Mức chi 5% GDP cho quốc phòng khiến quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn rạn nứt ; Làm thế nào Donald Trump nhanh chóng có được hưu chiến giữa Israel – Iran ; Căng thẳng Thái Lan – Cam Bốt lộ rõ vai trò mờ nhạt của ASEAN và Chín năm sau ngày trưng cầu Brexit, người dân Anh nghĩ gì ? Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
5% GDP quốc phòng : Nguyên nhân hiềm khích Thứ Tư, 25/06/2025, thượng đỉnh NATO kết thúc tại La Haye, Hà Lan. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc họp « thành công rực rỡ » khi đã có được các cam kết từ các nước đồng minh châu Âu tăng chi cho quốc phòng lên mức 5% GDP. Báo Pháp Le Monde nói đến « một kỳ thượng đỉnh cho Trump ». Còn theo báo Nhật Japan Times (26/06/2025), « thỏa thuận chi tiêu này của NATO đang tạo ra một tiêu chuẩn mới cho các đồng minh Ấn Độ - Thái Bình Dương ».
Và điều này đang gây ra những rạn nứt, bất đồng trong quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật – Hàn. Tình trạng này được thể hiện rõ qua việc Nhật Bản, Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ tại châu Á đã đột ngột rút khỏi hội nghị thượng đỉnh NATO mà họ được mời dự thường niên kể từ năm 2022. Những căng thẳng này diễn ra vào lúc cả hai nước đang vất vả đàm phán các thỏa thuận mới về thương mại và quốc phòng với Mỹ.
Nếu như Seoul đang dưới sức ép từ Washington, đòi tăng mức hoàn trả chi phí đồn trú quân đội Mỹ trên bán đảo bất chấp thỏa thuận hoàn trả mới có thời hạn 5 năm đã được đàm phán hồi năm 2024, thì đồng minh Tokyo cảm thấy bất mãn trước những thông điệp đột ngột và không nhất quán của Mỹ.
Trang Nikkei Asia ngày 24/06/2025, giải thích đầu tháng 5/2025, Tokyo và Washington đã đạt đồng thuận về tăng chi cho quốc phòng lên 3% GDP, một phần cơ sở cho đàm phán thương mại. Nhưng đến ngày 30/5, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth, bên lề diễn đàn an ninh Shangri-La, khi trao đổi với đồng cấp Úc nói đến con số 3,5%, nguyên nhân dẫn đến việc Tokyo hủy cuộc họp 2+2 giữa các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao, dự kiến diễn ra tại Washington ngày 01/07/2025.
Đỉnh điểm là ngày 20/6, Lầu Năm Góc tuyên bố, các nước đồng minh châu Á nên theo gương các đồng cấp châu Âu dành đến 5% GDP cho quốc phòng. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, Sean Parnell, trả lời chất vấn Nikkei Asia giải thích rằng yêu cầu này phù hợp với tình hình thực địa, theo đó, « với sự tăng cường quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc, cũng như chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên hiện nay, các đồng minh châu Á – Thái Bình Dương cũng nên hành động nhanh chóng để bắt kịp tốc độ và mức chi tiêu quốc phòng của châu Âu. »
Chuyên gia Jack Burnham, Chương trình Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Foundation For Defense of Democracies – FDD), lưu ý, những bất đồng dẫn đến việc Tokyo và Seoul rút khỏi thượng đỉnh NATO trùng vào thời điểm Trung Quốc kết thúc các cuộc tập trận hải quân lớn ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Và căng thẳng này cũng có nguy cơ làm suy yếu những nỗ lực của Washington chống lại Bắc Kinh.
Cuối cùng, ngoài việc phải chịu áp lực thương mại và quốc phòng từ chính quyền Trump, theo phân tích từ nhà nghiên cứu Craig Mark, Khoa Kinh tế, trường đại học Hosei, trên trang The Conversation (25/06/2025), Nhật Bản không hoàn toàn ủng hộ chiến dịch ném bom của Mỹ nhắm vào các cơ sở hạt nhân Iran.
Một mặt, Tokyo có mối quan hệ hữu hảo với Teheran và thường đóng vai trò cầu nối gián tiếp với phương Tây. Cựu thủ tướng Shinzo Abe từng có chuyến thăm Iran, gặp lãnh đạo tối cao Khamenei năm 2019. Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ Trung Đông và do vậy, nước này e ngại tình hình Trung Đông sẽ trở nên tồi tệ nếu eo biển Ormuz bị đóng như đe dọa từ Iran.
Nhưng mặt khác, Tokyo bám chặt vào nguyên tắc duy trì luật pháp quốc tế và trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Khi mạnh mẽ lên án chiến dịch « Midnight Hammer » của Mỹ, Nhật Bản muốn ngăn chặn Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên có bất kỳ hành động nào làm xói mòn các chuẩn mực toàn cầu qua việc sử dụng vũ lực và xâm lược lãnh thổ !
« Nhát búa đêm » và 48 giờ « lốc xoáy » Donald Trump Xung đột giữa Iran và Israel, sau « 12 ngày giao chiến », nay tạm ngưng. Đây có lẽ là kết quả của chiến dịch dội bom ngoạn mục « Midnight Hammer – Nhát búa đêm » của không quân Mỹ ngày 21/06/2025 nhắm vào ba cơ sở hạt nhân của Iran. Theo AFP, với cú đánh « một lần duy nhất » này tổng thống Trump, hiện tại, xem như đã thắng một cuộc cược rủi ro cho học thuyết của ông : Hòa bình bằng sức mạnh.
Tuy nhiên, điều được AP quan tâm đến là như một cơn lốc xoáy kéo dài trong vòng 48 giờ, tổng thống Trump đã đi từ trạng thái phấn khích đến phẫn nộ, rồi chiến thắng khi mà thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Israel và Iran của ông được thiết lập, suýt chút sụp đổ nhưng cuối cùng đã thành hiện thực.
Dẫn lời một quan chức Mỹ xin ẩn danh, hãng tin Mỹ cho biết Donald Trump gần như cùng một lúc gây áp lực lên cả hai phía Israel và Iran. Ngay sau màn phô trương sức mạnh « Búa Đêm », tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thể hiện rõ quan điểm của ông là đã đến lúc chấm dứt chiến tranh và quay lại đàm phán ngoại giao với Iran. Ông nhấn mạnh rõ là Hoa Kỳ đã loại bỏ mối đe dọa sắp xảy ra từ Iran, và như vậy, đã làm chậm lại chương trình hạt nhân Iran. Một lập luận không mấy được thủ tướng Israel nhiệt tình đồng ý, nhưng ông cũng hiểu rằng Hoa Kỳ không muốn có thêm can thiệp quân sự.
Cùng thời điểm đó, đặc phái viên về Trung Đông của tổng thống Trump là Steve Witkoff có cuộc trao đổi trực tiếp với ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, đề nghị ông trở lại bàn đàm phán khi lưu ý rằng Iran đã thấy quân đội Hoa Kỳ có thể làm gì và có khả năng làm được nhiều hơn thế nữa. Ông Witkoff nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ muốn hòa bình và Iran cũng nên như vậy.
Cũng theo AP, việc Iran có một phản ứng kiềm chế bắn tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ ở Qatar (mà theo ông Trump là đã được báo trước), đáp trả đợt dội bom của Mỹ cũng nhằm gởi đi một thông điệp đến chính quyền Trump rằng nước này – bị tàn phá bởi « cuộc chiến 12 ngày » của Israel cùng với sự suy yếu của các nhóm ủy nhiệm như Hezbollah (Liban), Hamas (Gaza), Houthis (Yemen) cũng như sự sụp đổ của chế độ Bachar Al Assad – không còn đủ khả năng mở rộng cuộc chiến.
Động thái này của Iran được chính quyền Qatar cảm nhận như là một cơ hội làm trung gian hòa giải sau những gì họ coi là biện pháp nửa vời, giữ thể diện cho chế độ Teheran, và điều đó không gây hại gì cho thủ tướng Netanyahu, sau 12 ngày không kích, có thể nói với người dân rằng chương trình hạt nhân của Iran đã bị thu hẹp.
Đương nhiên, thỏa thuận ngừng bắn này đã được các bên liên quan tuyên bố theo một cách khác nhau, nhưng với vị quan chức Mỹ ẩn danh, đó chỉ là một sự « im lặng đổi lấy im lặng », không có một sự diễn giải nào khác ngoài việc chấm dứt giao tranh.
Tuy nhiên, sau khi thông báo đạt thỏa thuận ngừng bắn, giao tranh vẫn tiếp diễn. Thứ Ba, 24/06/2025, vài giờ trước khi lên chuyên cơ Air Force One đến Hà Lan dự thượng đỉnh NATO, trả lời phóng viên, Donald Trump đã tức giận cho biết ông « không hài lòng » về điều này khi mà cả hai nước « đã giao chiến quá lâu và quá dữ dội đến nỗi họ không biết mình đang làm cái quái gì nữa ».
Vài phút sau, trên mạng xã hội Truth Social, tổng thống Trump có lời cảnh báo đến Israel, yêu cầu nước này « ngừng thả bom », rằng đó là « một sự vi phạm » và đề nghị Israel « đưa các phi công về nhà » ! Lệnh đưa ra và đã được Tel Aviv thi hành !
Căng thẳng Thái Lan – Cam Bốt : Vai trò mờ nhạt của ASEAN Quan hệ giữa Thái Lan và Cam Bốt vẫn tiếp tục căng thẳng trong tuần vừa qua. Hai bên tiếp tục đưa ra các biện pháp trả đũa nhau sau vụ đụng độ hồi cuối tháng Năm, khiến một binh sĩ Cam Bốt thiệt mạng. Quân đội Thái Lan đã tuyên bố đóng cửa biên giới tại 6 tỉnh, dù đã nới lỏng hạn chế này vài ngày sau đó.
Một trong những điểm đáng chú ý trong vụ việc này là sự im lặng của ASEAN. Kể từ khi xung đột giữa hai nước thành viên leo thang, lãnh đạo khối, do Malaysia là chủ tịch luân phiên chưa đưa ra bất cứ bình luận nào, hay đề xuất can thiệp, để giải quyết căng thẳng.
Theo nhà nghiên cứu Pavin Chachavalpongpun, tại Viện nghiên cứu về Đông Nam Á, thuộc đại học Kyoto, Nhật Bản, trả lời nhà báo Chi Phương, RFI Tiếng Việt hôm 26/06/2025, vụ việc này cho thấy sự yếu kém của ASEAN. Ông giải thích thêm :
« Tôi chưa từng thấy một tổ chức nào trên thế giới lại im lặng, khi hai nước thành viên xảy ra xung đột. Đáng nói là các nước muốn tìm giải pháp thoát khỏi khủng hoảng nhưng không đề cập đến ASEAN. Ví dụ, Cam Bốt muốn đưa vụ việc lên Toà án Công lý Quốc tế, chứ không phải ASEAN. Thái Lan cũng muốn tìm giải pháp nhưng không phải qua tổ chức này. Điều này cho thấy cả hai đều không tin tưởng khối.
ASEAN có thể phát huy sức mạnh trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế nhưng lại yếu trong việc thúc đẩy dân chủ hay nhân quyền, tôi hiểu điều đó, vì hầu hết các nước thành viên trong khối, không phải là một hình mẫu tốt cho nền dân chủ. Thế nhưng, khi xảy ra một cuộc xung đột quốc tế như vậy, thì tôi cho rằng ASEAN cần phải đưa ra lập trường, can thiệp, để mang lại hoà bình, ít nhất là đàm phán, làm trung gian để khủng hoảng không leo thang. Nhưng ASEAN lại không làm được.
Theo tôi có hai lý do. Thứ nhất, tổ chức này có Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN, nhưng không hiệu quả, chỉ cho phép các nước thành viên có thể thảo luận, nhưng không có hành động cụ thể. Đặt giả thuyết là trong xung đột hiện nay, Thái Lan hoàn toàn sai, đã xâm phạm chủ quyền của Cam Bốt, thì ASEAN phải có cơ chế hiệu quả, ví dụ như cảnh báo, nếu Bangkok vẫn tiếp tục, thì có thể đình chỉ tư cách thành viên. Tôi nghĩ các lãnh đạo ASEAN cần xem xét lại.
Thứ hai, ASEAN “dễ tổn thương”, yếu kém, do các nước thành viên không dám chỉ trích các nước khác vì sợ sẽ bị chỉ trích lại. Ví dụ, Singapore sẽ không nói đến cuộc tranh chấp giữa Thái Lan và Cam Bốt vì nước này đôi khi cũng xảy ra xung đột với Malaysia. Thái Lan không thể chỉ trích cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện vì nước này cũng từng có cuộc đảo chính. Làm sao Singapore có thể chỉ trích việc kiểm duyệt truyền thông ở Việt Nam khi chính nước này cũng có hành động tương tự. »
Chín năm sau trưng cầu về Brexit, người dân Anh nghĩ gì ? Ngày 23/06 năm nay đánh dấu 9 năm kể từ ngày Vương quốc Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU). Trên thực tế, Anh đã trải qua giai đoạn phức tạp để hoàn tất “ly hôn” cả về chính trị, luật pháp, xã hội, và nhất là về quan hệ kinh tế với EU, có hiệu lực từ 31/01/2020. Vậy 9 năm sau quyết định lịch sử chia tay EU, dư luận Anh nghĩ gì và có xu hướng muốn tái gia nhập EU hay là không?
Thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân Đôn:
Vào dịp 9 năm ngày trưng cầu dân ý về Brexit (23/06/2016-2025), dư luận Anh về cơ bản vẫn bị chia rẽ và quá nửa số dân ở Anh tỏ ra nuối tiếc tư cách thành viên Liên ÂU (EU). Một thăm dò của YouGov giữa tháng 6 năm nay cho thấy 56% nghĩ rằng việc bỏ phiếu rời EU là sai lầm đối với Anh và chỉ có 31% người được hỏi vẫn cho rằng Brexit đó là quyết định đúng đắn.
Mặc dù hai phần ba số cử tri ủng hộ Brexit (68%) vẫn tin rằng đã lựa chọn đúng, nhưng nay họ nhận ra những thiệt hại về kinh tế, về đi lại với các nước EU, nên cảm thấy nuối tiếc và coi tiến trình Brexit là một thất bại. Tuy thế, cách đánh giá « thế nào là thất bại » lại rất khác nhau.
Phe ủng hộ mối giao hảo với EU thì luôn cảm thấy bị mất đi những quyền lợi (du học, đi lại, làm việc) trong EU. Còn cả phe hữu, vốn giữ thái độ chống EU, cũng cho rằng Brexit thất bại vì không « cắt đứt » được hoàn toàn sợi dây ràng buộc Anh với EU về pháp lý, ví dụ như Anh vẫn là thành viên Công ước Nhân quyền châu Âu (ECHR).
Vì các khó khăn do Brexit gây ra mà gần 2/3 người Anh mong muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với EU (65%) – lập trường này được ủng hộ rộng rãi trong số cử tri cho các chính đảng lớn nhất ở Anh (từ 51% đến 78%, tùy theo đảng), cũng như trong số cử tri đã bỏ phiếu chọn Brexit (60%).
Tuy thế, trong số quá bán cử tri Anh muốn Anh quay trở lại EU (56%), không có những người đã bỏ phiếu chọn Brexit ban đầu (24%) và không gồm số cử tri của Đảng Bảo thủ (28%), cùng đảng dân túy Reform UK (16%).
Thực tế là Anh sẽ không quay lại EU vì ba lý do : Thiếu ý chí chính trị, thủ tục khó khăn và EU đã để lại đằng sau vấn đề Brexit.
Một bản kiến nghị để Anh trở lại EU đã thu hút được 132.500 chữ ký tính đến ngày 18/05 năm nay, buộc chính phủ phải có câu trả lời. Thế nhưng, theo thông tin từ Quốc hội Anh, chính phủ của đảng Lao động cầm quyền bác bỏ việc xin gia nhập EU trở lại. Các đảng khác đều né tránh chủ đề này.
Các đảng đối lập Bảo thủ và Reform không chỉ chống việc quay lại EU, mà còn phản đối cả quan hệ gần hơn với khối này, coi đó là « hành động làm sói mòn chủ quyền của Anh ». Đảng Tự do Dân chủ (LibDem) thì đề xuất quay trở lại « thị trường chung châu Âu » (EU single market) chứ không muốn Anh tái gia nhập EU với tư cách thành viên đầy đủ.
Đảng Quốc gia Scotland nêu ra nghị trình khá xa vời là « Sau khi giành độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh thì Scotland sẽ xin vào EU ». Tóm lại là không lực lượng chính trị lớn nào ở Anh muốn đầu tư tâm trí vào vấn đề này nữa.
Các phân tích cũng nói việc xin gia nhập EU trở lại không hề đơn giản, vì nhiều quốc gia EU lo ngại Anh vào lại mà vẫn đòi hưởng quy chế đặc biệt như đứng ngoài khu vực đồng euro, hay không ký hiệp ước đi lại tự do Schengen như trước đây, thì thật vô lý.
Đàm phái tái gia nhập EU có nhanh như Phần Lan thì cũng mất 3 năm, và có lo ngại là Anh trở lại (rejoining EU) rồi chán và xin ra lần nữa thì quả là quá phiền phức cho Bruxelles và các nước thành viên khác. Với họ, Brexit đã xảy ra và nên khép lại một trang sử.
Ở Anh, cảm xúc Bregret (ghép chữ Brexit và regret- nuối tiếc) khiến 44% người dân Anh coi việc cố gắng « quay lại » EU không nên trở thành ưu tiên của chính phủ lúc này, so sánh với các vấn đề khác mà Vương quốc Anh đang đối mặt, như thương mại, thuế quan, môi trường và xung đột trên thế giới, và chỉ có 37% tin rằng quay lại EU sẽ là một chính sách cần được ưu tiên.
Có lẽ Thủ tướng Starmer đã đoán trúng tâm lý dư luận khi ông nói Anh cần ưu tiên sức lực cho các thỏa thuận « tái lập quan hệ với EU », chứ « chừng nào tôi còn sống (in my lifetime) thì Anh sẽ không quay lại EU ».
Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, như mọi vụ ly hôn, đã xảy ra không hoàn hảo, nhưng người ta cần chấp nhận nó để đi tiếp vào tương lai, thay vì làm lại quá khứ !