Hệ quả kèm theo là Liên Hiệp Châu Âu trong tương lai càng bị tụt hậu. Từ nay đến năm 2040, mỗi năm thị trường lao động của khối này mất đi 2 triệu người, vì dân số đang già đi. So sánh tỷ lệ tăng trưởng về năng suất của một người lao động châu Âu và ở Mỹ, hiện tại châu Âu thua hẳn Mỹ. Cùng lúc, mỗi năm Hoa Kỳ đầu từ gần 900 tỷ đô la vào khâu Nghiên Cứu và Phát Triển R&D. Số tiền này cao gấp đôi so với đầu tư vào R&D của toàn khối Liên Âu. Chỉ riêng trong hai lĩnh vực là trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử, 70 % các dự án xuất phát từ Hoa Kỳ ; 2/3 các khoản đầu tư vào thông minh nhân tạo hướng về Mỹ. Nhìn đến công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn, từ nay đến 2032, Hoa Kỳ tập trung đến 1/3 chíp điện tử tiên tiến nhất của thế giới. Trong tất cả các hoạt động mang tính chiến lược để đem lại tăng trưởng trong tương lai, châu Âu không đóng vai trò hàng đầu ở bất kỳ một lĩnh vực nào ».
Báo cáo Mario Draghi bắt mạch, chẩn bệnh và kê toa thuốc để Liên Hiệp Châu Âu có thể trở lại cuộc chơi công nghệ. Nhưng để chữa được bệnh, tài liệu này thẩm định Liên Hiệp Châu Âu cần dành ra hẳn 5 % GDP của toàn khối để đầu tư vào mảng hight tech.
Làm thế nào để huy động được từ 750 đến 800 tỷ euro một năm ? Nếu có được số tiền đó thì làm thế nào để sử dụng một cách có hiệu quả ? Mất bao lâu nữa Liên Âu mới làm chủ công nghệ chế tạo pin mặt trời, cánh quạt gió …. và ô tô điện như các nhà máy của Trung Quốc hiện tại ? Đến khi nào trình độ trí tuệ nhân tạo của châu Âu được hư hiện nay ở Mỹ ? Báo cáo Draghi không có câu trả lời.
Vả lại tài liệu vừa được công bố còn chưa ráo mực, đã bị nhiều thành viên trong Liên Âu –đứng đầu là Đức, phản bác. Bản thân bà von der Leyen vừa nhiệt tình cảm ơn tác giả của bản báo cáo về tiềm năng cạnh tranh của Liên Âu, vừa thận trọng trước những đề xuất cho phép khối này tìm được một chỗ đứng trên bàn cờ « hight tech » thế giới. Liên Âu ráo riết đi tìm lực đẩy để « phát triển » và mang lại tăng trưởng cho toàn khối, nhưng không thấy các con chim đầu đàn trong khối này hào hứng hay mạnh mẽ ủng hộ các đề xuất của ông Draghi để « đảo ngược thế cờ » để, bớt thua kém Mỹ và Trung Quốc.
The podcast currently has 201 episodes available.
37 Listeners
219 Listeners
14 Listeners
1 Listeners
2 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
21 Listeners
2 Listeners
8 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
0 Listeners
31 Listeners
1 Listeners
1 Listeners