Tạp chí đặc biệt

Ukraina – Nga: Chiến tranh tiếp tục, ‘‘xung đột đóng băng’’ hay đàm phán hòa bình ?


Listen Later

Sự kiện thời sự đặc biệt đáng chú ý trong tuần qua là đàm phán Ukraina – Mỹ tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraina. Washington và Kiev ra tuyên bố chung, đề xuất 30 ngày ngừng bắn. « Bóng » giờ ở bên sân Nga: Putin tuyên bố « ủng hộ » ngưng bắn, nhưng đặt thêm nhiều điều kiện… Lập trường của Mỹ và Nga thực hư ra sao? Chiến tranh tiếp diễn, « xung đột đóng băng » hay Nga – Ukraina sẽ bắt đầu đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình?

Trump tiếp tục chính sách đơn phương áp mạnh thuế với hàng nhập khẩu từ các quốc gia đồng minh, chứng khoán trên thị trường tài chính Mỹ Wall Street sụt giảm mạnh. Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái lơ lửng khiến giới đầu tư lo ngại : ngày 14/03/2025, giá vàng lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 3.000 đô la/một ounce (tương đương 31 gram).

Đứng trước áp lực ngân sách bị cắt giảm nghiêm trọng, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khởi động sáng kiến « UN80 Initiative » cùng « UN 2.0 », với mục tiêu cải tổ triệt để định chế quốc tế 80 năm tuổi đời này. Cựu tổng thống Philippines Rodrio Duterte - bị cáo buộc về cái chết của hàng chục nghìn người vô tội - bị áp giải sang Tòa án Hình sự Quốc tế (La Haye, Hà Lan) ngay sau khi bị bắt. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Từ cuộc điện đàm « phản bội » (ngày 12/02) đến đề xuất ngừng bắn « ngoạn mục » (ngày 11/03)

Trong tuần qua, đối với không ít người, cơ hội chấm dứt cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina, bước sang năm thứ 4, dường như hé mở sau đàm phán tại Ả Rập Xê Út lần đầu tiên, ngày 11/03/2025, giữa hai phái đoàn cấp cao Mỹ và Ukraina. Sau cuộc họp, Washington và Kiev ra tuyên bố chung, đề nghị hai bên đình chiến « 30 ngày », mà không kèm theo các điều kiện tiên quyết. Cuộc họp nói trên được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như một bước chuyển ngoạn mục, khiến Ukraina được coi là từ chỗ bên bị gạt sang lề, lo ngại bị đàm phán trên lưng, đột ngột trở lại vị trí trung tâm của bàn cờ, mở ra cơ hội cho đàm phán tìm giải pháp hòa bình.

  • Đọc thêm : Chấp thuận đề xuất ngừng bắn - Đòn ngoại giao đưa Ukraina trở lại trung tâm cuộc chơi

Trên phương diện truyền thông, cả phía Mỹ và phía Nga đều thể hiện rất nỗ lực. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí khẳng định có một hy vọng rất lớn để chấm dứt xung đột. Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ New York :

« ‘‘Có một hy vọng rất lớn là cuộc chiến tranh kinh hoàng, đẫm máu này rút cục sẽ chấm dứt’’, ông Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social của mình như vậy. Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh các trao đổi giữa đặc sứ Steve Witkoff với các quan chức Nga. Ông Trump cũng kêu gọi tổng thống Nga Putin, ‘‘tha mạng cho hàng nghìn binh sĩ đang bị quân đội Nga vây hãm’’, ngụ ý nhắc đến các thông tin của Nga nói về các lực lượng Ukraina bị bao vây tại tỉnh Kursk. Một thông tin mà chính quyền Kiev đã nhiều lần bác bỏ.

Hôm qua, các quan chức Nga đã chuyển cho đặc sứ Mỹ các điều kiện của Matxcơva liên quan đến một thỏa thuận ngừng bắn, và cho biết rõ là tổng thống Putin đang đợi cuộc gọi của tổng thống Trump. Sáng nay, Nhà Trắng thông báo hiện tại không có cuộc điện đàm dự kiến giữa lãnh đạo hai nước, nhưng ‘‘tình hình có thể thay đổi vào bất cứ lúc nào’’.

Cùng lúc đó, lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về khả năng xung đột chấm dứt nhanh chóng. Ông Marco Rubio giải thích là còn nhiều điều cần thảo luận. Ngoại trưởng Rubio tuyên bố : ‘‘chúng tôi chưa bao giờ nói rằng việc này là dễ dàng, nhưng tình hình hiện nay khả quan hơn so với cách nay một tuần’’. »

  • Đọc thêm : Mỹ đứng về phía Nga chống lại châu Âu : Thế sự đảo điên !

Chính sách của Donald Trump về chiến tranh Ukraina từ hơn hai tháng qua chuyển biến khó lường. Từ chỗ khẳng định chấm dứt chiến tranh « trong vòng 24 giờ » đến gia hạn thành 100 ngày. Từ cuộc điện đàm bất ngờ với tổng thống Nga bị nhiều người coi là hành động « phản bội » đồng minh, đứng hẳn về phía Nga ngay trước khi bước vào đàm phán, đến cuộc đàm phán bất ngờ với Ukraina và đề xuất ngừng bắn 30 ngày…

Mỹ gỡ bí cho Nga : « Vở kịch » của Trump và Putin ?

Về phản hồi nước đôi của Nga sau đề xuất ngừng bắn 30 giờ, chính quyền Ukraina tỏ ra nghi ngờ cao độ. Chính quyền nhiều nước phương Tây, trong có Pháp và Đức, đã chỉ trích các phản hồi của điện Kremlin, bị cáo cuộc là chỉ để « câu giờ ».

  • Đọc thêm : Ngưng bắn ở Ukraina : Trò « tung hỏa mù » hay « câu giờ » của TT Nga Putin ?

Tuy nhiên hoài nghi không chỉ hướng về phía Matxcơva. Các nỗ lực hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn, đàm phán hòa bình, do chính quyền Trump khởi xướng, cho dù được coi là hé mở cơ hội cho hòa bình, cũng đang được nhìn nhận rất dè dặt từ Ukraina. Trái ngược với quan điểm lạc quan, cựu sĩ quan Pháp Guillaume Ancel, chuyên gia quân sự, trả lời đài RFI, tỏ ra cảnh giác cao độ. Ông nhận định đây chỉ là một « vở kịch » của chủ nhân điện Kremlin và chủ nhân Nhà Trắng:

« Trump và Putin đang diễn cho chúng ta xem một vở kịch mà họ đã soạn sẵn. Chúng ta nhớ là ngày 12/02 vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ khởi động ngay lập tức đàm phán về Ukraina. Cần hiểu rằng, trong quan điểm của Trump, các đàm phán trên thực tế đã kết thúc. Trump đã thỏa hiệp với Putin rồi. Và tất cả những gì chúng ta đang chứng kiến chỉ là diễn kịch. Có nghĩa là giờ đây, sau khi đã bắt buộc người Ukraina phải chấp nhận ngừng bắn, mà thực sự phải nói rằng điều này là hết sức bất lợi cho họ, Trump đã hoàn toàn không đòi hỏi gì từ phía Nga. Bây giờ ông ta giả bộ đang đàm phán với Nga trong lúc chính nhờ Trump mà Putin đã giành được một chiến thắng trong bối cảnh phía Nga đang hoàn toàn bị sa lầy trong cuộc chiến tranh này. Như vậy có nghĩa là sẽ có một thỏa thuận ngừng bắn, buộc Kiev phải từ bỏ 20% lãnh thổ Ukraina cho Nga, cấm Ukraina tham gia vào liên minh phòng thủ NATO. Và theo thỏa thuận này, tổng thống Zelensky cũng sẽ bị loại trừ. »

 

  • Đọc thêm :  Triển vọng đàm phán Nga - Mỹ về Ukraina - Chiến lược đòi hỏi tối đa của Putin

Cho đến nay, không có gì cho thấy điện Kremlin từ bỏ các yêu sách chủ yếu để chấm dứt chiến tranh chống Ukraina. Chính quyền Putin không chỉ đòi Ukraina không được gia nhập NATO hay buộc Kiev phải nhân nhượng các vùng lãnh thổ đông nam, mà còn muốn giải giáp quân đội Ukraina, và thiết lập một chính quyền thân Matxcơva tại Ukraina. Việc Trump ủng hộ quan điểm của Nga về việc Ukraina không gia nhập NATO và không thể trở lại đường biên giới năm 2014 có đủ để Putin chấp nhận đàm phán về một nền hòa bình lâu dài ? Các nỗ lực hướng đến ngừng bắn, mà Mỹ thúc đẩy, liệu có mở ra cơ hội cho đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột, hay sẽ chỉ dẫn đến tạm « đóng băng » xung đột, để rồi chiến tranh bùng nổ trở lại, như điều đã diễn ra sau các thỏa thuận Minsk 1 và Minsk 2 (2014 – 2015) ?

Tự chủ quốc phòng và an ninh:  Châu Âu sẽ trả giá đắt nếu thiếu một « chiến lược chung vững chắc »

Bất luận việc tìm kiếm ngừng bắn và đàm phán Nga – Ukraina xoay chuyển ra sao, có một điều rõ ràng là châu Âu đang nỗ lực gấp bội trong việc thúc đẩy nền quốc phòng chung. Đây là điều chưa từng có kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, khi an ninh của châu Âu trong 80 năm qua, về cơ bản do Mỹ đảm trách. Sự kiện đáng chú ý trong tuần qua là ngày 11/03/2025, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tổng tham mưu trưởng quân đội của 30 nước thành viên Liên Âu cùng Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm cả Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không có Mỹ. Mục tiêu chính là nhằm xác định các bảo đảm an ninh cho Ukraina trong trường hợp hưu chiến, đồng thời xem xét một cơ cấu phòng thủ chung cho châu lục.

  • Đọc thêm : Tăng cường khả năng quân sự và yểm trợ Ukraina, trọng tâm thượng đỉnh Liên Âu

Tăng cường gấp bội tiềm lực quân sự là cần thiết cho quốc phòng an ninh, nhưng xét về toàn cục, một « kiến trúc an ninh » bền vững cho châu Âu đòi hỏi một chiến lược tổng thể tính đến sự cân bằng lực lượng giữa các khối nước đối địch. Một nền hòa bình « lâu dài và bền vững » Nga – Ukraina phải chăng không thể thiếu yếu tố này ?

  • Đọc thêm : TT Mỹ Donald Trump muốn đàm phán về phi hạt nhân hóa với Nga và Trung Quốc

Nhà ngoại giao Pháp kỳ cựu Pierre Vimont (*) khuyến cáo châu Âu không nên thụ động « chờ đợi » chính sách của Trump và « cần khẩn trương tham vấn Kiev để bắt đầu cùng suy nghĩ về một lối thoát khỏi chiến tranh phù hợp với lợi ích an ninh của châu Âu » (trích tham luận : « Ukraine : l'année de la paix incertaine / Ukraina : Năm của hòa bình đầy bất trắc », đăng tải trên tạp chí Politique étrangère, vol. 90, n° 1, Mùa xuân 2025, tr. 95). Thách thức với châu Âu là phải chuẩn bị chiến lược để đối phó với « thế cân bằng bấp bênh về địa-chính trị » với Nga trong nhiều năm tới, phải « học cách xây dựng thế trận an ninh vững chắc hơn dọc biên giới phía đông, quản lý chính sách trừng phạt có khả năng sẽ phải kéo dài và tiến hành các hành động ngoại giao đủ sức chống lại các nỗ lực của Nga nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của châu Âu trên toàn cầu ». Đối phó được với trật tự an ninh bất ổn này sẽ cho phép châu Âu trở thành « một thực thể địa chính trị thực sự ».

  • Đọc thêm : Bảo vệ Ukraina và tái lập quan hệ với Nga - Thách thức của một « kiến trúc an ninh châu Âu » mới (phần cuối bài)

Trước khi chiến tranh bùng nổ đầu năm 2022, các nước châu Âu đã từng ở thế bị động. Hơn 3 năm sau, liệu châu Âu có đủ năng lực vươn lên xác lập một chiến lược chung để hướng đến « một nền hòa bình công bằng và bền vững » cho Ukraina, cho châu Âu hay không ?« Thiếu đi một chiến lược chung vững chắc, Liên Hiệp Châu Âu ắt có nguy cơ sẽ phải trả giá đắt » một lần nữa, nhà ngoại giao Pierre Vimont cảnh báo.

 

Trump và « chiến tranh thuế »: Hứng khởi của giới đầu tư tắt ngấm, kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái

Gần 2 tháng kể từ khi lên cầm quyền, chính sách đe dọa tăng thuế mạnh và ồ ạt, cùng lúc tiền hậu bất nhất, của tổng thống Mỹ nhắm vào nhiều nước, trong đó có nhiều quốc gia đồng minh, như Mêhicô, Canada, Liên Âu, từ nhiều tuần qua, bắt đầu để lại những hậu quả rõ nét đối với giới đầu tư. Cụ thể như ngày thứ ba, 11/03, tổng thống Trump quyết định tăng thuế đến 50% với các mặt hàng nhôm và thép của Canada, nhưng ngay lập tức quyết định hoãn lại, để rồi hôm sau lại thông báo tăng lên 25%.

Ông Trump khẳng định chủ trương tăng thuế hàng nhập khẩu đối với các nước xuất siêu vào Mỹ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài lập cơ sở sản xuất ngay trên đất Mỹ. Trên thực tế, theo giới chuyên gia, với chính sách chống lại các nền tảng của thương mại quốc tế đương đại này, gậy ông sẽ đập lưng ông. Trả lời đài RFI, kinh tế gia Bruno Colmant, giáo sư Trường đại học Tự do Bruxelles (Bỉ), giải thích về các hậu quả của chính sách này. Giải thích được đưa ra trước khi ông Trump tung ra quyết định tăng thuế với các mặt hàng thép nhôm nói trên:

 « Chúng ta đã quay trở lại điểm xuất phát ban đầu, bởi hôm nay chỉ số chứng khoán có uy tín S&P đã trở về ngang với thời điểm ông Trump đắc cử tổng thống, thậm chí còn thấp hơn. Điều này có nghĩa là niềm hứng khởi cao độ của giới đầu tư sau khi Trump đắc cử đã biến mất. Việc tăng thuế nhập khẩu có nghĩa là tất cả những gì mà người Mỹ nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn. Chúng ta biết rằng nước Mỹ nhập nhiều hơn xuất, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Mặt khác, các nước khác cũng bắt đầu phản ứng lại, như Canada và có thể sau đó là Mêhicô. Và trên thực tế, các nhà xuất khẩu Mỹ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải gánh chịu hậu quả do các biện pháp trả đũa ».

Đầu tháng 3/2025, chỉ trong một vài ngày, tiền lời trên sàn chứng khoán mà các ngân hàng lớn của Mỹ JPMorgan Chase, Citigroup, Bank of America hay Goldman Sachs thu được kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, ngày 05/11/2024, đã bốc hơi hoàn toàn. Theo kinh tế gia trưởng của JPMorgan, ông Bruce Kasman, trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters ngày 12/03/2025, nếu các chính sách tăng thuế được chính quyền Trump áp dụng như dự kiến từ ngày 01/04, với hệ quả là các trả đũa thương mại, thì xác suất kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái « có thể lên đến 50% hoặc hơn ».

 

 

 

Trump và áp lực tài chính chưa từng có: Liên Hiệp Quốc cải tổ triệt để ở tuổi 80

Đối với tổ chức Liên Hiệp Quốc, vừa tròn 80 tuổi, ngày 12/03/2025 là một ngày đặc biệt. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres quyết định tung ra sáng kiến UN80 nhằm cải tổ triệt để định chế này. Vì sao Liên Hiệp Quốc cải tổ vào lúc này ? Thông tín viên Carrie Nooten từ New York giải thích :

« Việc Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của Liên Hiệp Quốc, trả tiền ngày càng chậm hơn trong năm, đang gây áp lực lên tổ chức này. Sự sụt giảm của ngân sách viện trợ nhân đạo và các đợt cắt giảm ngân sách gần đây hiện đang làm suy yếu toàn bộ thể chế khiến người đứng đầu Liên Hiệp Quốc buộc phải khởi xướng cuộc cải cách mới này.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đặc biệt cẩn thận trong việc lựa chọn từ ngữ khi trình bày sáng kiến UN80 ngày hôm qua. Ông nói Liên Hiệp Quốc phải ‘‘thực hiện hiệu quả các mục tiêu của mình’’và chịu trách nhiệm trước ‘‘những người đóng thuế trên toàn thế giới’’, tài trợ cho tổ chức này. Tổng thư ký Antonio Guterres đã chọn các từ ngữ được Donald Trump và các cộng sự ưa thích. 

Ông Daniel Forti, nhà phân tích thuộc tổ chức tư vấn International Crisis Group giải thích : ‘‘rất khó để đánh giá sáng kiến ​​này,nếu không tính đến những gì đang diễn ra ở Washington, nhưng rõ ràng là Mỹ không phải là quốc gia duy nhất muốn Liên Hiệp Quốc tiến hành hoạt động này. Châu Âu, nói riêng, hiện tại đang chuyển hướng chi tiêu nhiều cho lĩnh vực quốc phòng và các nhu cầu nội bộ. Trong khi đó, các vị biết đấy, phần lớn thế giới đang thất vọng với các nước phương Bắc, vì không cung cấp đủ kinh phí cho phát triển, cho viện trợ và hỗ trợ nhân đạo. Chúng tôi thấy một số quốc gia mong muốn có một sáng kiến như vậy, có lẽ không đến mức phô trương như Mỹ, nhưng Hoa Kỳ không phải là bên duy nhất quan tâm.»

Hiện vẫn chưa có thời hạn cụ thể nào được ấn định cho việc hoàn tất cuộc kiểm toán UN80 đối với Liên Hiệp Quốc. »

« Trời có mắt »: Cựu tổng thống Philippines bị Tòa án quốc tế bắt giữ khẩn cấp

Trong lĩnh vực nhân quyền, ngày 11/03/2025 có thể sẽ được ghi nhận như một thời điểm lịch sử. Cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị bắt ngay tại sân bay khi trở về từ Hồng Kông, và bị áp tải ngay trong đêm sang Tòa hình sự quốc tế ở Hà Lan, nơi ông Duterte phải ra hầu tòa vì cáo buộc phạm « tội ác chống nhân loại ». Trả lời RFI, chuyên gia Aymeric Alluin, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International France, giải thích về ý nghĩa của sự kiện này :

« Đây là một sự kiện chưa từng có. Nếu xét riêng việc bắt giữ này thì có thể là chuyện bình thường, nhưng nếu đặt việc này trong bối cảnh hiện nay thì hoàn toàn không phải như vậy. Hiện tại chúng ta thấy là tư pháp quốc tế đang bị thách thức. Nhiều quốc gia thành viên sáng lập Tòa án Hình sự quốc tế đã không ngừng chỉ trích và phủ nhận định chế này. 

Nhưng như chúng ta thấy, nếu các quốc gia có thiện chí thì tư pháp vận hành. Đây là một thông điệp tuyệt vời về việc tư pháp quốc tế vẫn đang hoạt động. Đây là một thông điệp tuyệt vời gửi đến các nạn nhân. Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ tiếp tục truy tố các lãnh đạo cao cấp. Thông điệp được gửi đi ở đây là : đây là một trường hợp của Philippines, nhưng ngày mai có thể là nước Nga, liên quan đến chiến tranh tại Ukraina. Đây là một thông điệp cảnh báo quan trọng gửi đến tất cả các lãnh đạo cao cấp. Hãy giữ vững niềm tin ! Đặc biệt là niềm tin vào định chế tư pháp quốc tế ».

 

 

 

 

Ghi chú

(*) Pierre Vimont nguyên là tổng thư ký điều hành của cơ quan đối ngoại Liên Âu, người được tổng thống Pháp Macron bổ nhiệm làm đại diện đặc biệt trong các đối thoại vì « một kiến trúc an ninh châu Âu và xây dựng niềm tin với Nga » năm 2019.

...more
View all episodesView all episodes
Download on the App Store

Tạp chí đặc biệtBy RFI Tiếng Việt


More shows like Tạp chí đặc biệt

View all
Thời sự quốc tế - VOA by VOA

Thời sự quốc tế - VOA

37 Listeners

Thế giới quanh ta - VOA by VOA

Thế giới quanh ta - VOA

4 Listeners

Thời sự Việt Nam - VOA by VOA

Thời sự Việt Nam - VOA

6 Listeners

Tri Kỷ Cảm Xúc by Web5ngay

Tri Kỷ Cảm Xúc

219 Listeners

 by RFI Tiếng Việt

13 Listeners

The Quoc Khanh Show by VIETSUCCESS

The Quoc Khanh Show

21 Listeners

Tạp chí âm nhạc by RFI Tiếng Việt

Tạp chí âm nhạc

2 Listeners

Tạp chí văn hóa by RFI Tiếng Việt

Tạp chí văn hóa

0 Listeners

Tạp chí khoa học by RFI Tiếng Việt

Tạp chí khoa học

0 Listeners

Tạp chí tiêu điểm by RFI Tiếng Việt

Tạp chí tiêu điểm

0 Listeners

Spiderum Official by Spiderum

Spiderum Official

23 Listeners

Chương trình 60' by RFI Tiếng Việt

Chương trình 60'

8 Listeners

Truyền hình vệ tinh VOA Express - VOA by VOA

Truyền hình vệ tinh VOA Express - VOA

6 Listeners

Tạp chí kinh tế by RFI Tiếng Việt

Tạp chí kinh tế

0 Listeners

Tạp chí thể thao by RFI Tiếng Việt

Tạp chí thể thao

0 Listeners

Tạp chí Việt Nam by RFI Tiếng Việt

Tạp chí Việt Nam

0 Listeners

Tạp chí xã hội by RFI Tiếng Việt

Tạp chí xã hội

0 Listeners

5 Phút Chuyện Thị Trường by 5 Phút Chuyện Thị Trường cùng Vũ Kim Hạnh

5 Phút Chuyện Thị Trường

0 Listeners